Phía sau những quầng sáng Sao Thiên Vương

Thứ Năm, 01/12/2022, 09:59

Tròn 80 năm trước, Mặt trận phía Đông của Đệ nhị Thế chiến rung chuyển, với sự khởi đầu của một cuộc đại phản công mà Hồng quân Liên Xô đã chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng, nhằm quét sạch vòng vây của quân đội Đức Quốc xã quanh thành phố Stalingrad - địa danh sau đó đã hằn in vào lịch sử cũng như chiến sử quốc tế, bất chấp mọi thăng trầm dâu bể.

Và hiện tại, cho dù mọi sự so sánh đều tiềm ẩn những khía cạnh khập khiễng, thì có lẽ, cuộc phản kích mang tên Chiến dịch Sao Thiên Vương (Operatsiya Uran, hay Operation Uranus) ấy cũng vẫn sẽ là một bài học đáng giá để tham chiếu, cho những ai quan tâm đến tình hình chiến sự thế giới đương đại.

Vì sao lại là Stalingard?

Không phải ngẫu nhiên, thắng bại ở Stalingrad được xem là bước ngoặt của cuộc đối đầu Xô – Đức tại Mặt trận phía đông. Tuy nhiên, cái tên của thành phố ấy dường như lại dẫn đến nhiều suy diễn sai lệch, đặc biệt là sau khi các nhà làm phim Hollywood tung ra bộ phim bom tấn một thời: “Kẻ thù trước cổng/Enemy at the gates” (công chiếu năm 2001, đạo diễn Jean Jacques Annaud, các ngôi sao Jude Law, Rachel Weisz và Ed Harris).

trapped-in-stalingrad-marshal-georgi-zhukovs-operation-uranus-01.jpg -0
Katyusha dội bão lửa xuống đầu quân Đức sáng ngày 19/11/1942.

Trong bộ phim ấy, nguyên nhân của những cuộc giành giật khốc liệt từng con phố hay từng tòa nhà của Stalingrad đổ nát được quy nạp gần như toàn bộ vào một mục tiêu mang tính biểu tượng (hay nói cách khác, bất cứ khán giả nào không tìm hiểu đủ kỹ về trận đánh này cũng sẽ dễ dàng kết luận là phù phiếm và vô nghĩa): Thành phố ấy mang tên lãnh tụ Liên Xô Stalin, nên Hồng quân cần phải giữ được nó bằng mọi giá. Và ngược lại, quân đội Đức Quốc xã cũng muốn chiếm lấy nó bằng mọi giá, như một đòn đánh tàn khốc vào tinh thần chiến đấu của Hồng quân.

Hoàn toàn không phải như vậy. Hay đúng hơn, nếu có, vấn đề mang tính biểu tượng ấy cũng không phải là nguyên nhân then chốt của cuộc đọ sức kinh thiên động địa này. Ngược dòng thời gian, ngay lập tức, bất cứ ai cũng có thể nắm bắt được những yếu tố cốt lõi.

Tháng 6/1941, xé bỏ Hiệp ước bất tương xâm Xô – Đức (Hiệp ước Molotov – Ribbentrop), Adolf Hitler xua 3.200.000 quân (số liệu từ phía Đức, thấp hơn nhiều so với nguồn Liên Xô) vượt qua biên giới tạm thời, tiến đánh Liên Xô trên một chiến tuyến trải dài từ biển Barents phía cực Bắc đến tận Biển Đen phía Nam, với tham vọng xóa sổ Liên Xô trong vòng từ 2-3 tháng.

Thế nhưng, bị chặn đứng cách thủ đô Liên Xô Moskva (thành phố giàu tính biểu tượng nhất, và xứng đáng được lựa chọn cho chiến thắng bằng mọi giá nhất trong số mọi đô thị Xôviết) 100 km, và buộc phải giảm cường độ tấn công khi băng giá mùa đông khắc nghiệt trở thành chướng ngại vật không thể vượt qua (thí dụ như chuyện các cỗ xe tăng không thể hành tiến thuận lợi như trong điều kiện lý tưởng), quân đội Đức chỉ có được các thắng lợi ở cấp chiến thuật, mà không hoàn thành được mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Do đó, đến mùa hè 1942, Tập đoàn quân số 6 dưới sự chỉ huy của tướng Friedrich Paulus được lệnh tiến xuống phía Nam, thẳng hướng Stalingrad. Như nhiều trang nghiên cứu lịch sử thế giới uy tín thống nhất, hướng tiến công này phục vụ nhiều mục đích. Trên phương diện chiến lược, nếu thành công, cánh quân này sẽ uy hiếp dữ dội cả sườn phía Nam lẫn hậu cứ của Hồng quân, mở ra các khả năng vu hồi, chia cắt hay hợp vây.

Và bên cạnh đó, nó còn gắn liền với một động cơ cự kỳ thực tế: Chiếm lĩnh các giếng dầu vùng Kavkaz, như cách “tiếp máu” hữu hiệu nhất cho những đoàn thiết giáp Đức vốn hầu như luôn luôn phải chiến đấu trong tình trạng “đói khát”, bởi đường tiếp vận đã trở nên quá dài, và quá xa cách hậu cứ (khu vực khai thác dầu mỏ gần nhất quanh tiền tuyến khi đó là tại lãnh thổ Romania hiện đại).

1511292322_116.cqkig8lhmzw4g8408o44cwwsk.ejcuplo1l0oo0sk8c40s8osc4.th.jpeg -0
Cuối cùng, Stalingrad thực ra đã trở thành một chiếc bẫy dành cho Tập đoàn quân số 6 Đức Quốc xã.

Khi những cơn gió đổi chiều

Vào ngày 19/11/1942, khi Nguyên soái Zhukov chính thức phát động đại phản công, hình thái chiến địa Stalingrad đã được xác lập một cách tương đối rõ ràng, qua hai tháng giao tranh đẫm máu của một cuộc chiến đô thị.

Tập đoàn quân số 6 của Paulus không thể chiếm nổi ưu thế trước sức phòng ngự kiên cường và bền bỉ của các chiến sĩ Hồng quân do tướng Vasily Chuikov chỉ huy. Chiến đấu theo kiểu du kích trong đô thị, Hồng quân thu hẹp được trận tuyến, giảm thiểu được áp lực từ các khối đội hình thiết giáp xung kích – thứ “binh pháp” đến lúc đó vẫn là “vô địch thiên hạ” của Đức Quốc xã. Những thế mạnh vượt trội của quân Đức, như khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng với các vũ khí hạng nặng (như không quân và pháo binh), khả năng cơ giới hóa, sức cơ động hay kỷ luật chiến đấu theo cấp đại đơn vị (Tập đoàn quân và quân đoàn)… cũng đều bị hạn chế.

Không chỉ vậy, quân Đức còn biết rằng kể cả có chiếm được Stalingrad, muốn tiến sâu hơn nữa vào hậu phương Xôviết, họ vẫn còn phải vượt qua lưới lửa phòng ngự được bố trí dày đặc trên bờ đông sông Volga. Và không chỉ vậy, trong khi Chuikov chỉ huy quân sĩ đánh kìm chân Paulus, vẫn có những hướng đột kích nghi binh “chia lửa” được các cánh Hồng quân khác thực hiện ở những khu vực lân cận.

Cả hai phía đều tổn thất nặng nề về nhân mạng do thiếu thốn trầm trọng lương thực, nước uống hoặc vật tư y tế thiết yếu, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng mỗi tuần (theo nguồn History.net). Song, ưu thế rõ ràng vẫn thuộc về phía Liên Xô, bởi quân đội của họ được chiến đấu gần đường tiếp vận hơn, đặc biệt là khi được giữ thế thủ.

Và điều đó được thể hiện một cách đậm nét trong ngày 19/11/1942, ngay trước khi những ngày lạnh giá nhất của mùa đông ập tới. 7 giờ 20 phút sáng (giờ Moskva), hàng nghìn khẩu pháo phản lực Xôviết khạc đạn vào hàng ngũ quân Đức – vốn vừa đánh giá thấp quy mô của cuộc phản công này, vừa thiếu thốn mọi mặt về hậu cần để có thể thực hiện cả các nhiệm vụ củng cố hay trinh sát trước đó.

Sau loạt mưa pháo, đến lượt các đơn vị thiết giáp và cơ giới của các Phương diện quân Tây Nam cũng như Phương diện quân Stalingrad xung trận, đánh bại các lực lượng chư hầu mỏng mảnh của Hungary hay Romania đang trấn giữ các sườn xung yếu quanh tập đoàn quân Đức Quốc xã số 6. Khoảng 200.000 quân Đức bị khép chặt trong vòng vây.

Những diễn biến chính sau đó của trận Stalingrad là tất yếu, khi đã được triển khai trên một thế trận tất thắng, được trù hoạch kỹ càng bởi Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô. Tuy nhiên, thường thì phần đông sẽ bỏ qua những tính toán sâu xa đó, mà chỉ chú ý đến các hiện tượng bề mặt.

Đơn cử, bên cạnh ý chí phòng ngự kiên cường của quân dân Stalingrad, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua nghệ thuật điều động và tập hợp binh lực của Hồng quân. Từ Siberia, trong vòng hai tháng, những khối quân tiếp viện đã nhanh chóng được huấn luyện, tổ chức và trang bị, đủ đến “giờ G” có tới 500.000 chiến sĩ nhập trận tại Stalingrad, tạo thế áp đảo hoàn toàn so với quân Đức.

Thời điểm tổ chức đợt đại phản công này cũng rất quan trọng. Cho đến lúc ấy, sự thiếu hụt lương thực song hành cùng thời tiết lạnh giá vốn đã hủy hoại thê thảm năng lực chiến đấu của quân Đức (vốn không cách nào được trang bị và tiếp tế đầy đủ, bởi nguồn lực phục vụ cho chiến tranh ở hậu phương Đức là tương đối hạn chế). Do đó, trong trường hợp vạn nhất mà cuộc phản kích thất bại, mùa đông cũng vẫn sẽ là một đồng minh đắc lực của Hồng quân ngăn cản kẻ địch vượt sông Volga. Quân Đức vẫn sẽ phải cố gắng bám trụ trong thành phố Stalindrad đã hoàn toàn trống rỗng, dưới tầm pháo và dưới những cuộc không kích, trong khi vẫn bị “khủng bố tinh thần” bởi những tay súng bắn tỉa đã quen tác chiến đô thị.

Sau tất cả, công tác hậu cần đóng vai trò quyết định lớn nhất. Xe tăng Đức phải tiết kiệm từng giọt xăng, trong khi suốt 5 ngày đầu của đợt đại phản công, các kho tiếp liệu đầy ắp cho phép Hồng quân Liên Xô đảo ngược tình hình, nắm hoàn toàn ưu thế về hỏa lực, thiết giáp hành tiến cũng như bộ binh cơ giới. Theo các số liệu từ chính nguồn phương Tây, có tới 900 xe tăng và 1.400 máy bay Liên Xô tham gia cuộc đại phản công này. Xe no xăng, dĩ nhiên binh sĩ cũng không thiếu đạn hay thiếu “lương thảo”.

Không chỉ vậy, sau thời gian gồng mình phòng ngự, tinh thần chiến đấu của Hồng quân khi có quân tiếp viện hiển nhiên là mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần, so với sự rệu rã của đoàn quân viễn chinh đã quá mệt mỏi bởi những nỗ lực tiến công bất thành, nhưng lại không được phép lùi một bước nào mà Friedrich Paulus chỉ huy.

Đây là những gì vẫn có thể xảy ra 80 năm sau, trong bất cứ thế trận nào, của bất cứ cuộc chiến nào. Thí dụ, như trên hai bờ sông Dniepro hiện tại…

*Bên cạnh Chiến dịch Sao Thiên Vương, Bộ chỉ huy Hồng quân Liên Xô cũng cùng lúc lên kế hoạch cho Chiến dịch Sao Thổ (Operatsiya Saturn) tiếp nối, nhằm chia cắt, hợp vây và tiêu diệt các cụm tập đoàn quân hay tập đoàn quân Đức Quốc xã trên một phạm vi rộng hơn, ra đến tận sông Don và vùng Kavkaz. Sau đó nữa, Chiến dịch Sao Hỏa (Operatsiya Mars) là một kế hoạch dự phòng khác, nhằm quấy rối và ngăn cản quân Đức tái tổ chức thế trận nếu các nỗ lực phản kích của Hồng quân gặp bất lợi.

* “Càng tập trung gần Stalingrad, phạm vi điều động chiến thuật của quân Đức lại càng bị bó hẹp. Ngược lại, phía phòng ngự dễ dàng điều động các lực lượng dự bị của mình hơn, tới bất cứ điểm nào bị uy hiếp trên toàn phòng tuyến” - nhận xét của B.H.Lidden Hart, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh.

Thiên Thư
.
.