Nước Mỹ đã thoát khỏi Đại suy thoái như thế nào?

Chủ Nhật, 15/01/2023, 10:31

Như phân tích của hãng tin tài chính uy tín Bloomberg, 2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2023 có thể còn tệ hơn. Lịch sử cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Và cũng không có gì bất ngờ, một cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng toàn cầu đã và đang được nhắc đến trong rất nhiều dự báo.

Song, đó là những gì chờ đợi ở tương lai gần. Còn tại một quá khứ xa tới trăm năm, cơn sóng thần mang tên “Đại suy thoái” (hoặc “Đại khủng hoảng”/Great Depression) cũng đã từng quét qua toàn cầu, và để lại những bài học xương máu.

Nước Mỹ đã thoát khỏi Đại suy thoái như thế nào? _ANTG GT-CT TET2023_T23 -0
“Chỉ 100 USD là bạn mua được chiếc xe này. Tôi cần tiền mặt. Tôi đã mất hết trên thị trường chứng khoán”.

Đại suy thoái là gì?

Một cách ngắn gọn, Great Depression là một thời kỳ suy thoái kinh tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, bắt đầu từ năm 1929, và hệ lụy kéo dài đến tận gần hết thập niên 1930.

Trong những năm 1920, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một đợt mở rộng nhanh chóng và lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 năm 1929, một giai đoạn đầu cơ điên rồ. Tới thời điểm đó, sản xuất đã giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, khiến giá cổ phiếu vượt quá giá trị thực. Trong số những nguyên nhân khác dẫn đến sự sụp đổ của thị trường còn có mức lương thấp, nợ gia tăng, nền nông nghiệp yếu kém, và một lượng lớn nợ xấu của ngân hàng.

Theo cách lập luận chính thống, đây là một cuộc khủng hoảng thừa, với nguyên nhân cốt lõi là do sản xuất của chủ nghĩa tư bản tăng lên quá nhanh trong giai đoạn ổn định, nhưng nhu cầu và sức mua của người dân lại không tăng tương ứng, khiến hàng hóa ế thừa và dẫn tới suy thoái trong sản xuất. Cụ thể, khả năng sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ thực tế, nhưng một phần rất lớn thu nhập quốc dân lại chỉ thuộc về một số ít người. Lợi nhuận của công ty tăng, trong khi người lao động không được nhận phần xứng đáng, do đó không có khả năng mua được hàng hóa do chính họ sản xuất.

Bên cạnh đó, cũng có một số lý do khác dẫn đến Đại suy thoái, như chính sách và khối nợ công của các chính phủ, tình trạng lạm phát hay sự tăng tốc của quá trình cơ giới hóa (dẫn đến việc người lao động mất việc hàng loạt).

Tại nước Mỹ, Đại suy thoái được xem như chính thức bắt đầu vào ngày 29/10/1929 – “Ngày Thứ Ba đen tối”, khi thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ. Chỉ trong ngày hôm đó, các nhà đầu tư bán tháo đến 16.410.030 cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Hàng tỷ USD bốc hơi, khiến hàng nghìn nhà đầu tư kiệt quệ. Các báo cáo cập nhật giá cổ phiếu bị đình trệ nhiều giờ liền, do máy móc khi đó chưa thể xử lý nổi khối lượng giao dịch lớn đến như vậy.

Một vòng xoáy u ám mở ra, cuốn lấy nước Mỹ nói riêng cũng như tất cả các cường quốc công nghiệp nói chung. Sau ngày 29 tháng 10, giá cổ phiếu do đã chạm đáy nên bắt đầu có sự phục hồi đáng kể trong những tuần kế tiếp. Tuy nhiên, giá cả nói chung vẫn tiếp tục giảm do nước Mỹ đã chìm vào cơn Đại suy thoái, và đến năm 1932 thị trường cổ phiếu chỉ còn khoảng 20% giá trị so với mùa hè năm 1929. Cơn sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 tuy không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra Đại suy thoái, nhưng đã đẩy nhanh sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu (mà trong đó bản thân nó cũng là một triệu chứng), theo trang History.com.

Tại Đức – cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới thời điểm ấy, đến năm 1933, hệ thống sản xuất công nghiệp chỉ sử dụng hết 35,7% công suất mà số sản phẩm ít ỏi làm ra vẫn không tiêu thụ được. Do đó, nhiều xí nghiệp bị phá sản. Tiền lương thực tế của người lao động giảm 30%, có tới 9 triệu người thất nghiệp…

Nước Mỹ đã thoát khỏi Đại suy thoái như thế nào? _ANTG GT-CT TET2023_T23 -0
“Xin hãy cho cha cháu một việc làm”.

“Chính sách mới” và những ngã rẽ khác

Không có gì ngạc nhiên khi bối cảnh đó dẫn tới sự bùng nổ gay gắt những mâu thuẫn trong các kết cấu xã hội. Hàng nghìn cuộc biểu tình của những người thất nghiệp đã nổ ra, nhiều trường hợp đã dẫn tới xung đột với cảnh sát và quân đội. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian từ năm 1928 đến cuối năm 1933, số người tham gia bãi công ở các nước tư bản đã lên tới 17 triệu, còn số ngày bãi công là 267 triệu.

Tuy nhiên, ở Mỹ, theo các tác giả cuốn Văn minh phương Tây (Civilazation in the West), “Dân chúng vẫn tin vào các cơ cấu pháp định, trong khi chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện góp phần giảm bớt những cảnh ngộ cơ cực”. Chặng quá độ tương đối “êm đềm” này tạo điều kiện thuận lợi để năm 1932, ứng viên đảng Dân chủ Franklin D.Roosevelt đắc cử, trở thành tân tổng thống, với kỳ vọng mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế. Và ông đã thực hiện được điều đó với một số biện pháp quyết liệt, thường được gọi chung là “Tân chính sách” (New Deal).

New Deal, có thể xem là hành động quyết liệt nhằm thúc đẩy và cổ vũ những ngân hàng dũng cảm nhất còn hoạt động hoặc mới chỉ vừa rụt rè mở cửa trở lại, để duy trì sinh khí cho hệ thống tài chính Mỹ.

Bằng cách từ bỏ “bản vị vàng”, những người đề xuất New Deal hướng đến mục tiêu hạ giá hàng hóa Mỹ tại các thị trường quốc tế, khiến các thị trường ấy không còn quá phụ thuộc vào một kim loại quý duy nhất là vàng. Bằng cách đưa ra những chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn (đặc biệt là thủy điện, nhằm kiến tạo nguồn năng lượng chi phí thấp cho cả sinh hoạt lẫn sản xuất), New Deal tạo ra việc làm, giảm bớt nạn thất nghiệp. Bằng cách mở rộng tầm hoạt động của những cơ quan tài trợ tái thiết sau khủng hoảng (nói ngắn gọn là những quỹ cho vay), New Deal thúc đẩy gia tăng tín dụng trở lại trong xã hội Mỹ, qua đó điều tiết thị trường chứng khoán.

Bên cạnh những biện pháp ngắn hạn ấy, về lâu dài, nước Mỹ xây dựng và thông qua Luật bảo đảm xã hội năm 1935. Với bộ luật này, lần đầu tiên người lao động Mỹ được trợ cấp thất nghiệp, được nhận lương hưu và nhiều quyền lợi khác. Tài sản quốc gia cũng phần nào được phân phối hợp lý hơn, thông qua các chính sách thuế.

Chậm nhưng chắc, với New Deal, cuối cùng, nước Mỹ cũng dần vượt qua Đại suy thoái. Đây cũng có thể xem là một trong những lần đầu tiên, chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh lại các kết cấu của chính mình, thậm chí học hỏi những nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản, để xoa dịu các bất công trong xã hội.

Tuy nhiên, đó không phải là ngã rẽ hay lối thoát hiểm duy nhất. Tại châu Âu, kém biệt lập hơn và nhiều chia rẽ hơn, những hệ lụy từ việc thị trường chứng khoán New York sụp đổ không đến nỗi trầm trọng như ở Mỹ, nhưng cũng tạo những sức ép không nhỏ lên mọi cơ cấu nhà nước. Tuy nhiên, hai nước tư bản lão luyện là Anh và Pháp đều có đủ phương tiện cũng như các công cụ và khả năng để thúc đẩy sự hồi phục của guồng máy. Đặc biệt, ở Pháp, đó cũng là thời điểm Mặt trận Bình dân cánh tả chiếm được ưu thế. Còn ở Liên Xô, nền kinh tế kế hoạch tập trung cũng như việc bị cô lập lại khiến tinh thần tự lực tự cường được nâng cao, qua đó tránh được những hậu quả khốc liệt của Đại suy thoái.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nguy hiểm ở châu Âu là việc có những nước tư bản không có hoặc có ít thuộc địa ngày càng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và thị trường, dễ dàng ngả theo con đường phát-xít hóa chế độ chính trị, điển hình như ở Đức hay Ý. Nắm lấy cơ hội, khai thác bất mãn, Benito Mussolini hay Adolf Hitler đều đã lên nắm quyền trong điều kiện đó. Những nhà độc tài này, bằng sức mạnh áp chế của mình, cưỡng ép nền kinh tế phải hoạt động có trọng điểm để “quay về khuôn khổ”, nhất là ở Đức. Uy tín của Hitler tại Đức tăng không ngừng sau khi trở thành thủ tướng, rồi lãnh tụ, cũng bởi những sự khởi sắc cần phải được ghi nhận, được xây dựng trên tư hữu hóa một số ngành nghề, và siết chặt nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết. Thu nhập của người lao động Đức trong quãng 1932-1938 tăng 19% giá trị thực. Song, họ cũng phải làm việc đến 60 giờ/tuần.

Có điều, tham vọng thay đổi trật tự xã hội cũng vì thế mà càng được nhen nhóm, càng trở nên mạnh mẽ. Giải pháp cuối cùng và quan trọng nhất để dứt bỏ hoàn toàn các hệ lụy từ Đại suy thoái, đối với nước Đức Quốc xã chẳng hạn, thực tế lại chính là Đại chiến Thế giới lần thứ hai…

* Trong những năm đầu thập niên 1930, có khoảng 16 triệu người Mỹ (nghĩa là khoảng 1/3 tổng số nhân công của nước Mỹ lúc đó) thất nghiệp. Trong khoảng 1929-1933, tổng sản lượng của nước Mỹ giảm gần 50%.

* Trên toàn thế giới, Đại suy thoái khiến sản lượng công nghiệp giảm 45%, số nhà xây mới giảm 80%, khoảng 5.000 ngân hàng bị phá sản, khoảng 50 triệu người thất nghiệp, và do đó phải sống trong cảnh nghèo đói.

Đông Thiên
.
.