“Over thinking” – căn bệnh trầm kha của nhiều người trẻ

Thứ Ba, 29/08/2023, 09:17

“Over thinking” hiện là căn bệnh mà rất nhiều người đang mắc phải, nhất là người trẻ. Đó là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng rất vô lý về những điều do mình tự tưởng tượng.  Điều này khiến họ không thể tập trung cho những việc ở thời khắc hiện tại, luôn cảm thấy lo lắng bất an. “Over thinking” trong thời gian dài rất có thể sẽ gây nên hội chứng trầm cảm hoặc tự kỷ.

Luôn bị ám ảnh về những điều... chưa xảy ra

Nhiều tháng nay, Nguyễn Phương Hoa, 19 tuổi (Đại học Kinh tế Quốc dân) gần như chưa một ngày được thanh thản. Những suy nghĩ tiêu cực lúc nào cũng xuất hiện trong đầu của nữ sinh này.

“Em cũng không biết bắt nguồn từ đâu, cũng không có một biến cố nào nhưng nhiều tháng qua em luôn nhìn nhận mọi việc dưới góc nhìn rất tiêu cực. Em luôn lo lắng quá mức cho những điều chưa từng xảy ra như: ra đường thì sợ tai nạn, đi cầu thang máy thì sợ thang máy rơi, lo người này, người kia không hài lòng về mình… Những suy nghĩ tiêu cực ấy cứ lởn vởn trong đầu em không thể nào thoát ra được”, Hoa lo lắng nói.

ảnh2.jpeg -0
Over thinking là một dạng rối loạn lo âu, lo lắng và suy diễn quá mức một sự việc đơn giản hoặc chưa hề xảy ra.

Tương tự như Hoa, anh Lê Mạnh Tùng (25 tuổi), là tài xế của một hãng taxi công nghệ cũng luôn có một nỗi lo thường trực “biết đâu ngày hôm nay mình sẽ gặp tai nạn trên đường”. Lý do là vài tháng trước, một người họ hàng của anh Tùng trong lúc đang lưu thông trên đường thì bị một chiếc ôtô con đi chiều đối diện đâm thẳng vào. Kể từ hôm đó, anh Tùng luôn ám ảnh và tự hỏi bản thân “liệu hôm nay có phải là ngày cuối của mình không?”. Từ suy nghĩ đó, anh Tùng bắt đầu “triển khai” ra một loạt những hệ lụy u ám kéo theo như: Nhà mình nghèo, nếu mình bị tai nạn thì ai sẽ là người “kéo cày” để trả nợ tiền vay ngân hàng mua xe? Nếu mình bị làm sao thì ai sẽ là người nuôi bố mẹ già và người em trai thần kinh không bình thường?… “Đôi khi mình bị cuốn vào suy nghĩ đó khiến việc lái xe không được tập trung, nhiều khi giật mình vì suýt đâm vào các phương tiện bên cạnh. Hơn ai hết mình hiểu rằng, nếu có bị tai nạn thật thì cũng là do bản thân mình “tự kỷ ám thị”, mất tập trung gây nên mà thôi”. Lo lắng về những bất an biết đâu bất ngờ ập đến với những người thân của mình đã khiến chị Mai Thu Hải, 27 tuổi (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) gầy rộc. Tất cả những rủi ro “nhỡ may” ập đến đều do chị Hải tự tưởng tượng ra mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ, mỗi phút. Nào là lo con trai 3 tuổi hôm nay đi lớp có bị cô đánh, bạn đánh hay tự ngã khiến bị chấn thương, thậm chí là hơn thế nữa hay không. Nào là lo chồng liệu có gặp bất trắc gì trên đường không, hay mỗi buổi tối gọi điện video call về cho bố mẹ ở quê chị lại tự hỏi lòng: “Bố mẹ già rồi, liệu mình sẽ còn gọi được bao nhiêu cuộc điện thoại như thế này cho bố mẹ nữa”. Với bản thân thì chị Hải luôn lo lắng, liệu có khi nào mình sẽ mắc bệnh hiểm nghèo không, nếu bị thì con mình ai nuôi, vân vân và mây mây…

“Nói thật, tất cả những điều lo lắng ấy làm cho mình nhiều lúc muốn phát điên. Đôi khi chỉ ngồi nghĩ thôi mà nước mắt mình trào ra như thế sự việc nó đang diễn ra thật vậy. Mình tự biết là mình đã để trí tưởng tượng tiêu cực của mình đi quá xa nhưng không làm thế nào để ngắt nó ra khỏi đầu. Bản thân mình thấy quá mệt mỏi với chừng đó suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại trong đầu”, chị Hải buồn bã chia sẻ.

Điều đáng nói, hầu hết những người mắc chứng “Over thinking” đều tự nhận thấy là mình đang có vấn đề. Chỉ có điều họ không biết làm cách nào để thoát ra được mới bùng nhùng, hỗn độn ấy.

Phạm Ngọc Cường (sinh viên năm 3 một trường đại học ở Hà Nội) gần như không thể hòa nhập được vào không khí gia đình hay những cuộc vui của bạn bè chỉ vì Cường luôn nghĩ về tương lai và luôn tự vấn bản thân là chưa có thành tựu gì. “Mặc dù việc chính của em lúc này là phải học thật tốt nhưng thay vì cố gắng bằng hành động thì em lại ngồi nghĩ về tương lai và tự cảm thấy vô cùng áp lực. Em luôn lo là liệu sau ra trường mình có xin được việc làm hay không. Công việc đó có phù hợp hay có kiếm được nhiều tiền hay không. Những suy nghĩ như vậy đã khiến em không thể nào sống toàn tâm với thực tại”, Hải chia sẻ.

ảnh 3.jpeg -0
Những người mắc chứng “over thinking” thường chìm đắm trong mớ suy nghĩ hỗn độn, không có thật.

Do tiếp nhận quá nhiều những thông tin u ám?

Không chỉ suy nghĩ tiêu cực về những chuyện chưa hề xảy đến và có thể không bao giờ xảy đến, một số người mắc chứng “Overthinking” khác lại thường để tâm quá nhiều tới những tiểu tiết. Họ thường dùng trí tưởng tượng của mình để khuếch đại một vấn đề rất nhỏ.

Nguyễn Thị Bích Lan, 20 tuổi (sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội) tâm sự: “Em thường để tâm quá nhiều vào những lời nói và hành động của những người xung quanh. Có thể, trong một cuộc bạn bè nói chuyện tầm phào, bạn em vô tình nói hay có một cử chỉ gì đó khác thường là em lại mất cả đêm, thậm chí là nhiều ngày sau đó để phân tích xem “vì sao lại thế”. Em luôn sợ mình làm phật lòng một ai đó nên thường phải rất thận trọng trong cách nói chuyện. Em có một nỗi ám ảnh là chỉ cần mình đứng dậy ra về trước trong lúc bạn bè vẫn đang “tám” chuyện thì nhân vật bị mang ra “nhậu” ngay sau đó sẽ chính là mình”. Với suy nghĩ đó nên Lan dần thu hẹp quan hệ, ngại tiếp xúc với bạn bè và dần dần như một người tự kỷ. Biểu hiện của một người mắc chứng “Over thinking” thường không thể tập trung suy nghĩ đến những việc khác (ngoài vấn đề đang gặp phải). Không thể thư giãn cũng như dành thời gian cho bộ não nghỉ ngơi, liên tục cảm thấy bất an hoặc vô cùng lo lắng. Khi não bộ bị xâm chiếm hoàn toàn bởi các suy nghĩ tiêu cực, tinh thần của người mắc chứng “Over thinking” sẽ cảm thấy rất mệt mỏi.

Người có xu hướng nghĩ quá nhiều và tiêu cực hóa vấn đề đang gặp phải sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc tự kỷ với tỉ lệ rất cao. Nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng tự kỷ hoặc trầm cảm là sự ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến hệ thần kinh, não bộ khi chúng ta liên tục overthinking theo hướng tiêu cực.

Suy nghĩ liên tục và với tần suất thường xuyên khiến não bộ và hệ thần kinh luôn ở trạng thái thu nhận thông tin và buộc nó hoạt động liên tục để giải quyết các thông tin đó. Khi đến một giới hạn nhất định, người mắc chứng “Over thinking” sẽ cảm thấy quá tải, đau đầu, lo lắng kèm theo mệt mỏi. Các tình trạng sau sẽ xuất hiện khi ở giai đoạn nặng của “Over thinking” như: nhức mỏi cơ thể, đau nửa đầu, chán ăn, mất ngủ, từ đó không thể tập trung làm việc, học tập một cách hiệu quả nhất dẫn đến hiệu suất thấp.

Việc các suy nghĩ tiêu cực kéo dài và liên tục lặp lại còn khiến khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo bị đình trệ, không thể hoạt động và hiệu quả kém. Đây chính là mối nguy hại lớn ảnh hưởng đến cả công việc lẫn cuộc sống.

Sở dĩ ngày càng có nhiều người trẻ mắc chứng “Over thinking”, nguyên nhân không nhỏ đó chính là mỗi ngày họ phải tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực qua báo chí, qua mạng xã hội. Những thông tin đại loại như: mới xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng tại địa phận A; vừa xảy ra vụ bắt cóc trẻ em ở địa phận B hay những con số đáng báo động về căn bệnh ung thư… Chính những thông tin u ám ấy lặp đi lặp lại khiến nhiều người nghĩ rằng hiểm họa luôn rình rập xung quanh chúng ta mọi lúc, mọi nơi. Và họ luôn ám ảnh rằng, biết đâu trong một ngày không xa mình cũng nằm trong số những con người bất hạnh đó.

Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, Trưởng khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW1, nguyên nhân dẫn đến “Over thinking” có thể do gặp biến cố như có người thân, bạn bè bị trọng bệnh, bị tai nạn dẫn đến không qua khỏi. Cũng có thể do tiếp nhận quá nhiều những thông tin u ám từ báo chí, từ mạng xã hội sau đó họ sẽ liên hệ tới bản thân và lo lắng mình sẽ là “nạn nhân” tiếp theo. Trên thực tế có nhiều người còn bị mắc triệu chứng “ám ảnh nghi bệnh”. Người mắc chứng bệnh này thường quan tâm quá mức đến sức khỏe của mình. Người đó có thể rất dễ dàng bị hoảng sợ bởi bất cứ điều gì có thể được hiểu là dấu hiệu của bệnh tật, cho dù đó là những triệu chứng hết sức bình thường. Bởi đối với họ những triệu chứng này có thể báo hiệu cho một căn bệnh ác tính nào đó. Sự lo lắng quá mức có thể khiến người ta cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Khi suy nghĩ nhiều về những thứ đó sẽ dẫn đến giảm khả năng lao động, học tập và suy giảm cả trí nhớ.

Cách tốt nhất để bớt lo âu quá mức là chúng ta nên tiếp nhận nhiều hơn những thông tin lành mạnh, tích cực, nếu cần có thể ngừng sử dụng mạng xã hội một thời gian. Khi thấy tình trạng bệnh ngày càng nặng thì nên đi khám bác sĩ để chữa trị kịp thời, tránh những hệ lụy không đáng có.

Đinh Hiền
.
.