Đội quân Andes

Thứ Tư, 02/03/2022, 15:05

Ngày 12/2/1817, từ sườn dãy trường sơn Andes – “xương sống của Nam Mỹ”, một đoàn quân âm thầm tiến xuống đồng bằng Chile, nơi những toán lính thực dân Tây Ban Nha còn đang ung dung thoải mái tận hưởng sự bình lặng. Và khi màn đêm phủ xuống, đất nước Chile non trẻ đã kịp cảm nhận được hương vị tươi tắn của nền độc lập đích thực, sau ba trăm năm thuộc địa.

Đoàn quân ấy được chỉ huy bởi một con người vĩ đại – Jose de San Martin.

San Martin là ai?

Vào thời điểm đó, Jose de San Martin đã trở thành một cái tên lừng lẫy khắp Nam Mỹ, sánh ngang với vị lãnh tụ giải phóng Simon Bolivar ở phía Bắc lục địa này.

Jose Francisco de San Martin Matorras (25/2/1778 – 17/8/1850), trước hết, từ xuất thân, là một công dân – một chiến binh của chính… Tây Ban Nha. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Cho tới thời điểm đó, cả châu Mỹ Latin, cả Mexico cùng các bang phía Nam của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cùng toàn bộ khu vực Trung Mỹ vẫn đều đang nằm dưới quyền cai trị của triều đình Madrid. Và kể từ sau cuộc hải hành vinh quang của Christophe Colombo, Tây Ban Nha cũng vẫn liên tục đưa người dân sang định cư ở Tân Thế giới.

29528_6mpi47ujgrd04u8i974j2iedo4_325222.jpg -0
Tượng đài Đội quân Andes ở Mendoza, Argentina.

Gia đình San Martin cũng có một gốc gác phổ biến như thế. Ông được sinh ra tại Yapeyu – một ngôi làng nhỏ ở Đông Bắc Argentina ngày nay, là con thứ năm của một viên thượng úy đồn trú bên Sông Bạc (Rio de la Plata). Năm 1781, gia đình San Martin dời đến Buenos Aires. Năm 1785, ông theo cha trở về Tây Ban Nha, theo học trường Real Seminario de Nobles dành cho giới quý tộc.  Năm 1789, San Martin gia nhập quân đội Hoàng gia Tây Ban Nha, phục vụ cả trong bộ binh lẫn kỵ binh và cả hải quân, đối mặt với cả quân Anh, quân Pháp hay quân Hồi giáo Moors, để rồi tự trui rèn mình trở thành một sĩ quan ưu tú.

Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian này, San Martin bắt đầu cảm thấy không còn niềm tin vào nền quân chủ chuyên chế Tây Ban Nha, cũng như thấy trong mình nhen lên một khát vọng mới. Ông gia nhập “Nhóm Lautaro” – tổ chức hoạt động với mục tiêu giải phóng Nam Mỹ khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha (như cách 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ đã tự giải phóng mình khỏi ánh thống trị của Hoàng gia Anh, để trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ).

Đó là một xu hướng tất yếu. Thực ra, sự chia rẽ sâu sắc giữa triều đình Madrid với các thuộc địa châu Mỹ của nó đã manh nha xuất hiện ngay từ những năm đầu thế kỷ XIX, khi cộng đồng Creoles (người Mỹ Latin gốc Tây Ban Nha) muốn được hưởng nhiều quyền tự quyết hơn, về cả chính trị lẫn lợi ích kinh tế. Cùng thời điểm đó, ở châu Âu, sự suy yếu của triều đình Hoàng gia Tây Ban Nha càng khiến các mối ràng buộc trở nên lỏng lẻo, trong khi Madrid lại vẫn không ngừng đòi hỏi những trách nhiệm thuế khóa nặng nề.

Vấn đề là, vào năm 1810, Cortes (Nghị viện Tây Ban Nha) chính thức từ chối quyền bình đẳng của các Creoles như các công dân chính quốc, cho dù vẫn tuyên bố rằng các vùng lãnh thổ ở Nam Mỹ “không chỉ là thuộc địa”. Cộng đồng Creoles từng chứng kiến sự bất lực của quân đội Hoàng gia trong những cuộc chiến tranh với nước Mỹ nhằm bảo trợ quyền lợi của chính họ, và dĩ nhiên, họ không cam tâm tiếp tục với gông xiềng.

Chính trong bối cảnh đó, tháng 3/1812, Jose de San Martin vượt biển trở về Argentina, nhận nhiệm vụ huấn luyện quân khởi nghĩa.

Trận Chacabuco

Hai năm (1813-1814) tung hoành ở Argentina, San Martin lập được rất nhiều chiến công trước quân Tây Ban Nha, từ đó xác định một phương hướng chiến lược: Vượt qua Andes – rặng núi ngăn cách Argentina và Chile, tiến chiếm miền đồng bằng ấy, tạo bàn đạp thu hồi Peru, qua đó hoàn toàn giải phóng miền Nam lục địa Mỹ Latin. “Quyết kế” này được Ủy ban chấp chính Argentina tán đồng, và San Martin dẫn quân đến trấn thủ ở Coyork dưới chân Andes, tiếp giáp Chile – nơi tất cả các cảng và những điểm trọng địa vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Tây Ban Nha.

Hai năm kế tiếp là hai năm San Martin lao tâm khổ tứ, dựa vào kiến thức lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn đã được tiếp thu khi còn ở Tây Ban Nha, thành lập một đội quân chính quy tinh nhuệ có tên là "Đội quân Andes" (Army of Andes, Ejército de los Andes) do chính ông trực tiếp nắm giữ chức Tổng tư lệnh. Quân số của đội quân này khoảng 4.000 người trong đó có 3.000 bộ binh, 700 kỵ binh, còn lại là pháo binh một số nhân viên cần vụ.

Tuy nhiên, theo History.com, khi vượt qua Andes để đặt chân xuống lãnh thổ Chile, biên chế của đoàn quân lên đến 6.000 người. Song, trong cuộc hành quân gian khổ đó, người ta ước tính khoảng một phần ba trong số 6.000 lính của ông đã thiệt mạng trong cuộc vượt biển, và hơn một nửa số ngựa của ông đã bị mất. Có điều, lực lượng của “Đội quân Andes” vẫn áp đảo so với quân Tây Ban Nha, để San Martin tự tin ra lệnh công kích rạng sáng 12/2/1817.

Đến chiều, quân nổi dậy đã buộc lính Tây Ban Nha lui về vị trí phòng thủ xung quanh một trang trại địa phương Rancho Chacabuco. Trong khi những cuộc tiến công vẫn ào ạt diễn ra, một tướng lĩnh dưới quyền San Martin là Estanislao Soler đã đưa lính của mình sang phía bên kia của trang trại, cắt đứt đường rút lui của người Tây Ban Nha. Sau cùng, phía Tây Ban Nha phải chấp nhận thất bại, với thương vong lên tới 500 người và 600 người khác trở thành tù binh. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10 lính San Martin được báo cáo là tử trận, dù có đến 120 người cuối cùng đã tử vong vì những vết thương trong trận chiến.

battleofchacabucojpg.jpg -0
Trận chiến Chacabuco.

Chiến thắng sấm sét và mang tính quyết định này đã “dọn quang đường” cho San Martin thẳng tiến đến Santiago, thủ đô của Chile. Nó khẳng định nhãn quan chiến lược sắc bén của San Martin – người dường như đã học theo Hannibal độ quân Carthage qua rặng Alpes để bất thần tập kích đế chế La Mã thời cổ. Trận Chacabuco là một dấu mốc quan trọng, không chỉ trong lịch sử Chile mà còn trong lịch sử của cả lục địa Nam Mỹ, cũng như trong cuộc đời San Martin - người đã thêm việc giải phóng Chile vào danh sách huy hoàng trải dài những chiến công của mình.

Nói cách khác, trận Chacabuco có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự và chính trị, là một thảm họa đối với chế độ thực dân Tây Ban Nha. Chiến thắng này giải tỏa được mối đe dọa của thế lực thực dân Tây Ban Nha trước nền độc lập của Argentina. Nó ép quân Tây Ban Nha phải co cụm về tuyến phòng thủ ở Peru. Và vì vậy, trọng tâm của cuộc chiến tranh giành độc lập ở Nam Mỹ chuyển dịch về phía bờ biển Thái Bình Dương, trong khi Simon Bolivar thắng như chẻ tre ở các chiến trường Đông Bắc, cùng San Martin tạo nên một gọng kìm thép.

Tổng đốc xứ Peru là Pesuera nhận định: Trận Chacabuco đánh dấu sự mở đầu của quá trình sụp đổ của đế quốc Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, và khiến quyền lực của thực dân Tây Ban Nha lung lay đến tận gốc rễ. Quả vậy, ngay sau chiến thắng ấy, “Đội quân Andes” của San Martin lại tiếp tục lên đường, đánh đến tận Peru, để hội quân với Simon Bolivar (tháng 7/1822).

San Martin, vì thế, cũng như Simon Bolivar, đã trở thành vĩ nhân bất tử của cả Nam Mỹ, chứ không chỉ riêng Argentina. Cũng như một người Argentina bất tử khác sau này – Che Guevara. 

* Đúng ngày 12/2/1818, nghĩa là tròn một năm sau chiến công Chacabuco dưới chân rặng Andes của San Martin, Chile chính thức tuyên bố nền độc lập của mình. Nguyên thủ khai quốc trong chính thể cộng hòa của Chile là Bernado OHiggins – một người đồng chí của San Martin trong hội Lautaro, cũng là người sát cánh cùng San Martin trong nhiều năm chinh chiến. Trong lúc đó, San Martin vẫn còn đang trên đường dẫn quân chinh phạt Peru.

Chuyện kể là trong trận Chacabuco, OHiggins đã dẫn quân tấn công hơi vội vàng so với kế hoạch, khiến tiến trình tập trung lực lượng của quân nổi dậy bị ảnh hưởng, quân Tây Ban Nha có được một chút ưu thế về quân số, và hình trận trở nên khá hỗn loạn vào đầu ngày. Song, cuối cùng, khí thế của “Đội quân Andes” đã “lập lại được trật tự”.

* Khác với Bolivar, không có quốc gia nào ở Nam Mỹ được đặt tên theo tên của San Martin, như Bolivia. Tuy nhiên, điều đó có lẽ xuất phát từ sự lựa chọn của chính ông, và những gì ông đã thể hiện trong suốt sự nghiệp cùng cuộc đời hiển hách của mình.

Sau khi bình định Peru, San Martin trở về sống ở Buenos Aires một thời gian ngắn, rồi từ giã Argentina sang châu Âu. Dù không còn liên hệ trực tiếp với bất cứ chính trường nào ở Nam Mỹ, San Martin vẫn theo dõi sát tình hình, và nỗ lực dùng ảnh hưởng của mình phục vụ lợi ích của Argentina. Ông qua đời tại Boulogne (Pháp) năm 72 tuổi, sau 28 năm quy ẩn và ly hương.

Đông Thiên
.
.