Tết Hong Kong qua góc nhìn của một người Việt Nam

Thứ Ba, 05/03/2019, 11:29
Trong ngày Tết Nguyên đán, nhiều phong tục "mê tín" có một sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm linh của nhiều gia đình Hong Kong. 

Gìn giữ truyền thống

Tết Nguyên đán đối với người Hong Kong là thời khắc đáng nhớ nhất trong năm không chỉ vì nhà cửa lúc đó được trang hoàng lộng lẫy, phòng ở trở nên sạch sẽ thơm tho, trẻ em xúng xính với quần áo mới,... mà đó là khoảng thời gian duy nhất trong năm gia đình, họ hàng, dòng tộc được sum vầy, đoàn tụ. 

Tết thực sự đã đến từ trước đó vài tuần khi đường phố, cửa hàng, trường học, các trung tâm thương mại, siêu thị... được phủ lên sắc đỏ vàng tươi tắn bởi những chậu quất, những cành đào, những chiếc đèn lồng. "Fai chun" - là những lời nguyện ước được viết trên giấy đỏ bằng mực đen hoặc mực vàng là một trong những biểu tượng không thể thiếu trong Tết Nguyên đán của người Hong Kong. 

Ở khu Causeway Bay, nơi tôi đang sinh sống được ví như trái tim mua sắm của đảo Hong Kong tập trung rất nhiều nghệ sỹ thư pháp ngồi viết chữ miễn phí tặng cho người dân. Họ là những luật sư, doanh nhân, thầy giáo... đã có hàng chục năm luyện viết chữ thư pháp. 

Cứ dịp Tết đến, họ lại ngồi trước cửa ga tàu điện ngầm, trung tâm thương mại, hội chợ... là những nơi tập trung đông người để tặng chữ. "Phúc đáo" - chữ Phúc viết ngược mang ý nghĩa may mắn đến nhà được người Hong Kong xin nhiều nhất và họ sẽ đem về dán lên cửa hoặc phòng khách. 

Công viên Victoria Park - là một trong những công viên lớn nhất ở Hong Kong vào dịp cận Tết sẽ biến thành một chợ hoa Tết bày bán hàng trăm loại hoa và cây cảnh như quất, đào, thuỷ tiên, cẩm chướng, ly, phong lan, đỗ quyên... 

Đi chợ hoa vào đêm 30 để sắm hoa hoặc cây cảnh rồi đem về nhà vào đêm giao thừa với ý nghĩa cây cối sẽ mang sinh khí và năng lượng tích cực cho gia đình đã là một truyền thống lâu đời của người dân Hong Kong. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều công cuộc chuẩn bị cho ngày Tết như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa sạch sẽ; trang hoàng bằng cây cối, hoa trái; mua quần áo mới; cắt tóc gội đầu; mua và đặt tiền vào những phong bao lì xì; chuẩn bị hộp bánh kẹo bày tiếp khách với những chiếc bánh, loại kẹo màu sắc rực rỡ...

Ms Yam, hàng xóm trong khu chung cư tôi đang sinh sống đã nhiều năm du học ở Anh và hiện đang làm việc cho ngân hàng HSBC nói: "Với những người phụ nữ Hong Kong, thì việc chuẩn bị thực phẩm cho 3 ngày Tết, đặc biệt cho bữa ăn đoàn viên trong đêm giao thừa là công đoạn "đau đầu" và vất vả nhất".

Là thế hệ thứ 2 trong một gia đình gốc Quảng Đông đã sinh sống ở Hương Cảng hơn nửa thế kỷ, gia đình chị Yam vẫn giữ những nét truyền thống của Tết xưa. Mâm cơm tất niên phải có 8 món và tất cả những món ăn đều có phát âm đồng nghĩa với những từ may mắn, thịnh vượng, giàu có, hạnh phúc, đủ đầy... trong tiếng Quảng Đông. 

Món đầu tiên phải kể đến là "Fat choi ho si" - là hàu khô nấu với rau tảo đen nghĩa là năm mới tốt lành, giàu có. Hoặc món "Fat choi zyu sau" - tảo đen nấu với móng lợn mang ý nghĩa may mắn, thành công. 

"Lo bak go" - một loại bánh làm từ bột gạo, củ cải bào, nấm, lạp sườn, tôm khô, sốt XO hay "nin go" được làm từ bột gạo đánh với đường đỏ - là hai món bánh nổi tiếng được ăn trong đêm giao thừa với ý nghĩa năm mới tấn tới. "Tong jyun" là bánh trôi tàu mang thông điệp "đoàn viên". 

Người Hong Kong còn ăn loại mỳ trứng truyền thống với sợi dài biểu trưng cho tuổi thọ. Món cá hấp và gà luộc cũng mang thông điệp tốt lành trong năm mới. Trước bữa ăn, người Hong Kong sẽ có tục "bai neen" - là lễ bái cúng tổ tiên để cầu ước những điều may mắn, bình an cũng giống như lễ cúng tổ tiên vào đêm giao thừa của người Việt. 

Bữa ăn đoàn viên sẽ chỉ nói với nhau những điều tốt lành, những niềm hy vọng chứ không được bàn chuyện chính trị hay tranh luận những điều không hay. 

Vào lễ giao thừa, người Hong Kong cũng có phong tục đến đền, chùa cầu may. Và theo truyền thống, người Hong Kong dành ngày mùng 1 để viếng họ hàng bên chồng, ngày mùng 2 thăm họ hàng bên vợ và ngày cuối cùng của dịp Tết là thăm nhà bạn bè.

Hong Kong được coi là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới với những toà nhà chọc trời và lối sống công nghiệp hiện đại, cởi mở. Tuy nhiên, trong ngày Tết Nguyên đán, nhiều phong tục "mê tín" vẫn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm linh của nhiều gia đình Hong Kong. 

Andy Lau - một người bạn Hong Kong kể lại cho tôi trước Tết gia đình anh đã có một cuộc tranh cãi kịch liệt vì mẹ anh nhất quyết bắt mọi người phải xuất hành theo giờ của thầy phong thuỷ mà bà tin tưởng. 

Ngày mùng 1 Tết, bà không cho con cháu được động vào chổi quét nhà, không được dùng dao kéo cắt rau hay cắt thực phẩm, không được gội đầu, không đánh vỡ đồ đạc hay cãi nhau... vì tất cả những việc trên sẽ đuổi may mắn và đem lại vận xui cho gia đình.

Tranh cãi về tục mừng tuổi

Buổi học cuối cùng của tôi ở trung tâm tiếng Anh English For Asia bỗng biến thành một cuộc tranh luận kịch liệt khi mọi người đề cập đến chủ đề "lai see" - tức là phong bao lì xì, một truyền thống lâu đời trong ngày Tết của người Hong Kong. Adalberto - một kỹ sư công nghệ thông tin người Tây Ban Nha sống ở Hong Kong 5 năm chia sẻ anh cảm thấy rất "khó chịu" khi thấy các con của mình được "tặng tiền" và anh cảm thấy không có ý nghĩa hay giá trị gì khi trẻ em được "tặng tiền" như vậy. 

Theo anh, "tiền phải là thứ kiếm được bằng mồ hôi nước mắt chứ không phải là thứ được trao miễn phí". Vì thế, dù rất trân trọng truyền thống của người bản địa, nhưng Adalberto chỉ mua kẹo sô cô la hình tròn bọc trong giấy vàng để "lì xì" cho trẻ em dù anh biết rằng không phải đứa trẻ nào cũng thích "phong bao" này. 

Jacky Wai - một người Hong Kong đang làm marketing cũng cho rằng tục mừng tuổi của người dân đang bị biến tướng với nhiều quy tắc rườm rà và không còn ý nghĩa như nguồn gốc ban đầu là tặng phước lành, may mắn, sức khoẻ. Anh dẫn chứng nhiều đứa trẻ không biết quy tắc nhận lì xì khi không nói cảm ơn hoặc mở phong bì ngay trước mặt khách. 

Có đồng nghiệp của anh còn đưa con đến công sở để nhận tiền xì lì của người lớn hoặc có người còn bị trách vì "Tại sao chỉ mừng một phong bì trong khi họ có hai đứa con?".

Trong khi đó, Bích Hương, là một người Việt Nam lấy chồng Anh đã sống ở Hong Kong ngót nghét 20 năm cho biết Tết nguyên đán là dịp quan trọng để chị dạy các con về kỹ năng quản lý và chi tiêu tài chính qua tục mừng tuổi. Các con của chị là một bé 5 tuổi và một bé 10 tuổi tự quản lý phong bì mừng tuổi và chi tiêu vào những việc như mua đồ chơi, sách vở, quà sinh nhật... theo nhu cầu của các bé. 

"Các cháu rất vui và cảm thấy tự hào khi được ba mẹ tin tưởng và giao quyền" - chị Hương kể. 

Ngoài ra, chị còn gửi những khoản nhỏ vào ngân hàng và trích lãi hàng năm giao lại cho các bé để con hiểu thêm về giá trị đồng tiền.

Theo truyền thông, trẻ em, người độc thân sẽ là đối tượng được người già và các cặp vợ chồng mừng tuổi. Ngoài ra, người bảo vệ, quét rác, lau dọn, nhân viên siêu thị, bán hàng, phục vụ quán ăn, giúp việc gia đình... cũng được mừng tuổi với ý nghĩa cảm ơn và trân trọng về tính chất công việc của họ. 

Nhiều người nước ngoài ở Hong Kong tâm sự họ rất vui khi được trao cho những người phục vụ phong bao lì xì trong đó có ghi lại lời cảm ơn - điều họ không thể thực hành trong nền văn hoá của mình. 

"Lai see" cũng là chủ đề gây tranh cãi kịch liệt trên truyền thông khi các tổ chức môi trường thống kê hàng năm người Hong Kong chi hơn 300 triệu đô la HKD cho việc in phong bao lì xì, tương đương với việc tiêu tốn 16.300 cây trong khi đó hơn một nửa số phong bì này vẫn có thể sử dụng mới và số còn lại được đem đi tái chế. 

Hàng năm, sau dịp Tết, lại có những nhóm môi trường đến từng toà nhà chung cư, văn phòng, bệnh viện... để thu lại vỏ phong bì.

Học tư duy làm giàu

Một người bạn của tôi đã ở Hong Kong nhiều năm chia sẻ chị hầu như ít thấy các cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, quán cà phê, quán ăn nhanh... đóng cửa trong ba ngày lễ Tết. 

Ocean Park, Disneyland, the Peak Tram, Star Ferry... và những địa điểm du lịch hấp dẫn khác ở Hong Kong chỉ đóng cửa trừ khi có bão cấp 8 trở lên. 

Vậy nên, dù là ngày lễ Tết, nhưng phố phường ở Hong Kong vẫn tấp nập, rộn ràng kẻ bán người mua như ngày thường, nhất là khi năm 2018 Hong Kong là thành phố có số lượng khách du lịch lớn nhất thế giới với con số kỷ lục 65,1 triệu lượt khách viếng thăm. 

Dù Tết là dịp khách du lịch tham quan nhiều nhất, nhưng các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng hầu như không tăng giá hay có tình trạng chặt chém. Khu Causeway Bay nơi tôi đang ở được ví như trái tim mua sắm của đảo Hong Kong với hàng trăm cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại sang trọng và hiện đại. 

Ngày Tết, hầu như cơ sở kinh doanh nào cũng có cây quất, cành đào, treo đèn lồng hoặc những câu nói mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc. Khoảng mùng 5, những đoàn múa lân và sư tử sẽ đi đến từng cửa hàng trong tiếng trống, chiêng rộn ràng với ý nghĩa mang may mắn, xua đuổi tà ma. 

Khi những con sư tử mình rồng dừng lại trước từng ngôi nhà hay cửa hàng thì nó sẽ ăn những bó rau xà lách (bên trong có phong bì đỏ) treo bên ngoài như nhấn mạnh thêm về sự may mắn (rau xà lách mang ý nghĩa tốt lành).

Ngoài ra, Tết Nguyên đán cũng là dịp để học sinh, sinh viên ở Hong Kong trải nghiệm và thực hành việc làm ăn, buôn bán qua những gian hàng trong hội chợ Tết như hội chợ trong công việc Victoria Park. Gần 1/3 số gian hàng trong hội chợ này là của các học sinh cấp 2, cấp 3 ở Hong Kong bày bán đồ chơi, vật trang trí, đồ lưu niệm... 

Trước Tết hàng tháng, các nhóm học sinh này tham gia đấu thầu các gian hàng trong hội chợ, sau đó họ lên kế hoạch thiết kế, trang trí, vận chuyển, chiến lược tiếp thị... Số tiền đầu tư cho một gian hàng hết khoảng 90 nghìn đô la Hong Kong tuy nhiên hầu hết đều không đặt vấn đề lợi nhuận mà nhà trường và học sinh coi đây là một dịp không thể tốt hơn để học kỹ năng thiết lập, vận hành, quản lý một doanh nghiệp và học tâm lý khách hàng cũng như chiến lược tiếp thị. 

Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn lập kế hoạch quản lý tiền lì xì bằng cách chia sẻ các bí quyết tiết kiệm hoặc đầu tư bằng cách gửi ngân hàng, mua chứng khoán, hoặc gửi vào các quỹ tín dụng.

Thu Phương
.
.