Chuyện của Thanh “đầu móp”

Chủ Nhật, 27/11/2016, 11:13
Nếu công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất… cho những công ty, đơn vị kinh doanh tư nhân không tìm được tiếng nói chung với những gia đình bị mất đất thì chắc chắn bi kịch sẽ xảy ra, sẽ lại tiếp diễn với những hậu quả không lường trước được.

LTS: Đây là một phiên tòa như mọi phiên tòa khác, chỉ có điều đặc biệt đó chính là một phiên tòa xét xử cho những vụ việc vốn không phải là đơn lẻ đang xảy ra ở những vùng mà trước đây người ta quen gọi là kinh tế mới. Những mâu thuẫn, những dồn nén, những phận người khẩn hoang, những cuộc chiến giành đất chiếm đất…

Chuyện cứ tưởng từ hồi đẩu hồi đâu, hồi nảo hồi nao lại hiển hiện về với những đắng chát của dư vị cũ, thứ dư vị vốn dĩ người ta quen hơn trong các tiểu thuyết hoặc phim ảnh.

Thế nên, nếu công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất… cho những công ty, đơn vị kinh doanh tư nhân không tìm được tiếng nói chung với những gia đình bị mất đất thì chắc chắn bi kịch sẽ lại còn xảy ra, sẽ lại còn tiếp diễn với những hậu quả không ai lường trước hết được.

Một ghi chép khác, một nhân vật khác của nhà báo Mai Quốc Ấn, người đã vận động cho bị can Đặng Văn Hiến - nhân vật chính trong vụ nổ súng khiến 3 người tử vong, đầu thú với Cơ quan Công an.

Trần Văn Thanh là nhân vật của tôi. Người đàn ông 43 tuổi này bị móp đầu, câm, mất trí nhớ tạm thời khi tôi tìm đến Thanh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng- Điều trị bệnh nghề nghiệp ở Quận 8, TP HCM vào tháng 3-2016. 

Trước đó, Thanh hoàn toàn khỏe mạnh. Ở Rumani năm 2013, anh công nhân xây dựng Elvis Romeo Lingurar bị mất thăng bằng và ngã xuống giàn giáo. Hộp sọ bên trái của anh đã bị vỡ do đầu đập mạnh vào tấm bê tông bên dưới. Anh còn sống là kỳ tích. Cả thế giới quan tâm anh, như một biểu tượng của khát vọng sống.

Chuyện cái đầu bị móp một bên của Thanh là cả một câu chuyện dài. Ở đó, máu và nước mắt đã đổ. Chỉ có tình thương yêu và nghị lực sống là chống chọi lại bạo lực, tìm công lý.

Phần đầu móp do bị chém của Trần Văn Thanh.

Thanh và người nhà bị một nhóm bảo vệ của Công ty Long Sơn hóa thân như giang hồ gồm tám người  dùng rựa chém, gậy tầm vông vụt vào người khi bảo vệ mảnh đất của mình. Bị chấn thương sọ não sau một cú quật gậy và hai nhát chém vào đầu nhưng Thanh may mắn không chết. Tuy vậy khả năng nói của Thanh mất đi sau nhát chém ấy. Thanh bị thương tật vĩnh viễn 90%.

Hai em trai của Thanh là Trần Văn Hanh, Trần Văn Huỳnh kể lại vào ngày 3-3-2015, một đối tượng tên Đào Công Bắc nhờ tám đối tượng đến "đòi rẫy" nhưng thực chất là cướp đất. Những người này đến rẫy của Trần Văn Hanh (là em ruột Thanh) và đánh người, cướp đất. Tám đối tượng này cũng là bảo vệ công ty Long Sơn - công ty có 3 người chết, 19 người bị thương trong vụ nổ súng chấn động ở xã Đak Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào ngày 22-10-2016 vừa qua.

"Chúng chém anh Thanh của tôi chấn thương đầu gục xuống, đánh tôi gãy xương bàn tay trái, đánh vợ chồng anh Hanh dập cơ đến mức cả nhà dìu nhau đi cấp cứu" - Huỳnh vừa kể vừa cho tôi xem những giấy tờ liên quan chứng minh mảnh đất ấy là của gia đình mình.

Tôi nhìn Thanh. Chính xác là nhìn sâu vào đôi mắt vô hồn của Thanh khi Huỳnh kể lại câu chuyện. Trước đó Thanh từng bị chém hụt cũng vì giữ đất nhưng may mà chạy thoát. Huỳnh cũng có báo công an huyện nhưng cơ quan chức năng có phản ứng "rất kỳ lạ". Giang hồ ở đây ngang nhiên vào chặt cây, chiếm đất, Huỳnh gọi báo cơ quan chức năng ở địa phương thì nhận được những phản hồi đại loại như, "Chứng cứ đâu, vết thương đâu mà thưa" rồi cho tôi về" - Huỳnh nói.

Tài sản bị hủy hoại và bị cướp, người thân bị giang hồ rượt chém, bản thân nhận được những phản hồi kỳ lạ theo kiểu ấy từ chính quyền địa phương,  Huỳnh bèn gửi đơn kêu cứu lên công an tỉnh Đak Nông, khi ấy Thanh vẫn nằm vô hồn và được người thân đút từng muỗng cháo. Buồn bã thay, không ai trả lời Huỳnh cả... Trần Văn Huỳnh đã nói khi tôi giới thiệu cho Huỳnh nhóm luật sư vì người nghèo: "Em mong các anh giúp gia đình em đòi công lý”.

Dẫu muốn dẫu không phải thừa nhận một sự thật là, người dân ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có rất ít niềm tin vào chính quyền địa phương. Còn vì sao họ mất niềm tin, tôi thật sự không biết chắc lắm dẫu có mơ hồ đoán định được nguyên nhân. Dẫn chứng cụ thể nhất là khi tôi vận động hai bị can Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình trong vụ nổ súng Đắk Nông ra đầu thú, người dân tập trung ở bến đò Đak Ngo đã la lên: "Không! Không! Chết đấy!". Và sự thật là cả hai bị can chỉ đồng ý đầu thú với C45 Bộ Công an. Trong vụ nổ súng tại Đắk Nông, nếu không có gia đình Thanh, Hanh, Huỳnh giúp đỡ, có lẽ tôi sẽ không được dân Đak Ngo tin và vận động hai bị can ra đầu thú. Những đồng nghiệp báo chí, luật sư và các chiến sĩ C45 Bộ Công an cũng nhờ họ mà được người dân giúp đỡ qua đò, chở đi vào rừng bằng xe quấn xích. Không ai lấy một xu dù chúng tôi nhiều lần đề nghị.

Trở lại câu chuyện của Thanh, sau 7 tháng, tôi gặp lại Thanh. Thanh đã có thể đi lại, tự ăn cơm, tự nấu nước tắm và nói được vài từ rất ngắn. Thanh cười rất hiền và ngây ngô khi tôi hỏi thăm sức khỏe anh. Cái đầu Thanh móp vào một bên, khối xương sọ đã không còn mô để tái tạo vì đường cấp cứu quá xa. Thanh sẽ sống với hình hài dị dạng và mức sức khỏe mất đi do thương tật vĩnh viễn 90% mãi mãi.

Các bị cáo đang làm thực nghiệm hiện trường vụ tấn công Thanh ngay tại tòa.

Trước đó, có nhiều ngày trong bệnh viện, có nhiều ngày ở nhà, Thanh sống trong những cơ đau đầu không báo trước. Có những lúc Thanh phải ôm đầu gào thét, quằn quại vì đau. Không biết Thanh sẽ sống với những cơn đau này bao lâu nữa. Tôi có hỏi Hanh và Huỳnh thì được biết nhà chẳng còn gì để đưa Thanh đi chữa bệnh.

"Xót lắm, nhưng phải chịu!"- Họ nói như vậy.

Hôm kết thúc phiên tòa, tôi ngồi trong góc quán có ổ cắm sạc để viết bài và nhìn thấy cảnh, các luật sư bàn luận về phiên tòa, người nhà Thanh lắng nghe, chỉ có Thanh ngồi một mình. Thanh ngồi một bàn riêng, cốc nước đá tan ra rồi, lon nước ngọt chưa khui, ánh mắt Thanh nhìn vô định. Bóng của Thanh in lên tường, bóng cái đầu móp tự nhiên méo mó trên tường. Tôi nhìn, quay đi, rồi lại nhìn, rồi quay đi...

Cái đầu móp ấy, ám ảnh quá!

Các luật sư của Thanh nói trước phiên tòa rằng nếu không có một nghị lực cầu sống khủng khiếp và may mắn, Thanh đã... xanh cỏ. Và có một thứ khác: tình yêu thương. Những người trong gia đình Thanh đã đi làm thuê để nuôi Thanh vì đất còn đâu mà làm. Họ đã chăm Thanh từng muỗng cháo từ khi Thanh còn ngây ngô đến lúc Thanh có thể bập bẹ như trẻ con. Họ có mặt với Thanh suốt các phiên tòa. Thanh và gia đình anh chính là điều kỳ diệu mà tôi thấy. Và kỳ diệu hơn là Thanh bây giờ có thể tự đi, tự ăn cơm, tự nấu nước tắm và hiểu được người nhà muốn nói gì. Thật kỳ diệu, vì Thanh trước đó mà tôi biết không khác gì một "người thực vật".

Ngày 17-11-2016, Tòa án Nhân dân huyện Tuy Đức đã trả hồ sơ và yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra lại. Đây là lần thứ tư tòa yêu cầu hoãn xử, lần thứ năm yêu cầu điều tra lại vì nhiều tình tiết bị bỏ sót. Các luật sư đã nói thẳng giữa tòa là cáo trạng của Viện Kiểm sát Tuy Đức rất vô cảm có vẻ chỉ đang cố gắng "bảo vệ cho các bị cáo".

Và tôi không biết các luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Nguyễn Văn Quynh, Phạm Công Út, Phạm Hoài Nam - những luật sư vì người nghèo sẽ đi bao nhiêu phiên tòa nữa để đi đến tận cùng sự thật trong trường hợp của Thanh. Mức thù lao tượng trưng của họ chỉ đáng 1-2 chuyến đi. Và họ đã đi gần chục chuyến rồi...

Tôi hỏi người nhà Thanh, họ có tin công lý không? Họ đáp: Tin!

Tôi nhìn các luật sư, nhìn người nhà của Thanh, nhìn cái đầu móp mà vẫn sống của Thanh.

Tôi cũng tin.

"Chuyến cuối"

Ngày Thanh bị chém, cả nhà bị đánh thì người thân Thanh như Hanh, Huỳnh muốn "vùng lên một trận rồi ra sao thì ra". Nhưng họ còn kìm nén được vì nếu "lỡ có gì xảy ra thì ai chăm anh Thanh, ai lo gia đình?".

Có một điều mà bạn đọc cần biết: Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, câu chuyện của Thanh là không hiếm.  Khi xảy ra vụ nổ súng chấn động dư luận, tôi có gọi hỏi gia đình Thanh thì các thành viên đều nói rằng "Không lạ!". Có những người dân ở đây trước khi ra giữ đất đã thắp hương tổ tiên vì chuyến nào cũng xác định là "chuyến cuối"...

Mai Quốc Ấn
.
.