Hội chứng "mì ăn liền"

Chủ Nhật, 17/10/2021, 12:56

LTS: Hời hợt, vội vàng, vì lợi ích trước mắt mà quên đi cái lâu dài, đó là tất cả những gì mà đa số chúng ta đang thể hiện trong cách sống giữa một thế giới đang ngập trong hội chứng "mì ăn liền"…

Cai mì ăn liền

Trước giai đoạn giãn cách, tôi và một người bạn hay tới quán cà phê của một nhạc sĩ nổi tiếng để nghe nhạc và tham gia các buổi trò chuyện về nghệ thuật, cũng như các vấn đề "khó hiểu" khác, như là chuyện con người có mặt trên đời để làm gì?, hay đạo đức và luân lý khác nhau như thế nào?

Hội chứng
Tất nhiên là phim bom tấn không có tội tình gì ở đây. Ảnh: S.t

Chúng tôi biết đến quán cà phê này sau một buổi đi xem phim cuối tuần thường lệ đầy thất vọng: bộ phim kinh dị tệ đến nỗi cả hai phải bỏ ra ngoài sớm gần một tiếng, trước khi lên Facebook và Google tìm xem còn hoạt động nào có thể giải khuây cuối tuần hay không. Phần sự kiện của Facebook gợi ý đến một hoạt động hàng tuần của quán cà phê đó. Hóa ra nó đã tồn tại lặng lẽ hơn một thập niên, với quy mô rất khiêm tốn, nhưng luôn chật kín chỗ vào cuối tuần.

Và thế là song song với "chương trình" đi xem phim bom tấn hàng tuần, tôi có thêm một địa điểm khác để lui tới. Cũng như nhiều người khác, vẫn đang ra rạp đều đặn và "đóng họ" cho các ứng dụng xem phim, nghe nhạc đầy rẫy trên mạng, tôi không thoát ly hẳn khỏi đời sống giải trí sôi động vốn có của một thị dân. Chỉ đơn giản là có thêm một góc nhỏ khác để gạn lọc: tại quán cà phê đó, chúng tôi có thể nói những điều không thể giãi bày trong các cuộc chuyện phiếm đầy rẫy ngoài kia, và được xem hay nghe những thứ mà màn ảnh rộng với âm thanh vòm hoàn hảo của rạp phim xịn nhất cũng không mua về phát.

Tất nhiên là phim bom tấn không có tội tình gì ở đây. Nó là một ngành công nghiệp đang cung cấp "thức ăn" đều đặn cho một thị trường giải khuây khổng lồ, nuôi sống hàng triệu con người. Nhưng đặc tính của một ngành công nghiệp cũng đã áp đảo hoàn toàn tính nghệ thuật của nó, kèm theo đó là bào mòn khả năng cảm nhận chiều sâu của người xem. Để đảm bảo tốc độ tiêu thụ, chúng ta phải "cày" phim. Đơn giản là không thể "xem" kịp, với đúng nghĩa đầy đủ của từ này, trước một núi thành phẩm của điện ảnh hiện đại. Nghệ thuật giờ cũng giống như ra Iphone: nó phải được đẻ đúng hạn, có doanh thu nhanh chóng, tóm lại là sản phẩm xoay vòng vốn tốt.

Khi các sản phẩm văn hóa cũng hoàn toàn bị áp đảo bởi tinh thần hàng hóa như thế, chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn mì-ăn-liền kỳ lạ: bạn thường xuyên bắt gặp những dây chuyền tự động để đảm bảo tốc độ tối ưu, và đôi khi chỉ được dùng một lần trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Những miếng đất được vẽ vời để bán cho mau chóng. Những dự án "ma" để huy động vốn, dù bên trong rỗng ruột. Hay một ứng dụng được viết vội trong đại dịch, duyệt vội, dùng cũng vội luôn, và tất nhiên là chẳng được việc gì cả.

Không dễ để "cai" được cảm giác này, vì nó gắn liền với mục tiêu tăng trưởng vĩnh viễn về số lượng, khi nhiều hơn đồng nghĩa với tốt hơn. Tư duy của con người hiện đại, gắn liền với sự tối ưu số lượng này, đã sống trong một thế giới mà mọi thứ đều phải nhanh hơn: các ứng dụng quản lý thời gian bùng nổ; các trợ lý ảo giao tiếp với chúng ta nhiều hơn người thật; vòng đeo tay theo dõi từ nhịp tim, giấc ngủ và thậm chí là tâm trạng của khổ chủ; thức ăn nhanh lẫn mì ăn liền nghĩa đen lên ngôi. Khi bước vào quán cà phê nhỏ đã đề cập ở đầu bài viết sau một lần cảm thấy vô cùng thất vọng với phim bom tấn, tôi đã được tham gia vào một cuộc thảo luận về ý nghĩa của đời sống, và ngạc nhiên rằng đã lâu rồi mới có thời gian để nghĩ lại về một chuyện kiểu vậy, chứ đừng nói là có không gian để nói về nó một cách nghiêm túc.

Có một câu hỏi diễn giả đặt ra vào hôm ấy làm tôi phải suy ngẫm: Liệu một người trở nên tốt hơn khi nào? Có hai trường hợp: 1) Anh ta có một chiếc Lamborghini sau một đêm ngủ dậy; 2) Anh ta biết thêm một ngoại ngữ mới, sau nửa năm học hành vất vả.

Tôi đem câu chuyện này đi bàn ở những không gian chuyện phiếm khác (một cuộc nhậu chẳng hạn), và thấy mọi người đồng tình gần như tuyệt đối với 1: đời là mấy tí, có chiếc Lamborghini ngay có phải sướng hơn không. Nhưng vào buổi tối cà phê hôm ấy, rất nhiều người tham gia thảo luận đã đồng tình với 2: đơn giản vì khi đã khổ luyện để biết thêm một ngoại ngữ, ta biết chắc chắn rằng mình đang tốt lên, không phải nghi ngờ gì nữa. Ngược lại, nhiều khả năng người có chiếc Lamborghini chỉ sau một đêm sẽ không khác gì nhiều so với chính họ ngày hôm qua, thậm chí còn tệ đi.

Tôi không cho rằng những người đi dự buổi cà phê hôm ấy có suy nghĩ sâu sắc hơn những ai vừa rời rạp chiếu phim bom tấn. Đơn giản là có những không gian sẽ giúp chúng ta không còn bị ám ảnh bởi mùi mì ăn liền, vốn có khả năng "gây nghiện". Bạn vẫn có thể sống như là một thành viên tích cực của xã hội mì-ăn-liền, vốn đề cao tốc độ và sự tiêu thụ ngấu nghiến, trong phần lớn thời gian, nhưng mặt khác, chúng ta cần thêm những nơi "trú ẩn" để nghĩ và nói về những câu chuyện sâu sắc hơn.

Không dễ để "cai" mì ăn liền, trong một bối cảnh như hiện tại, với đa số có lẽ vẫn sẽ coi việc có chiếc Lamborghini sau một đêm như là một lựa chọn hiển nhiên. Nhưng chúng ta vẫn cần những nơi có thể ngồi xuống, giảm tốc độ lại, và ngẫm hơn về những lựa chọn khác. Mì ăn liền không có lỗi gì, và nó vẫn làm chúng ta no, nhưng cơ bản là không nên ăn quá nhiều. Một món ăn được chế biến tinh xảo, dụng công và trình bày đẹp, có thể cứu rỗi chúng ta, sau những bữa mì gói triền miên.

Phạm An

Luống đem bán, luống nhà ăn

Giống như "nước giải khát" có thể là nước ngọt có gas chẳng bổ béo gì hoặc nước đỗ đen tốt cho sức khỏe, văn hóa phẩm cũng có thể chỉ mua vui nhất thời hoặc có giá trị lâu dài cho tinh thần.

Hội chứng
MV âm nhạc năng động, trẻ trung là xu hướng không ít nhóm nhạc nữ Hàn Quốc theo đuổi. Ảnh: S.t

Bạn thấy gì ở văn hóa Hàn Quốc? Những bản nhạc bắt tai với các cô cậu ca sĩ đẹp theo một chuẩn đồng nhất? Những bộ phim truyền hình dài tập viết theo công thức? Một nền phẫu thuật thẩm mỹ và mỹ phẩm đề xuất "đồng phục" cho vẻ đẹp Đông Á? Một nền công nghiệp games hàng đầu thế giới, nơi các thiếu niên chơi game máy tính được tôn vinh như các thần tượng?

Nhưng nếu bạn nhìn thấy một thư viện tại Seoul, bạn sẽ phải nghĩ lại. Tại Starfield Library, thư viện lớn nhất Seoul, bạn sẽ đứng giữa những tháp sách cao hàng chục mét, mà để di chuyển từ chân lên đỉnh phải sử dụng thang cuốn. Thư viện Starfield có diện tích lớn hơn nhiều trung tâm thương mại tại Việt Nam, và tạo cảm giác choáng ngợp cho những vị khách đặt chân đến đây lần đầu.

Công ty quản lý Starfield Library có khoảng hơn 10 nhà sách trên khắp đất nước Hàn Quốc. Và doanh thu của họ hàng năm tương đương 1.500 tỷ đồng - chỉ với 10 nhà sách. Trên quy mô quốc gia, mỗi năm, dân nước này tiêu hơn 4 tỷ USD tiền mua sách, gấp đôi tổng số tiền dân Việt Nam… uống nước giải khát đóng chai - dù dân số chỉ bằng một nửa.

Con số đáng hâm mộ nhất: hơn 1 tỷ USD tiền sách của họ là tiêu cho sách ngoại văn. Hàng trăm triệu USD sách tiếng Anh, tiếng Nhật, và có đến 80 triệu USD riêng cho… sách tiếng Đức.

Và bạn sẽ rất dễ dàng gặp một ahjjumma (bà cô) đứng tuổi trên đường phố Seoul, có thể nói với bạn mệnh đề này: "Đất nước chúng tôi không có tài nguyên, nên cách duy nhất để thoát nghèo là đầu tư cho học hành". Khi một quốc gia có thể đứng đầu thế giới về công nghệ chip chỉ sau ba thập niên, bạn hiểu rằng họ không nói xạo khi đề cao "tri thức".

Và bạn có quyền tự hỏi: tại sao một quốc gia thành đạt nhờ tri thức, nhưng lại bán cho cả thế giới các sản phẩm văn hóa được thiết kế theo công thức, theo đồng phục?

Hay một cách hình ảnh hơn, nếu một nhạc sĩ trưởng thành giữa một núi sách vở như vậy, chẳng phải là anh ta nên viết ra những lời nhạc có tính triết học hơn hay sao? Tại sao K-Pop nhiều bài hit chỉ có mấy câu "catchy" (bắt tai) lặp đi lặp lại vậy?

Một nhà biên kịch trưởng thành giữa Seoul - thành phố của những viện bảo tàng và thư viện khổng lồ - chẳng phải có nghĩa vụ viết ra những thứ nhiều tầng ý nghĩa hơn 40 tập phim về tình tay ba và nữ chính mỗi tập khóc 2 lần vì bị phản bội hay sao?

Có rất nhiều cách trả lời. Nhưng có một thứ quan trọng thúc đẩy mọi thứ: tiền bạc. "Văn hóa pop không phải là sự thể hiện tự phát của người dân, mà là một ngành hướng tới lợi nhuận… Nó uốn nắn chúng ta để phù hợp với nhu cầu của nó về lợi nhuận", triết gia Theodor Adorno tuyên bố.

"Ngành công nghiệp giải trí" có những công thức để nuông chiều cảm xúc của công chúng. Nhưng nó không có trách nhiệm làm chúng ta thông minh hơn, giỏi giang hơn và cải thiện chất lượng sống của con người. Giống như nước ngọt có gas: nó cần làm chúng ta thoải mái ngay khi uống, nhưng không có nghĩa vụ gì với việc cải thiện sức khỏe của ta về lâu dài.

Dân Hàn Quốc có thể là những người đọc rất nhiều sách. Nhưng để tạo ra lợi nhuận, các trí thức nước họ lại có trách nhiệm thiết kế ra những sản phẩm giải trí dễ hấp thụ nhất, có khả năng lây lan toàn cầu. Mục tiêu của họ là đôla, chứ không phải giải Nobel Văn chương.

Nếu bạn bước vào những thư viện khổng lồ ở Hàn Quốc và nhìn vào quầy sách ngoại văn của họ, bạn có thể sẽ bất giác liên tưởng đến một câu chuyện kinh điển ở nước ta: Người nông dân có một luống rau trồng để ăn và rau trồng để bán. Luống rau trồng để ăn là "rau sạch", được chăm bón hữu cơ. Rau để bán thì trồng theo bất kỳ cách nào miễn là tăng trưởng nhanh nhất.

Một liên tưởng vui. Nhưng khả năng phân biệt cái gì là "văn hóa phẩm" có giá trị với tinh thần, cải thiện tri thức và chất lượng sống; với "văn hóa phẩm" được làm ra chỉ để giải trí thuần túy, là điều rất khó khăn.

Có lần tôi - người viết bài - viết về văn hóa đọc sách trên báo. Bài viết nhận được nhiều bình luận tích cực. Nhưng cũng có một số bình luận khá gay gắt: Tại sao phải đọc sách? Với thiết bị thông minh, bạn có thể dễ dàng đọc bất kỳ cái gì. Hoặc ai đó sẽ nói hàng ngày tôi vẫn đọc báo, đọc mạng xã hội, xem YouTube, đó cũng là nâng cao hiểu biết. Sách cũng có loại này loại khác, trên mạng cũng có nhiều thứ giá trị.

Không ai phủ nhận rằng ngay cả trên mạng xã hội, trên truyền hình hay là thậm chí ở trong âm nhạc Hàn Quốc bạn cũng có thể bắt gặp những sản phẩm đầy tính trí tuệ, có thể khiến bạn trở thành người hiểu biết hơn. Nhưng bạn - một người tiêu dùng thông minh - cần có một thái độ khắt khe hơn trong việc phân biệt các "văn hóa phẩm".

Có những ngành - như ngành truyền hình và âm nhạc đại chúng - mang sứ mệnh từ đầu là phục vụ cảm xúc nhất thời của khán giả. Các biên kịch và nhạc sĩ được trả tiền để khán giả thấy vui hoặc buồn ngay sau 3 phút. Cho dù có lúc sách không làm được nhiệm vụ (vì biên tập viên kém); cho dù có lúc ca khúc pop 3 phút cũng mang tính triết học (vì nhạc sĩ quá tài ba), thì chúng cũng có nhiệm vụ rất rõ ràng, và nhiệm vụ này được thúc đẩy bởi một thứ đầy quyền lực: lợi nhuận.

Lần sau, khi chọn lựa dành thời gian của mình cho việc tiêu thụ văn hóa phẩm, tôi rất mong ai đó hãy nhớ đến tổng doanh thu ngành sách của Hàn Quốc. Các nước giàu thực sự cư xử kiểu "luống đem bán và luống nhà ăn", còn chúng ta - những người đi sau - cần rất cẩn thận trong việc tiêu thụ bất kỳ thứ gì.

Việc tiêu thụ bất kỳ cái gì "cứ vui là được" có thể khiến bạn đánh mất cơ hội tìm thấy những nét đẹp khác, chiều sâu khác trong văn hóa. Sau khi đọc cả núi sách, các tác gia Hàn Quốc và Hollywood trở thành bậc thầy trong việc khiến chúng ta vui.

Đức Hoàng

Chúng ta đang nông cạn hóa chính mình

Những ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 luôn là những ngày đường phố bỗng dưng tấp nập. Người ta đổ nhau ra đường đi chơi, đi ăn phở, đi cafe, đi tập thể dục… cứ như thể là khi cái lệnh nới lỏng giãn cách được ban ra cũng là khi con virus SARS-CoV-2 đã hoàn toàn biến mất. Lý giải cho hội chứng này có thể rất dễ.

Sau 14 ngày (hoặc lâu hơn) giam mình trong nhà, cơn thèm thuộc về một cộng đồng đã khiến các cá nhân bị thôi thúc. Nhưng có một nguyên nhân kiến giải ít ai nhắc tới. Đó là chúng ta ưa sống gấp, bất chấp hậu quả. Nó có thể được xem là một dạng biểu hiện của hội chứng "mì ăn liền".

Hội chứng
Chúng ta đang nông cạn hoá chính mình? Ảnh: S.t

Có một tranh cãi rất lớn trên mạng xã hội ở đợt dịch đỉnh điểm vừa qua mà quan điểm đúng-sai ở đây là rất khó biện biệt. Ấy là chuyện xoay quanh ý thức tích lũy của một bộ phận dân chúng ở suốt khoảng thời gian mọi việc tiến triển bình thường. Sự thiếu tích lũy ấy đã dẫn tới việc khi một biến cố (như dịch bệnh) xảy ra, họ không còn khả năng đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của đời sống chỉ trong vòng vài ngày.

Sẽ không bất ngờ nếu trong số những người được xem là phá sản vì dịch bệnh kia đã từng có những cá nhân sẵn sàng ném cả triệu bạc cho những cuộc vui vô bổ lúc đời sống còn thuận lợi mà không có bất kỳ một căn cơ, tiết kiệm nào. Và người ta quy lối sống này cho văn hóa vùng miền, một kết luận chưa hẳn là sai lệch. Nhưng vượt trên hết, chúng ta cần phải nhìn vào gốc rễ của những biến thiên xã hội để lối sống tiêu thụ được hình thành theo đúng kiểu "mì ăn liền".

Thật ra, hội chứng mì ăn liền này không chỉ nằm trong các câu chuyện chuẩn bị cho đời sống cá nhân, gia đình thông thường mà nó nằm ở rất nhiều lĩnh vực khác, rộng hơn, lớn hơn. Hãy nhìn vào ứng dụng PC-Covid đang ồn ào trên mạng xã hội chúng ta sẽ hiểu. PC-Covid nghĩa là "Phòng chống Covid".

Vâng, bản thân cái tên của ứng dụng ấy đã cho thấy tính ngắn hạn của nó. Có ai đặt ra câu hỏi rằng đến một ngày nào đó, khi dịch COVID-19 đã được khống chế hoàn toàn, và không còn là mối nguy nữa, số phận của cái ứng dụng có tên PC-Covid sẽ đi về đâu? Tại sao nó không được đặt tên là "CDC Vietnam", một cái tên thể hiện rõ tính công nghệ hóa của hoạt động dịch tễ toàn quốc? Sẽ có người nói đại ý: "À, đến lúc nảy sinh một dịch bệnh khác thì chỉ cần đổi tên ứng dụng, một việc nhanh như trở bàn tay".

Đúng, đổi tên thì nhanh nhưng đổi một cái tên đã ăn vào tiềm thức và thói quen sử dụng không nhanh đến thế. Nó là câu chuyện của một "thương hiệu". Không có một ai đặt tên thương hiệu với suy nghĩ "vài ba năm nữa ta đổi mới nó cho… vui" cả. Tất cả những gì được đặt ra ở trên đây chỉ cho thấy một điều duy nhất: tư duy ngắn hạn, tư duy thời vụ và tư duy đối đế đã thắng thế trước những đánh giá mang tính chiều sâu và có tầm nhìn lâu dài.

Có một thời học sinh tốt nghiệp cấp 3 đổ xô đi học quản trị kinh doanh vì… dễ xin việc. Nó trở thành điển hình ví dụ về tính hời hợt, tính chụp giật và thiếu một thước đo chiều sâu đúng nghĩa. Từ đó, nảy sinh ra một đội ngũ cử nhân quản trị kinh doanh tốt nghiệp ra không kiếm được việc vì bản thân họ chưa bao giờ phù hợp với các công việc liên quan đến ngành học của mình.

Khi mạng xã hội bùng nổ, sự nổi danh trên mạng càng khiến con người ta hời hợt hơn, mì ăn liền hơn. Cứ sự kiện nào tạo ra được xu hướng quan tâm là lập tức nó kéo theo rất nhiều kẻ xu thời. Họ sẵn sàng nói, viết về tất cả những sự kiện thời thượng ấy bất chấp mình không có kiến thức đủ sâu. Họ dẫn dắt cộng đồng bằng những lòe loẹt chữ nghĩa và chút thông tin như lớp váng bên trên cùng của mặt nước.

Và nhanh chóng, họ được cộng đồng phong cho hai chữ "chuyên gia" một cách đầy hàm hồ. Điển hình như gần đây, chuyện căng thẳng ở dải Gaza và sau đó là sự kiện Taliban ở Afghanistan vậy. Đa phần các bài viết chỉ là những suy luận hời hợt, được rút ra từ những thông tin hời hợt. Và điều nguy hiểm là khi người viết là những "KOLs ngàn likes", họ đã tạo ra một niềm tin vào những thứ hời hợt ấy từ những ngón tay cái hâm mộ mình.

Nắm bắt thời cuộc, vận dụng lợi thế từ xu hướng thời cuộc là việc cần phải làm, nhất là trong hoạt động kinh doanh. Nhưng hiểu được thứ mình sẽ nắm bắt lại là một đòi hỏi rất lớn, để tránh sa vào chỗ trở nên nực cười. Đơn cử như một trào lưu hai năm vừa rồi là nhạc Rap chẳng hạn. Sau Đen Vâu và làn sóng từ chương trình truyền hình có tên "Rap Việt", đâu đâu cũng thấy Rap. Quảng cáo: Rap. Bình luận thể thao: Rap. Cứ mở cửa ra là gặp Rap. Nhưng khốn nỗi, phải đến 90% những thứ được gọi là Rap ấy không hề Rap một chút nào. Khi người ta không hiểu Rap là gì, người ta rất dễ coi một bài đồng dao, một bài vè cũng là Rap.

Người Việt hiện đại có sâu sắc hay không? Chưa một ai đặt ra câu hỏi này một cách nghiêm túc cả. Chúng ta đang ở đâu nếu so sánh với mặt bằng văn hóa, tri thức phổ cập chung của thế giới? Những thứ văn hóa phẩm được coi là "bán chạy" ở Việt Nam khác với những thứ văn hóa phẩm "bán chạy" ở các quốc gia khác ở điểm nào? Nếu trả lời được câu hỏi này, chúng ta có thể xác định được chiều sâu của xã hội Việt Nam hiện thời.

Trong những thường thức phổ thông nhất của nhân loại, có rất nhiều kiến thức mà người Việt không biết bất chấp nó là thứ mà những người bình thường nhất ở xã hội nước ngoài phải biết. Cái đó đến từ nhiều nguyên nhân tổng hợp lại chứ khó có thể quy lỗi cho một mình giáo dục.

Giữa một xã hội chạy theo cái trước mắt, giáo dục nhiều khi cũng được thiết kế cho phù hợp những nhu cầu trước mắt ấy. Từ đó, nó tạo ra thói quen cho thế hệ giấy trắng. Người lớn viết lên giấy trắng các thói quen của họ. Giấy trắng kín mực dần và tạo thành thói quen của mình. Để rồi chúng bước vào đời với  sự hăm hở cho những thứ hời hợt bên ngoài và bỏ bẵng luôn việc chăm sóc cho trí não của mình.

Nhắc tới Việt Nam, chắc chắn chúng ta luôn nhắc tới những khó khăn mà dân tộc mình phải trải qua suốt cả một thế kỷ chiến tranh bi thương. Nhưng chưa bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi rằng "tại sao những dân tộc khác, sau khi trải qua những bi thương và thảm khốc, họ có thể vực dậy mạnh mẽ đến thế còn ta thì không?". Nguyên nhân nằm ở nền tảng của dân trí. Những dân tộc ấy có một mặt bằng dân trí hơn hẳn chúng ta nên sức gượng dậy của họ mạnh mẽ hơn. Họ biết cách đặt trọng tâm vào làm những việc mà có thể thế hệ của họ chưa được hưởng lợi ích nhưng vài thế hệ kéo theo chắc chắn sẽ không phải đi giải quyết hậu quả để lại do những quyết định sai lầm, hời hợt và có tầm nhìn chỉ vài ba năm.

"Ngay và luôn" là cách nói thời thượng trong xã hội Việt Nam hôm nay. Nó thể hiện đúng tính cách của người Việt hiện đại. Cái gì có lợi ích ngay, cái gì có lợi ích luôn là làm, bất chấp hậu quả là gì. Thậm chí, có cả những cái "ngay và luôn" được thực hành theo cách ăn cắp lại ý tưởng, phương pháp của nước ngoài mà không cần nắm cốt lõi của họ là gì. Sự nông cạn vì thế càng được khuếch trương hơn. Thậm chí, dần dần có những bài xích cho những gì hơi sâu sắc một chút bởi vì nó không hợp với khẩu vị của cả một số đông chỉ thích "ngay và luôn".

Hãy nhìn vào chính những thứ tưởng như dễ dãi nhất chúng ta sẽ hiểu. Tại sao một bài văn nghị luận của một đứa trẻ nước ngoài, mà gần chúng ta nhất là Trung Quốc, lại có cách lập luận, cách lấy ví dụ, cách sử dụng các điển cố một cách sâu sắc đến vậy còn ở Việt Nam thì quá hiếm? Cơ bản, những thứ sâu sắc đến thế thì không ai cần. Không ai cần thì không ai làm. Không ai làm thì dẫn tới cả một trào lưu "chúng ta không làm". Và cứ thế, tự chúng ta nông cạn hóa mình trong ngập ngụa hội chứng mì ăn liền.

Mì ăn liền là một sản phẩm được tạo ra để phục vụ đời sống tiêu thụ công nghiệp tốc độ. Nhưng hãy nhớ, thời gian để xé gói mì, đun nước sôi, úp tô mì không nhanh hơn thời gian xử lý thêm chút hành, cà chua, rau gia vị. Cũng là mì ăn liền thôi, nhưng giữa hai tô mì được xử lý khác nhau như thế, tô mì nào sẽ hấp dẫn hơn? Chỉ một ví dụ rất nhỏ này cũng đủ để chúng ta thấy mình nên chậm lại, nghĩ dài hơn một chút, bồi dưỡng bản thân mình hơn một chút thay vì tự thả trôi vào vùng tiện lợi nhưng thực ra thì không mang lại một cái lợi bền chắc nào.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.