Nhà văn Đặng Chương Ngạn: Người chăn dắt nỗi buồn
Anh nhớ mãi một đêm lạnh, hai cha con đi lầm lũi giữa cánh đồng vắng lặng, bỗng dưng bầu trời sáng rực bởi mưa sao, hàng ngàn vệt sáng như pháo hoa kéo trên nền trời xanh, đẹp, rực rỡ. Người cha nói với anh đấy là sao chổi, hàng chục năm mới may mắn được chứng kiến một lần. Ấn tượng về đêm sao ấy với người cha, trên cánh đồng vắng theo anh mãi cả khi đã lớn.
Cậu bé Đặng Chương Ngạn ốm tong teo, người khô quắt, chơi thẫn thờ trong sân nhà với đôi mắt buồn rũ. Một bữa, mẹ anh đi chợ, thấy ông già người dân tộc bày trên mẹt mấy viên thuốc tễ đen đen bằng hạt đậu. Mẹ mua mấy viên về. Không ngờ anh uống mấy viên thuốc tễ đen đen đó khỏi hẳn bệnh, cứ như gặp thuốc tiên vậy.
Nhà văn Đặng Chương Ngạn. |
1. Tôi biết Đặng Chương Ngạn vào khoảng thời gian anh đang là một trong những cây viết truyện ngắn được chú ý. Vào thời kỳ ấy báo Tuổi Trẻ có đăng truyện ngắn của các tác giả tuần một kỳ trên số Chủ nhật. Những truyện ngắn ký với bút danh Đặng Trung Nhân như Hãy đi đi!; Bến sông; Đỉnh gió ngàn mang đến bạn đọc một không khí lạ, không gian lạ, với những nhân vật đầy niềm tin, ước mơ, và luôn khao khát một điều gì đó cháy bỏng. Giọng văn nhiều khi buồn đến da diết. Người đọc tinh ý, nhận ra sự bức bối, tù hãm, và tiếng gọi ra đi, mong một sự đổi thay.
Bến sông - truyện ngắn của anh có nhân vật Khán trong tuổi thơ luôn nghe một tiếng hát liêu trai của cô gái lái đò trên con sông chảy qua trước nhà, luôn hình dung ra một người phụ nữ đẹp, hạnh phúc để rồi khi lớn lên nhận ra một sự thật phũ phàng: "Đó là một người phụ nữ góa chồng và hình như ngớ ngẩn", người phụ nữ hát: "để đỡ cô đơn khi một mình đêm đêm xuôi thuyền trên sông vắng…". Đặng Chương Ngạn viết nhiều về nhưng giấc mơ thời thơ ấu, rồi tan đi trước sự thật trần trụi phũ phàng của cuộc sống hiện tại, nhưng anh lại an ủi nhân vật của mình qua lời của ông giáo làng: "Đừng buồn, đừng đau khổ nữa cháu ạ. Mộng tưởng tan đi cháu sẽ biết sống thực hơn" - truyện ngắn Đỉnh gió ngàn.
Những thân phận người trong truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn bị dồn đuổi, họ phải ra đi dấn thân, lầm lạc, kết thúc trong đau đớn, trong bế tắc hay còn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm để tiếp tục hành trình: Một Thiếu Nữ trong Thiếu nữ xa lạ; Thịnh, Phúc trong Bãi vàng, Thạch trong Hãy đi đi! đều để lại ấn tượng khó phai mờ với bạn đọc. Thịnh trong Bãi vàng đã phải từ bỏ dần những phẩm chất tốt đẹp để tồn tại, để có thể sống được trong thế giới những kẻ đi tìm vàng.
Cuối cùng, Thịnh đã kiếm được vàng trở về thành phố, nhưng anh lại không còn niềm tin yêu cuộc sống để có thể tiếp tục sống, Bãi vàng luôn ám ảnh anh: "Nếu để được sống con người phải trải qua những bãi vàng như thế thì thà giết chết mình đi còn hơn"; "Những con người lương thiện như Thịnh, trong trắng như Thịnh một lần đi qua bãi vàng… chẳng bao giờ còn có thể trở lại được cuộc sống bình thường". Thịnh đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát: "Vàng! Thịnh lặp lại. Anh buông cái túi du lịch trên vai xuống, chực quẳng ra cho chúng. Nhưng ngay đấy, Thịnh cầm lấy, ghì chặt vào ngực mình. Thịnh biết làm như vậy anh sẽ được nhận vào ngực lưỡi dao sắc nhọn của bọn cướp. Thịnh nhắm mắt lại, hít một hơi dài, ưỡn ngực chờ đón. Trên môi anh một nụ cười xa xót, cay đắng".
Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn cũng có một chút gì đó "hiện thực huyền ảo" trong giai đoạn này. Một nhân vật Thạch luôn nghe tiếng gõ cửa, luôn nghe tiếng ai đó gọi "Hãy đi đi!" trong giấc ngủ say, nhưng tỉnh dậy thì "không thấy một bóng người". Bức bối, nhàm chán với cuộc sống hiện tại, một hôm Thạch đã: "Tắm giặt, gấp quần áo vật dụng bỏ vào va li, đốt nhật ký, những thư từ cũ" chờ đợi để lên đường nhưng cuối cùng chẳng thấy "người đàn ông cao gầy" mong đợi đến đón…
2.Tôi gặp Đặng Chương Ngạn lần đầu khi anh đang sống ở Vũng Tàu, lên Sài Gòn ghé NXB Trẻ trong một sự kiện ra mắt sách. Đặng Chương Ngạn khi đó rất ít nói. Suốt cuộc gặp chỉ ngồi im lặng. Chia tay mọi người ở cổng NXB, Đặng Chương Ngạn kéo tôi bước qua quán cà phê bên cạnh. Chúng tôi ngồi nói chuyện về văn chương.
Chỉ ít lâu sau, Đặng Chương Ngạn cũng ra đi khỏi Vũng Tàu như nhân vật Thạch trong "Hãy đi đi!". Anh cũng là người thích xê dịch, không thể ở yên một chỗ… Rất lâu sau, mới thấy anh in truyện ngắn Mười hai bến nước - viết về số phận của một cô gái phải lấy một người chồng xa xứ, mãi tận một nơi bốn mùa chỉ có tuyết rơi, để có thể ví đời con gái như là những hạt tuyết sa. Truyện ngắn ấy sau này được đưa vào tuyển tập truyện ngắn hay của báo Thanh Niên. Vào thời gian đó, Đặng Chương Ngạn vẫn chưa ghé "bến nước" nào, dù cũng đã gần tuổi bốn mươi. Cả những em xinh như mộng, có cơ hội làm quen, cũng thấy anh hờ hững. Trong đám bạn văn có người thầm thì: Đặng Chương Ngạn có "vấn đề".
Sau truyện ngắn Mười hai bến nước, Đặng Chương Ngạn lại mất hút, không tăm tích. Mất hút trên đường phố và cả trong đời sống văn học. Không thấy anh còn in truyện ngắn trên bất cứ trang báo nào. Mất hút luôn mười năm. Rồi bất ngờ Đặng Chương Ngạn gọi uống cà phê và tặng cuốn tiểu thuyết mới xuất bản: Kẻ chăn dắt. Đặng Chương Ngạn không còn là anh chàng độc thân nữa, anh đã cưới vợ, đã có hai tác phẩm khác là hai cậu con trai lên sáu và một tuổi. Hôn thê của Đặng Chương Ngạn là một người quá quen thuộc với văn đàn: nhà thơ La Mai Thi Gia - hiện đang là giảng viên một trường đại học.
3. Có lẽ rất hiếm nhà văn viết về thế giới hành khất như Đặng Chương Ngạn. Người viết như đã ăn dầm, nằm dề hàng năm với những đứa bé ăn mày. Từng chi tiết nhỏ, rọi thấu đến cảnh đời nô lệ, bị đầy ải, chết mòn ấy. Hóa ra, mỗi đứa trẻ ăn mày đều nằm trong một đường dây, số phận chúng trong tay những kẻ chăn dắt, mà bọn người này hầu như không mấy khi hành nghề hành khất. Dưới bàn tay chăn dắt của bọn ma cô, hàng ngày vẫn có bao nhiêu đứa trẻ bị bắt cóc, bị bán đi như một món hàng.
Trong chúng ta, mấy ai có thể biết tường tận đồ nghề của dân ăn mày chuyên nghiệp như Đặng Chương Ngạn: đây là cái ca sắt tráng men, "Nó phải là một vật dễ gây chú ý, miệng không nên to quá (to quá khó cầm, sớm mỏi tay), miệng không nhỏ quá khó cho người cho tiền. Nó cũng phải đủ sâu để giữ được đồng tiền". Nhà phê bình Nhật Chiêu đã viết về thế giới trong kẻ chăn dắt, ông bảo đó là "thế ở dưới đáy - nơi ấy người ta còn gọi là mê cung. Những đứa trẻ bị ném vào cái đáy khủng khiếp đó bắt đầu cuộc sống vô vọng: Không cha mẹ. Bị bỏ rơi. Bị bắt cóc. Thành một thứ hàng cho thuê hay mua bán…".
Năm 2019 này, Đặng Chương Ngạn in tiểu thuyết Chiếc vòng cổ màu xanh. Lại phải nói rằng anh rất am hiểu về những đặc điểm sinh học của loài chó và cũng chứng tỏ mình có những kiến thức sâu sắc về tâm sinh lý của loài thú bốn chân này. Chiếc vòng cổ màu xanh theo sát đời sống nóng hổi hiện tại về vấn nạn trộm cắp, cướp chó, vấn nạn cẩu tặc đã biến nhiều làng quê thành những pháo đài. Có biết bao nhiêu bi kịch đau buồn về những cẩu tặc bị đốt xe, đánh chết bởi đám đông căm giận, là câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn về một chú chó Kẹo trốn thoát khỏi bọn cẩu tặc tìm đường về với người chủ.
Một hành trình dài đau đớn, đầy cạm bẫy, hi vọng… cuối cùng đã kết thúc bởi cái chết của chó Kẹo ở một nơi xa xôi "Không có tiếng đàn piano của Thinh", không thấy "ngôi nhà có tán xoài trước cửa". Nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên đã đánh giá: "Với tôi, Chiếc vòng cổ màu xanh ngoài chức năng của một cuốn sách văn học, còn là một thông điệp của tình yêu thương mà con người dành cho thế giới xung quanh mình".
Văn của Đặng Chương Ngạn rất sâu sắc mà giản dị, ngôn từ được anh chắt lọc cẩn trọng và đầy trách nhiệm. Đọc nhiều đoạn tiểu thuyết, truyện ngắn của anh, tôi có cảm tưởng như Đặng Chương Ngạn đang làm thơ. Tôi biết, ngoài tiểu thuyết và truyện ngắn, Đặng Chương Ngạn còn lặng lẽ sáng tác thơ, anh như viết cho riêng mình chẳng mấy khi cho đăng báo. Đọc một số bài thơ Đặng Chương Ngạn viết thấy giàu chất suy tưởng và chính luận trong đấy:
Nhiều năm sau
Trăm năm sau
Biết mộ người đâu thần dân đến viếng
Al Oud chỉ cát, và đá sỏi
Cỏ không mọc nơi đây, sỏi lăn dưới chân người
Không thể khói nhang, lệ định vậy rồi
Cũng chẳng thể biết nấm mồ nào để cắm.
Thôi thần dân thắp trong tim cây nhang tâm tưởng
Ngọn lửa cháy - tháng này qua năm khác
Cháy trong tim vọng nhớ của thần dân…
(Quốc Vương)
Đặng Chương Ngạn đến với văn chương tự do và ngẫu hứng: Thích thì viết, rung cảm thì viết, nhưng anh lại luôn ràng buộc mình về trách nhiệm của một người cầm bút. Nhà thơ Trương Nam Hương nhận xét: "Đặng Chương Ngạn thường viết về nỗi đau, nỗi đau của đám đông, những đám đông im lặng. Anh là người chăn dắt những nỗi buồn!".