Thủ tướng Shinzo Abe: “Mở rộng” chính sách ngoại giao – an ninh
- Lập cân bằng trong cán cân quyền lực ở châu Á
- Chính phủ Shinzo Abe: Những mũi tên chưa đi về đích
- Ván bài kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như tất cả các vùng biển tranh chấp và các hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông đã khiến chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe phải thay đổi tư duy, đồng thời đánh giá lại kỹ lưỡng cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao - an ninh.
Ngay từ đầu năm 2017, ông Abe đã liên tiếp thực hiện nhiều chuyến công du đến một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhằm thể hiện một chính sách ngoại giao chủ động, tích cực và mở rộng ảnh hưởng.
Chưa hết, Tokyo lên kế hoạch đưa tàu chiến lớn nhất tham gia chuyến đi kéo dài 3 tháng qua Biển Đông (bắt đầu vào tháng 5). Đây là sự phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực kể từ Thế chiến II.
Thách thức đối thủ
Trong chiến lược đối phó với Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe đặc biệt nhấn mạnh đến củng cố hợp tác an ninh trong bối cảnh ngày càng gia tăng hoạt tính của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì lẽ đó, ông đã thực hiện nhiều chuyến công du đến các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác với liên minh này.
Ông Abe chia sẻ về những quan ngại trước việc Bắc Kinh tạo lập cơ sở hạ tầng quân sự và mở rộng năng lực của quân đội Trung Quốc trong vùng tranh chấp ở Biển Đông, mà cụ thể là thông qua chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã xuất hiện ở phần tây Thái Bình Dương.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu, ông Shinzo Abe đã phác họa chính sách ngoại giao “tự do và thịnh vượng”, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ và pháp trị, đồng thời chủ động siết chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực để ngăn chặn ảnh hưởng của “những thế lực đe dọa hòa bình”.
Ông Abe nhấn mạnh rằng, Nhật Bản hy vọng đóng vai trò hàng đầu trong tiến trình “kìm hãm” Bắc Kinh trong bối cảnh Tokyo cũng đang đối mặt với thách thức từ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông lân cận.
Cho đến nay, Nhật - Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ. |
Riêng đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abe lo ngại trước đà phát triển hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực giàu tài nguyên này, với nhiều tuyến đường thương mại vô cùng quan trọng.
Vì vậy, ông nhấn mạnh 3 nguyên tắc chủ đạo về an ninh trên Biển Đông là các quốc gia đưa yêu sách chủ quyền dựa trên luật quốc tế, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt yêu sách và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bên cạnh đó, chính quyền Abe cũng rất tích cực thúc đẩy các cuộc đối thoại an ninh 4 bên gồm có Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ - 4 đỉnh của “tứ giác kim cương an ninh - dân chủ”.
Theo đánh giá, chính sách của Nhật tại Biển Đông có thể được coi là chủ động, tích cực và nhất quán. Thủ tướng Abe đang dần nâng cao ảnh hưởng của Nhật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh việc kiềm chế sự trỗi dậy hung hãn của Trung Quốc và giảm áp lực tranh chấp. Trung Quốc thường chỉ trích Nhật về các chính sách “chống đối”, và cảnh báo Nhật đừng can thiệp vào tranh chấp tại Biển Đông vì Nhật không phải là một bên trong cuộc tranh chấp.
Tuy nhiên, Nhật có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì an ninh hòa bình và tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Do đó, ông Abe không ngần ngại tận dụng mọi cơ hội (như trong các cuộc Hội nghị G7 thúc đẩy các nước phát triển) để lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Trong động thái mới nhất, một số nguồn tin cho biết chính quyền Abe đã cho phép tàu sân bay trực thăng Izumo thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.
Mục đích của ông là kiểm tra khả năng của Izumo thông qua việc triển khai tàu trong “một chương trình hợp tác mở rộng”. Vì sứ mệnh chính của tàu Izumo là tham gia vào các cuộc chiến chống tàu ngầm nên đây được xem là bước đi quân sự quan trọng của ông Abe khi cho phép Tokyo thể hiện sức mạnh quân sự ngoài việc bảo vệ lãnh thổ.
Đưa Izumo tham gia tập trận hải quân là động thái hiếm hoi của Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở châu Á. Nhiều chuyên gia nhận định, ông Abe muốn mạnh tay đáp trả chính quyền Bắc Kinh trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, và trên hết là tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền nào ở khu vực Biển Đông, nhưng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc khiến Tokyo lo ngại và thúc đẩy cam kết gia tăng tuần tra, cũng như các hoạt động đào tạo trong khu vực.
Không hề nao núng
Chính sách đối phó với Trung Quốc dưới thời ông Abe đặc biệt nhấn mạnh ý định duy trì sự hiện diện hợp tác quân sự trong khu vực với Mỹ. Tokyo từng cảnh báo Bắc Kinh “thận trọng và đừng đùa với quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ” sau khi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng những hòn đảo nhân tạo. Chiến dịch huấn luyện của tàu Izumo xuất hiện trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Việc chính quyền Abe đưa Izumo tham gia cuộc tập trận quy mô lớn nhấn mạnh rằng khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của Nhật Bản là chìa khóa để ngăn chặn sự mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. |
Washington chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự mà Mỹ lo ngại sẽ làm hạn chế quyền tự do hàng hải. Theo đó, Mỹ sẽ phải gửi cho Trung Quốc tín hiệu rõ ràng rằng họ phải dừng việc xây dựng đảo và không được tiếp cận ở các hòn đảo đó.
Việc chính quyền Abe đưa Izumo tham gia cuộc tập trận quy mô lớn không chỉ nhấn mạnh rằng khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của Nhật Bản là chìa khóa để ngăn chặn sự mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Quan trọng hơn, Tokyo đang âm thầm giúp Washington chiến đấu và tăng sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Thủ tướng Shinzo Abe đang chủ động tìm cách xác nhận cam kết an ninh của tân Chính phủ Mỹ.
Tokyo mong muốn thảo luận với Washington cách làm sâu sắc thêm liên minh an ninh song phương, nhắc lại nghĩa vụ của Mỹ bảo vệ các đảo Nhật Bản đang đóng giữ ở Hoa Đông (bao gồm Senkaku), đồng thời hi vọng Mỹ cam kết hỗ trợ trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc.
Cho đến nay, Nhật - Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ. Ông Abe vẫn dựa vào hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật với cam kết từ phía “bằng hữu lâu năm” về những hỗ trợ khi cần thiết. Thế nhưng, Tokyo vẫn cần sự xác nhận cuối cùng của ông Trump. Điều Thủ tướng Shinzo Abe quan tâm là Mỹ sẽ tham gia và giữ vai trò ở mức độ nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi muốn ưu tiên “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Rõ ràng, nước Mỹ dưới thời Trump sẽ “không ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” bởi vì Washington cắt giảm ngân sách viện trợ cho các đồng minh truyền thống trong khu vực. Vì vậy, tùy theo cách ứng xử thực tế của ông Donald Trump, chính quyền Abe có thể phải đánh giá lại kỹ lưỡng cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận an ninh quốc gia.
Sau khi có sự thay đổi ở Nhà Trắng, Thủ tướng Abe đã sớm tính đến các phương án tự chủ trong chính sách đối ngoại - an ninh quốc phòng khi nhận ra ông Donald Trump phát đi một số thông điệp mâu thuẫn, khiến các đồng minh (kể cả Nhật Bản) lo ngại. Việc Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Donald Trump được đánh giá như một canh bạc có chủ ý của nhà lãnh đạo “xứ sở mặt trời mọc”.
Ông muốn giành vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng nhiều hơn cho Tokyo, nhất là trong bối cảnh căng thẳng và rủi ro tăng cao, cùng nguy cơ bất ổn ở châu Á khi Bắc Kinh trỗi dậy mạnh mẽ. Những nước cờ đối ngoại hết sức linh hoạt và dứt khoát cho thấy sự chủ động của Thủ tướng Shinzo Abe.
Nhiều chuyên gia nhận định, bất luận chính quyền Trump tiếp cận vấn đề an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương như thế nào thì Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe sẽ vẫn luôn giữ thế chủ động trong mọi tình huống. Với ông Abe, mọi biến động đều là cơ hội để củng cố năng lực phòng thủ.
Thủ tướng Nhật Bản không hề nao núng, mà tiếp tục phát huy sức mạnh của ý chí tự lực tự cường vốn có trong máu của người dân “xứ sở mặt trời mọc”.
Điều này cho thấy, Nhật Bản sẽ trở thành trụ cột an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định và tôn trọng pháp luật trong bối cảnh có nhiều biến động và tranh chấp phức tạp...