“Làm sao em biết, bia đá không đau?”

Thứ Hai, 27/06/2022, 20:56

Chiều! Một buổi chiều bàng bạc ở ngã ba đường Yết Kiêu – Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Tôi đứng nán lại ở trên tầng 2 khách sạn, nhìn qua cửa kính xuống vỉa hè, nơi bà đang đứng đợi một người bạn. Điếu thuốc trong tay bà vơi dần. Thi thoảng bà nhả những vòng khói vào chiều. Những vòng khói gầy guộc, mong manh, tan biến. Dòng người xe vẫn thế trôi qua, chẳng ai để ý đến những vòng khói ấy. Chẳng ai để ý người vừa nhả những vòng khói ấy là bà – ca sĩ Khánh Ly.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người nhả khói, nhưng cái cảm giác đứng lặng lẽ nhìn bà nhả khói vẫn để lại một ấn tượng đặc biệt, chẳng phải vì làn khói ấy đến từ một người phụ nữ, mà vì những làn khói ấy nhập vào cái dáng vẻ tĩnh lặng của bà, cái dáng vẻ như chẳng liên quan gì tới con phố kia cứ gợi tôi ngẫm nghĩ về sự cô đơn của kiếp người.

Trước đó, trong cuộc đối thoại khoảng chừng 2 tiếng với bà, tôi tuyệt đối không nhắc tới 2 chữ “cô đơn”, cho dù tôi biết thứ âm nhạc gắn với bà là thứ âm nhạc cô đơn khủng khiếp. “Trên giọt máu cuồng điên/ Con chim đứng lặng câm/ Khi về trong mùa đông/ Tay rong rêu muộn màng…” -còn gì cô đơn hơn thế? “Từ lúc đưa em về/ Là biết xa nghìn trùng” – còn gì cô đơn hơn thế? “Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay” – còn gì cô đơn hơn thế? Tôi nhớ, lần đầu tiên về Việt Nam thăm mộ Trịnh Công Sơn, bà mặc áo dài tím, cầm một bó hồng vàng dâng lên người dưới mộ.

“Làm sao em biết, bia đá không đau?” -0

“Có phải bà chọn hoa hồng vàng vì câu hát ấy không?” – tôi hỏi. Bà ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời rất tự nhiên: “Ừ thì cũng có thể! Nhưng có lẽ không phải đâu. Là bởi vì tôi thích hoa hồng vàng thôi”. Đấy có lẽ cũng chẳng phải một sự chọn lựa chủ đích nào hết, nhưng có thể lại là một sự chọn lựa từ vô thức – cái vô thức vượt khỏi những suy nghĩ vốn có của bà. Rồi bà nói rằng, đấy là lần đầu tiên bà tặng hoa một người. Trời ơi, lần đầu tiên tặng hoa lại là tặng hoa một người dưới mộ. Có thật không nhỉ? “Thật chứ! Tôi chẳng tặng hoa cho ai bao giờ. Cũng chẳng ai tặng hoa cho tôi bao giờ, tất nhiên, trừ khán giả. Khi sống, chồng tôi chẳng tặng hoa cho tôi. Ông Trịnh Công Sơn cũng chẳng bao giờ tặng hoa cho tôi. Mà tôi cũng chẳng thấy đấy là vấn đề”.

“Một người đàn bà hát, hát đến gây nghiện như Khánh Ly mà lại không có người đàn ông nào tặng hoa ư? Khó tin quá” – tôi tấn công. Bà nhún hai vai giải thích: “Hồi còn trẻ, lúc nào tôi và ông Sơn cũng có một đám bạn mấy chục người đàn ông xung quanh. Nhưng ai cũng coi tôi như con trai vậy. Đến mẹ tôi cũng chẳng thích cái tính như con trai của tôi. Nên người ta chỉ thích đứng từ xa nhìn thôi, chẳng ai đến gần tặng hoa làm gì”.

- Vậy lúc tặng hoa một người nằm dưới mộ, cái lần đầu tiên tặng hoa trong đời, ý nghĩ lớn nhất trong bà là gì?

- Anh Sơn ơi! Anh có chết đâu! Anh chỉ đi ra đầu ngõ một tí xíu thôi mà, rồi chút nữa anh về. Mà sống chết cũng chẳng ngăn cách được chúng tôi đâu.

Nói xong bà trầm ngâm, nhìn những giọt nắng rơi bên ngoài cửa sổ. Đấy là nốt trầm duy nhất trong gần 2 tiếng đối thoại của chúng tôi. Tôi chủ động để nốt trầm ấy ngân nga, rồi tò mò đợi xem điều gì sẽ diễn ra sau đó. Cũng chẳng phải với riêng Khánh Ly, trong nhiều cuộc đối thoại với nhiều người khác, tôi rất tò mò với những nốt trầm kiểu này. Thường những lúc này, tôi chẳng dẫn chuyện gì cả, cứ để cho nốt trầm tự ngân, rồi chờ xem nhân vật của mình sẽ phản ứng gì tiếp theo.

Với Khánh Ly, tôi không phải chờ đợi lâu, bởi rất nhanh sau đó, bà đã thoát khỏi nốt trầm, để trải lòng với một nốt trung quen thuộc. Bà bảo, ở Mỹ bà chỉ đi hát rồi về nhà, không giao du náo nhiệt, không vào sòng bài giải trí. Bà bảo, suốt 40 năm, bà chỉ gắn bó với một tiệm phở, một tiệm may áo dài. Bà bảo, tất tật mọi thứ ở bà, từ giọng nói, giọng hát đến nhan sắc đều tự nhiên như nó vốn có, chẳng giữ gìn, chẳng tô vẽ, chẳng trang điểm gì. “À, mà kể ra cũng có lúc tôi cũng loé lên cái ý nghĩ là mình thử đi phẫu thuật xem có trẻ hơn không, có đẹp hơn không. Nhưng rồi lại thôi, bởi tôi sợ lợn lành thành què thì chết” – bà vừa nói vừa cười. Đến lúc này, chắc chắn là bà đã thoát hẳn khỏi nốt trầm rồi. Nhưng tôi vẫn muốn kéo bà về nốt ấy, vì tôi vẫn tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra với bà ở trong nốt ấy. Cho nên tôi hỏi:

- Chồng bà qua đời và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, với bà, hai sự qua đời ấy để lại những cảm giác khác nhau như thế nào?

Đặt ra câu hỏi ấy, tôi nghĩ bà sẽ phải rất trầm, rất lặng, rất suy tư trước khi trả lời. Nhưng hóa ra không phải thế. Bà vẫn dễ dàng thoát khỏi nốt trầm (mà tôi dự liệu) để thoải mái với nốt trung quen thuộc với mình: “Chồng tôi chết, tôi đau. Trịnh Công Sơn chết, tôi không đau. Thật đấy”. Lạ quá! Bất ngờ quá. Tôi chủ động để toàn bộ cảm giác sốc lạ, bất ngờ của mình hiện lên khuôn mặt. Thấy thế bà giải thích ngay: “Chồng mất là mất đi một người gần gũi, chia sẻ hằng ngày. Còn Trịnh Công Sơn mất thì như tôi đã nói đấy, sống chết đâu có ngăn cản được anh em chúng tôi. Chúng tôi vẫn còn âm nhạc mà”. Bà giải thích rằng chẳng phải chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn mới đẹp. Nhạc Văn Cao cũng đẹp, nhạc Phạm Duy cũng đẹp, rồi sau này bà thấy nhạc Phú Quang, Thanh Tùng cũng đẹp. Nhưng với riêng bà, tất cả những cái đẹp đó vẫn không thể thay thế được cái đẹp mang tính “cứu rỗi” mà âm nhạc Trịnh Công Sơn tạo dựng trong lòng mình. “May quá, cuộc đời có một cái đẹp như thế để tựa vào”, bà bảo. Tôi đề nghị bà chỉ ra cái đẹp trong âm nhạc Trịnh Công Sơn được biểu hiện cụ thể như thế nào. Bà lắc đầu: “Không biết! Không cắt nghĩa được. Mà em cứ nghĩ đi, cái gì cắt nghĩa được thì nó lại không còn lạ, không còn đẹp nữa”.

“Làm sao em biết, bia đá không đau?” -0

Sau khi chồng mất, Khánh Ly dựng một sân khấu nhỏ ở sau nhà, thi thoảng trưng đèn hát cho khoảng mươi, mười lăm người bạn thân thiết với mình. Bạn gọi cái sân khấu gia đình ấy là “Quán văn”, cái tên gợi lại một tụ điểm âm nhạc dựng lên ở khoảng đất trống sau lưng Đại học Văn khoa Sài Gòn vào những năm 1967. Thời đó Khánh Ly đi chân đất, hát những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn ở “Quán văn”, nên được tặng cho cái biệt hiệu rất dễ thường là “nữ hoàng chân đất”. Bây giờ, vào những thời khắc cuối cùng của sự nghiệp, Khánh Ly lại dựng “Quán văn” trong nhà mình, “là bởi vì tôi tham, tôi muốn sống thêm một cuộc đời nữa mà” – bà lại cười giòn.

Tôi biết, với một nhạc sĩ, ca sĩ hay với bất cứ người nghệ sĩ nào nói chung khi đứng trước câu hỏi: “Tác phẩm nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình?”, họ thường lắc đầu. Bởi nếu chia sẻ công khai về một tác phẩm “đáng nhớ nhất”, người ta sẽ rất khó vượt qua nó để tạo ra những tác phẩm đáng nhớ tiếp theo. Nhưng tôi lại biết Khánh Ly theo đạo, là con chiên của Chúa, nên tôi đẩy câu chuyện về phía Chúa:

- Nếu bây giờ Chúa hiện ra, đề nghị bà chỉ được chọn 1 bài để hát, bà sẽ chọn bài nào?

Bạn đoán xem, Khánh Ly sẽ chọn bài nào? “Hạ Trắng”? “Mưa Hồng”? “Ru ta ngậm ngùi”? Hay “Nắng thuỷ tinh”? Và đây là câu trả lời của Khánh Ly:

- Tôi sẽ chọn bài tôi hát đầu tiên: “Diễm Xưa”! Là bởi vì (nghĩ ngợi…), từ bài đó mà tôi đi được một đoạn đường rất dài.

Một con đường dài, một con đường lấp lánh, một con đường khiến nhiều khát khao, mơ ước, ắt hẳn bạn đang nghĩ như vậy phải không? Vậy thì bạn hãy nghe Khánh Ly nói về con đường ấy: “Tôi ở trong cái nghiệp dĩ này năm mươi mấy năm. Một cái nghiệp dĩ mà nó khắc nghiệt, nó cay đắng, nó bội bạc. Là cái nghiệp đi ca hát này. Mọi người ở ngoài nhìn vào cứ bảo: Đời ca sĩ sướng quá. Là tại vì họ chưa, họ chưa ở trong cái nghiệp này thôi. Tôi không muốn cho con tôi theo cái nghiệp dĩ này là vì thế. Nhưng trong cái nghiệp dĩ này, suốt hơn 50 năm, bất luận với nhạc sĩ, ca sĩ, già trẻ, lớn bé, nổi tiếng hay không nổi tiếng thì tôi cũng chưa bao giờ lớn tiếng. Bây giờ có ai chửi tôi, tôi cũng cúi đầu đi thôi. Tôi không giận. Là tại vì tôi nghĩ những cái đó không liên quan gì đến tôi cả... Tôi không chán ai mà cũng chả ghét ai cả. Thí dụ mình không thích một cái gì đó thì mình đừng nhìn. Nếu ai mời tôi tham gia 1 show mà tôi biết là ở đó có người ghét tôi thì tôi sẽ nói với người mời: Xin cho tôi hẹn lần khác đi. Vậy thôi. Khỏi bực mình”.

Tôi thích câu trả lời của bà, vì nó chân thật, không tô vẽ. Cũng như tôi bị ám ảnh mãi bởi những vòng khói cô đơn mà bà nhả ra trong chiều. Sau cuộc đối thoại với bà hôm ấy, tôi chui vào một góc cà phê, và cũng nhả ra những vòng khói như thế. Cùng với những vòng khói, tôi nghe giọng bà trầm khàn vang lên từ điện thoại:

Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động

Làm sao em biết bia đá không đau

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

Những câu hỏi cứ đổ xuống, cắc cớ trong tôi: Làm sao em biết? Làm sao em biết? Làm sao em biết? Rồi tôi nhớ tới cảnh Khánh Ly cầm bó hoa hồng vàng dâng lên bia mộ Trịnh Công Sơn vài năm về trước. Bia đá lúc ấy có biết và có nghe thấy lòng bà không? “Không! Anh không chết đâu! Anh chỉ ra đầu ngõ, một xíu anh về…”.

Phan Đăng
.
.