Hồ Anh Thái, người dịch chuyển

Thứ Năm, 15/10/2020, 10:14
Cách đây hơn mười năm, khi viết về sự liên tục tự làm mới mình trong văn chương của nhà văn Hồ Anh Thái, tôi có nói tới cái ý rằng ông là "một gã Don Juan của sự sáng tạo".

Tuy nhiên, một câu hỏi rốt ráo vẫn chưa được đặt ra lúc ấy: Vì sao, nguyên nhân nào khiến Hồ Anh Thái lại liên tục tự làm mới mình? Nếu không muốn thỏa mãn với những câu trả lời chung chung, đầy vị công thức, kiểu "bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là luôn luôn đổi mới, dẫm chân tại chỗ là đồng nghĩa với sự chết…", theo tôi, cần lý giải trường hợp Hồ Anh Thái từ hai yếu tố: 1/ đọc nhiều, và 2/ đi nhiều. 

Về sự đọc nhiều, có thể nói ngay, đó là yêu cầu mang tính đạo lý với một nhà văn chuyên nghiệp. Chỉ có nhờ đọc nhiều, đọc rộng, đọc để biết thiên hạ người ta đang viết gì, đang tiến đến ngưỡng nào của sáng tạo, thì nhà văn mới có cơ tránh được cái việc khá vô duyên là mở những cánh cửa vốn đã mở sẵn rồi. Mặt khác, sự cọ xát thông qua đọc nhiều, đọc rộng, với những nhà văn giàu nội lực, lại tạo ra một thứ kích thích tố: nó buộc anh phải viết khác đi, trước hết, khác chính mình.

Hồ Anh Thái đi nhiều, điều này có vẻ cũng đương nhiên, vì ông vốn là công chức Bộ Ngoại giao, tức là làm cái nghề có cơ hội được đi khắp các nước đó đây trên bản đồ thế giới. Thêm nữa, là một nhà văn nổi tiếng trong nước, lại giỏi Anh ngữ, ông cũng thường xuyên nhận được lời mời tham gia nhiều hội thảo quốc tế về văn hóa/ văn học tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên đó chỉ là những điều kiện khách quan, bên ngoài, mang tính "trợ duyên" mà thôi. 

Công chức Bộ Ngoại giao thì cũng có thể vẫn ngồi một chỗ, nếu muốn, và viện ra cả trăm lý do rất xuôi tai cho sự ngại đi, không thích đi. Nhà văn cũng vậy, không phải ai cũng có cái chí hăm hở lẫn niềm sung sướng được đặt chân tới những bến lạ bờ xa, rất nhiều người chỉ ưa xê dịch trên trang viết bé con con. Hồ Anh Thái thì ngược lại, ông tận dụng mọi cơ hội công việc để đi, đến những đất nước càng xa xôi càng tốt, càng giàu trữ lượng lịch sử văn hóa càng hay. 

Không những thế, từ một cái trú sở công cán cụ thể nào đó ở nước ngoài, Hồ Anh Thái còn luôn tranh thủ thời gian để làm những chuyến đi tiếp nữa, tới những miền đất xung quanh. Dĩ nhiên, Hồ Anh Thái không phải một người đi chỉ đơn giản là vì thích đi, muốn đi, vì không chịu nổi nếu cứ phải quanh quẩn mãi một chỗ. Ông là một nhà-văn-đi. Đi, là để nhúng mình trong những không gian văn hóa - lịch sử - phong tục - đời sống khác nhau, để nhân bội mình lên bằng sự giàu có của những tri thức và trải nghiệm sống động. Và trên hết, với Hồ Anh Thái, đi là để viết. 

Ở tập sách "Họ đã trở thành nhân vật của tôi" (NXB Trẻ, 2012), phần 3 - "Chốc lát những bến bờ" - chính là bằng chứng trực tiếp nhất của việc Hồ Anh Thái biến cái đi thành cái viết. Tất cả những miền đất ông từng đặt chân tới: Ấn Độ, Nepal, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Iran, Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển… đều hiện diện trong văn chương phi hư cấu của Hồ Anh Thái với những chấm phá văn hóa - lịch sử - phong tục đặc sắc của nó. 

Ông chỉ tả và kể những điều tai nghe mắt thấy, dĩ nhiên, nhưng không phải là tả và kể một cách tràn lan, mà như cố gắng đi sâu vào để nắm bắt lấy "tâm hồn của sự vật" (chữ của G. Flaubert). Người đọc bình thường có thể vui sướng được du lịch trên những trang viết này của Hồ Anh Thái. Người đọc vốn quan tâm nhiều đến văn chương ngoài biên giới hình chữ S lại thấy ở đây những thông tin rất sống động, thú vị, và hẳn là có ích, về một phần đời sống của những nhà văn nước ngoài, về những sinh hoạt văn chương của họ (các diễn đàn, các cuộc hội thảo quốc tế về văn hóa/ văn học, các hội chợ sách quốc tế, các cuộc giao lưu giữa tác giả nước ngoài và độc giả bản địa…). 

Trông người lại ngẫm đến ta, hình ảnh những bến bờ văn chương xa lạ mà Hồ Anh Thái đặt chân lên chốc lát rồi mang lại ắt sẽ như một đối chiếu để mỗi người Việt Nam nặng lòng với văn chương xứ xở có dịp được nhìn lại diện mạo của mình, mà thèm, mà tiếc, và biết đâu đấy, sẽ nung nấu ý tưởng phải thay đổi những hoạt động đã quá lưu cữu rêu phong?

Sự dịch chuyển phong phú, đa dạng của Hồ Anh Thái, nhìn từ phía khác, chính là hệ quả của những chuyển động xã hội lớn mà ta vẫn thường định danh là "đổi mới" và "hội nhập toàn cầu". Khác hẳn một giai đoạn dài bị đóng cửa trước đó, thế giới rộng lớn thời đổi mới/ hội nhập toàn cầu đã mở ra trước mắt nhà văn, mời gọi ông… "xách ba lô lên và đi". Nhưng hội nhập, đương nhiên, không chỉ là đi. Bản chất của hội nhập là nỗ lực bắc những nhịp cầu thông hiểu, hiểu người và/ để hiểu mình. 

Cái tâm thế hội nhập ấy đã vào các sáng tác của Hồ Anh Thái bắt đầu từ "giai đoạn Ấn Độ" - từ  năm 1988 đến năm 1994, quãng thời gian ông sống và làm việc trên quê hương của R. Tagore - mà trái quả đẹp nhất là tập truyện ngắn "Tiếng thở dài qua rừng kim tước". Với người đọc Việt Nam, tập truyện ngắn này vừa mang lại vị hấp dẫn của hương xa, vừa cho phép ta khám phá phần nào những ngóc ngách bí ẩn trong tâm hồn người Ấn. 

Còn với người đọc Ấn Độ, thì tập truyện ngắn này, như Tiến sỹ K. Pandey viết trên tờ "The Hindustan Times", là "những mũi châm cứu theo kiểu Á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách Ấn Độ". Ấn Độ còn trở lại với Hồ Anh Thái một lần nữa, hơn mười năm sau, bằng tiểu thuyết "Đức Phật, nàng Savitri và tôi" (NXB Đà Nẵng & Công ty Văn hóa Phương Nam, 2007). 

Có thể phải nói rất dài về cuốn tiểu thuyết này, nhưng để cho ngắn gọn, tôi sẽ nói rằng đây là một sự kết hợp khá nhuyễn giữa Phật sử và hư cấu văn chương, là sự lý giải "kiểu tiểu thuyết" của Hồ Anh Thái rằng vì sao mà đức Phật và tư tưởng của ngài lại xuất hiện trên cõi thế. Với "Tiếng thở dài qua rừng kim tước" và "Đức Phật, nàng Savitri và tôi", có thể nói, Hồ Anh Thái đã "trả nợ" rốt ráo cho Ấn Độ, đất nước chưa khi nào hết vẻ kỳ vĩ và ngừng sức hấp dẫn với ông.

Nhưng, như đã nói, hội nhập để hiểu người, mà cũng chính là để hiểu mình. Cái không khí của đổi mới/ mở cửa/ hội nhập - nhất là ở thời kỳ đầu - như thổi vào xã hội Việt Nam một nhiệt lượng cực mạnh, nung nóng, làm tất cả phải nhảy múa theo những cách chưa từng có trước đó. Người ta biết rằng có một thế giới rộng lớn hơn cái thế giới được tạo thành bởi nước Việt Nam và hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa. 

Người ta biết rằng mình có những cơ hội để sống những cuộc sống khác, sống ở những vùng sống khác và sống theo những cách sống khác. Người ta trở nên năng động hơn, tích cực hơn, nhiều tham vọng hơn, nhưng vì thế mà cũng nảy sinh trong đời sống thêm nhiều nét nhố nhăng xiêu xó nực cười kiểu mới. 

Hồ Anh Thái nắm bắt rất nhạy những chuyển biến nghịch chiều này của thời đổi mới/ mở cửa/ hội nhập. Hàng loạt tác phẩm của "giai đoạn hậu Ấn Độ" đã ra đời - các tập truyện ngắn "Tự sự 265 ngày", "Bốn lối vào nhà cười", "Sắp đặt và diễn", "Người bên này trời bên ấy"; các tiểu thuyết "Mười lẻ một đêm", "SBC là săn bắt chuột", "Dấu về gió xóa", "Những đưa con rải rác trên đường" - cho người đọc có được những phen cười ngả cười nghiêng, cười thật dài để rồi phải nghĩ thật lâu. 

Nói riêng về cái khoảnh khắc va chạm giữa người Việt với thế giới bên ngoài khi cuộc đổi mới/ mở cửa/ hội nhập bắt đầu, theo tôi, Hồ Anh Thái có mấy truyện ngắn rất đáng chú ý: "Phòng khách", "Tờ khai visa" và "Sân bay". "Phòng khách" lấy bối cảnh là phòng khách của một ông có vai vế nào đó, nơi tổ chức các cuộc tiếp tân, nơi giới trí thức nghệ sỹ quốc nội rất năng lui tới để gặp Tây, tìm kiếm cơ hội xuất ngoại. 

"Tờ khai visa" thì xác định một không gian không thể cụ thể hơn được nữa: đó là đoạn vỉa hè bên ngoài và phòng đợi bên trong đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, số 7 Láng Hạ, Hà Nội, nơi hàng ngày có hàng trăm người Việt xếp hàng rồng rắn để làm thủ tục giấy tờ đến Hoa Kỳ. "Sân bay", hẳn rồi, là cái cửa ngõ để Việt Nam thông với thế giới, nơi người ta từ đó sẽ vi vút trên không, túa đến các nước khác thực hiện giấc mộng đổi đời; mà cũng là nơi, nếu kém may mắn, người ta sẽ bị ách lại vào giờ chót vì lá đơn tố cáo của kẻ xấu bụng nào đó. 

Ở cả ba truyện đều có nhân vật người kể chuyện xưng Tôi - dường như vẫn chỉ là một người đó thôi - cứ lặng lẽ quan sát, ghi nhận, cố ghìm mình để không bật lên tiếng cười trước những hoạt cảnh đời sống khắc tạc cái xấu xí của người Việt khi bước vào hội nhập. Người kể chuyện ghìm, nhưng văn bản thì không ghìm, và người đọc thì càng không ghìm được cái sự cười. Vì những câu chuyện quá độc đáo. Vì cách kể chuyện vừa "tửng", lại vừa tung tóe những lớp sóng ngôn từ bụi bặm vỉa hè đang trong cơn lên đồng ngoa dụ.

Ảnh bài: L.G

Càng gần về đây, sự phân cách giữa thực tại và hư cấu trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái càng khó nhận ra. Thực tại đấy, mà cũng là hư cấu đấy. Người kể chuyện trong một số truyện bao giờ cũng xưng Tôi, là một nhà văn. Nhà văn ấy đi nước này nước khác, gặp gỡ các đồng nghiệp thuộc những chủng tộc khác, đối thoại với họ, ghi nhận và đối chiếu những quan niệm khác biệt về văn chương. 

Tôi muốn ví dụ bằng hai truyện ngắn ông lấy bối cảnh Hàn Quốc: "Rót rượu" và "Tựa vào gốc anh đào mà ngủ". Ở "Rót rượu", hẳn nhiều người đọc phải bật cười liên hệ với văn chương Việt Nam khi tác giả tìm ra một công thức từ thực tế văn chương Hàn Quốc: "Nhà văn mới xuất hiện, muốn nổi tiếng thành hiện tượng văn chương phải có đủ ba yếu tố. 

Một, phải là người rất trẻ. Trẻ thế mà viết giỏi thế. Hai, phải là phụ nữ. Phụ nữ mà viết hay thế. Ba, phải là người vùng sâu vùng xa. Điều kiện khó khăn thế mà viết ngon lành thế". Ở "Tựa vào gốc anh đào mà ngủ", từ ông nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng vì bệnh ngủ - ông có thể nhắm mắt ngủ bất chợt vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, ngon lành - nhà văn người Việt rút ra một bài học: "Nhà văn vừa viết vừa hình dung ra người đọc khóc cười cùng với mình, người đọc đang gật gù tâm đắc hoặc bị kích động bừng bừng. 

Chỉ cần hình dung thế thôi. Khi người đọc phá vỡ quy ước của riêng ông, người đọc xuất hiện hữu hình, ấy là khi nhà văn thất vọng. Sự thất vọng cho cả đôi bên… Độc giả đích thực thì cũng giống như nhà văn đích thực, luôn ở đằng sau bức bình phong trang sách mà không bao giờ xuất hiện hữu hình".

Những quan niệm văn chương thú vị như vậy, lẽ nào lại không như một hệ quả xa gần được chiết xuất từ sự dịch chuyển của Hồ Anh Thái, một nhà văn luôn luôn đi và bao giờ cũng đang viết.   
Hoài Nam
.
.