Phần Lan: Những câu chuyện dài trong một lịch sử ngắn

Thứ Hai, 20/06/2022, 12:35

Phần Lan là một đất nước non trẻ - với lịch sử lập quốc mới chính thức bắt đầu từ năm 1917 trên những mảnh vỡ của đế quốc Nga Sa hoàng. Tuy nhiên, trong suốt hàng trăm năm trước đó, Phần Lan cũng đã hiểu rất rõ về những thách thức cũng như cạm bẫy bất khả kháng, khi bị kẹt giữa hai thế lực “hùng bá”: Thụy Điển và Nga.

Ngã ba thịnh vượng

“Phần Lan đã luôn là một khu vực nhỏ ở phương Bắc, nối giữa Đông và Tây. Lịch sử Phần Lan là câu chuyện về những con đường thương mại, sự va chạm giữa các nền văn hóa, và cuộc sống cạnh những người hàng xóm hùng mạnh” – Trang www.infoFinland.fi khái quát.

Thời điểm đầu tiên mà những thư tịch cổ bắt đầu nhắc đến Phần Lan là vào khoảng thế kỷ XII-XIII. Đó cũng là quãng thời gian nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã (Roman Catholic) bắt đầu tiến hành “Cuộc thập tự chinh phương Bắc”, với lực lượng nòng cốt là Đoàn hiệp sĩ Teuton, nhằm đưa các khu vực “ngoại đạo” cuối cùng ở châu Âu về dưới tầm ảnh hưởng. Và đó cũng là khi “Tổ hợp Hansa” - một mạng lưới thương mại do các thương nhân Bắc Đức thành lập - phát triển đến thời cực thịnh.

Phần Lan là một giao điểm quan trọng nằm trong mạng lưới ấy. Vịnh Phần Lan là địa điểm lý tưởng để các đội tàu buôn (và cả chiến hạm) từ Biển Baltic vào trú ẩn, tiếp thêm nước ngọt và lương thực, trao đổi hàng hóa và thu mua da thú cũng như các sản vật xứ lạnh…

Vùng đất nhỏ bé ấy, từ rất sớm, đã là một trung tâm thương mại, cũng là một “trọng địa” trên “biên cương tôn giáo” – “tiền đồn” của Roman Catholic. Ở bên kia lằn ranh, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương (Orthodox Church) cũng xây dựng những trung tâm như thế trên khắp đất Nga cổ, tiêu biểu là Novgorod. Cuộc Đại ly giáo Đông – Tây tạo nên những sự cạnh tranh gay gắt, ngay cả ở miền Bắc Âu đất rộng người thưa này, và các mối lợi đến từ giao thương lại càng khiến nó trở nên gay gắt.

Trạng thái hòa bình tương đối bắt đầu được xác lập từ năm 1323, với Hòa ước Noeteborg.

5eeb9e2315e9f929f3287f1b.jpg -0
Phần Lan thời sơ khai.

Từ Hòa ước Noeteborg đến Hiệp ước Abo

Với hòa ước Noeteborg, phần lớn lãnh thổ Phần Lan hiện đại nằm trong “cương vực” của Thụy Điển. Mặc dù vậy, ở phía Tây Phần Lan, đức tin theo giáo lý Roman Catholic vẫn chiếm ưu thế, còn phía Đông lại chịu ảnh hưởng của giáo lý Orthodox. Ranh giới này vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ, và điều khác biệt chỉ là: Sau cuộc Cải cách tôn giáo thế kỷ XVI, giáo lý Tin lành đã thay thế Thiên Chúa giáo La Mã.

Trong khoảng 500 năm, lịch sử Phần Lan cũng chính là lịch sử Thụy Điển. Phần Lan là vùng đệm của Thụy Điển ngăn cách với các kình địch phía Đông - cụ thể là các lân quốc Rus Kievans hay đế quốc Nga Sa hoàng sau này, cho dù đường biên giới nhiều lần thay đổi, từ kết quả của các cuộc chiến tranh khác nhau.

Người Phần Lan, vì vậy, cũng tự xem mình thuộc Tây Âu. Qua 5 thế kỷ gắn bó mật thiết với Thụy Điển (cũng như các láng giềng Scandinavia), di sản văn hóa phương Tây đã ăn sâu vào tâm thức của họ. Trong các chiến công lừng lẫy của Gustav Adolf Đại đế hay Karl XII – những bậc quân chủ phi thường của đế quốc Thụy Điển - các đơn vị binh sĩ Phần Lan đều góp mặt, góp sức. Tuy vậy, Phần Lan đồng thời cũng vẫn duy trì kết nối với các trung tâm thương mại phía đông và Nhà thờ Chính thống giáo.

Hiệp ước Abo (1743) là một dấu mốc đáng nhớ khác, trong lịch sử riêng của đất nước Phần Lan. Nó đánh dấu sự cường thịnh của đế quốc Nga bên cạnh sự suy yếu của đế quốc Thụy Điển, và cũng là điểm mốc của một chương mới đối với địa chính trị Bắc Âu.

Theo Brỉtanica, do bại trận trong Chiến tranh Thụy Điển -Nga (1741-1743), Thụy Điển bắt buộc phải nhượng lại cả một dải lãnh thổ phía Nam Phần Lan cho Nga. Song, thực tế, từ sau khi Pyotr Đại đế dẫn dắt nước Nga giành chiến thắng trong Đại chiến phương Bắc (năm 1721), Thụy Điển đã mất Estonia, Lovinia, Ingria và Karelia (nghĩa là phần lớn duyên hải Đông Nam biển Baltic) vào tay Nga.

Năm 1741, Thụy Điển bí mật (thông qua các nhà hòa giải người Pháp) tiếp xúc với Elizabeth, con gái của Pyotr Đại đế. Elizabeth đồng ý trả lại các vùng lãnh thổ Baltic cho Thụy Điển, đổi lấy sự hỗ trợ của Thụy Điển trong nỗ lực giành lấy ngai vàng của Nga từ tay một cậu bé đang được đặt trên ngai vàng nước Nga: Ivan VI. Tháng 7-1741, Thụy Điển tuyên chiến với Nga, và nêu điều kiện là họ sẽ chỉ rút lui khi Elizabeth trở thành hoàng hậu Nga. Mặc dù thua trận Vilmanstrand (tháng 8-1741), quân Thụy Điển vẫn tiến về St.Petersburg. Mối đe dọa của họ đối với kinh đô Nga đã tạo điều kiện cho Elizabeth tổ chức một cuộc đảo chính thành công (ngày 6-12 – tức ngày 25-11 theo lịch cũ - năm 1741). Sau đó, phía Thụy Điển rút quân về Phần Lan.

Vấn đề là, sau đó, Elizabeth đã không thực hiện cam kết. Quân đội Nga lập tức đánh tới Helsingfors và Abo (Turku ngày nay) và chiếm một phần lớn lãnh thổ Phần Lan. Đến năm 1742; Nga, lợi dụng cuộc khủng hoảng kế vị ở Thụy Điển, đã đề nghị trả lại phần lớn Phần Lan nếu Thụy Điển chấp nhận ứng viên kế vị ngôi vua Thụy Điển được Nga ủng hộ - Adolf Frederick.

Người Thụy Điển đồng ý, và thỏa thuận cuối cùng, được ký kết tại Abo (tháng 8-1743), trao cho Nga một dải phía nam Phần Lan bao gồm các thành phố Vilmanstrand và Frederikshamn. Quân đội Nga sẽ rời khỏi phần còn lại của Phần Lan khi Adolf Frederick chính thức trở thành thái tử kế vị. Trong quãng thời gian đó, các lực lượng Nga được phép chiếm đóng Thụy Điển, nhằm đảm bảo rằng không có gì cản trở kế hoạch này. Nhưng, ảnh hưởng của Nga ở Thụy Điển chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tất cả quân đội Nga triệt thoái khỏi Thụy Điển vào tháng 7-1744, và Adolf Frederick nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga.

Các quy định về lãnh thổ của hiệp ước này thì kéo dài lâu hơn. Năm 1788, trong khi Nga có chiến tranh với đế quốc Ottoman, Thụy Điển đã cố gắng thay đổi các điều khoản. Vua Gustav III đòi Nga trả lại Karelia và Phần Lan, rồi tuyên chiến với Nga (tháng 6-1788). Mặc dù giành được một số thắng lợi trên chiến trường, nhưng Thụy Điển vẫn chưa đủ khả năng khiến nước Nga phải nhượng bộ. Những đường biên giới được thiết lập bởi Hiệp ước Abo vẫn được giữ nguyên cho đến tận năm 1809 (Hiệp ước Frederikshamn).

Và Phần Lan cũng vẫn bị chia cắt, bởi sự va chạm của các toan tính chính trị cường quyền.

kolmen_valtakunnan_rajapyykki_27.4.1945.png -0
Quân đội Phần Lan trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Giá của độc lập

Sau Hiệp ước năm 1809, Sa hoàng Alexander I ban cho Phần Lan địa vị của một Đại công quốc. Trong thời kỳ cai trị của Nga, Phần Lan trở thành một khu vực đặc biệt được phát triển theo lệnh của Hoàng đế. Ví dụ, thành phố Helsinki được xây dựng để trở thành một đô thị hàng đầu ở biển Baltic.

Bắt đầu từ năm 1899, Nga bắt đầu quản trị Đại công quốc Phần Lan theo cách chặt chẽ hơn. Những luật lệ có từ thời thuộc Thụy Điển dần bị thay thế, và chủ nghĩa dân tộc ở Phần Lan cũng bắt đầu trỗi dậy. Phần Lan được quyền thành lập quốc hội riêng vào năm 1906, và các cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1907. Sau đó, trong biến động dữ dội của thời cuộc, Phần Lan tuyên bố độc lập vào ngày 6-12-1917, với sự công nhận của chính phủ Bolshevik nắm chính quyền trong Cách mạng Tháng Mười (ngày 31-12-1917).

Tuy nhiên, trong những năm đầu độc lập, vị thế của Phần Lan vẫn còn rất mong manh. Ngay sau ngày 6-12-1917, một cuộc nội chiến dữ dội đã nổ ra, khi xung đột giữa các luồng tư tưởng cũng như các phe phái chính trị trong nội bộ là không thể dung hòa. Ba thập niên sau đó, Phần Lan lại một lần nữa bị kẹp giữa hai quyền lực ghê gớm: Nước Đức Quốc xã và Liên Xô. Trong những năm 1930, cũng như các khu vực khác của châu Âu, nhiều phong trào cánh hữu và cực hữu đã trở nên phổ biến ở Phần Lan. Bối cảnh này dẫn tới một cuộc chiến đẫm máu khác: Chiến tranh mùa đông, khi Phần Lan buộc phải chiến đấu với các lực lượng Liên Xô. Năm 1940, Phần Lan thất bại, và buộc phải nhượng cho Liên Xô 10% lãnh thổ ở phía đông.

Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, Phần Lan gia nhập liên minh với Đức để tiến công Liên Xô. Kết quả: Năm 1944, Phần Lan tuyên bố rút khỏi cuộc chiến, ký “Thỏa ước đình chiến”, chấp nhận bồi thường 300 triệu USD (theo tỷ giá thời đó, trả bằng hàng hóa trong vòng 6 năm), và chịu mất thêm phần đất Petsamo trên bờ Bắc Băng Dương.

Cuối cùng, Phần Lan vẫn là một quốc gia độc lập, đến tận bây giờ. Song, những gì đã xảy ra trong lịch sử của họ, thì vẫn luôn là những bài học đáng giá, về cách tồn tại cạnh những người láng giềng quyền lực.

* Tên của kinh đô Phần Lan cũ, cũng là đô thị cổ xưa nhất - Turku - có nghĩa là “nơi giao thương” trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ. Ước tính, theo giới nghiên cứu lịch sử, con người đã hiện diện ở đây từ Kỷ Băng hà (khoảng năm 8.800 TCN), định cư dọc theo các tuyến đường thủy, và xây dựng những cơ sở buôn bán - trao đổi sản vật sơ khai.

* Thủ đô hiện tại của Phần Lan - Helsinki - được hình thành như một đối trọng thương mại với Tallin ở phía nam biển Baltic. Helsinki trở thành thủ đô Phần Lan năm 1812. Năm 1817, một trận hỏa hoạn thiêu rụi Turku, càng củng cố địa vị của “tân đô”.

Thiên Phong
.
.