Hùng ca Stalingrad và những “đóng góp” vô giá của… Adolf Hitler

Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:50
Hùng ca của Hồng quân Liên Xô và loài người tiến bộ, nhưng lại là thảm họa đối với quân đội phát-xít Đức. Một trong những chiến dịch trên bộ lớn nhất lịch sử chiến tranh đã khép lại ngày 31/1/1943 ấy, mở đầu cho đà thất bại không thể cứu vãn của quân đội Đệ tam đế chế trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Thế nhưng, thực tế, quân Đức có nhất thiết phải chấp nhận trận đại bại ấy hay không? Thực tế là không. Nhưng Hitler đã khiến việc thảm bại trở thành tất yếu.

"Ta sẽ không rút lui từ sông Volga!"

30/1/1943 là một ngày đặc biệt đối với Adolf Hitler. Đó là ngày kỷ niệm 10 năm đảng Quốc xã của ông ta lên cầm quyền. Theo William L.Shirer trong cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba, tối đó, trên đài phát thanh, Thống chế Đế chế Hermann Goering đề cập đến Stalingrad vẫn còn đang diễn ra với vô vàn những mỹ từ: "Một nghìn năm sau, người Đức vẫn sẽ nói đến trận đánh này với lòng sùng kính và sự ngưỡng mộ. Họ sẽ nhớ rằng, dù sao đi nữa, chiến thắng chung cuộc cũng đã được quyết định ở đây. Trong nhiều năm, người ta sẽ nói đến trận đánh anh hùng bên bờ sông Volga như thế này: Khi bạn đến Đức, hãy nói bạn đã thấy chúng tôi nằm xuống ở Stalingrad, vì danh dự của mình và vì danh dự của những người đã trao cho chúng tôi vinh dự ấy. Vì cả vinh quang vĩ đại của nước Đức!".

Nhưng, chỉ vài tiếng sau, Adolf Hitler nhận điện thoại của Tư lệnh Tập đoàn quân số 6 Friedrich Paulus, từ Stalingrad: "Sự sụp đổ cuối cùng sẽ đến trong vòng 24h đồng hồ nữa".

Đáp lại, một cơn mưa thăng thưởng trút xuống các quân nhân của Tập đoàn quân số 6, những liều "doping tinh thần" tuyệt vọng và mang cả màu sắc mê tín. Hitler nói với Đại tướng tùy viên tham mưu Alfred Jodl: "Lịch sử chưa từng ghi nhận thống chế Đức nào bị bắt làm tù binh", và rồi qua sóng vô tuyến, ông ta phong Paulus quân hàm Thống chế. Cùng ông, 117 sĩ quan khác cũng được thăng cấp, với hy vọng là những vinh dự đó sẽ củng cố quyết tâm tử chiến của họ.

Tuy nhiên, đến 19h45 tối 31/1/1943, bản tin cuối cùng được gửi về từ mặt trận: "Quân Nga đang tiến vào cửa boongke của chúng tôi. Chúng tôi đang phá hủy máy móc". Và sau đó, tất cả im lặng. Mặt trận Stalingrad đã trở thành một dấu mốc lịch sử.

  24 tướng lĩnh cao cấp dẫn đầu 91.000 binh sĩ Đức ra hàng. Tất cả họ đều đói khát, cóng lạnh, nhiều người thương tích đầy mình, mê mụ, khổ sở, cố gắng trùm những tấm chăn lấm máu để chống chọi với giá lạnh -24 độ C, đi khập khiễng trên băng tuyết. Đến cả Paulus, như nhiều tấm ảnh còn được lưu giữ, cũng chỉ phong phanh một tấm áo choàng thu đông bên ngoài bộ quân phục.

Paulus và binh sĩ ra hàng, với trang phục mỏng manh trong cái lạnh -24 độ của mùa đông nước Nga.

Trong khi đó, tại tổng hành dinh ấm áp ở Đông Phổ, Hitler chửi rủa: "Họ đã đầu hàng ở đó! Đáng lẽ họ phải củng cố hàng ngũ, phân tán mỏng và tự bắn vào mình viên đạn cuối cùng. Con người ấy (Paulus) đáng lẽ phải tự kết liễu đời mình, như những tướng quân cổ xưa gieo mình lên thanh gươm khi đã thất bại… Điều làm cá nhân tôi cảm thấy bị xúc phạm nhất là việc tôi vẫn thăng ông ta lên hàm thống chế. Tôi muốn mang đến cho ông ta sự mãn nguyện cuối cùng. Nhưng giờ thì ông ta sẽ được mang đến Moskva. Ông ta sẽ ký vào bất cứ văn kiện gì. Ông ta sẽ khai nhận, sẽ tuyên bố, sẽ phát biểu trên sóng phát thanh, chỉ trong tuần tới…".

Hitler chỉ đoán sai một chút. Phải đến năm sau, tháng 7/1944, Paulus mới lên sóng phát thanh, để kêu gọi quân đội Đức đứng lên lật đổ tên bạo chúa. Và có lẽ Paulus không có gì hối hận về hành động đó. Ông, một cách chính xác, bị Hitler bắt phải nhận lãnh vai trò nhục nhã ngày 31/1/1943.

Bởi vì, điểm khởi đầu của sự sụp đổ hoàn toàn tại Stalingrad bắt đầu từ trước đó cả một tháng rưỡi. Là khi Adolf Hitler thét lên với Bộ tổng tham mưu của mình: "Ta sẽ không rời bỏ sông Volga! Ta sẽ không rút lui khỏi sông Volga!".

Bùa cũ hết thiêng

Đó là đêm 19/11/1942. Đang nghỉ ngơi yên ấm ở khu nghỉ dưỡng Berchtesgaden, Hitler nhận điện thoại của Tham mưu trưởng lục quân Zeitzler, báo rằng một lực lượng thiết giáp của Hồng quân Liên Xô, với hỏa lực vượt trội, đã đánh xuyên qua Tập đoàn quân số 3 của Romania dọc sông Don, phía tây bắc Stalingrad. Ở phía nam, Đại đoàn thiết giáp số 4 của Đức và Tập đoàn quân số 4 của Romania cũng bị tấn công mãnh liệt.

Zeitzler, cũng như bất cứ nhà quân sự nào, nhìn rõ ý đồ của Hồng quân: Chia cắt quân Đức, tạo thế hợp vây. Mười ba tập đoàn quân và hàng nghìn xe tăng được triển khai, hiển nhiên là để ép Tập đoàn quân số 6 của Đức phải lựa chọn: Hoặc rút lui để bảo toàn sinh lực, hoặc bị bao vây. Ngay khi đó, Zeitzler đã kiến nghị với Hitler rằng nên cho binh sĩ rút khỏi khu vực thành phố Stalingrad đổ nát, để tái lập phòng tuyến tại một đoạn ngoặt của sông Don.

Song, bởi vì Hitler "sẽ không từ bỏ sông Volga", nên thế là hết. Đích thân Fuehrer (Lãnh tụ - tôn xưng dành cho Hitler trong tiếng Đức) ra lệnh cho Tập đoàn quân số 6 trụ lại. Không một bước lùi. Bằng mọi giá. Như cách ông ta từng ra lệnh cho các đơn vị khác vào mùa đông năm 1941, nhờ đó ép chiến cuộc giằng dai thêm được đến tận lúc ấy. Có điều, lần này, binh sĩ Đức không còn sinh lực để đáp ứng yêu cầu của “Lãnh tụ” nữa.

Ngày 22/11, cuộc phản công của Hồng quân tiến thêm một bước quan trọng, khi hai cánh quân "hội sư" ở cách Stalingrad 8km. Paulus xác nhận  mình bị bao vây, và nhận được chỉ thị: dời bộ chỉ huy vào thành phố. Cùng lúc, Hitler triệu vị tư lệnh chiến trường xuất sắc nhất của mình - Thống chế Erich Von Manstein từ mặt trận Leningrad xuống, trao cho ông ta Tập đoàn quân sông Don mới thành lập, ra lệnh cho ông ta đánh từ phía tây nam lên để giải cứu Tập đoàn quân số 6 của Paulus.

Đó là một nhiệm vụ bất khả thi, khi Hồng quân đã chiếm cứ những vị trí chiến lược. Von Manstein cố gắng thuyết phục Hitler rằng tốt nhất nên vừa để ông đánh lên, vừa để Paulus ra quân phá vây. Vấn đề là, với Hitler, Tập đoàn quân số 6 không được đi đâu hết. Von Manstein phải tiến đánh một mình.

Vậy là vị thống chế lão luyện đành nhắm mắt mở chiến dịch "Bão mùa đông", xông vào trận tuyến của Hồng quân. Nhờ khả năng cầm quân của ông, đến ngày 21/12, cánh quân đó đã có thể nhìn thấy ánh pháo sáng của quân Đức bị bao vây trong thành phố. Zeitzler, một lần nữa, nài nỉ Hitler cho Paulus đánh ra hội quân. Ông "vạch rõ rằng đây thực sự là cơ hội cuối cùng để giải cứu hai mươi vạn binh sĩ của Paulus", và kể: "Trong nỗi vô vọng, tôi mô tả cho ông ấy (Hitler) biết tình cảnh bên trong: binh sĩ đói khát, niềm tin sụt giảm, thương binh cần được chăm sóc, trong khi hàng nghìn người chết cóng". 

Hitler đồng ý. Với điều kiện: Miễn là vẫn giữ được Stralingrad.

Sự điên rồ đó khiến vị Tham mưu trưởng lục quân gần như phát khùng. Còn 50km cuối cùng kia trở thành khoảng cách không bao giờ có thể vượt qua. Như mũi tên đã đi hết đà, Von Manstein và vị tướng thiết giáp dưới quyền ông - Hoth - không bao giờ còn đủ sức đánh xuyên qua vòng vây của Hồng quân để chạm vào những bức tường Stalingrad nữa.

Nếu không vì sự độc đoán của Hitler, chưa chắc Tập đoàn quân số 6 đã bị xóa sổ hoàn toàn tại Stalingrad như vậy.

Ngay sau đó, Hồng quân trả đòn. Chính đoàn quân giải cứu cũng bị uy hiếp mạnh mẽ, và phải triệt thoái để tránh nguy cơ bị bao vây - tiêu diệt. Cả tập đoàn quân sông Don, cả các cánh quân chư hầu của Đức Quốc xã ở Caucasus đều bị đẩy lùi. Stalingrad trở lại là một ốc đảo.

Ngày 8/1/1943, Hồng quân cử người cầm cờ trắng mang tối hậu thư của tướng Rokossovski - Tư lệnh các lực lượng Liên Xô trên sông Don - sang gặp Paulus. Thư nhấn mạnh tình trạng tuyệt vọng của quân Đức, và đưa ra các điều kiện đầu hàng. Paulus có 24h để quyết định câu trả lời. Ông ta gọi về tổng hành dinh xin ý kiến Hitler, yêu cầu được tự do hành động. Yêu cầu đó, dĩ nhiên, bị bác bỏ. Hết thời hạn, 5.000 họng đại pháo và Katyusha gầm lên. Paulus muối mặt gọi về một lần nữa: "Binh sĩ không còn cả thức ăn lẫn lựu đạn. Xin được phép đầu hàng ngay để cứu vớt số binh sĩ còn lại". Câu trả lời vẫn như cũ: "Cấm đầu hàng! Hãy giữ vững vị trí đến người cuối cùng và viên đạn cuối cùng!".

Cho đến lúc ấy, mọi nỗ lực của Paulus đều chỉ còn là để không có thêm những cái chết vô nghĩa. Còn thế cục toàn chiến dịch Stalingrad, dưới sự chỉ huy của Hitler, đã hoàn toàn không thể cứu vãn. Ngón đòn tâm lý - tấm bùa thiêng cũ kỹ, lần này đã không còn linh nghiệm. Sự ương ngạnh và cứng nhắc của nhà độc tài đã giúp ý đồ chia cắt - hợp vây của Hồng quân thành công rực rỡ, đồng thời đẩy cả Tập đoàn quân số 6 xuống vực thẳm.

Những ngày cuối cùng của tháng 1/1943 ấy, như các nhân chứng kể lại, thần kinh của Paulus gần như suy sụp. Mà nếu ở vào vị  trí của ông ta, khi luôn bị áp chế bởi tính duy ý chí của một người như Hitler, có lẽ Von Manstein cũng chẳng thể khá hơn…

* Thực tế, ngày 19/12/1942, Von Manstein đã tự ý cưỡng lệnh Hiler, chỉ đạo Tập đoàn quân số 6 đánh ra. Song, Paulus lại không dám rút lui, do vẫn còn sợ hãi lệnh cấm của Hitler.

* Hermann Goering từng hứa chắc chắn rằng không quân Đức sẽ đảm nhiệm tiếp tế 750 tấn hậu cần mỗi ngày cho Paulus, nhưng không hề và có lẽ là không thể thực hiện nhiệm vụ đó, trên vùng trời mà không quân Liên Xô làm chủ.


Đông Quân
.
.