Vĩnh Phúc: Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp
4 tháng năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 13,36%, cao hơn mức tăng 9,13% cùng kỳ năm 2024. Đây là nền tảng để Vĩnh Phúc vươn mình, bứt phá trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới.
Công nghiệp tăng tốc, bứt phá
Trong tháng 4/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 6,15% so với tháng trước và tăng 14,39% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP tăng 13,36%, cao hơn mức tăng 9,13% cùng kỳ năm trước, cho thấy đà phục hồi sản xuất tiếp tục được duy trì.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của tăng trưởng - tăng 6,17% trong tháng 4. Một số ngành khác cũng ghi nhận tăng: sản xuất, phân phối điện và khí đốt tăng 4,70%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,86%. Riêng ngành khai khoáng không thay đổi.

Đáng mừng, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực như ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất da và các sản phẩm liên quan... tăng mạnh nhờ sự linh hoạt, đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp và nhiều dự án mới đi vào hoạt động, các đơn hàng xuất khẩu được duy trì và cải tiến công nghệ.
Với sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50 ha vào năm 1998, đến nay, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 23.251 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 9 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt gần 60%, cụm công nghiệp hơn 42%. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến năm 2030, tỉnh được quy hoạch, phát triển mới 24 KCN; đến năm 2050 là 29 KCN. Trong đó, ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5. Trước mắt, năm 2025, có thêm 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động gồm: Khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 156,76 ha; Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1) quy mô 145,27ha; Khu công nghiệp Sông Lô II quy mô 165,65ha…
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ấn tượng qua từng giai đoạn: Từ năm 1997 - 2000 đạt gần 76%/năm; giai đoạn 2001 - 2010 đạt trên 30%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp Vĩnh Phúc đóng góp tới 4,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao, chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp của tỉnh chiếm hơn 42% tổng giá trị thì đến năm 2024 chiếm 43,43% trong cơ cấu GRDP các ngành kinh tế của tỉnh. Với vị thế ngày càng vững chắc, Vĩnh Phúc trở thành bến đỗ của nhiều dự án có hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy...

Để tăng cường vai trò lãnh đạo của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương và phát huy hơn nữa hơn nữa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả phát triển các KCN theo hướng bền vững và đổi mới mô hình phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1739 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển khu công nghiệp, Chương trình hành động số 07 về “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc”. Nhờ đó, 4 tháng đầu năm 2025, các KCN trên địa bàn thu hút được 17 dự án mới, trong đó có 10 dự án FDI mới, 16 lượt dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt 162,22 triệu USD và 7 dự án DDI mới, 3 dự án DDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt hơn 1.287 tỷ đồng. Số lượng dự án mới và mở rộng sản xuất tăng cao đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ cho ngành sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy..., góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Cụ thể, quý I/2025, doanh thu các dự án FDI trong khu công nghiệp đạt gần 3.299 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt gần 2.839 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.104 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh thu các dự án DDI trong KCN đạt gần 3.985 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; nộp ngân sách 237 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Những con số trên đã khẳng định rõ hơn khi sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực dù chịu tác động từ chính sách thương mại quốc tế.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung, ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phát triển chưa thực sự bền vững và theo chiều sâu. Tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực còn hạn chế về chất lượng; khoa học - công nghệ chưa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chưa hợp lý khi phụ thuộc quá lớn vào nhóm ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản phẩm điện tử, thiết bị điện (chiếm tới 90% tổng giá trị sản xuất công nghiệp). Các dự án công nghiệp lớn hiện hữu cơ bản đã khai thác gần hết công suất, trong khi chưa hình thành thêm các cơ sở công nghiệp quy mô lớn có khả năng tạo động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày càng gay gắt, gây nhiều khó khăn trong việc thu hút các dự án công nghiệp mới.
Cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp
Để phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, chuyển từ tư duy “quản lý doanh nghiệp” sang “hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp” nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực lợi thế như: Công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; công nghệ cao… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển hạ tầng theo hướng xanh, thông minh, tạo quỹ đất sạch để đón làn sóng đầu tư. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Trong đó, xác định 40 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao cho các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu sở, ngành, địa phương thực hiện triển khai xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là yêu cầu tất yếu. Theo đó, Vĩnh Phúc tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế như công nghệ thông tin và viễn thông; điện, điện tử, công nghiệp bán dẫn, điện tử hoàn chỉnh, cơ điện tử; sản phẩm ô tô, xe máy điện và các sản phẩm phục vụ công nghiệp ô tô. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô theo xu hướng toàn cầu hóa với các công nghệ hybrid, chạy bằng điện; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo nền tảng thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng cao, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh hỗ trợ đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược hiện hành, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung thu hút làn sóng đầu tư chiến lược mới thông qua việc lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư; các hội thảo, diễn đàn nhằm phát triển khu công nghiệp đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định: Vĩnh Phúc cũng nhận thức rằng, doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; nhà đầu tư vào tỉnh là công dân của tỉnh; các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân phải có trách nhiệm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Để làm được điều đó, Vĩnh Phúc không chỉ tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên cả 3 phương diện: Kinh tế, xã hội, môi trường mà còn cần nghiên cứu, tìm tòi để xây dựng mô hình khu công nghiệp phù hợp với địa phương gắn liền với bối cảnh, yêu cầu của thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới, thời kỳ phát triển bền vững. “Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động đề ra các nhóm giải pháp căn cơ, đột phá, kiến tạo lợi thế mới. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới; phát triển hạ tầng xanh, an toàn hướng tới phát triển bền vững; quan tâm phát triển năng lượng tái tạo. Về nguồn nhân lực, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao…” Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chia sẻ.
Vĩnh Phúc kết nối đầu tư chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao
Nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc), vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan (ITRI) đã có buổi làm việc quan trọng tại Đài Loan, đánh dấu bước tiến mới trong phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh chiến lược hợp tác toàn diện nhằm phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao tại môi trường Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc. 3 trụ cột chính được đặc biệt nhấn mạnh gồm quy hoạch hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt cho sự thành công của mô hình khu công nghiệp thế hệ mới. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Trần Quang Ngọc thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Vĩnh Phúc với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Vĩnh Phúc sẵn sàng tiếp nhận và triển khai các mô hình đầu tư công nghệ cao theo chuẩn quốc tế, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn CNCTech khẳng định rõ định hướng của doanh nghiệp trong việc phát triển mô hình khu công nghiệp công nghệ cao gắn liền với hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, CNCTech không chỉ đơn thuần xây dựng các khu công nghiệp truyền thống mà hướng tới việc kiến tạo những hệ sinh thái công nghiệp tiên tiến và bền vững.
ITRI thể hiện sự cam kết hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp tại tỉnh trong việc phát triển khu công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, ITRI sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong lập quy hoạch, thiết kế tổng thể và chi tiết từ cấp tỉnh đến khu công nghiệp. Ngoài ra, với mạng lưới rộng lớn và uy tín, ITRI sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng từ Đài Loan đến Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Phúc. Với kinh nghiệm phát triển công nghệ của ITRI, định hướng chiến lược của CNCTech và sự ủng hộ từ chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, những khu công nghiệp công nghệ cao tiêu chuẩn quốc tế được kỳ vọng sẽ sớm hình thành tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.