Áo choàng trắng, chữ thập đen

Thứ Bảy, 21/05/2022, 11:46

Châu Âu từng có rất nhiều đạo quân khét tiếng “bất bại” thời Trung Cổ cũng như hậu Trung Cổ. Và trong số đó, không thể không nhắc đến tên tuổi của dòng Hiệp sĩ Teuton, hay còn được biết đến với cái tên là dòng Hiệp sĩ German – những người đặt nền móng cho tinh thần chiến binh khắc kỷ và bất khuất truyền thống, nối dài từ các Vương quốc Phổ hay Brandenburg thời ấy qua đế quốc Đức đến tận Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Thoát thai từ Thập tự chinh

Cuối thế kỷ XII, tại thành Acre vùng Levant (nay là Israel), một giáo đoàn ra đời với cái tên rất dài: Dòng huynh đệ nhà Teuton Thánh mẫu tại Jerusalem, gọi tắt là dòng Huynh đệ Teuton (Deutscher Orden).

Những hiệp sĩ – chiến binh người German thành viên của giáo đoàn này được gọi là Hiệp sĩ Teuton hoặc hiệp sĩ dòng German. Họ thường xuất trận với trang phục áo choàng trắng in một chữ Thập (biểu trưng cho thánh giá) màu đen rất lớn phủ bên ngoài giáp trụ. Tề danh với các hiệp sĩ Dòng Đền (Knights Templar), dòng Cứu tế (Knights Hospitaller) và dòng Thánh Lazarus (Knights of Saint Lazarus), Huynh đệ Teuton là một trong bốn tổ chức hiệp sĩ thánh chiến nổi tiếng nhất thời đó.

Áo choàng trắng, chữ thập đen -0
Bằng sự tàn bạo sắt máu, các hiệp sĩ Teuton đồng hóa toàn bộ vùng duyên hải Baltic.

Trên lý thuyết, nhiệm vụ đầu tiên của các hiệp sĩ Teuton, cũng như ba dòng tu hiệp sĩ kia, không phải là chiến đấu. Họ được thành lập nhằm trợ giúp cho các Ki-tô hữu vượt Địa Trung Hải hành hương đến Đất Thánh Jerusalem, xây dựng các bệnh xá, hộ tống và chăm sóc những đoàn người.

Song, trên thực tế, để làm được tất cả những điều đó trong bối cảnh chiến sự với người Hồi giáo vẫn còn liên tục tiếp diễn (cũng như sự hoành hành của các toán cướp du mục), nhiệm vụ chính của mọi giáo đoàn hiệp sĩ cuối cùng đều vẫn chuyển thành chuyện máu đổ thây rơi, như mọi đoàn quân chuyên nghiệp thời đó.

Điều này gắn bó mật thiết với những mối lợi nhuận kếch sù mà việc tổ chức các đoàn hành hương đem lại. Đi kèm với chúng, sẽ là lợi tức từ những đoàn thuyền buôn, là sự kiến tạo các đô thị Thiên Chúa giáo, là quyền quản lý các cảng biển (như giáo đoàn Teuton quản lý cảng Acre), là kiểm soát những hệ thống giao thương (và còn là cả chuyện cướp bóc những thành trấn Hồi giáo).

Dưới sự bảo trợ từ đích thân Giáo hoàng, dòng Hiệp sĩ Teuton phát triển cực kỳ mạnh mẽ trên dải Đất Thánh Palestine suốt thế kỷ XII. Không chỉ vậy, họ còn nhận được sự hậu thuẫn từ giới quý tộc Đế chế La Mã thần thánh (của người Đức), Hy Lạp và Palestine. Họ sẵn sàng xả thân vì cả thần quyền lẫn thế quyền, vì cả lợi ích của chính mình. Bên cạnh đó, yếu tố tín ngưỡng – tôn giáo tôi luyện họ (cũng như các hiệp sĩ Dòng Đền hay dòng Cứu tế) thành những chiến binh tàn bạo, không bao giờ biết mủi lòng trước “quân dị giáo”.

Bước sang thế kỷ XIII, các hiệp sĩ Teuton đã trở thành một thế lực quân sự đích thực. Từ Acre, họ mở những đợt tiến đánh tỏa lên Montfort (hay còn gọi là Starkenberg theo tiếng Đức) ở phía Bắc, chiếm được pháo đài án ngữ giữ Địa Trung Hải với Jerusalem này năm 1220. Họ giữ được vị trí quan trọng ấy suốt 50 năm, rồi mới để nó bị quân Hồi tái chiếm năm 1271.

Tuy không thể so sánh với vị thế cũng như danh tiếng của các giáo đoàn hiệp sĩ Dòng Đền và dòng Cứu tế, nhưng vào năm 1225, khi Hoàng đế La Mã thần thánh Friedrick II nhận cả ngôi Vua của Jerusalem, chính các hiệp sĩ Teuton đã hộ tống ông đến lễ gia miện tại nhà thờ Saint Sepulchre. Hermann von Salza (1209 – 1239)  – vị thủ lĩnh thứ tư của các hiệp sĩ Teuton, cũng là bạn thời niên thiếu của Friedrick II – được trao vị thế ngang bằng với mọi vương công quý tộc khác.

Rực sáng và suy tàn

Thực tế, danh tiếng lẫy lừng của dòng hiệp sĩ Teuton không được xây dựng và củng cố nhiều ở Baltic, mà là ở những cuộc chinh phạt nhắm vào duyên hải biển Baltic – vùng đất ở thời điểm đó vẫn còn “giàu dư địa phát triển”, ngay tại châu Âu.

Vào năm 1211, vua Hungary là Andrew II chấp nhận sự phục vụ của đoàn quân áo choàng trắng chữ thập đen ấy. Ông ban cho họ vùng đất Transilvania (nay là trung bộ Romania), cho phép họ đưa những di dân thuộc các sắc dân German tới định cư, để nhờ cậy họ phòng thủ trước những đợt tấn công của bộ lạc du mục gốc Đột Quyết (Turkish) là Cuman.

Các hiệp sĩ Teuton đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, song đến năm 1224, khi biết họ xin Giáo hoàng Honorio III cho phép được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã (Roman Catholic), vua Hungary đã tức giận trục xuất các hiệp sĩ Teuton ấy (nhưng cho phép di dân ở lại).

Song, chỉ hai năm sau, đến lượt bá tước xứ Masovia (thuộc Ba Lan hiện nay) là Konrad I mời đón họ, nhằm bình định những phần lãnh thổ đang nằm dưới tay “bọn tà đạo” – là các sắc dân cuối cùng của châu Âu còn chưa chấp nhận tuân theo giáo lý Cơ Đốc, mà vẫn theo đa thần giáo Bắc Âu. Konrad cũng ban cho các hiệp sĩ Teuton vùng đất Chelmno làm căn cứ, trong khi Hoàng đế Friedrick ban cho họ toàn quyền chiếm đóng đất Phổ (xứ Prussia, ở miền đông bắc Đức và phía bắc Ba Lan), dưới danh nghĩa Giáo hoàng.

Cuộc chinh phục này diễn ra đẫm máu trong suốt hơn 50 năm. Trong quãng thời gian đó, bất cứ ai không chịu cải đạo đều có thể bị tàn sát, bị tra tấn bằng nhục hình, bị thiêu sống… Một số thư tịch cổ còn ghi lại rằng “những người bị bắt bị nướng chín như hạt dẻ, ngay trước các đền thờ địa phương". Ngược lại, những ai đã theo Thiên Chúa giáo hoặc chịu cải đạo thì được đối xử tử tế.

Nói một cách chính xác, những hoạt động quân sự sắt máu của các hiệp sĩ Teuton trong nửa thế kỷ ấy là tác nhân quyết định đưa đến trạng thái “đồng hóa” dành cho những cư dân Phổ bản địa. Teuton chiêu mộ, thu thập và khuếch trương lực lượng ở đó, xem các hoạt động tại đây là bàn đạp để thao luyện binh sĩ, sẵn sàng phục vụ cho chiến trường chính – Đất Thánh. Họ cũng ráo riết đưa dân German di cư từ nội địa Đế chế La Mã thần thánh của người Đức đến Phổ, nhằm bổ sung những khoảng thiếu hụt nhân lực do chiến tranh, mất mùa hay dịch bệnh.

Và qua đó, họ bổ sung ngược lại cho lịch sử - văn hóa Đức nói chung thứ “tinh thần thép chiến binh” từ đất Phổ này. Bất cứ ai cũng có thể thấp thoáng nhận ra những vết hằn nghìn năm ấy vẫn còn hiện hữu trong cả… các trận bóng đá có sự tham gia của đội tuyển Đức ở thế kỷ XX (hoặc là rõ hơn, trong cách vị Thủ tướng huyền thoại Otto von Bismark thống nhất đế quốc Đức thế kỷ XIX, hay những gợi ý và phác thảo về “không gian sinh tồn dành cho người Đức” của Adolf Hitler).

Áo choàng trắng, chữ thập đen -0
Một trong những đội quân đáng sợ nhất thời Trung Cổ.

Từ đất Phổ, các hiệp sĩ Teuton còn liên tục mở rộng vùng kiểm soát đến tận Livonia – lãnh thổ của ba nước Baltic hiện đại là Lithuania (Litva), Latvia, Estonia cũng như Phần Lan, những khu vực “ngoại đạo” cuối cùng ở châu Âu. Quyền lực của giáo đoàn Teuton lên đến đỉnh cao nhất vào thế kỷ XIV, sau khi họ đã hoàn tất tiến trình đồng hóa và nô dịch Livonia, cải đạo cưỡng bách xứ Litva, quét sạch biển Baltic, chiếm giữ cả thành phố Danzig (Gdansk) quan trọng của Ba Lan. Thậm chí, đến lúc ấy, Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã cũng đã bắt đầu phải e dè quyền lực của Teuton.

Nhưng, rất nhanh, sau đỉnh cao là vực sâu. Việc cùng lúc tạo nên quá nhiều kẻ thù – hệ lụy trực tiếp từ tính sắt máu trong các cuộc chinh phạt – đã khiến Teuton phải trả giá.

Năm 1410, trận đánh lớn nhất thời Trung Cổ - trận Grunwald – khép lại, với kết quả là Teuton thảm bại trước quân đội liên hợp của hai chính quyền phong kiến (đều từng bị Teuton o ép) Ba Lan và Litva. Vào lúc này, Vua Wladyslaw II của Ba Lan cũng chính là quận công Jagiello của Phổ. Ông có đủ thực lực để vừa tấn công Teuton trực diện, vừa kiến tạo nền tảng cho sự hình thành của Khối thịnh vượng chung (hoặc có thể gọi là Liên bang) Ba Lan – Litva, một trong những quyền lực lớn nhất tại châu Âu lục địa thời hậu Trung Cổ.

Kể từ đó cho đến khi bị Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte I ra lệnh buộc phải giải tán (năm 1809) – nghĩa là chấm dứt sự hiện hữu như một tổ chức quân sự, các hiệp sĩ dòng Teuton chỉ còn có thể “lui từng bước một”, chấp nhận nhìn quyền lực của mình bị thu hẹp, chấp nhận trở thành một lực lượng đánh thuê thuần túy, chấp nhận những thất bại nối tiếp nhau cùng những khoản bồi thường chiến phí “mất mặt”… Suốt quá trình suy thoái đó, cũng có những vị thống lĩnh cũng vẫn còn cố gắng duy trì được vị thế, nhưng hầu như chỉ là vị thế cá nhân. 

* Bất chấp lệnh của Napoleon, Teuton vẫn tồn tại, với trụ sở đặt tại Wien (thủ đô Áo). Sau khi Đức Quốc xã sáp nhập Áo trước Đại chiến Thế giới lần thứ hai, cho dù hình ảnh các hiệp sĩ Teuton vẫn được sử dụng vào mục đích tuyên truyền, xem như tổ chức này đã hoàn toàn bị xóa sổ. Song, sau năm 1945, Teuton được hồi sinh. Hiện nay, giáo đoàn ấy vẫn tồn tại, nhưng chỉ trên tư cách một dòng tu đặt nặng mục tiêu từ thiện.

* Với tham vọng mở rộng lãnh thổ của đế chế La Mã thần thánh cũng như Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, Teuton từng tiến công tới tận đất Nga (theo Chính thống giáo Đông phương). Song, tại đây, họ đã thất bại tại "trận chiến trên băng" nổi tiếng, trước vương công Novgorod là Alexander Nevsky, ngày 5/4/1242.

Thiên Phong
.
.