Làm sao sống nổi ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới?

Thứ Tư, 14/08/2019, 14:59
Rachel Holland - một người bạn Mỹ của tôi ở Hong Kong đã đúc kết sau 15 năm sống ở Hong Kong (Trung Quốc): “Hãy tiêu dùng như một người dân địa phương và cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn”. 


Chồng của Rachel làm việc cho một tổ chức tín dụng ở Hong Kong với mức thu nhập khoảng 80 nghìn đôla Hong Kong/tháng (240 triệu VND) nhưng gia đình gồm có 6 người (hai vợ chồng, ba con, một người giúp việc), phải có chiến lược “tư duy tài chính” rất chi tiết và đầy tính kỷ luật để có thể tồn tại ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới này.

Theo Hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting (Anh) vừa công bố báo cáo chi phí sinh hoạt (cost of living) 2019 của 209 thành phố trên thế giới thì Hong Kong tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng. Nhu cầu cao và nguồn cung thiếu về bất động sản đã đẩy giá địa ốc Hong Kong lên cao chót vót vài năm gần đây. 

Báo cáo cho rằng, việc đôla Hong Kong neo vào USD cũng khiến chi phí sinh hoạt tại đây tăng lên. Cũng theo báo cáo “Global Living” do CBRE Group vừa công bố, Hong Kong tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới về giá nhà ở. 

Giá nhà trung bình tại đây hiện là 1,2 triệu USD, cao nhất trong 35 thành phố lớn trên toàn cầu được khảo sát. Mức lương trung bình hàng tháng là 19.100 đôla Hong Kong đối với nam giới và 14.700 đôla Hong Kong đối với nữ giới. 

Trong khi đó, giá thuê trung bình hàng tháng cho căn hộ một phòng ngủ ở trung tâm thành phố là 16.551 đôla Hong Kong. Nhiều người nói cùng một số tiền có thể mua được một lâu đài ở vùng nông thôn Pháp nhưng chỉ mua được một căn hộ “hộp giày” trên cao ở Hong Kong. Giấc mơ được sở hữu một ngôi nhà dường như là quá xa vời với nhiều người trẻ Hong Kong hiện nay.

Theo nhiều hãng nghiên cứu, Hong Kong (Trung Quốc) là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Trong đó, giá nhà ở trong nhiều năm luôn nằm ở vị trí chót vót so với các siêu đô thị như New York hay Dubai.

Một người bạn Việt Nam của tôi mới định cư ở xứ Cảng thơm được 5 tháng đã gần như rơi vào tình trạng mất ăn, mất ngủ khi phải “thu ra hào vén” cho cuộc sống của bốn người với mức thu nhập chỉ vẻn vẹn 10 nghìn đôla Hong Kong/tháng sau khi trừ đi chi phí thuê nhà, điện nước, internet… 

Còn lại thực phẩm, quần áo, y tế, giáo dục, giải trí… trông chờ vào khoản thu nhập 30 triệu VND/tháng này trong khi một bữa ăn có thịt lợn kho hoặc sườn chua ngọt như ở Việt Nam tính ra khoảng 600 nghìn đủ cho một gia đình. Chưa kể rau muống, hoa quả, cá, thịt gà… ở xứ này đều có giá gấp 3 đến 5 lần so với giá chợ dân sinh ở Việt Nam.

Vậy làm sao có thể sống nổi ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới với mức thu nhập trung bình của một gia đình người Việt Nam?

Xác định chiến lược tài chính dài hạn cho gia đình

Sau những tháng đầu vẫn quen với cách tiêu dùng “xả láng” như sống ở Việt Nam, tôi đã rơi vào một tình thế nguy hiểm khi chỉ đến giữa tháng, ngân sách của gia đình rơi vào con số “0”. 

Tình cờ, khi tham gia sinh hoạt ở nhóm “Các bà mẹ nước ngoài ở Hong Kong”, bài toán tiêu dùng của gia đình tôi đã nhận được rất nhiều lời khuyên của các bà mẹ trên khắp thế giới sống nhiều năm ở Hong Kong. Hầu hết họ là những chuyên gia quản trị gia đình và tài chính dày dạn kinh nghiệm. 

Đầu tiên, họ khuyên tôi phải có một chiến lược và mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hơi cho gia đình trong 1 năm, 5 năm, 10 năm… sau đó mới lên từng kế hoạch nhỏ cho từng tuần, từng tháng để có thể đạt được những mục tiêu này. 

Một khu chung cư ở Hong Kong. Giá nhà trung bình tại đây hiện là 1,2 triệu USD/căn hộ tầm 35m² nằm ở khu trung tâm.

Cụ thể, tôi cần chia thu nhập của gia đình thành các gói quan trọng: 1. Gói tiết kiệm hưu trí 2. Gói dự phòng trong trường hợp khẩn cấp 3. Gói chi tiêu cố định trong tháng như tiền thuê nhà, thực phẩm, đi lại, mua sắm vật dụng gia đình, chi phí giáo dục gửi trẻ, chăm sóc sức khoẻ…4, Gói chi tiêu linh hoạt như giải trí, ăn hàng, ma chay, cưới hỏi, đầu tư cho bản thân… 

Sau khi đã chia túi tiêu dùng ra từng nhóm thì phải áp dụng triệt để “kỷ luật tiêu dùng” cho mỗi nhóm theo tư duy “chỉ mua những thứ mình cần chứ không phải những thứ mình thích/muốn” và giảm tối đa mua sắm vật dụng không cần thiết trong gia đình.

Như chị Rachel Holland bạn tôi - một người Mỹ đã sống ở Hong Kong hơn một thập kỷ có thói quen lên thực đơn ăn uống cho cả nhà trong một tuần và mua sắm vào cuối tuần để chuẩn bị cho kế hoạch này. 

Với một gia đình 6 người, chị chi tiêu cho mua sắm thực phẩm khoảng 5.000-6.000 đôla Hong Kong/ tháng, trong đó hầu hết là thực phẩm theo gu của người châu Á vì chị cho rằng, thực phẩm của châu Âu và Mỹ bán ở Hong Kong đắt đỏ “một cách vô lý”. 

Mức lương trung bình hàng tháng là 19.100 đôla Hong Kong đối với nam giới và 14.700 đôla Hong Kong đối với nữ giới. Trong khi đó, giá thuê trung bình hàng tháng cho căn hộ một phòng ngủ ở trung tâm thành phố là 16.551 đôla Hong Kong.

Vì thế, từ nhiều năm nay, gia đình chị đã thực hành lối ăn uống theo cách của người bản địa. Thịt, cá được chị trữ đông còn rau, củ, quả thì đựng trong những hộp nhựa để giữ độ tươi ngon. Bữa sáng cho các con được chị lựa chọn là bánh mỳ trứng, bánh pancake hoặc muffin làm sẵn vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. 

Các loại nước sốt nấu kèm mỳ được chia thành từng hộp nhỏ và sử dụng luân phiên trong tuần. Gà hoặc thịt bò được chị mua nguyên con hoặc tảng để có giá rẻ nhất. Hầu hết các bữa ăn được nấu tại nhà và những chi phí cho việc ăn hàng hay bánh kẹo, nước ngọt cho trẻ con đều được cắt giảm.

Là người Mỹ, Rachel không thể sống trong những căn nhà hộp diêm theo kiểu Hong Kong, nhưng giá thuê một căn hộ rộng trên 100m2 ở khu trung tâm có thể rơi vào con số 40 đến 60 nghìn đôla Hong Kong/tháng. 

Chính vì vậy, Rachel thuê một căn hộ 120m²  nằm trên một ngọn đồi khu North Point cách nơi làm việc của chồng chị 30 phút đi xe bus và tàu điện ngầm nhưng giá thuê chỉ khoảng 18 đến 25 nghìn đô Hong Kong/tháng. 

Hệ thống giao thông của xứ Hương Cảng được đánh giá là hiện đại, tiện lợi và rẻ tiền nhất thế giới, vì thế, nhiều gia đình ở Hong kong đã chọn thuê những căn hộ ở xa khu trung tâm nhưng giá thuê rẻ, rộng rãi, yên tĩnh và không khí trong lành.

Nhiều bà nội trợ ở Hong Kong đã mách nhau “mẹo” mua sắm thông minh là phải khảo sát một loạt giá cả ở các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh hoặc web mua sắm online để lựa chọn ra mặt hàng có giá rẻ nhất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo thì mới tiến hành mua sắm. 

Ở Hong Kong, các hệ thống cửa hàng như 360 độ, Prize Mart… chuyên bán bánh kẹo, sôcôla, đồ khô, rượu, đồ uống, gia vị nhập khẩu từ các nước phương Tây hay Hàn Quốc, Nhật Bản… có giá rẻ từ 20% đến 30% so với siêu thị. 

Còn các cửa hàng dispensaries (chuyên bán đồ bỉm, sữa,  xà phòng, nước giặt, kem đánh răng, giấy vệ sinh…) bán các mặt hàng với giá chỉ bằng 2/3 giá thị trường.

Những chợ dân sinh ở Hong Kong hay còn gọi là wet market dường như là kho thực phẩm khổng lồ của tất cả các mặt hàng trên thế giới. 

Hai khu chợ gần nơi gia đình tôi sinh sống là chợ Bắc Cọp (North Point) hay chợ Cổ Ngỗng (Causeway Bay) bày bán đủ mặt hàng từ rau, củ, quả đến thịt, cá… với giá rẻ chỉ 20%, thậm chí 50% so với giá siêu thị. Ở khu chợ này, tôi có thể mua những khúc cá trắm tầm 8 lạng/khúc với giá 70 nghìn VND hoặc một con gà 1,5kg với giá 115 nghìn VND. 

Sau 4h chiều, các chợ lại đồng loạt giảm giá những mặt hàng còn tồn đọng, chủ yếu là rau, củ, quả với giá rẻ như cho nên rất nhiều người đã chọn mua sắm vào thời điểm này. 

Giá thực phẩm ở Hong Kong cao gấp 3-5 lần so với mặt bằng giá cả ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Ở những chuỗi siêu thị lớn như Welcome hay Park & Shop luôn có chương trình giảm giá cho các mặt hàng tươi sống sau 6 giờ chiều hoặc sẽ giảm giá cho các gói cá hồi, thịt bò vào trước ngày hết hạn (gọi là best before dates) với giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với giá thông thường. Táo Envy New Zealand, xoài Thái, Cherry Mỹ… bị xước vỏ hoặc dập một vài chỗ cũng được giảm 50% vào cuối ngày. 

Như vậy, nếu biết cách mua sắm và cân đối chi tiêu, thì một gia đình bốn người có thể chi cho gói thực phẩm từ 3.000 đến 5.000 đôla Hong Kong/tháng nhưng vẫn đảm bảo tươi ngon và đủ dinh dưỡng.

Một cách mua sắm tiết kiệm được các bà mẹ Hong Kong lựa chọn là có thể mua các loại thực phẩm chức năng hoặc vitamin từ châu Âu trên trang Iherb với giá rẻ bằng 1/3 so với mặt hàng tương tự bày bán ở Hong Kong. Hoặc họ có thể sử dụng các ứng dụng mua hàng thanh lý hoặc chuyên bán hàng giảm giá như Carousell, HK Buy… 

Thi thoảng, tôi có thể mua quần áo hoặc đồ chơi thanh lý trên các nhóm Facebook hoặc các ứng dụng này với giá “không thể rẻ hơn” nhưng chất lượng vẫn mới và đảm bảo. 

Nếu muốn ăn uống tại nhà hàng với giá rẻ, bạn có thể sử dụng ứng dụng giảm giá như Openrice hay Eatigo, trong đó có những deal giảm tới 50-70% vào những khung giờ đặc biệt trong ngày. Thậm chí các ứng dụng này còn tải lên hàng trăm hình ảnh món ăn và menu, giá tiền cho từng món để bạn lựa chọn trước khi đến nhà hàng.

Hong Kong vốn được coi là thiên đường mua sắm của châu Á với những trung tâm mua sắm khổng lồ tập trung tất cả các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. Vào những mùa giảm giá như mùa hè hoặc dịp Noel, năm mới, bạn có thể mua được những món hàng hiệu ưng ý với giá rất hời. 

Không những vậy, ở các trung tâm mua sắm lớn như Times Square, Sogo, City Outlet… luôn có những tầng bán hàng hiệu cao cấp giảm giá quanh năm. Vì thế, chỉ cần bạn có những chiến lược và kế hoạch mua sắm thông minh, bạn có thể tồn tại “dễ thở” ở thành phố được coi là đắt đỏ nhất thế giới này với mức thu nhập chỉ từ 15 triệu VND/tháng trở lên.

Những trải nghiệm tinh thần “miễn phí”

Với mức thu nhập chỉ khoảng 10 nghìn đô Hong Kong (30 triệu VND)/tháng cho một gia đình 4 người, chúng tôi đã chọn các dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí công cộng… hầu như là miễn phí hoặc chỉ tốn một khoản chi rất nhỏ. 

Con gái tôi hiện đang theo học tại một trường tiểu học công lập nói tiếng Anh ở Hong Kong chỉ tốn khoảng 300 đôla Hong Kong/tháng cho tiền ăn trưa, còn lại là miễn hoàn toàn học phí và các hoạt động ngoại khoá như học tiếng Trung Quốc, dã ngoại, hay giải trí cuối tuần. 

Ngoài ra, trường còn có những phần thưởng khích lệ học sinh như sách vở, dụng cụ học tập, tiệc trà… mà phụ huynh không phải đóng góp một khoản kinh phí nào.

Chi phí sinh con trong bệnh viện công lập ở Hong Kong có giá khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng VND.

Gia đình tôi sử dụng dịch vụ y tế công cộng của Hong Kong với chi phí 50 đô la/ lần khám bao gồm cả tiền thuốc. Nếu bạn muốn sinh nở ở Hong Kong, thì giá một ca sinh tại bệnh viện công lập hàng đầu như Queen Mary chỉ tốn khoảng 300 đôla Hong Kong cho 2 ngày nằm viện. Trẻ em được miễn phí tất cả các mũi tiêm chủng bắt buộc như những mũi tiêm phế cầu Pháp hay vắc xin 3/1 tiền triệu ở Việt Nam.

Công viên Victoria Park ở gần khu nhà tôi ở có những bể bơi, sân tennis giá thuê chỉ khoảng vài chục nghìn VND/lần, những sân bóng đá và đường chạy, dụng cụ tập gym, khu chơi trẻ em đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng hoàn toàn miễn phí. 

Một hệ thống thư viện khổng lồ với hàng nghìn đầu sách báo, máy tính, đĩa phim, băng nhạc… cắm rễ ở hầu hết các khu dân cư phục vụ miễn phí cho người dân. Hệ thống bảo tàng phong phú, đa dạng với giá vào cửa “không đồng” vào mỗi thứ 4 hàng tuần. 

Ngoài ra, Hong Kong còn có cảnh quan hết sức đa dạng từ những bãi biển trong xanh, sạch sẽ cho đến những hòn đảo, những ngọn núi nguyên sinh phục vụ cho nhu cầu tắm biển, cắm trại, leo núi, dã ngoại. 

Thi thoảng, vào mỗi cuối tuần, gia đình tôi lại chuẩn bị một số thực phẩm và chỉ tốn 10 đôla tiền vé xe bus là có thể đi đến Vịnh Nước Cạn (Rebulse Bay) – là một trong những bãi biển đẹp nhất Hong Kong để tắm biển và cắm trại, làm tiệc nướng BBQ.

Bên cạnh đó, ở các trung tâm thương mại đều có các khu nghỉ chân – vui chơi miễn phí dành cho trẻ em trong lúc bố mẹ bận rộn mua sắm. Chỉ cần dạo qua con phố mua sắm ở khu Causeway Bay vào cuối tuần, bạn có thể nhận được cà phê, bánh kẹo, bắp rang bơ, nước giải khát… miễn phí từ các nhãn hàng đang muốn quảng cáo sản phẩm.

Để tiết kiệm, tôi cắt giảm gần như tất cả những chi phí giải trí đắt tiền trong gia đình như xem phim ngoài rạp, mua sách, đồ chơi, du lịch, ăn hàng… 

Lịch sinh hoạt sau giờ học của hai đứa con, 6 tuổi và 2 tuổi, được sắp xếp như sau: 1. Chơi cầu trượt hoặc thể thao trong công viên Victoria Park; 2. Chơi đồ chơi miễn phí ở cửa hàng Toy R Us, Lego, Ikea hoặc các khu vui chơi tự do tại trung tâm thương mại; Đọc sách, vận động tại khu vui chơi miễn phí ở thư viện Trung tâm Hong Kong (Thư viện có một tầng dành cho trẻ em đọc sách, sử dụng máy tính và chơi đồ chơi với hàng trăm chủng loại dành cho mọi lứa tuổi); Chơi tương tác tại các nhà sách Commercial Books hoặc Eslite; Thăm bảo tàng lịch sử, khoa học, văn hoá, thiên nhiên; cắm trại, bơi… tại bãi biển hoặc trải nghiệm các công viên, vườn bách thú, vườn thực vật thiên nhiên vào mỗi cuối tuần. 

Tất cả những hoạt động này đều miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra, đồ chơi, quần áo, sách truyện của các con đều được mua lại qua những ứng dụng giảm giá hoặc nhóm các bà mẹ bán đồ thanh lý, nên chi phí rất hợp lý.

Nếu muốn đầu tư vào phát triển cá nhân “miễn phí”, bạn có thể đăng ký học tiếng Anh hoặc tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông… tại những trung tâm như English For Asia hay Hope Centre. Hope là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận được  tài trợ với nhiệm vụ tổ chức các lớp học ngôn ngữ, kỹ năng sống, sức khoẻ, tâm lý… cho những người mới nhập cư vào Hong Kong hoặc những người giúp việc, người lao động có thu nhập thấp. 

Chỉ cần 100 đôla Hong Kong nhập học, bạn có thể tham gia các khoá học ngoại ngữ hoặc kỹ năng sống và được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành. Bên cạnh đó, bạn có thể mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội khi sử dụng ứng dụng Meetup – với hàng trăm hoạt động giao lưu, học tập, khoá học miễn phí diễn ra vào cuối tuần. 

Nhờ có ứng dụng này, tôi đã dễ dàng nâng cao trình độ tiếng Anh khi tham gia vào những nhóm giao tiếp có cả những người bản xứ Anh, hoặc Úc muốn dạy ngoại ngữ miễn phí. Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào những lớp học thiền hoặc yoga tại một số cơ sở tôn giáo với những khoản quyên góp tuỳ tâm mang tính chất tượng trưng.

Hong Kong vốn được coi là một “hub” (cổng kết nối toàn cầu) với những triển lãm văn hoá, nghệ thuật mang tầm châu lục và quốc tế diễn ra thường xuyên với nhiều quy mô khác nhau. 

Số lượng các nhà sưu tập giàu có không ngừng tăng lên ở Trung Quốc và một vài nước châu Á khác đã giúp cho công ty đấu giá Sotheby (Anh) thu được 540 triệu USD – một mức kỷ lục - từ các cuộc đấu giá tại Hong Kong và góp phần đưa thành phố này trở thành trung tâm đấu giá nghệ thuật lớn nhất khu vực châu Á. 

Không những vậy, các triển lãm quốc tế với những tên tuổi hàng đầu thường xuyên diễn ra tại xứ Cảng thơm đem lại cho bạn những cơ hội trải nghiệm nghệ thuật miễn phí mà không phải ở nơi nào cũng có.

Một buổi dã ngoại của học sinh lớp 1A (Trường Tiểu học công lập Sir Ellis Kadoorie – Causeway Bay). Học phí và các hoạt động ngoại khoá hoàn toàn miễn phí.

Dạy con cách tiết kiệm

Vào học kỳ 2 của năm học lớp 1 ở Hong Kong, con gái tôi đã được dạy về cách sử dụng tiền xu và tiền giấy cũng như cách chi tiêu thông qua những hoạt động ngoại khoá ở trường. 

Ví dụ, cháu được phụ huynh cấp cho 20 đôla Hong Kong và sẽ được cô giáo đưa đến siêu thị để học cách sử dụng số tiền đó vào việc mua sắm. Lúc ở nhà, cháu sẽ được giao những công việc như hút bụi, dọn đồ chơi, đổ rác… và sẽ được thưởng stickers khi hoàn thành. 

Thông thường, khi cháu đạt được một số lượng stickers nhất định thì tôi sẽ cho cháu một số tiền nhỏ đủ để cháu có thể mua sách vở, bút hoặc những đồ chơi cháu thích. Mỗi khi dẫn con đi siêu thị, tôi luôn cùng cháu so sánh giá cả các mặt hàng hoặc nhờ cháu lựa chọn một số thực phẩm quen thuộc, để cháu có thể học phép tính hoặc sớm hình thành tư duy mua sắm. 

Sau một thời gian áp dụng, con đã tự tin có thể biết được giá của loại thực phẩm nào hôm nay rẻ hoặc tăng giá, hoặc cháu luôn chọn món đồ mình cần chứ không phải những thứ mình thích mà thừa thãi. 

Đây cũng là cách tôi học được từ cuốn sách nuôi dạy những đứa trẻ thông minh tài chính của nhà báo Ron Lieber của tờ New York Times, trong đó, ông đã đưa ra ví dụ chia hai cột hình ảnh những thứ “cần” và những thứ “muốn” sau đó giải thích cho trẻ về sự khác biệt của hai loại hàng hoá đó. 

Nhiều lần con tôi cũng đòi mua những thứ đồ chơi đắt tiền nhưng ngay sau khi mẹ giải thích theo cột nhu cầu trên, cháu đã cân nhắc và không đòi hỏi. Gia đình tôi cũng luôn nhấn mạnh câu chuyện thu nhập của bố mẹ còn “nghèo” vì thế không thể mua tất cả những thứ mà con thích. Dần dần, cháu cũng đã hiểu và không còn mè nheo như những ngày còn sống ở Việt Nam.

Cuộc sống ở Hong Kong không thực sự dễ thở nhưng những bài học về cách chi tiêu, tiết kiệm, thu vén mà tôi học được trong hơn một qua thực sự có giá trị, để tạo một nền tảng tài chính vững chắc hơn cho gia đình trong tương lai. 

(Viết từ Hong Kong - Trung Quốc) 

Thu Phương
.
.