Thanh tra phát hiện tham nhũng thời xưa

Thứ Ba, 11/07/2023, 11:58

Nếu thời Lê trở về trước, trách nhiệm giám sát việc thực thi pháp luật thuộc về cơ quan ngự sử thì phải đến thời Nguyễn, mới xuất hiện động từ "thanh tra".

Thời Lê sơ, khi cơ cấu hành chính chia ra làm 13 đạo thì ngoài cơ quan Ngự sử đài ở trung ương, nhà nước còn đặt ra chức Giám sát ngự sử ở mỗi đạo. Trong cuốn "Quan chức chí" thuộc bộ "Lịch triều hiến chương loại chí", Phan Huy Chú cho biết chức vụ của Giám sát ngự sử các đạo là "xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại lên quan bản đài xét xử và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời". Ngoài ngạch ngự sử, triều đình còn có lục khoa chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát công việc của lục bộ.

Tuy nhiên, ngự sử làm nhiệm vụ "tai mắt của mọi người", như trong phát biểu của Đô ngự sử Bùi Xương Trạch, cũng chỉ tồn tại trong giai đoạn thời Lê sơ. Còn thời Lê mạt, trách nhiệm này ngày một mờ nhạt, khi quyền hành thuộc hết về bên phủ chúa Trịnh.

le_bo.jpg -0
Theo lệ, 6 năm một lần, triều đình cử các đoàn đi thanh tra các địa phương.

Sang đến triều Nguyễn, vào đời Vua Gia Long, các cơ quan giám sát việc tuân thủ pháp luật, ngoài Đô sát viện bắt đầu hình thành cơ cấu thanh tra. (Sau này, vào thời Vua Minh Mạng, triều Nguyễn có cơ quan Tam pháp ty, gồm Bộ Hình, Viện Đô sát và Đại lý tự, để nhận đơn khiếu nại của những người bị quan lại triều Nguyễn ở Việt Nam xử oan ức). Xem trong sử triều Nguyễn, có thể thấy vào tháng 7 năm Gia Long thứ 7 (1808), có việc nhà vua sai viên Thiêm sự Hộ Bộ là Nguyễn Công Tiệp đem Lệnh sử ty 6 bộ đi thanh tra tiền thóc các trấn thuộc Bắc Thành.

Sau đó, việc định lệ khóa thanh tra cho các đơn vị hành chính cấp tỉnh (thành, dinh, trấn) được Vua Gia Long quy định. "Đại Nam thực lục" ghi: Vua thấy số tiền thóc xuất nhập có quan hệ đến thuế khóa, năm tháng chứa lâu, cứu xét rất khó, bèn hạ lệnh cho Bộ Hộ chước định điều lệ, cứ lấy 3 năm làm một khóa, sai quan tra xét. 4 dinh trực lệ, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Thanh Bình thì lấy các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm khóa; 4 trấn Gia Định, Bình Thuận, Bình Hòa, Phú Yên, Bình Định, lấy các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi làm khóa, lấy năm đó (1808) làm khóa đầu; Bắc Thành và các trấn lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu làm khóa.

Tuy nhiên, vào thời Vua Gia Long, quan thanh tra cũng bị giám sát chặt chẽ hoạt động để đề phòng tham nhũng và sử sách ghi lại những sự kiện phát hiện vụ việc tham nhũng lớn bị xử lý. Điển hình như vào tháng 7 năm Gia Long thứ 15 (1816), Tham tri Bộ Hộ là Lê Viết Nghĩa đi thanh tra các trấn Gia Định, sai riêng lính coi kho tự tiện mua lương của nhà nước, bị trấn Vĩnh Thanh tố phát và nhà vua sai xử án tử hình.

Lệ thanh tra các địa phương theo hạn 3 năm một lần tiếp tục được nối tiếp dưới thời Vua Minh Mạng. Như ngay trong năm Minh Mạng thứ nhất (1820), nhà vua đã định lệ khóa thanh tra cho Cục Bảo tuyền (cục đúc tiền) ở Bắc Thành, do viên đại sứ Cục Bảo tuyền Trương Văn Minh xin cho khám xét. Sau khi giao cho đình thần bàn bạc, đình thần tâu theo lệ từ đời Vua Gia Long, cứ 3 năm một khóa, lấy các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu làm khóa kỳ, triều đình chọn phái một người thiêm sự Hộ Bộ đem các lệnh sử ty 6 bộ, mỗi ty 1 người đi kiểm xét, theo như lệ thanh tra lương tiền. Vua nghe theo và sai Thiêm sự Hộ Bộ Vũ Văn Vượng trông coi công việc thanh tra Cục Bảo tuyền.

Việc thanh tra các cơ quan ở kinh đô cũng được ghi chép vào thời Vua Minh Mạng, khi có viên Hữu Tham tri Bộ Binh là Trần Minh Nghĩa, cùng Cai bạ dinh Quảng Đức là Ngô Bá Nhân tâu rằng thanh tra phủ Nội vụ thấy đồ vật công có thiếu thốn, tổn thất. Việc tâu lên, nhà vua nói: "Nội vụ là nơi dồn chứa bách hóa. Có một mình Nguyễn Công Vị coi giữ, suốt ngày say sưa, còn lúc nào để ý đến của nhà nước. Vừa rồi trẫm sai lấy gấm đoạn dâng xem, thấy có mục nát, hỏi thì thấy như thế còn nhiều. Tội của Vị nói sao cho xiết. Các ngươi đã không hặc tâu ngay, lại muốn che chở cho hắn để được giảm tội thì phép nước ra sao? Người làm tôi giữ chức cần phải công bằng, trung trực. Trẫm ngày thường rất ghét tội che giấu". Sau đó, nhà vua sai bắt giam Công Vị và lấy viên Hàn lâm Biên tu Lê Bá Tú hiệp cùng Thiêm sự Hồ Hữu Thẩm biện lý công việc Nội vụ phủ. Khi xử án, Công Vị bị cách chức.

Việc thanh tra phủ Nội vụ trong khóa sau cũng thời Vua Minh Mạng để lại sự kiện đáng nhớ, khi viên Tham tri Binh Bộ Trần Minh Nghĩa phụ trách việc thanh tra này nhưng sau 3 năm vẫn không gửi sách tâu kết quả lên vua. Đến khi nhà vua hỏi, Trần Minh Nghĩa lại thoái thác, đùn đẩy. Vua giận nói: "Việc đã 3 năm, sao dám chậm trễ như thế!". Sau đó, sai trói Minh Nghĩa ở vệ Cẩm y. Nhà vua sai Trịnh Hoài Đức, Lê Bá Phẩm, Trần Văn Tính, Lê Đồng Lý duyệt lại, xét ra rất nhiều việc bớt trộm và nhầm lẫn. Vua dụ rằng: "Phủ Nội vụ là nơi tập trung của cải trong nước, kẻ sát hạch cần phải rạch ròi của cải và trừ sạch mối tệ thì mới xứng đáng trách nhiệm giao cho. Thế mà bọn Minh Nghĩa lại không sốt sắng việc công, trái lại, trước sau hồ đồ, một niềm che đậy mà thôi. Xem lại, quan viên hèn kém quên ơn hỏng việc như thế, nếu cứ vẫn cho chức cao lộc hậu thì lấy gì trừng giới kẻ hèn kém, mà nghiêm chỉnh được phép quan!".

quan.png -0
Lục bộ trong triều đình nhà Nguyễn cũng phải thanh tra thường xuyên. (Tranh minh họa)

Hai viên phụ tá của Trần Minh Nghĩa trong kỳ thanh tra trước, lúc này đã được điều đi trấn nhậm các địa phương là Hiệp trấn Nghệ An Ngô Bá Nhân và Tham hiệp Hưng Hóa là Trần Xác, vì có trách nhiệm liên quan, đều bị giải chức ngay đem về kinh, giao cho đình thần nghiêm khắc nghị tội. Khi lời nghị án dâng lên, Trần Minh Nghĩa bị giáng 2 cấp nhưng vẫn được lưu làm việc, Ngô Bá Nhân giáng làm Tham quan quân Thần sách, hàm Tòng tam phẩm, Trần Xác giáng xuống chức Cai bạ, hàm Tòng tứ phẩm, đều chuyển sang Bộ Hình làm việc. Các người tùy biện là Thiêm sự Binh Bộ Phan Văn Nguyên thì giáng làm Lang trung Vũ khố, Lang trung Hộ Bộ Phan Đình Liêu thì giáng làm Tri bạ vệ Ban trực hậu quân Thần sách; còn lại đều bị giáng và xử đánh trượng theo bậc khác nhau. Còn bọn Trịnh Hoài Đức được thưởng chung 200 lạng bạc.

Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua cũng sai quan đi thanh tra công việc ở Nội các. Vua cho rằng, Nội các là chỗ tập hợp các việc cơ mật phải kiểm xét cho kỹ hơn, nên sai đường quan 6 bộ là Lê Đăng Doanh, Phan Huy Thực, Trương Minh Giảng, Nguyễn Trung Mậu, Nguyễn Tú, Hà Duy Phiên, đem ty viên trong bản bộ mỗi bộ 3 người khảo xét công việc ở Nội các như: tấu, sớ, văn thư, bản đồ, sổ sách, ấn tín từ năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đến năm đó. Khi bản sách thanh tra đã xong, dâng lên, vua thưởng cho các quan đổng lý và nhân viên giúp việc cấp bậc, ban cho kim tiền, ngân tiền theo thứ bậc khác nhau, các quan ở Nội các lần lượt bị giáng và bị phạt vì phạm sai lầm.

Còn về việc thanh tra các cơ quan trong 6 bộ, có thể đọc được những dòng sử cho thấy như việc thanh tra Bộ Công là 6 năm một khóa, lấy những năm Tý, Hợi làm hạn; hay lệ thanh tra Bộ Hộ thì chọn phái 1 viên quan võ Chánh nhị phẩm sung làm Đổng lý, 1 viên quan văn Tam phẩm, sung làm Phó đổng lý, 1 viên Tứ phẩm sung làm Hiệp lý và 34 người viên dịch tùy biện, hạn trong 9 tháng làm xong, đều được trả lương theo lệ đối chiếu với nguyên phẩm, lại cấp thêm cho 6 tháng tiền và gạo.

"Đại Nam thực lục" cũng cho biết, một khóa thanh tra ở có thể kéo dài từ 6 đến 9 tháng, các phái viên có thể lấy từ các bộ, cơ quan khác, như "xin Bộ Lại và Bộ Hộ, mỗi bộ 2 người, 3 bộ Lễ, Binh, Hình và các Đô sát viện, Quang lộc tự, Đại lý tự, Thái thường tự và Tào chính mỗi nha đều 1 người, lấy vào hàng Chủ sự, Tư vụ và Bát, Cửu phẩm thư lại 12 người sung vào".

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), sau khóa thanh tra Bộ Hình và Bộ Hộ, viên Đổng lý là Lê Bá Tú, Phạm Quỹ đã phát hiện việc lạm chi hơn 28.900 quan tiền và hơn 24.500 phương gạo, việc này được nhà vua gia ân tha cho, không bắt bồi thường. Duy có việc tiền, lương là chức phận của Bộ Hộ, Thượng thư Hà Duy Phiên vì phát nhầm, phải giáng 2 cấp, còn người khác đều giáng 1 cấp lưu.

Cuối năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), khóa lệ thanh tra địa phương được đổi lại, do Tổng đốc An Giang, Hà Tiên là Nguyễn Tri Phương, Tuần phủ An Giang là Doãn Uẩn tâu rằng: "Từ trước đến giờ, khóa lệ thanh tra kho tàng các địa phương cứ 3 năm thì kiểm điểm, 6 năm thì so sánh lượng tính, nay xin dồn làm một khóa so sánh lượng tính, để bớt phiền phức". Việc này giao xuống Bộ Hộ bàn, sau thống nhất là tính khóa theo hạn 6 năm.

Năm sau (1845), có viên quyền Hình khoa Chưởng ấn Cấp sự trung là Trình Nho, khi đi thanh tra tỉnh Nghệ, nhận bừa đơn kiện của dân hạt Hà Tĩnh, kiện viên Tri huyện Hương Sơn là Hồ Mậu Đức nhận của lót. Vua giao cho quan tỉnh Hà Tĩnh xét thì không có sự thực. Hồ Mậu Đức lại nêu ra sự tình rằng Trình Nho ngầm nhận của lót. Việc này được viên phủ Hà Tĩnh là Trần Văn Tuân tâu lên. Nhà vua dụ rằng: "Nay Nho tham tiền của người này, nêu tội lỗi của người khác, đúng như lời ấy thì không còn gì là lương tâm nữa!". Liền sai giải giao cho ty Tam pháp hội tra. Khi biết sự thực, Nho phải tội thắt cổ cho chết, nhưng còn giam để đợi chỉ.

Sang đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), vua sai Ngự sử Hoàng Nho Nhã thanh tra đội Tài thụ. Bắt đầu định 5 năm một lần thanh tra, đặt thành lệ về sau. 

Lê Tiên Long
.
.