Phụ nữ Việt thời Đông Sơn

Thứ Bảy, 28/10/2023, 08:00

Thời Đông Sơn tức thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời của các vua Hùng dựng nước, An Dương Vương xây thành mở nước và Hai Bà Trưng phất cờ cứu nước (thế kỷ 7 TCN-thế kỷ 1).

Trong lịch sử Việt Nam, đó là thời người phụ nữ có vai trò lớn mạnh, sâu xa  nhất. Bởi đó là thời xã hội Việt cổ dù theo xu thế chuyển sang xã hội phụ hệ, phụ quyền nhưng về cơ bản vẫn là xã hội mẫu hệ và đến thời Hai Bà Trưng là chế độ mẫu quyền.

Trong xã hội mẫu hệ, mỗi người thuộc về họ hàng đằng mẹ, thừa kế tài sản từ mẹ hay họ hàng đằng mẹ. 

a.jpg -0
Tượng nữ Núi Nưa, tượng nữ cầm rìu và tượng hai phụ nữ cưỡi voi. Nguồn: Nguyễn Việt

Truyền thuyết cội nguồn Họ Hồng Bàng (Họ Chim-Rồng)  kể:

Đế Minh đi tuần về phía Nam, lấy con gái bà Vụ Tiên đẻ ra Lộc Tục. Đế Minh phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị nước Xích Quỉ ở phía Nam.

Kinh Dương Vương lấy Long Nữ đẻ ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai…

Một hôm, Lạc Long Quân  bảo Âu Cơ rằng: "Ta là nòi rồng, nàng là giống tiên, dòng giống bất đồng, khó ở với nhau lâu được, nay phải chia lìa. Ta đem 50 con về miền biển, 50 con theo nàng về miền núi…

Âu Cơ và 50 người con ở đất Phong Châu, người con cả lên làm vua gọi là Vua Hùng…

Có thể thấy, các vị Vua Tổ (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương) của người Việt đều làm vua trên đất của mẹ mình. Lạc Long Quân tự nhận mình là nòi rồng, tức thuộc nòi giống của mẹ.

Một đặc tính chung của xã hội mẫu hệ là tính chất yếu ớt, lỏng lẻo của quan hệ vợ - chồng. Trong xã hội đó, người chồng có những quyền lợi và trách nhiệm nhất định nhưng không phải ở nhà mình (tức nhà vợ) mà là ở nhà mẹ mình và chị em gái mình. Thường người chồng tối đến nhà vợ, sáng lại về nhà mình, đúng như một người khách. Với vai trò ông cậu, anh ta chăm sóc con cái chị em gái nhiều hơn chăm sóc con ruột của mình, từ đó có liên hệ mật thiết với họ hàng đằng mẹ mình hơn với họ hàng nhà vợ. Hôn nhân “con cô - con cậu” tức giữa con của chị em gái với con của anh em trai mình được ưu tiên.

Trong truyền thuyết Hồng Bàng, Lạc Long sau khi lấy Âu Cơ lại thường “bỏ về thủy phủ”, tức về nhà mẹ Long Nữ là để lo việc cho dòng mẹ mình. Bởi vậy, Lạc Long ít gặp vợ con và để vợ con buồn khổ vì thiếu chồng, vắng cha. Hễ các con dân có việc lớn tiếng gọi “Bố ơi! sao không về sống với chúng con”, thì Lạc Long mới tới.

Trong xã hội mẫu hệ, các cuộc hôn nhân không hạnh phúc dễ dàng chấm dứt hơn trong xã hội phụ hệ do người chồng có vị thế yếu ớt và không có nhiều ràng buộc bên nhà vợ, nếu có trục trặc, người chồng dễ dàng ra đi.

Trong truyền thuyết, dù đã có trăm mặt con với nhau, cuối cùng, Lạc Long - Âu Cơ vẫn dễ dàng chia tay nhau để 50 con theo mẹ lên vùng núi, 50 con theo cha xuống vùng biển.

Trong xã hội mẫu hệ, người con gái là người chủ động tìm, chọn, cưới và đưa chồng về nhà mình, tức nhà mẹ của mình. Người chồng sống ở nhà vợ hay ở rể.

Truyền thuyết Trầu Cau kể thời Hùng Vương, cô gái họ Lưu chính là người chọn một trong hai anh em họ Cao làm chồng. Trọng Thủy sau khi lấy Mỵ Châu cũng sang ở rể nhà vợ.   

Trong xã hội mẫu hệ, phụ nữ làm chủ gia đình, trưởng dòng họ, cai quản mọi việc làm ăn và cúng lễ của gia đình và dòng họ mình. Trong khi đó, nam giới làm chủ của làng, vua của nước, nhưng nữ giới vẫn có vai trò quan trọng.

Trong truyền thuyết rùa vàng nói về thời An Dương Vương, Mỵ Châu là công chúa nhưng lại có thể  lấy được nỏ thần - bí mật quốc gia cho chồng xem, chứng tỏ phụ nữ trong hoàng tộc Âu Lạc có uy quyền khá lớn.

Từ thời An Dương Vương đến thời Hai Bà Trưng, các di vật của văn hóa Đông Sơn tiếp tục cho thấy vai trò nổi trội của phụ nữ trong mọi mặt xã hội.

Trống đồng Đông Sơn là biểu tượng cho vương quyền và thần quyền của An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, thủ lĩnh tối cao của liên minh Bách Việt. Tuy nhiên, dạng trống đó đã được đúc dựa trên hai nguyên mẫu chính: một là chiếc trống cối giã gạo hàng ngày gắn với người phụ nữ; hai là cơ thể của một người phụ nữ với ba vòng thể hiện ba báu vật của đời. Các nguyên mẫu đó lý giải vì sao, cách đánh trống đồng Đông Sơn nguyên bản là cách đánh giống kiểu giã cối và dáng trống Đông Sơn có ba phần rất cân đối, hài hòa, vững chãi.

Hình mặt trời nổi bật ở giữa mặt trống cùng hình đàn cò trắng (chim Lạc) bay quanh chính là biểu tượng cho Bà Tổ Chim - Mặt trời. Vị trí trung tâm của hình mặt trời phản ánh vị trí trung tâm của phụ nữ và tín ngưỡng thờ Bà Tổ trong xã hội Đông Sơn.

Tư liệu sử học, dân tộc học về tục đánh trống đồng ở người Việt, người Mường cũng cho thấy vai trò chủ chốt của phụ nữ trong lễ khánh thành trống đồng, lễ đánh trống đồng cầu mưa, cầu mùa, ở đó phụ nữ luôn đánh những tiếng trống đồng đầu tiên. Chắc chắn, phong tục đó có từ thời Đông Sơn.

Trong các di vật cuối thời Đông Sơn, nổi bật lên dạng kiếm ngắn cán có tượng người. Kiếm có tượng nam được tìm thấy chủ yếu ở Bắc Bộ, nơi xã hội chuyển sang phụ hệ. Kiếm có tượng nữ tập trung ở vùng Thanh - Nghệ, nơi di tản-tị nạn của quí tộc Âu Lạc, vốn có truyền thống mẫu hệ sâu đậm.

Với truyền thống đó, tượng nữ trên cán kiếm ngắn vùng Thanh -Nghệ thường là tượng nữ quý tộc Âu Lạc với vẻ đẹp thần bí, phong thái cao quý, trang phục cầu kỳ hơn hẳn các tượng nam trên cán kiếm ở cả hai nơi.

Ba thanh kiếm ngắn nguyên vẹn, đặc sắc và tiêu biểu nhất cho kiếm ngắn vùng Thanh - Nghệ là kiếm Núi Nưa hiện nằm ở Bảo tàng Thanh Hóa và hai thanh kiếm hiện thuộc một sưu tập tư nhân ở Pháp.

Điểm chung của tượng bốn phụ nữ trên ba chiếc kiếm trên là đều đội một dạng mũ cao với chóp hình núi, thân hình quả chùy có khía giống tia mặt trời; đều có khuôn mặt hình trái tim với cằm nhọn mô phỏng đầu và mỏ của Bà Tổ Chim được thể hiện cách điệu và cường điệu hóa.

Thời Đông Sơn, hình người trên cán kiếm thường là hình một vị anh hùng đã hóa tổ tiên - thần linh. Nhờ đó dạng kiếm này trở thành một biểu tượng cho quyền thế, một dạng bùa thiêng có thể mang lại sức mạnh và may mắn cho người chủ kiếm. Khi người chủ mất, kiếm được chôn theo người chủ, hoặc được ném xuống sông để cúng hồn người chết.

Trong ba thanh kiếm trên, thanh thứ hai có tượng một phụ nữ cầm rìu, rất có thể, là biểu tượng cho một nữ tướng thời Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu - Lạc Việt đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tần, thanh thứ ba có tượng hai phụ nữ ngồi trên lưng voi, rất có thể là biểu tượng cho Hai Bà Trưng - hai vị anh hùng giải phóng dân tộc thời Bắc thuộc.

Vậy vì sao chế độ mẫu hệ - mẫu quyền lại tồn tại sâu đậm ở thời Đông Sơn như vậy?

Đó là vì thời Đông Sơn là thời của một loạt các cuộc chiến tranh, nổi bật là các cuộc chiến giữa quân Tần và người Bách Việt, giữa vua Thục và vua Hùng, giữa Âu Lạc và Nam Việt, giữa Nam Việt và Tây Hán, và cuối cùng là giữa Hai Bà và Mã Viện.

Thời chiến, khi nam giới ra tiền tuyến, phụ nữ ở hậu phương phải đảm đang mọi việc. Khi giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Trong hoàn cảnh đó, vai trò của phụ nữ càng cao, chế độ mẫu hệ càng được củng cố.

Từ đó, người Đông Sơn đã dùng chế độ mẫu hệ như một truyền thống, một bản sắc Bách Việt để chống lại ách thống trị, đồng hóa của nhà Hán. Trường hợp Bà Trưng Trắc là ví dụ điển hình. Khi phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà đã làm lễ xưng Vua Thần để nhất thống vương quyền và thần quyền Lạc Việt. Họ Trưng của Hai Bà chính là một phiên âm của Yang, từ chỉ thần linh trong tiếng Bách Việt cổ. Với sự kiện đó, xã hội Đông Sơn trở thành xã hội mẫu quyền. Dưới cờ Hai Bà, hàng loạt nữ tướng xuất hiện.

Rõ ràng, không ngẫu nhiên, hai cuộc khởi nghĩa giành độc lập thứ nhất và thứ nhì của người Việt thời Bắc thuộc đều do phụ nữ lãnh đạo: Hai Bà Trưng và Bà Triệu.

Với truyền thống đó, lịch sử Việt Nam đầu thời độc lập lại chứng kiến vai trò đặc biệt của hai phụ nữ. Người thứ nhất là Hoàng hậu Dương Vân Nga (?-1000), sau khi vua Đinh mất đã giúp Lê Hoàn lên ngôi để kịp thời đánh tan giặc Tống và sau đó trở thành Hoàng hậu số 1 của triều Tiền Lê; hai là Hoàng Thái hậu  Ỷ Lan (1044-1117), người hai lần làm nhiếp chính, lần đầu khi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, lần hai khi Lý Thường Kiệt “phá Tống, bình Chiêm”, đồng thời là người đã có công lớn trong việc phát triển Phật giáo và làm hưng thịnh đất nước đầu thời Lý.

Tạ Đức
.
.