Chính phủ Shinzo Abe: Những mũi tên chưa đi về đích

Thứ Sáu, 26/08/2016, 18:51
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện, Chính phủ Nhật Bản có những động thái quyết liệt gấp rút đưa nền kinh tế Nhật Bản vào quỹ đạo ổn định.

Hơn nửa chặng đường đã trôi qua đối với chính sách cải cách kinh tế “Abenomics”, thành công đã xuất hiện nhưng nửa chặng đường còn lại đang hé lộ thêm nhiều khó khăn gấp bội, khiến ngay cả gói kích thích kinh tế (trị giá 28.100 tỷ yên) vừa được thông qua cũng bị nghi ngờ.

Bên cạnh đó, trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, hay sự cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Abe đang dần hiện thực hóa việc sửa đổi bản “Hiến pháp hòa bình”. Tuy nhiên, việc sửa đổi này không hề đơn giản khi phải vượt qua nhiều rào cản lớn.

Thách thức kinh tế

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục vật lộn với giảm phát, lãi suất 0%, hệ thống ngân hàng ốm yếu, thất nghiệp tăng, tăng trưởng trì trệ và dân số già hóa với tốc độ nhanh hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác. Người ta nói rằng, Nhật Bản đang có mọi đặc điểm của một cuộc suy thoái lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 1930.

Trước tình hình này, Ngân hàng trung ương Nhật bản (BoJ) đã làm “choáng váng” thị trường toàn cầu khi tuyên bố sẽ áp dụng mức lãi suất âm đối với một phần các khoản tiền mà các định chế tài chính gửi tại đây. Trên lý thuyết, lãi suất âm không có rủi ro, tuy nhiên chúng đang che đậy một thực tế hoàn toàn trái ngược là gây ra áp lực tài chính cho thị trường.

Cuối tháng 7, BoJ quyết định nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, nhằm đẩy lui tình trạng giảm phát, duy trì việc tăng cơ sở tiền tệ ở mức hằng năm là 80 nghìn tỷ yên, và tiếp tục áp dụng mức lãi suất - 0,1% đối với tiền gửi của các ngân hàng khác. 

Kết quả đo được sau khi Nhật Bản áp dụng lãi suất âm là thị trường chứng khoán lao dốc và tăng trưởng GDP tiếp tục bị co hẹp lại. Đây là số liệu đáng thất vọng đối với Thủ tướng Shinzo Abe, tiếp tục chứng minh nền kinh tế vẫn đang lún sâu vào suy thoái.

28.100 tỷ yên được coi là bước đi táo bạo của Shinzo Abe và sẽ được "phát triển" hơn nữa trong tương lai.

Ngay từ thời điểm liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện, hàng loạt dấu hiệu đáng lo ngại đã nối nhau được ghi nhận. Sản lượng công nghiệp sụt giảm, thâm hụt thương mại quốc tế, và đặc biệt việc đồng yên tăng giá là những mối nguy cơ hiển hiện, đe dọa lợi nhuận của các công ty Nhật Bản.

Đến lúc này, Brexit vẫn đang tạo nên những cơn đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản. Nếu đồng yên vẫn giữ giá cao so với các đồng tiền chủ chốt khác thì kinh tế Nhật Bản sẽ phải chịu những tác động tiêu cực trong lĩnh vực thương mại - tài chính quốc tế.

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục khó khăn và niềm tin của người dân vào triển vọng kinh tế cũng suy giảm. Ngoài ra, tỷ lệ hộ gia đình ở Nhật Bản đặt niềm tin vào năng lực điều hành và chính sách chính quyền Abe cũng rơi xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua. Trong một nỗ lực cứu vãn tình thế, Chính phủ Shinzo Abe đã quyết định thông qua gói kích thích 28.100 tỷ yên vào đầu tháng 8.

Theo ông Abe, số tiền này sẽ được dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện cơ cấu dân số, trợ cấp cho nhóm người có thu nhập thấp, huy động tài chính lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bị ảnh hưởng từ Brexit, cũng như tiếp tục hỗ trợ các địa phương tái thiết sau thiên tai - động đất.

Mũi tên lạc đích

28.100 tỷ yên được coi là bước đi táo bạo của ông Shinzo Abe, và sẽ được “phát triển” hơn nữa trong tương lai nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định con số này “vẫn ít”, và kế hoạch mà chính khách Abe toan tính vẫn còn thiếu vắng một sự bảo đảm chắc chắn về nguồn tiền.

Không chỉ vậy, việc Chính phủ Nhật Bản hướng trọng tâm của gói kích thích kinh tế vào chi tiêu công và xây dựng cơ sở hạ tầng, như những khoản “đầu tư hướng đến tương lai”, cũng có nghĩa là chưa thể trông đợi những bước đột phá trong ngắn hạn.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản tin rằng gói kích thích sẽ tiếp thêm động lực cho chiến lược Abenomics với ba mũi tên lớn - chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tái cấu trúc nền kinh tế. Không thể phủ nhận, Abenomics đã đạt được những thành quả nhất định trong việc khôi phục kinh tế Nhật Bản, kể từ khi bắt đầu được triển khai năm 2012.

Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng chậm chạp, chi tiêu hộ gia đình chưa tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng và xuất khẩu vẫn còn thấp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Một số chuyên gia cho rằng, “ba mũi tên”, tưởng như có thể làm nên điều kỳ diệu, đã “lạc đích”, khiến Nhật Bản vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát.

Có thể nói, mũi tên thứ hai đã chệch hướng. Thay vì sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế và kích cầu, Chính phủ Abe lại tăng thuế tiêu dùng, làm phanh lại đột ngột nền kinh tế vốn trì trệ. 

Trong khi đó, mũi tên thứ ba được cho là chưa bao giờ được bắn ra. Tái cấu trúc tức là phải giải quyết được các vấn đề như nhập cư, vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động, cải thiện hiệu suất của mạng lưới phân phối bán lẻ và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, dư luận thấy rằng Thủ tướng Shinzo Abe dường như vẫn đang “bất động” trước các vấn đề này. Họ kêu gọi nhà lãnh đạo cần đưa ra nhiều hơn một gói kích thích kinh tế mang tính dài hạn, thậm chí đòi hỏi ông Abe công khai những bộ giải pháp toàn diện cả về đối ngoại lẫn đối nội.

Cải cách khó khăn

Trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vừa qua, liên minh cầm quyền của đảng LDP đã giành chiến thắng áp đảo, mở đường cho việc sửa đổi “Hiến pháp hòa bình” bởi LDP của ông Shinzo Abe trong liên minh cầm quyền và những lực lượng ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp đã giành được 2/3 trong 242 ghế Thượng viện. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu công cuộc cải cách Hiến pháp, ông Shinzo Abe chắc chắn đã lường trước được con đường chông gai phía trước.

Khi đưa ra bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, vị Thủ tướng Nhật Bản xác định không kỳ vọng nó “sẽ được thông qua một cách suôn sẻ”, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng xúc tiến các cuộc thảo luận nhằm hướng tới một bản Hiến pháp được đông đảo người dân chấp nhận.

Việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp không hề dễ dàng.

Sau gần 70 năm thực hiện “Hiến pháp hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Abe đã tỏ rõ mong muốn sửa đổi bản Hiến pháp nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. 

Từ lâu, ông Abe đã bày tỏ quan điểm rằng Nhật Bản cần có một bản Hiến pháp do “chính tay người Nhật” xây dựng để trở thành “một nước có chủ quyền thực sự”.

Vấn đề “nhạy cảm” nhất vẫn nằm ở việc sửa đổi Điều 9. Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, LDP đã xóa bỏ việc cấm Nhật Bản tính đến phương án chiến tranh, cũng như những hạn chế mà bản Hiến pháp thời hậu chiến đã áp đặt đối với việc thực thi quyền phòng vệ của Nhật Bản, trong đó có quyền phòng vệ tập thể, hoặc bảo vệ đồng minh cả trong những trường hợp Nhật Bản không phải là mục tiêu bị tấn công trực tiếp.

Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số học giả cảnh báo, những thay đổi này có thể không chỉ hủy hoại chủ nghĩa hòa bình nêu trong Hiến pháp mà còn biến Nhật Bản thành một đất nước quá chú trọng vào quyền lực nhà nước và trật tự xã hội thay vì các quyền lợi cá nhân.

Một bộ phận người dân phản đối, cho rằng Nhật Bản có được sự trỗi dậy về mặt kinh tế như hiện nay là nhờ vào ý tưởng kiên trì phát triển hòa bình, đứng ngoài các cuộc tranh chấp xung đột, tập trung tinh lực để phát triển kinh tế và lấy nâng cao đời sống nhân dân làm cốt lõi. Hơn nữa, họ lo ngại rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ dẫn đến việc tiền thuế được sử dụng vào tăng cường quân đội thay vì cho phúc lợi xã hội.

Bất chấp nhiều quan điểm trái chiều, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ bắt đầu xúc tiến thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp trong phiên họp Quốc hội vào những tháng tới. Trọng tâm vẫn là Điều 9, và chắc chắn Thủ tướng Nhật Bản sẽ hành động hết sức cẩn trọng. Nhiều chuyên gia nhận định, LDP có thể sẽ xúc tiến chiến lược sửa đổi Hiến pháp theo từng giai đoạn.

Ban đầu, Chính phủ của ông Abe đề xuất sửa đổi Hiến pháp với lý do để đối ứng với những tình huống nguy cấp, sau đó tiếp cận điều khoản trọng tâm trong Hiến pháp. Thủ tướng Shinzo Abe vẫn còn hơn hai năm nhiệm kỳ, và muốn giải quyết vấn đề Hiến pháp một cách bình tĩnh nhất…

Minh Thy
.
.