Mạng xã hội là một phòng xử án
Cả một đêm, Hà Nội náo loạn về ca bệnh mới, cư dân mạng hoang mang và quá khích, truy lùng bằng được danh tính bệnh nhân vô trách nhiệm này. Câu chuyện xoay quanh bệnh nhân COVID số 17 tưởng như đã trôi vào dĩ vãng thì bỗng nhiên, nó được một tờ báo lớn của nước ngoài “đào” lại, trong hình thức một bài xã luận chuyên sâu.
Tờ New Yorker gọi cách ca bệnh này bị người Việt Nam đối xử là một biểu hiện của “đại dịch ném đá hội động”. Cụm từ “public shaming” trong bản gốc, dịch mềm mại thì là ném đá hội đồng, còn dịch sát theo nghĩa đen, chính là làm nhục công khai.
Nhưng, trước khi nói tiếp về câu chuyện này, có lẽ ta nên nói một chút về cảm giác nhục nhã, rốt cuộc vì sao nó đáng sợ đến thế.
Cảm giác nhục nhã từ xa xưa đã được các hệ thống quy định và pháp luật tận dụng để điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. |
Cảm giác nhục nhã, một cảm giác luôn tồn tại trong bất cứ xã hội nào và thời đại nào và vì rất nhiều nguyên do. Ở Anh, trong vở “Vua Henry V” có câu thoại: “Hãy để cuộc đời ngắn thôi kẻo nỗi nhục nhã quá dài”. Ở Nhật Bản, một samurai thà mổ bụng tự sát còn hơn bị làm nhục. Trong “Kinh Cựu ước”, Ahitophel sau khi phản bội Vua David và đứng về phía đứa con trai của ngài là Absalom, lại bị Absalom từ chối, liền nhục nhã quá mà về nhà treo cổ tự sát.
Trong “Truyện Kiều”, khi Kiều đoàn tụ cùng gia đình và Kim Trọng, chàng Kim ngỏ ý nối lại duyên xưa nhưng nàng nói: “Bấy chầy gió táp mưa sa/ Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn/ Còn chi là cái hồng nhan/ Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?/ Nghĩ mình chẳng hổ mình sao/ Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!”. Chữ “hổ” ở đây cũng là nỗi tủi hổ, bẽ bàng, hay nói cách khác, một cảm giác về sự nhục nhã.
Nhưng, dù ở trường hợp nào, điểm chung là cảm giác về nỗi nhục cũng đều kinh khủng đến mức giày vò, cấu xé nội tâm con người, khiến người đó cố gắng thực hiện những hành động mà theo họ, có thể phần nào gỡ gạc thanh danh.
Bản thân cảm giác nhục nhã đã là một sự trừng phạt đối với người phạm lỗi, thậm chí là sự trừng phạt còn ghê gớm không kém so với những biện pháp lý tính gây tổn hại tới thân thể như tử hình, đánh đập, bỏ tù... Vì thế mà “làm nhục công khai” đã được các nhà hành pháp tận dụng từ xưa đến nay để răn đe xã hội.
Ai xem phim cổ trang Trung Quốc cũng từng thấy cảnh những nạn nhân bị đưa ra pháp trường trong tiếng phỉ báng cùng cơn mưa rau cải, trứng thối của đám đông la ó xung quanh - và đây hoàn toàn không phải trí tưởng tượng của các nhà làm phim. Thậm chí, đến nay, nó vẫn tiếp tục hiện diện, trong những hình thức khác, ở đất nước Trung Quốc hiện đại. Chẳng hạn vào năm 2016, tờ Reuters đăng tải video tại một ga tàu ở Thượng Hải, xen kẽ giữa những bảng ghi giờ tàu chạy, có treo những tấm bảng quảng cáo lớn in tên tuổi một người đàn ông. Người này chẳng phải siêu sao hay quảng cáo nhãn hàng mà đơn giản là một con nợ.
Theo Chủ tịch Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc khi đó, trốn nợ là một vấn đề nhức nhối và tòa án buộc phải khiến cho những kẻ này “không còn nơi ẩn nấp”. Hay ở Singapore, một đất nước lân cận, những người xả rác bừa bãi sẽ bị phạt đi nhặt rác ở một khu vực công cộng trong vài tiếng đồng hồ. Rõ ràng, sự trừng phạt này để khiến người vi phạm sửa sai thì ít mà để họ thấy xấu hổ, nhục nhã thì nhiều.
Rất nhiều người cho rằng, làm nhục công khai là sự trừng phạt không văn minh. Nhưng, ngay cả ở Mỹ, nơi luôn tỏ ra kịch liệt lên án điều đó, họ vẫn có ngoại lệ: đó là những tội phạm tấn công tình dục - những người mà tên tuổi được bố cáo thiên hạ ngay trên một hệ thống website ở 50 bang, khiến họ gần như bị xã hội xa lánh.
Và quay về với công lý đám đông và công lý mạng xã hội, chúng có thể được thực thi là bởi con người nhìn chung đều không... vô liêm sỉ. Chúng ta đều biết về cảm giác tội lội, cảm giác xấu hổ, cảm giác không-còn-là-con-người trong mắt đồng loại, cảm giác bị mất tư cách làm người.
Vấn đề của bài báo trên New Yorker là nó đặt trường hợp bạo lực mạng đối với bệnh nhân COVID số 17 N.H.N tại Việt Nam cạnh trường hợp của một người đàn ông Australia tự chụp selfie bên một tấm băng-rôn nhưng vô tình máy ảnh lại chĩa cả vào một đám trẻ con. Bà mẹ đám trẻ tưởng người này có ý đồ lạm dụng, liền lập tức đăng tải lên mạng xã hội tố cáo. Và đúng là tai họa từ trên trời rơi xuống, người đàn ông kia bị cư dân mạng đồng loạt lăng mạ là “kẻ ấu dâm”.
Hai trường hợp ấy không giống nhau, bởi lẽ, người đàn ông Australia thực sự không làm gì sai cả, còn bệnh nhân số 17 đã không trung thực khai báo hành trình của mình dù biết có nguy cơ mắc bệnh, hệ quả là bao nhiêu người bị lây nhiễm, cách ly, đời sống gián đoạn, có người suýt thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế cho cả nước.
Không có lý do gì để bao biện cho bạo lực mạng nhưng ta cần biết tại sao nó tồn tại, bởi mọi thứ tồn tại đều có nguyên nhân. Trong trường hợp của bệnh nhân COVID số 17, cơn giận dữ không thể kiểm soát của cư dân mạng có lẽ đến từ thực tế rằng, chưa có một hệ thống pháp lý nào tới thời điểm ấy đủ chi tiết tới mức có thể xử lý xác đáng hành vi nói dối như vậy. Giả như lúc đó đã có quy định xử lý hình sự những trường hợp khai báo gian dối làm lây nhiễm cho cộng đồng, đám đông có lẽ đã yên tâm giao “kẻ có tội” cho pháp luật xử lí chứ không bất bình đến mức “đào tận gốc, trốc tận rễ” người này. Và chính vì cảm thấy công lý không thể được thực thi qua pháp luật, đám đông cảm thấy họ phải tự tay đòi công lý.
Hình ảnh minh họa của tờ New Yorker cho bài báo về đại dịch ném đá hội đồng. |
Luật pháp là do con người làm ra, nó cũng sơ hở và thiếu sót như chính con người vậy. Đôi khi, nó không đủ bén nhọn để buộc tội. Tiểu thuyết trinh thám kinh điển “Mười người da đen nhỏ” của Agatha Christie là một ví dụ tuyệt vời về việc thực thi thứ công lý mà đôi khi pháp luật không có khả năng đâm thủng. Những kẻ thủ ác được hẹn ra hoang đảo, rồi dần dần bị lần lượt thủ tiêu - những con người này đều từng phạm tội, song tội lỗi của họ lại đủ tinh vi để lách qua những rãnh hở của pháp lý, không có một chứng cứ nào đủ để bắt họ trả giá; vì thế, một vị thẩm phán phẫn nộ - người nắm giữ ngọn roi pháp luật nhưng chính ông nhận ra ngọn roi ấy không với tới những kẻ có tội - đã quyết định lập ra một âm mưu còn tinh vi hơn nữa để “thay trời hành đạo”.
Tâm lý của những đám đông đòi công lý phần nào đó cũng tương đồng với tâm lý của vị thẩm phán kia: họ tức giận với những hành vi sai trái lọt qua lưới pháp luật. Xét cho cùng, con người luôn mê mẩn cảm giác được thực thi công lý ngoài pháp luật, nếu không người ta đã không yêu đến thế những vị siêu anh hùng Marvel, Thủy thủ Mặt trăng hay Harry Potter. Nếu Harry Potter khi đối đầu với Chúa tể hắc ám Voldemort mà nói: “Ta sẽ đưa nhà mi ra tòa” thì chắc nhiều khán giả sẽ... đòi kiện Rowling vì lừa đảo.
Tuy việc vượt mặt luật pháp đương nhiên là sai nhưng thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, cơn giận dữ của đám đông là ngòi kích hoạt quan trọng để luật pháp nhanh chóng tiến hóa. Sau khi cư dân mạng “thanh trừng online” bệnh nhân số 17 thì những quy định xử lý hình sự những ai khai báo y tế gian dối và gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng cũng ra đời. Ở mức độ sâu rộng và nghiêm trọng hơn, năm 2019, cả thế giới chấn động với phong trào #MeToo, mà nói cho đúng ra thì đó cũng chính là một phong trào làm nhục công khai những người đàn ông cậy quyền lực để bạo hành tình dục nữ giới. Và bây giờ, Harvey Weinstein, ông trùm một thời Hollywood đã đi tù.
“Ném đá hội đồng đã khiến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn” - một bài báo trên tờ Wired viết. Nghe ngược đời nhưng đôi khi đúng là thế. Dẫn chứng ư? Năm 2014, báo chí Anh lật tẩy việc sử dụng lao động nô lệ ở Thái Lan và chính sự chỉ trích cay nghiệt của công chúng đã khiến những tập đoàn phải cam kết “đảm bảo chuỗi cung ứng không sử dụng lao động nô lệ”. Nếu ngồi đó đợi pháp luật quốc tế xử trí những tập đoàn này thì có lẽ còn phải đợi tới vài mùa quýt.
Dù muốn hay không, mạng xã hội ngày nay đã trở thành tất cả mọi thứ: trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi, nghĩa trang và tất nhiên, phòng xử án. Đừng hy vọng rằng công lý ngoài luật pháp và công lý đám đông sẽ biến mất. Sẽ luôn có những người giận dữ, những người bất bình, những người phẫn nộ. Ở một khía cạnh nào đó, điều này là tất yếu. Và, có khi, một thế giới nơi con người không còn biết bất bình nữa, thế giới ấy còn đáng sợ hơn rất nhiều.