Những dấu mốc “hộ khẩu” trong lịch sử Việt Nam

Thứ Sáu, 30/07/2021, 11:12
Hộ khẩu là biện pháp các nhà cai trị phong kiến Trung Quốc đặt ra để kiểm kê số hộ, số dân, phục vụ việc điều hành vĩ mô. Thời còn bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, chúng đã có các biện pháp thống kê nhân khẩu nước ta khá chi tiết.

Theo sách “Tiền Hán thư” trong tổng tập sử Trung Quốc, thì thời Hán, hai quận Giao Chỉ - Cửu Chân, tức toàn bộ vùng đồng bằng miền Bắc nước ta cuối thế kỷ thứ nhất đã được thống kê có 912.450 người. Sau này, các triều đại phong kiến Việt Nam  cũng sử dụng các biện pháp thống kê dân số từ rất sớm, tuy nhiên, mục đích ban đầu chủ yếu là để triệu tập binh lính.

Quản lý “đại hoàng nam”

Ngay từ thời Lý, sử sách nước ta để lại cho biết, các vua Lý đã quy định đặt các hạng dân thành đại hoàng nam, tức người từ 18 đến 60 tuổi, là độ tuổi sung sức, có khả năng lao động và tham gia quân đội. Từ 15 đến 18 tuổi, được gọi là tiểu hoàng nam.

“Đại Việt sử ký toàn thư”, “Bản kỷ - Kỷ nhà Lý” chép sự kiện vào đời Vua Lý Thái Tông, năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Đạo năm thứ 2 (1043): “Tháng 2, vua ngự ở điện Thiên Khánh, xuống chiếu cho các quan chức cứ 3 người cùng đảm bảo cho 1 người, nếu có ai chứa giấu đại nam thì 3 người bị tội cả”.

Thời phong kiến, Trung Quốc đã có các biện pháp thống kê nhân khẩu nước ta khá chi tiết. Ảnh: L.G

Việc quản lý đại hoàng nam được các vua triều Lý rất coi trọng. Cũng ngay trong Minh Đạo thứ 2 này, vào tháng 8, Vua Lý Thái Tông lại xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc.

Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 8 (1083) mùa xuân, “Toàn thư” cho biết Vua Lý Thái Tông đích thân thân duyệt các hoàng nam trong nước, định làm 3 bậc khác nhau.

Sang đến đời Vua Lý Nhân Tông, năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 9 (1118), vào tháng Giêng, nhà vua cũng  xuống chiếu chọn hoàng nam trong dân chúng và binh lính.

Để giám sát số lượng hoàng nam, lực lượng sản xuất và bảo vệ chủ yếu của đất nước, Vua Lý Thần Tông vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 5 (1137) xuống chiếu rằng: “Trong ngoài kinh thành, cứ 3 nhà làm 1 bảo, để giám sát các quan chức đô coi triều ban không được đem con mình cho người khác nuôi làm con để nhờ cậy nhà quyền thế. Kẻ nào không có quan ấm mà can phạm thì bắt giữ tâu lên. Người 1 bảo mà không giám sát nhau thì cùng một tội với can phạm”.

Đặc biệt, việc quản lý hộ khẩu, nhân khẩu ở thời Lý cũng đem theo những quyết định rất nhân văn. Như ở thời Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 7 (1146), tháng 8, vua xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội.

Vào cuối triều Lý, vào thời Lý Cao Tông, khi giặc cướp nổi lên như ong, nhà vua “xuống chiếu chọn các đinh nam, người nào khỏe mạnh, sung vào quân ngũ, sai quan các lộ thống quản để bắt giặc cướp”.

Sổ hộ khẩu đi vào sử

Chuyện thống kê hộ khẩu ở nước ta được chính sử ghi chép, có lẽ bắt đầu từ thời nhà Trần. Đó là sự kiện năm Mậu Tý, niên hiệu Kiến Trung năm thứ 4 (1228), đời Vua Trần Thái Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Xác định số đinh tỉnh Thanh Hóa. Lệ cũ, hằng năm vào đầu mùa xuân, xã quan (từ lúc đó đổi là xã trưởng) khai báo nhân khẩu gọi là đơn sổ, rồi căn cứ vào sổ, kê rõ các loại tông thất, văn quan văn giai, võ quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, già yếu, tàn tật, phụ tịch, xiêu tán... Người có quan tước, con cháu được tập ấm mới được ra làm quan, người giàu có khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân đội, đời đời làm lính.

Đến mùa xuân năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), Vua Trần Thái Tông tiến hành một loạt thay đổi hành chính, trong đó có việc chia nước làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã.

Ảnh: L.G

Vua Trần Thái Tông đồng thời cũng cho làm đơn số hộ khẩu. Đây là lần đầu tiên, chữ “hộ khẩu” xuất hiện trong chính sử nước ta. “Toàn thư” giải thích: Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1-2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3-4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.

Theo một số sách lịch sử, địa chí để lại đến nay, thì vào đời Trần, thế kỷ 13, nước ta có 1,9 triệu đại hoàng nam và 2,1 triệu tiểu hoàng nam.

Năm 1285, sau khi chiến thắng cuộc chiến xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên, vào mùa đông, tháng 10, Vua Trần Nhân Tông xuống chiếu “định hộ khẩu trong nước”. “Toàn thư” viết rằng, triều thần can gián vua là dân vừa qua lao khổ của chiến tranh, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Tuy nhiên, Vua Trần Nhân Tông giải thích: "Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét tình trạng hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?". Nghe vua nói thế, quần thần đều khâm phục.

Khi quân Minh xâm lược nước ta vào thế kỷ 15, bộ máy cai trị của chúng tiến hành thống kê dân số của nước ta khá chi tiết. Bộ sử nhà Minh là “Minh sử” cho biết, năm 1408, quân Minh thống kê dân số nước ta, kết quả có 3.120.000 người Kinh và 2.087.500 người các dân tộc thiểu số, mà chúng gọi là người Man.

Phép tuyển duyệt dân số thời Lê

Theo bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do các sử quan triều Nguyễn dựa vào các tài liệu trước đó biên chép, thì vào thời Lê, từ đời Vua Lê Thánh Tông đến thời Lê Thần Tông đều liên tiếp làm sổ hộ, 3 năm một lần tiểu tạo, 6 năm một lần đại tu. Theo cách làm này, triều đình phái quan đi duyệt tuyển dân đinh, hạ lệnh cho các xã thôn kê khai hộ chính đinh và hộ trú ngụ.

Nhà sử học Phan Huy Chú, trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, giải thích về quy chế thời Lê: Dân đinh được chia thành các hạng như sau: Hạng tráng (khỏe mạnh), hạng quân (tham gia quân đội), hạng lão (trên 60 tuổi), hạng cố (người không có sản nghiệp, phải đi làm thuê), hạng cùng (đàn ông không có vợ, đàn bà góa chồng, trẻ mồ côi, người trơ trọi một mình, những người này không nương tựa vào đâu được). Các hạng lão nhiêu, đốc tật, biệt tinh (người được miễn trừ giao dịch) và phiêu lưu thì để ngoài sổ; dân đinh đến tuổi trưởng thành thì biên tên vào sổ; người ngụ cư thì biên vào sổ phụ.

Triều đình nhà Lê quy định mỗi xã phải làm 4 bản sổ đinh; 1 bản dâng lên triều đình, 1 bản nộp Bộ Hộ, 1 bản đệ ti Thừa chính ở trấn và 1 bản để nộp ở huyện. Phàm những việc đánh thuế, tuyển lính đều căn cứ vào sổ này mà thực hiện. Đến những năm niên hiệu Cảnh Trị (thời Vua Lê Huyền Tông), triều đình thấy việc duyệt tuyển phiền phức, có ý chán nản, mới sai các quan chia nhau đi khám thực, thông tính nhân đinh điền sản các xã rồi liệu lượng quân bổ suất số, lập làm phép “bình lệ”, từ sau người sinh ra không tính, người chết đi không trừ.

Tháng 5-1773, chúa Trịnh Sâm hạ lệnh các đại thần bàn định phép làm sổ. Chúa nói với triều thần: “Nhà nước lúc bắt đầu trung hưng, chiếu theo phép cũ, 3 năm một lần làm sổ hộ; năm Cảnh Trị, mới lập ra phép bình lệ không tính số đinh tăng lên hay sút đi, phép ấy thi hành hơn 50 năm, phần nhiều sai suyễn; năm Bảo Thái (đời Vua Lê Dụ Tông) tiếp tục làm sổ cũng chỉ dựa theo ngạch cũ, rồi sau không kế tiếp sửa lại, đến nay lại đã hơn 50 năm rồi. Bây giờ nên cân nhắc phép đời trước, châm chước việc ngày nay, tham khảo mọi mặt định thành điều lệ, xét thực số nhân đinh, sửa đổi lại sổ hộ, cho phép dân được tự liệu lượng nhân khẩu mà chịu số hộ, để cho đủ ngạch trong sổ”.

Sau đó, chúa giao cho Bồi tụng Lê Quý Đôn phụ trách việc thống kê. Tuy nhiên, bộ “Cương mục”, viết: “Quý Đôn kê cứu tra xét quá nghiêm khắc, nhân dân đều nghiến răng căm hờn, họ làm thư nặc danh dán ở cửa phủ chúa Trịnh xin bãi bỏ Quý Đôn đi mà dùng Hoàng Ngũ Phúc, lời lẽ trong thư rất là tha thiết. Do đó, chúa Trịnh Sâm thay đổi mệnh lệnh, cho Ngũ Phúc cùng Quý Đôn đều giữ công việc đôn đốc làm sổ. Ngũ Phúc xin thi hành theo điều lệ đời Cảnh Trị, đại để có nơi tăng, có nơi giảm, có nơi bình bổ vẫn như cũ. Số dân đinh hơi kém với ngạch đinh năm Bảo Thái, dân cũng cho là thuận tiện”.

Sang đến thời nhà Nguyễn, việc thống kê hộ khẩu đã được ghi chép chu đáo. Theo bộ quốc sử “Đại Nam thực lục, chính biên” của triều Nguyễn, số đinh năm Minh Mạng thứ nhất (1820) là 620.240 người. Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), dân số nước ta là 719.510 người có trong sổ hộ khẩu, so với năm Gia Long thứ 18 (1819), đã tăng thêm 106.589 người.

Thống kê của Bộ Binh, cuối thời Vua Minh Mạng, toàn bộ lực lượng quân đội và quan lại của triều đình là 204.220 người. 

Lê Tiên Long
.
.