Mùa cá Nam - mùa của những giấc mơ trăm dặm biển khơi
Cảng cá Cửa Việt, như một bến hẹn thầm lặng giữa trùng khơi và đất liền, vào mùa vụ cá Nam – một mùa vụ rất quan trọng với ngư dân Quảng Trị, không lúc nào ngớt tiếng máy tàu, tiếng khàn khàn của bộ đàm và cả tiếng rao của những bạn thuyền gọi nhau tiếp đá, đổ dầu, mang lương thực.
Những thanh âm tưởng như bình thường ấy lại là nhịp đập của một nền kinh tế biển gắn chặt với từng con sóng, từng mùa trăng.
Trong một góc cảng, ông Nguyễn Văn Long, thuyền trưởng tàu cá QT 90063TS, người đã dạn dày hàng chục mùa biển, chia sẻ với giọng chậm rãi: “Vụ cá Nam năm ni coi rứa mà khởi sắc lắm. Tàu tui làm nghề lưới vây, chụp mực, mỗi chuyến dài ngày cũng đánh được 7 - 8 tấn cá, thu nhập cỡ 180 đến 200 triệu. Trừ chi phí, mỗi bạn thuyền cũng chia được 12 - 15 triệu đồng một tháng”.

Ông Long không giấu hy vọng, nói thêm rằng, tháng 7, tháng 8 mới là lúc cá về rộ nhất. Khi ấy, nếu “trời cho”, tàu ông có thể đánh bắt được những mẻ cá ngừ lớn, những đợt mực lá béo tròn, những loài hải sản vốn luôn được thị trường ưa chuộng. “Nếu luồng cá nổi lên đều thì ngư dân mình còn vui nữa, không chỉ vì tiền đâu, mà là cảm giác được thắng lợi ngay trên chính vùng biển của mình”, ông nói, mắt nhìn xa về nơi chân trời chỉ còn lấp lánh ánh bạc.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Quang Hùng, chủ tàu QT 94522TS, đang khẩn trương kiểm tra lại máy móc, tiếp thêm đá lạnh cho chuyến biển sắp tới. Tàu ông chuyên đánh cá cơm, loài cá nổi theo đàn, dễ đánh bắt nhưng cũng dễ mất dấu nếu lỡ nhịp luồng đi. “Cá cơm năm ni nhiều hơn, ngư trường rộng hơn nên mỗi chuyến có thể thu trên trăm triệu. Có công nghệ hỗ trợ nữa nên hiệu quả cao hơn nhiều”, ông Hùng nói, tay vẫn thoăn thoắt lật mở từng khoang tàu. Mỗi thuyền viên trên tàu ông nhận từ 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng, một khoản thu nhập không nhỏ trong thời buổi giá cả leo thang.
Những ngày biển lặng, cảng cá Cửa Việt, cảng cá Bắc Cửa Tùng… không khi nào ngủ. Tàu ra vào tấp nập, thương lái chen nhau đặt hàng từ sáng sớm. Một cảnh tượng nhộn nhịp mà chỉ có mùa cá Nam mới có thể mang lại. Ông Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu vỏ thép QT 96969TS, một trong những chủ tàu có tiếng ở Cửa Việt, cho biết, ông đã đầu tư kỹ lưỡng cho vụ cá Nam năm nay, từ ngư cụ, máy định vị, máy dò cá cho đến hệ thống bảo quản hiện đại. Tàu của ông thường đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, nơi cá thường xuất hiện theo đàn lớn. “Chuyến biển lần ni là dài ngày, nên chuẩn bị kỹ mới yên tâm”, ông nói khi cùng bạn thuyền đang khuân đá, lương thực lên tàu.

Vừa từ khơi trở về, ngư dân Trần Hồng Lĩnh, chủ tàu QT 95767TS, tất bật gọi điện đặt thêm nhiên liệu, đá lạnh để kịp xuất bến vào rạng sáng hôm sau. Tàu ông vừa bán xong mẻ cá cơm và cá nục, thu gần 200 triệu đồng. “Năm ngoái, trừ hết chi phí, tui còn lời được cả tỉ bạc”, ông Lĩnh nói, nụ cười đầy tự tin, trong khi đôi tay ông không lúc nào ngừng nghỉ.
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị, cho biết, trung bình mỗi ngày cảng cá Cửa Việt tiếp nhận 10 – 15 tàu cập cảng. Để phục vụ hiệu quả, cảng luôn có lực lượng túc trực 24/24h, sắp xếp vị trí bốc dỡ, tiếp liệu và đồng thời nhắc nhở ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, ghi nhật ký hành trình, báo cáo sản lượng qua cảng. “Chúng tôi không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, mà còn tuyên truyền pháp luật để bà con không đánh bắt sai vùng, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Làm ăn chính đáng là lâu dài và bền vững”, ông Sơn khẳng định.
Cửa Việt là một trong những địa phương có sản lượng khai thác lớn nhất tỉnh Quảng Trị trước đây, đang bước vào mùa cá Nam với khí thế hừng hực. Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh này, xã có trên 860 tàu cá, trong đó 164 tàu dài trên 15m chuyên đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến biển dài 5 – 10 ngày, bình quân mỗi tàu này có thể mang về không dưới 500 triệu đồng. “Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập các tổ đoàn kết trên biển, vừa để hỗ trợ nhau lúc sóng gió, vừa để nâng cao năng lực sản xuất. Mỗi chiếc tàu là một cánh tay nối dài của địa phương ra tận Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Vinh nói.
Số liệu từ Sở NN&MT tỉnh Quảng Trị (cũ) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh đạt gần 32.000 tấn, tương đương 57,5% kế hoạch năm. Một con số đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh thời tiết thay đổi phức tạp và giá cả xăng dầu tăng cao. “Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, từ máy lái tự động, tời thủy lực, máy dò chụp, cho đến đèn LED tiết kiệm điện. Đồng thời khuyến khích ngư dân tổ chức khai thác theo tổ đội để tăng hiệu quả và giảm chi phí. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đang vận động thương lái, doanh nghiệp chỉ thu mua sản phẩm tại cảng cá đúng quy định, qua đó đảm bảo truy xuất nguồn gốc, phòng chống khai thác IUU, một điều kiện quan trọng để giữ thị trường xuất khẩu châu Âu và Nhật Bản”, ông Vinh cho biết thêm.
Ở Quảng Trị, mỗi mùa cá Nam không đơn thuần là chuyện mưu sinh. Với người dân vùng biển, đó còn là mùa khẳng định bản lĩnh, khát vọng chinh phục biển trời. Anh Trần Thanh Bình, cán bộ kiểm soát nghề cá tại cảng Cửa Việt, cho biết, hiện có khoảng 200 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động trên biển, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường gần Hoàng Sa. Các nghề phổ biến là lưới vây, lưới rê, chụp mực, câu cá ngừ. Mỗi nghề có đặc trưng riêng, nhưng điểm chung là yêu cầu tinh thông, bền gan, chịu sóng. “Mùa cá Nam là mùa làm ra tiền, nhưng cũng là mùa thử thách sức người. Có những ngày sóng cấp 6, cấp 7 vẫn phải bám biển. Mỗi ngư dân là một chiến sĩ không rời vị trí, giữ lấy biển đảo bằng chính nghề của mình”, anh Bình xúc động.