Đọc lướt, xem lướt, và...

Thứ Bảy, 23/07/2022, 20:09

Chủ nhật, tôi quyết tâm tắt điện thoại, tắt máy tính, đi tới một làng chài cổ ở Cát Bà (Hải Phòng) nghỉ ngơi. Thiên nhiên ùa vào cái tâm hồn phố thị nhàu nát và cằn cỗi của tôi. Thiên nhiên tươi đẹp quá. Tôi nói với anh bạn đi cùng: Từ giờ mỗi tuần nhất định sẽ tắt các thiết bị công nghệ ít nhất một lần. Anh bạn cười: “Làm được vậy thì quá tuyệt”.

Chủ nhật tuần sau, quả nhiên tôi làm vậy. Lần này, không có cơ hội đi xa khỏi thành phố thì tôi đi dạo qua các con phố. Vẫn là chừng ấy những con phố thôi, ngày nào mình cũng đi qua. Nhưng mọi ngày phóng xe ầm ầm, vừa đi vừa nói chuyện điện thoại, dừng đèn đỏ cũng phải lôi điện thoại ra “check” tin tức, còn bây giờ thì tuyệt đối không. Bây giờ, chỉ đi bộ và ngắt kết nối. Cái cảm giác ấy mới tuyệt diệu làm sao.

nguyen-nhan-vi-sao-xem-dien-thoai-truoc-khi-ngu-lai-gay-ra-kho-ngu-2.jpg -0

Chủ nhật tuần sau nữa, tôi tiếp tục phát huy sự tuyệt diệu mình vừa ngộ được. Nhưng chuyện cũng nảy sinh từ đấy. Họp giao ban sáng thứ Hai, sếp quát tháo ầm ĩ: “Ngày nghỉ các ông/bà cũng phải mở điện thoại chứ. Đấy! Có việc khẩn cấp như hôm qua, không gọi được thì chết dở”. Sáng thứ Hai, vừa mở lại máy điện thoại, tôi đã lường trước việc sẽ phải hứng chịu một trận lôi đình của sếp. Bởi lúc đó điện thoại thông báo, có tới 35 cuộc gọi nhỡ, trong đó 29/35 là của sếp. Quả thật, cơ quan có chuyện khẩn. Rất khẩn. Liên quan đến tính mạng con người hẳn hoi. Tôi làm ở phòng nhân sự, liên quan trực tiếp đến những chuyện như thế, nên cũng thấy vô cùng hối lỗi. Kể từ hôm đó, công cuộc “tắt điện thoại” vừa mới nảy sinh của tôi chấm dứt.

Và có lẽ bạn cũng như tôi thôi. Muốn thực sự ngắt kết nối e là chỉ còn cách bỏ vợ con gia đình lên núi mà ở. Chứ còn liên quan đến phố, còn kiếm cơm trong phố, còn sinh tồn trong phố thì bắt buộc phải mở điện thoại, 24/24. Việc mở điện thoại 24/24, theo một cách nào đó, sẽ khiến đầu óc chúng ta vụn vỡ đi thì phải. Tôi chỉ nhìn từ tôi thôi, đang làm công việc chuyên môn, thấy một cuộc gọi/một tin nhắn, thế là bị ngắt mạch. Nhưng rồi đến một lúc chẳng cần cuộc gọi và tin nhắn nào cả mà vẫn bị ngắt mạch. Đó là lúc cái màn hình sáng lên, thông báo có một Email mới, một comment mới, cho một bức ảnh mình mới đăng lên facebook. Mà trong rất nhiều trường hợp, màn hình chưa kịp sáng, bạn đã chủ động mò vào facebook để xem lại các comment cũ, và đếm từng lượt like, lượt share mới cũng nên. Tất cả những hành vi đó thực sự khiến công việc đang làm của chúng ta bị ngắt quãng. Ngay cả khi đọc sách, chìm hết vào thế giới ở trong sách, nhưng chẳng may lại để cái điện thoại ngay gần sách thì chỉ cần đọc vài trang là lại… mở khóa, ngó vào điện thoại. Hẳn nhiên vẫn sẽ có những người làm xong công việc đang làm, đọc xong một chương sách/một cuốn sách đang đọc mới quay ra, nghiêng mình vào điện thoại. Nhưng tin tôi đi, số lượng những người duy trì được sự tập trung tối đa và sự phân tán tối thiểu như vậy chỉ là số ít. Phần lớn chúng ta đều bị cái điện thoại cám dỗ. Chúng ta bắt buộc phải sống với nó, rõ rồi, nhưng hơn thế nữa, còn bị phụ thuộc vào nó, chi phối bởi nó, thậm chí là tuân lệnh nó.

Thật ra điện thoại với chỉ các chức năng nghe – gọi – nhắn tin ngày xưa không như thế. Nhưng điện thoại thông minh với vô vàn các chức năng được tích hợp lại trên một màn hình lại là như thế. Cho nên mới có người nói ngoa ngôn lên rằng, ông Steve Jobs- cha đẻ của Iphone là người sinh ra một công nghệ mới, nhưng vì công nghệ mới đã chi phối khủng khiếp thói quen của con người, dẫn tới những hành vi mới, những ứng xử mới, những nếp nghĩ mới của con người, cho nên một cách sâu thẳm, ông ấy cũng đồng thời sinh ra một loài người mới. Một loài người mà 2/3 thời gian trong ngày thường xuyên cúi mặt, nhìn vào Iphone. Cách nói ngoa ngôn, phóng dụ này có thuyết phục bạn không thì tùy, nhưng rõ ràng là một “loài người cúi mặt” là những tín hiệu khiến bạn phải suy nghĩ. “Loài người” ấy văn minh tới cỡ nào?

Mới đây, ông tỷ phú Elon Musk bên Mỹ làm chao đảo các diễn đàn vì những phát ngôn liên quan đến “loài người” ấy. Ông ấy đặt ra câu hỏi: “Có phải TikTok đang phá hủy nền văn minh không?”. Rồi ông ấy nhấn nhá: “Một số người nghĩ như vậy đấy. Hoặc có lẽ là mạng xã hội nói chung”. TikTok là những clip ngắn, từ vài chục giây đến 2,3 phút, và nó đang là một thứ mạng xã hội “gây nghiện” với rất nhiều người, không chỉ là người trẻ. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, người ta dàn dựng những clip rất đặc sắc, rất thu hút, rất ấn tượng, rất hài hước, rất giật gân…, tóm lại là những clip thu hút sự chú ý mạnh mẽ của người xem. Trôi hết từ những clip ấn tượng này đến clip ấn tượng khác, từ những clip đặc sắc này đến những clip giật gân khác, người xem sẽ được thỏa mãn nhu cầu giải trí. Và cứ liên tục trôi dạt vào những clip ngắn/mảnh/vụn như thế, phải chăng não bộ người xem cũng chỉ có thể thích ứng được với tất cả những gì nằm trong khuôn khổ của ngắn/mảnh/vụn? Phải chăng tất cả những gì thuộc về phạm trù sâu sắc, toàn cảnh đều “khó nuốt”? Cảnh báo về việc TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung đang “phá hủy nền văn minh” của Elons Musk có lẽ nằm ở chỗ này.

Thật ra thì ngay từ khi những tờ báo mạng điện tử đầu tiên xuất hiện, người ta cũng đã bắt làm quen với một thuật ngữ mới: Lướt mạng! Bạn hãy chú ý nhé: Lướt! Lướt là đọc lướt, đọc nhanh, đọc để lấy những thông tin quan trọng nhất rồi thôi. Phục vụ cho nhu cầu “lướt mạng” nên một ngành mới trong đào tạo báo chí đã thành hình, ngành báo mạng điện tử, trong đó kĩ thuật viết báo, phục vụ cho nhu cầu “lướt mạng” cũng đã được thiết kế rất rõ ràng. Từ những trang báo mạng đầu tiên đến những trang mạng xã hội đình đám như facebook, Tiktok hiện nay, từ đọc nhanh đến xem nhanh, từ đọc lướt đến xem lướt…, thời đại này đang là một thời đại bội thực thông tin, trong đó có vẻ là sự lên ngôi của những thông tin “mì ăn liền”. Một thời đại thừa thông tin nhưng thiếu trí tuệ - một nhà nghiên cứu truyền thông nào đó từng tổng kết.

phone4pcmag_2382017.jpg -0

 Nhưng sự thực có phải như vậy không? Sự thực có phải là nền văn minh của chúng ta đang cần phải được cảnh báo, như cách đặt vấn đề của Elons Musk hay không? Nếu đặt câu hỏi này cho Gen Z (những người sinh trong khoảng thời gian 1996-2012), những người sinh ra/lớn lên/trưởng thành/định danh bằng Internet thì câu trả lời có thể là “không”. Họ hoàn toàn có thể vặn lại: Tại sao chúng ta lại định kiến rằng họ chỉ có thể kết nối với Internet mà không có những kết nối với những hệ giá trị truyền thống khác? Họ sẽ bảo, nếu những chiếc Iphone khiến con người “nghĩ nhanh/ nghĩ ngắn” thì tại sao thế hệ của họ vẫn có những con người đã và đang vươn tới những đỉnh cao sáng tạo đáng ngưỡng mộ? Thành thử, không từ những cảnh báo (dẫu là những cảnh báo của những con người hết sức uy tín và nổi tiếng) mà chúng ta vội vàng kết luận vấn đề. Ở đây, đơn giản chỉ là chúng ta suy tư thời đại bằng những trải nghiệm của mình, để rút ra bài học cho mình.

Chẳng hạn như trước đây tôi có thói quen cứ dừng đèn đỏ là lại rút điện thoại ra xem. Nhưng khi thấy rằng đấy không chỉ là một hành động mất an toàn giao thông, mà còn khiến mình bị “vụn đầu” thì tôi phải cố cai bằng được. Nếu thấy rằng việc “đọc lướt” có thể khiến mình nông đi, việc “xem lướt” có thể khiến mình nhạt đi thì cũng phải cố tìm cách để quy hoạch lại việc đọc và xem của mình. Không đơn giản đâu, nhưng phải cố. Vì chẳng còn cách nào khác cả.  

Bây giờ, tôi không còn tắt điện thoại vào những ngày chủ nhật cuối tuần nữa, vì không muốn điều đó làm ảnh hưởng tới công việc. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm không để cái điện thoại làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của mình như trước nữa. Chẳng phải vì những lý do ghê gớm liên quan đến sự sinh tồn này nọ của nền văn minh nhân loại đâu, đơn giản là vì “nền văn minh” của chính tôi.

Nhìn sâu vào con người mình, chỉ với riêng mình, tôi hiểu rằng “nền văn minh” được thiết lập trong mình sẽ không thể phát triển nếu nó cứ bị phân mảnh bởi chuyện đọc lướt, xem lướt, và thậm chí là… yêu lướt!

Mỹ Chí
.
.