Câu chuyện đi học lớp 1 của hai cha con

Thứ Bảy, 31/10/2020, 08:13
Từ khoảng hơn 1 tháng nay, tôi có thêm một nhiệm vụ mới, đó là hằng ngày, đúng 7h sáng phải dắt con trai ra đầu phố, để đúng 7h5’ sẽ có xe bus của trường cháu đón đi học (cách nhà 5km).

Đầu phố cũng là nơi trường tiểu học cũ mà 30 năm trước đặt trụ sở. Như vậy, con đường tôi dắt con đi học hằng sáng bây giờ cũng chính là con đường tôi đi học 30 năm trước. Cùng một con đường, 2 dấu chân của 2 chú bé 6 tuổi (con tôi hôm nay và tôi cách đây 30 năm trước) có gì giống và khác nhau?

Lựa chọn

Thế hệ chúng tôi ngày xưa nói chung chỉ có 2 lựa chọn: “trường làng” gần nhà có thể đi bộ được như trường của tôi trước kia hoặc một trường điểm/chọn/chuyên của quận cách đó một vài cây số. Vì lựa chọn thứ hai phải thi đỗ mới được nên tất nhiên chỉ rất ít trẻ con ngày xưa được chọn lựa này. Phần lớn các gia đình tại Hà Nội đầu những năm 1990 đều bận rộn với cuộc sống mưu sinh. Việc cho con học gần nhà (hay đúng tuyến), có thể đi bộ được là lựa chọn của đại bộ phận người dân.

Ngày nay, ngoài những lựa chọn như trước kia, phụ huynh còn rất nhiều lựa chọn khác: chương trình có yếu tố nước ngoài, trường tư, trường quốc tế với các mức học phí từ thấp đến cao, thậm chí là rất cao (trái ngược với ngày xưa hầu như miễn phí). Trường học ngày nay cũng có thể sẽ không nhất thiết cứ phải ở gần nhà học sinh như trước kia mà có thể ở khá xa đến mức phải di chuyển bằng xe bus.

Về chương trình, sách học, cũng có sự khác biệt giữa hai thế hệ. Nếu như trước đây, thế hệ của tôi chỉ có một loại sách duy nhất, với một chương trình thống nhất trong cả nước thì từ năm học này, trên cả nước, có tất cả 5 bộ sách giáo khoa (con số có thể còn tăng thêm trong những năm tới), bên cạnh các chương trình quốc tế. Hơn thế nữa, từng trường cũng có thể tùy chỉnh, thêm bớt tương đối dễ dàng. Ngay cả khi phụ huynh ngày nay không hài lòng với các chương trình chính quy, họ cũng sẽ có rất nhiều lớp học thêm với đủ các nội dung từ ngoại ngữ, lập trình, cho đến kỹ năng sống, STEM...

Về cách thức vận hành, trường học ngày nay cũng đã vận hành khác xưa. Từ chỗ chỉ học một buổi vào những năm 1980-1990, phần lớn các trường tiểu học ngày nay đã học 2 buổi/ngày. Ở bậc cao hơn, tuy không bắt buộc nhưng cũng đã có rất nhiều trường tổ chức cả 2 buổi học. Trẻ em ngày xưa, hết một buổi học là về nhà ăn trưa, buổi chiều tự học, chơi hoặc có khi phụ giúp gia đình làm thêm tùy hoàn cảnh. Trẻ em ngày nay, phần lớn học bán trú, sinh hoạt ở trường nửa ngày, bên cạnh học chính khóa thì còn ăn trưa (nhiều nơi còn có cả ăn sáng), nghỉ trưa, vui chơi, sinh hoạt câu lạc bộ...

Ở góc độ vĩ mô, chất lượng và bình đẳng là hai cột trụ quan trọng của bất cứ nền giáo dục nào. Giáo dục ngày nay có nhiều lựa chọn hơn, đa dạng hơn, tiện ích hơn và có thể là chất lượng hơn nhưng có một khía cạnh thì có lẽ không thể bao giờ bằng được như xưa, đó là sự bình đẳng. Thật vậy, giáo dục phổ thông trước đây hầu như là miễn phí nhưng những lựa chọn giáo dục hôm nay, không phải cái nào cũng vậy.

Trẻ em hôm nay có thể được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, được ngồi trong các phòng học hiện đại với sĩ số ít hơn hẳn so với ngày xưa, bữa trưa tại trường của một học sinh cấp 1 có thể không khác mấy so với thực đơn tại nhà hàng..., chỉ có điều mọi thứ đều cần có điều kiện: chi phí phù hợp. Từ góc độ dịch vụ, hẳn nhiên tôi hiểu “không thể có bữa ăn miễn phí”.

Nhưng, từ góc độ giáo dục, tôi không thể không suy nghĩ. Bởi giáo dục không chỉ là việc cung cấp và trang bị kiến thức và kỹ năng cho người học mà giáo dục còn là phương tiện để giúp những con người có xuất phát điểm thấp có cơ hội được đổi đời. Giáo dục, theo nghĩa nguyên thủy nhất của nó phải là phương tiện giúp giảm bớt bất bình đẳng chứ không phải là chất xúc tác cho việc nới rộng bất bình đằng. Mặc dù vậy, rõ ràng, gia tăng bất bình đẳng đang nổi lên như một vấn đề lớn của giáo dục nước ta hiện nay.

Mất niềm tin

Niềm tin cũng là một điều trở nên khan hiếm hơn xưa. Năm xưa, cũng trên con đường từ nhà đến trường, cha tôi chỉ cần chào tôi ở cửa nhà. Một đứa bé 6-7 tuổi như tôi khi đó, hoàn toàn có thể tự đến trường gần nhà mà không cần ai dắt. Hiện nay, nếu tôi nói để con tôi tự đi ra chỗ đợi xe bus, chắc chắn tất cả sẽ phản đối tôi. Năm xưa, phụ huyng trao con cho nhà trường là hoàn toàn yên tâm. Ngày nay, ở nhiều nơi, lớp học phải được gắn camera để khi cần, phụ huynh có thể xem lại hình ảnh “cô làm gì với con mình”.

Năm xưa, cả nước chỉ có 1 bộ sách thì ngày nay, học sinh có 5 bộ sách để lựa chọn. Về mặt lý thuyết, bộ sách hôm nay đa dạng hơn, phong phú hơn, tiếp thu được nhiều kiến thức từ các nước tiên tiến hơn. Nhưng, thực tế, người dân nói chung và phụ huynh nói riêng hiện nay vẫn không tin. Và hẳn nhiên, việc mất niềm tin này không phải vô cớ.

Thay lời kết

Những chuyện tôi kể ở trên là những điều tôi suy nghĩ mãi trong hơn một tháng qua, khi tôi tạm biệt con trai ở chỗ đợi xe bus và đi bộ về nhà. 30 năm, cũng một cung đường, có 2 chú bé cùng một đất nước, cùng một thành phố, cùng một họ, cùng một dòng máu và cùng đi học nhưng 2 bước chân có những tâm thế và bối cảnh khác nhau hoàn toàn. Câu chuyện của hai cha con nhưng thực chất nó cũng là câu chuyện chung của cả nền giáo dục sau 30 năm.

Có những thứ tốt lên nhưng cũng có những thứ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tôi không biết 30 năm nữa, liệu cũng trên cung đường này, con trai tôi có lại dẫn con của nó đi học như tôi hôm nay hay không. Tôi hy vọng khi đó, những điểm mới, điểm tốt của giáo dục hôm nay sẽ tiếp tục được cải thiện và những vấn đề tôi nêu ra trong bài này sẽ không xấu hơn hoặc tốt hơn cả là sẽ được giải quyết.

Phạm Hiệp
.
.