Chuyện xử phạt vi phạm trong xây cất thời xưa

Thứ Hai, 26/06/2023, 20:37

Từ thời phong kiến, lĩnh vực xây dựng đã luôn ẩn chứa các nguy cơ tham nhũng, những vị quan xây cất nhà cửa nguy nga thường vẫn bị nghi ngờ bòn rút của dân, còn lĩnh vực xây cất công trình cũng luôn bị triều đình giám sát để phòng ngừa quan lại bòn rút.

Điển hình như thời Trần, các vương hầu, quý tộc đều có thái ấp, nhưng ít người xây cất phủ đệ xa hoa. Riêng Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang là anh Vua Trần Thánh Tông (thực ra ông được Vua Trần Thái Tông nhận làm con trưởng, vốn ông là con An Sinh vương Trần Liễu), khi được cử trấn thủ phủ Diễn Châu, đã xây dựng phủ đệ to lớn, mà "Đại Việt sử ký toàn thư" viết là "hành lang, điện vũ bão quanh, tráng lệ khác thường", chuyện ấy đồn về kinh đô, khiến vào đầu năm 1270, Vua Trần Thánh Tông đã sai người vào Diễn Châu xem xét. Trần Quốc Khang thấy vậy hoảng sợ, mới sai tạc tượng Phật đưa vào phủ đệ để thờ, biến công trình này thành một ngôi chùa, sau này gọi là chùa Thông.

Chuyện xử phạt vi phạm trong xây cất thời xưa -0
Trong các bộ luật thời xưa đều có những điều luật nghiêm khắc để trừng phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh minh họa

Thời Lê, bộ hình luật để lại đến ngày nay là "Quốc triều hình luật" còn gọi là Luật Hồng Đức ban hành dưới thời Vua Lê Thánh Tông có những điều luật nghiêm khắc để trừng phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, như xử nặng việc lợi dụng công sức của nhân dân, binh lính trong việc xây công trình tư nhân, lấy cắp vật tư của công, hay dùng của công vào việc riêng hoặc sử dụng vật tư không đúng số lượng, chất lượng. Các tội tham ô, tham nhũng nói chung và trong lĩnh vực xây dựng đều có mức xử phạt rất cao, có thể từ tội biếm tư (hạ cấp bậc quan lại) đến xử tử.

Đầu triều Nguyễn, trước khi bộ hình luật của triều đại này được ban hành, Vua Gia Long cũng rất quan tâm đến việc quản lý xây dựng và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này. Năm Gia Long thứ 4 (1805), nhà vua sai Bộ Hộ thẩm tra việc các trấn xây dựng, chi tiêu quá lệ, bị bộ thần hạch tâu. Vua cho rằng buổi nước mới yên, mọi việc còn nhiều kinh phí, chưa có định lệ, nên miễn đòi lại các phần kinh phí xây dựng sai đó. Tuy nhiên, nhà vua ra sắc rằng từ thời điểm đó về sau, nếu có xây dựng gì mà động đến của công thì trước phải do các thành thần xét định, không được tự ý. Làm trái, dẫu số chi có thực, cũng bắt bồi thường.

Mùa thu năm Gia Long thứ 6 (1807), ở Thanh Hóa sửa chữa Văn Miếu, quan trấn thủ bổ cho quan lại góp hơn 4.000 quan tiền. Vua nghe tin quở rằng: "Việc bổ góp không phải là chính thể, sao không tâu xin chỉ mà tự tiện làm?". Sau đó, nhà vua sai Tham tri Bộ Hình là Nguyễn Hoài Quỳnh và Tham tri Bộ Lễ là Lê Chính Lộ đến tận nơi tuyên lệnh chỉ, rồi phát tiền kho trả lại. Trấn thần đều bị tội xuy (đánh bằng roi). Nhân đó, vua thông dụ cho các dinh trấn rằng từ nay xây dựng việc gì, có động đến của dân, sức dân đều phải trù tính trước mà tâu rõ, không được bổ góp.

Bộ luật hình thời Nguyễn là "Hoàng Việt luật lệ", hay còn gọi là Luật Gia Long, ban hành năm 1813, cũng kế thừa Luật Hồng Đức trong việc xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực xây cất. Điển hình như các quy định về việc người phụ trách việc xây dựng không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội rất nặng. Các quan cậy thế hoặc dùng sức ép để buộc người khác cho mình mượn hàng hóa, vật tư, tiền công thì tùy theo giá trị hiện vật để xử phạt, nhẹ thì mỗi thứ hàng hóa, vật tư phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi hết tang vật, nếu nặng thì tử hình...

Đầu thời Vua Minh Mạng, năm 1830, triều Nguyễn xử một vụ án tham nhũng lớn của Phó Tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý. Theo sử triều Nguyễn, tang vật tham nhũng của ông này đến trên 2 vạn quan tiền, nên dù là bố vợ Vua Minh Mạng, ông ta vẫn bị vua giao các quan thành Gia Định hỏi tội. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, thấy đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân. Trong các tội của ông này, có tội trạng bắt dân làm việc riêng, phục vụ xây cất công trình cá nhân khiến Vua Minh Mạng phải phê phán "mỗi lần đến hàng mấy nghìn người, mọt nước hại dân đến thế là cùng". Do đó, nhà vua ban dụ kể tội rằng: "Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình".

Không chỉ phạm tội ở Gia Định, ngay ở kinh đô, Hoàng Công Lý cũng vi phạm pháp luật trong việc xây cất. "Đại Nam thực lục" chép rằng: Khi Lý làm Tả thống chế quân Thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón xa giá mà tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần võ ban nên lấy việc của Lý để răn đe.

Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), triều Nguyễn cho đổi dựng kho ngói An Dụ ở Bình Định. Vua thấy đất ấy liền núi giáp biển, đường thủy lưu thông, việc vận chuyển công tư đều tiện, trước đã có kho cũ, thu tiền khoán khố bổ theo điền mẫu của dân mà làm, nên sai trấn thần chi hơn 3.000 quan tiền công thuê thợ xây dựng kho mới. Gặp khi quan án trấn này là Trương Phước Đặng vào chầu, khi ông vào cung từ biệt để trở về trấn, nhà vua lấy chuyện Hoàng Công Lý để răn: "Hạt ngươi dân khổ chưa hồi, việc làm kho thực là bất đắc dĩ. Ngươi làm trọng thần của nước, nên răn dạy thuộc viên không được tạ sự bóc lột. Chẳng thấy gương Hoàng Công Lý đấy sao?".

Thời Nguyễn, đất nước nối liền từ Bắc vào Nam, nên triều đình tổ chức các công trình xây cất với khối lượng khổng lồ, từ xây thành khắp các trấn, đến đắp đường thiên lý, đắp đê ở miền Bắc, đào nhiều kênh rạch ở miền Nam. Tuy nhiên, không thấy sử sách ghi chép những vụ án về việc vi phạm luật pháp, bòn rút của công từ các công trình này. Có lẽ, triều Nguyễn tổ chức giám sát quá trình thi công khá bài bản nên cũng hạn chế được việc tham nhũng.

Các Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thường xuyên có các chuyến tuần du ra Bắc, vào Nam. Phục vụ các chuyến đi, triều đình đều dụ bảo các địa phương rằng xây dựng hành cung, sửa chữa đường sá, phàm vật liệu đều lấy tiền kho mà chi, không được phiền phí đến công sức, tiền của của dân.

Từ năm 1822, Vua Minh Mạng đã định lệ "tra nghiệm các sở công tác". Theo đó, từ việc sửa đắp thành tường, đê đập, đường sá và xây dựng đền đài, kho tàng, nhà xưởng, đều có người giám tu và chuyên viên. Khi công trình làm xong, ở kinh đô thì giao Bộ Công và giám thành sứ, ở địa phương thì quan thành dinh trấn, sai người khám nghiệm, lấy tờ cam kết hạn bảo hành là 3 năm. Trong hạn đó mà công trình hỏng lở, đổ nát thì bắt phải làm đền.

Cũng trong dịp này, nhà vua ra sắc rằng khi xây dựng công trình lớn như đàn miếu, cung điện, nếu không trọn vẹn, không đúng phép và nhiều chỗ thấm dột, sụt đổ thì viên chuyên biện bị trị tội theo luật. Quan giám tu thì tính hết cả công trình, nếu công nhiều lỗi ít, quan khám nghiệm sẽ xét thực tâu rõ, theo lượng mà thưởng cấp, nếu công và lỗi ngang nhau thì đều miễn tội, công ít lỗi nhiều thì giao bộ bàn xử. Nếu đến nỗi sụt lở nghiêng đổ thì xử riêng nặng thêm.

Vua Minh Mạng cũng ra quy định, rằng các đền miếu ở ngoài kinh thành do nhà nước xây dựng thì viên kinh doãn (quan cai trị địa hạt kinh thành) thường phải xem xét, như có dột thấm hỏng nát, đáng tu bổ thì phải khám xét đích xác, hoặc lĩnh vật liệu, hoặc đặt tiền mua, trù tính công trình, tâu xin lên để thi hành.

Sang năm 1829, quy định được sửa đổi rằng từ đây, phàm các công trình xây dựng tu bổ ở kinh, khi việc làm xong thì Bộ Công và Hộ thành binh mã sứ theo lệ ủy giao nhân viên đến khám nghiệm, lấy đủ tờ cam kết của viên giám tu, lưu giữ ở Bộ, để phòng ngày sau tra xem niên hạn bảo hành, không phải làm tờ tâu như trước nữa.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp công trình thi công không đạt, khiến những người phụ trách thi công bị xử phạt, như năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nhà vua thấy cung điện trong hoàng thành quy thức chật hẹp, sai làm lại, dụ rằng: "Khoảng mùa hạ, trẫm phái Nguyễn Kim Bảng hợp cùng Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trọng coi việc xây dựng các điện trong đại nội. Thế mà nóc điện Trung Hòa, ván sàn điện Cao Minh Trung Chính và cửa sổ pha lê ở Đông hiên đều làm cẩu thả. Lại kiểu thuyền điện hải cửa trấn thành, những thuyền làm cũ và thuyền đương làm, bọn nhân viên Bộ Công nghe được thợ vụng chỉ bảo là tư gửi đi để làm theo, đến khi đóng xong thì khoang thuyền rất hẹp, mà thân thuyền rất dài, đến nỗi ra biển bẻ lái không tiện. Nay xây dựng kho thành Vĩnh Ninh cũng chẳng gia tâm xem xét, chỉ theo sự trù tính của trấn thần. Trẫm hỏi thăm thì kho ấy lòng rường chỉ có 4 thước thì sau này chứa cất được bao nhiêu. Thử nghĩ từ trước đến nay có kho vựa nào chật hẹp như thế không? Đều là hàm hồ cả, làm xấu hay tốt mặc ý mọi người. Xem ra các việc đều không để tâm đến, thật là phụ cái ý đặt quan chia việc của trẫm". Rồi nhà vua sai chiếu lệ nhà kho các phủ thành lòng rường là 6 thước 3 tấc mà gửi cho để làm. Sau đó, Bộ Công và trấn thần đều bị tội giáng phạt.

Chỉ dụ của Vua Minh Mạng cho Bộ Công vào tháng 10 năm ấy cũng là ý chỉ của nhà vua trong việc xây cất: "Dùng của công để xây dựng tất phải tính giá trước tâu lên, để làm bằng cứ về sau khi xét sổ tiêu, thế là trọng của nhà nước. Nếu vội chi nhu thì công trình làm có được hợp cách hay không? Vật liệu cần dùng có thích đáng hay không? Lấy gì mà xét cho đúng? Vậy, hạ lệnh phàm các sở hành cung, kho tàng, thành trì trong hạt thành, dùng của công để sửa sang thì từ 30 quan tiền trở lên đều phải xét kỹ, tính giá tâu lên đợi chỉ, không được làm khinh suất".

Lê Tiên Long
.
.