“Khi nào Sài Gòn hết dịch con mới trở về”

Thứ Bảy, 28/08/2021, 13:32

Quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh làm tình nguyện viên vận chuyển hàng hoá cho bà con giữa tâm dịch chỉ trong vài giờ đồng hồ, rồi vội vã gửi con cho người em họ và lập tức lên đường ngay ngày hôm sau, Nguyễn Hà Giang khiến nhiều người ngỡ ngàng... Chỉ khi vào đến nơi, nhắn tin về thì mẹ Giang và gia đình mới biết cô con gái đã “trốn nhà” đi tình nguyện với lời hứa “khi nào Sài Gòn hết dịch con mới trở về”.

Đam mê làm từ thiện

Tôi biết Nguyễn Hà Giang cách đây 5-6 năm, khi ấy Hà Giang đang là cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Bắc Mê, Hà Giang. Ngày ấy, Giang đã đi khắp các vùng quê nghèo khó của huyện Bắc Mê cùng các bạn trong nhóm tình nguyện của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên chính mảnh đất quê hương.

Lúc đầu, Giang cùng hai người bạn vận động mọi người tham gia nấu cháo phát miễn phí cho các bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Bắc Mê. Về sau, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người, Giang và các bạn quyết tâm thành lập nhóm thiện nguyện, tập hợp những người giàu nhiệt huyết, có ý thức, trách nhiệm trong công tác từ thiện, huy động mọi nguồn lực cả vật chất và tiền bạc nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hoặc hỗ trợ những gia đình gặp thiên tai, bệnh tật đột suất. Việc làm cơ bản của nhóm là duy trì nồi cháo từ thiện tại bệnh viện, xây dựng điểm trường khó khăn và tiếp nhận, cấp phát quần áo, chăn màn cho mọi người có hoàn cảnh thiếu thốn.

Năm 2016, Giang đã nảy ra ý tưởng làm chương trình “Măng ớt yêu thương cùng em đến trường”. Ban đầu Giang cùng với các thành viên trong nhóm đến từng nhà mua măng của bà con sau đó mang về tập trung cùng làm và đóng hộp mang bán cho những người có nhu cầu. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực, trước tiên là tiêu thụ nông sản cho bà con, sau đó tiền lãi thu được sẽ gây quỹ hỗ trợ đồ dùng học tập, sách vở, giày dép và quần áo cho học sinh khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở những nồi cháo tình nguyện, chứa đựng yêu thương, mà nhóm còn kết nối mang cơm ngon áo ấm cho các em nhỏ nghèo khó ở các điểm trường vùng sâu vùng xa của huyện, xây dựng những ngôi trường mới cho các em, giúp đỡ những bệnh nhân chữa bệnh hiểm nghèo trở về nhà để cùng gia đình phát triển kinh tế. Gần như những mảnh đất nghèo khó của Hà Giang, Giang và các bạn đều đã đặt chân đến.

“Khi nào Sài Gòn hết dịch con mới trở về” -0
Hà Giang trực tiếp lái xe vận chuyển hàng hóa đến các khu cách ly.

Trốn gia đình vào Nam chống dịch

Hiện nay Hà Giang đã chuyển về sinh sống ở Hà Nội và làm nghề kinh doanh tự do, nhưng Giang và các bạn của mình vẫn tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Bắc Mê. Việc trốn nhà vào Sài Gòn làm tình nguyện viên chống dịch của Giang khiến gia đình dù bất ngờ nhưng cũng không dám ngăn cản.

Giang kể, trước ngày bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, Giang thức tới 2 giờ đêm để làm công tác tư tưởng với cậu con trai 7 tuổi của mình. Quyết định đi chỉ diễn ra vẻn vẹn trong vài tiếng đồng hồ. Quen với cảnh mẹ thường xuyên xa nhà đi tình nguyện nhiều ngày nên cậu con trai không hề mè nheo, khóc lóc, thậm chí còn động viên mẹ, nếu về Hà Nội cách ly, con sẽ xin đi theo để cách ly cùng mẹ.

Sau khi có kết quả xét nghiệm COVID-19, Giang đưa con gửi cho cô em họ trông giúp rồi về nhà chuẩn bị hành trang lên đường. “18 giờ, em mang kéo ra tự cắt phăng mái tóc, vì nghĩ khi đi chống dịch, để tóc dài sẽ rất bất tiện. 20 giờ, một mình em ra sân bay, hôm đó cũng là ngày cuối cùng các chuyến bay Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động. Em không dám báo tin cho mẹ vì sợ bà lo lắng. Đến lúc vào tới nơi, mới dám gọi điện về thông báo tình hình. Biết tính con gái, mẹ chỉ dám nhắn nhủ “con giữ sức khỏe” chứ cũng không dám can ngăn”, Giang chia sẻ.

Vốn hay làm thiện nguyện cùng với ca sĩ Thái Thùy Linh, nên sau khi vào Sài Gòn, Giang tham gia cùng nhóm “Người Việt thương nhau” của nữ ca sĩ, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm tới khắp các khu phong tỏa, điểm cách ly ở TP. HCM.

Sau 3 ngày đêm khảo sát nghiên cứu tình hình tại 5 quận của thành phố, đi xuống tận các xóm nghèo, những khu vực người dân bị cách ly, ca sĩ Thái Thùy Linh cùng các cộng sự lập tức khởi động chiến dịch “Thương Sài Gòn”, mở rộng quy mô hoạt động của chiến dịch thành “Người Việt thương nhau”.

Là một thành viên tích cực, trợ lý của ca sĩ Thái Thùy Linh, Giang cũng cật lực ngày đêm tìm các phương án hỗ trợ bà con, kêu gọi các Mạnh thường quân, các tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch “Người Việt thương nhau”.

Những ngày đầu mới vào Sài Gòn, quay cuồng trong lịch di chuyển, vận chuyển hàng hóa, lại không quen đường sá, Giang thường xuyên đi lạc dù có google maps chỉ dẫn. Ban ngày, Giang tham gia bốc dỡ hàng hóa, chở đồ tiếp tế đến từng khu vực. Không ít lần bị lạc đường, mất hàng tiếng đồng hồ chạy lòng vòng vì đi nhầm vào khu vực đã bị phong tỏa, chốt chặn.

Mỗi ngày di chuyển hàng chục điểm, Giang chỉ có thể gọi điện xác nhận theo danh sách, tới trao đồ rồi nhanh chóng đi sang nơi khác, chẳng có thời gian tâm sự, hỏi han người mình giúp đỡ nhưng nhìn ánh mắt rạng ngời của họ, nghe tiếng cảm ơn đầy xúc động, Giang và các bạn cũng cảm thấy ấm lòng.

Có lần, khi đã phát xong các điểm trong một khu vực và di chuyển sang nơi khác, Giang mới phát hiện mình bỏ sót một điểm. Khi đó, trời đổ mưa tầm tã, cũng đã gần tới giờ giới nghiêm, Giang định quay về rồi mai mới phát tiếp nhưng rồi nghĩ đến hoàn cảnh người dân khó khăn, đang chờ đợi mình đến giúp, Giang lại quay xe đi tiếp. Tới nơi, Giang xúc động khi thấy trong bốn người có một cụ bà, chỉ mặc một tấm áo mưa, đội chiếc nón cũ. Cụ đi bộ từ trong con hẻm sâu ra đầu đường để nhận đồ tiếp tế. Họ rơi nước mắt, cảm ơn khi nhận món quà nhỏ.

“Khi nào Sài Gòn hết dịch con mới trở về” -0
Kho hàng đầy ắp của nhóm từ thiện “Người Việt thương nhau”.

Nếu ai cũng sợ hãi thì ai sẽ đi chống dịch?

Ngày nào Giang và các bạn trong nhóm cũng bốc vác, vận chuyển quần quật từ sáng sớm đến 18 giờ giới nghiêm mới quay trở lại khách sạn. Tắm rửa, cơm nước xong xuôi, Giang và mọi người lại tiếp tục thống kê, lên danh sách những nơi bà con cần hỗ trợ cho ngày mai. Có những hôm phải 2-3 giờ sáng cả nhóm mới đi ngủ. 5 giờ đã phải dậy đi nhận hàng.

“Có lần, phải bốc dỡ hàng tấn gạo trong khi mặc bảo hộ kín mít và đeo khẩu trang, em thấy khó thở, lồng ngực đau tức, mồ hôi túa ra. Rồi việc đeo khẩu trang liên tục, vành tai em đau rát vì nổi nhọt. Nhưng cuối ngày, anh chị em lại vui vẻ động viên nhau vượt qua. Cái quan trọng nhất là phải giữ sức khoẻ, mình vào đây giúp mọi người thì phải biết cách bảo vệ mình để không làm ảnh hưởng đến người khác”, Giang cho biết.

Ngày vào Sài Gòn, nhiều bạn bè nhắn tin, gọi điện và cả bạn bè trong nhóm tình nguyện đều bảo Giang “điên” vì tự dưng lao vào tâm dịch giữa lúc tình hình đang phức tạp. Thậm chí có người còn bảo Giang thích làm màu, làm hình ảnh, nhưng Giang chỉ cười xuề xoà. “Sài Gòn chẳng có mối liên hệ gì với em cả, nhưng đọc báo, xem truyền hình thấy bà con tội quá. Tự mình cảm thấy có trách nhiệm phải lên đường. Ai nói mình làm màu, làm hình ảnh em cũng kệ. Giúp được nhiều người là em thấy vui, thấy hạnh phúc lắm rồi”, Giang tâm sự.

Khi vào TP Hồ Chí Minh được một tuần, tình hình dịch bệnh ở đây hết sức căng thẳng, mẹ Giang lo cho con gái chỉ biết nhắn tin “Một tuần thế là đủ rồi, về đi!”. Đọc tin nhắn của mẹ, Giang lại rưng rưng nước mắt. Biết mẹ lo lắng lắm nhưng Giang bảo, nếu ai cũng sợ hãi dịch bệnh, thì lấy ai đi chống dịch, lấy ai đi giúp đỡ người khác. Và Giang lặng lẽ đăng tải lời nói ấy lên mạng xã hội như một lời nhắn nhủ với bạn bè, người thân.

Hiện tại Hà Giang cùng ca sĩ Thái Thùy Linh và các bạn tình nguyện viên đang nỗ lực làm việc gấp 2-3 lần sức lực để góp phần mang đến những phần quà ý nghĩa cho bà con khu phong tỏa giữa những ngày tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn đang rất căng thẳng. Ông Lê Phúc Hậu, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam quận Tân Phú chia sẻ, nhóm hoạt động trên địa bàn đã tuân thủ tốt quy định phòng chống dịch bệnh, ngoài ra đã hỗ trợ cho chính quyền địa phương rất nhiều.

Trâm Anh
.
.