Người xưa chống quan lại ăn hối lộ thế nào?
Pháp luật thời nào cũng có những quy định ngăn cản các hành vi nhận hối lộ, phạt nặng các quan lại ăn hối lộ. Triều đình phong kiến cũng thường chi các khoản "dưỡng liêm" để mong quan lại không vì lòng tham mà ăn của đút. Nhưng, dù phòng ngừa đủ cách, thời nào thì việc ăn hối lộ cũng vẫn cứ xảy ra.
Do đó, có lẽ để không diễn ra tình trạng nhận hối lộ, phụ thuộc rất nhiều vào sự tu dưỡng đạo đức của bản thân các quan. Cho nên, các sử quan thời xưa luôn ca ngợi những viên quan liêm khiết, không ăn hối lộ, ghi tên vào sử xanh nêu gương cho đời sau.
Năm 1175, Thái úy Tô Hiến Thành nhận di chiếu của Vua Lý Anh Tông về việc phế thái tử Lý Long Xưởng vì hư hỏng mà lập hoàng tử bé là Lý Long Cán mới 3 tuổi lên ngôi (tức Vua Lý Cao Tông). "Đại Việt sử ký toàn thư" chép rằng: “Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập (phế Long Cán, lập lại Long Xưởng làm vua), sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?””.
Sau đó, bất chấp thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, Tô Hiến Thành vẫn không bị lay chuyển. Câu trả lời của ông trước thái hậu chính là lời răn dạy quý giá cho đạo làm quan: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần, nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu".
Đấy là chuyện hối lộ vàng, mà số lượng chắc chắn rất nhiều vì liên quan đến ngôi vua. Nhưng, ngay cả một viên quan từ chối món lễ vật nhỏ cũng được ghi vào sử sách để biểu dương. Đó là trường hợp viên An phủ sứ (đứng đầu một phủ) phủ Thiên Trường là Trần Thì Kiến. Bộ sử "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chép rằng: "Trần Thì Kiến là người cương trực, khi làm An phủ, có người đưa biếu món ăn, Kiến hỏi: "Có việc gì mà biếu?". Người ấy nói: "Vì ở gần lị sở nên đem biếu". Mấy hôm sau, người ấy đem việc đến thỉnh thác. Trần Thì Kiến giận lắm, móc cổ họng cho thổ ra".
Hành động của Trần Thì Kiến khiến sử thần thời Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên phải hạ bút nhận xét: "Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người thời bấy giờ". Tuy nhiên, hành động khác thường đó cho đời sau biết sự liêm khiết của vị quan được giao trọng trách đứng đầu một phủ quan trọng - phủ quê vua, nơi được coi như kinh đô thứ hai của nhà Trần. Cho nên, sau đó, vào tháng 4 năm Đinh Dậu (1297), Trần Thì Kiến được thăng lên giữ chức Đại an phủ sứ (cai quản kinh thành Thăng Long), kiêm chức Kiểm pháp quan, chức quan có trách nhiệm thẩm tra tất cả việc xử án.
Thời Lê sơ cũng để lại những câu chuyện nêu gương những vị quan liêm khiết, biết từ chối những tài vật không đến từ bổng lộc chính đáng. Thời Vua Lê Thánh Tông, có vị Hoàng giáp người làng Mộ Trạch là Vũ Tụ, quê ở huyện Đường An (nay là xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu (1493), thời niên hiệu Hồng Đức. Sách "Nhân vật chí" trong bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" của sử gia cuối triều Lê trung hưng là Phan Huy Chú chép: "Ông tính liêm thẳng, làm quan trong sạch, cần kiệm, chưa từng lấy bậy của người.
Bấy giờ hay có thói đút lót. Vua Lê Thánh Tông dùng chuyện cũ của Đường Thái Tông, sai người đưa lụa biếu các quan để thử, các quan khác đều tư túi nhận cả, chỉ mình ông là cự tuyệt. Người biếu lụa cố nài và nói: "Tập tục bây giờ đều thế cả đã thành thói quen, vả lại lụa này chỉ là vật nhỏ mọn. Ngài dù có nhận cũng không làm hại gì đến đức liêm cả". Ông nghiêm nét mặt nói: "Người đời đục cả, chỉ mình ta trong. Ta há lại nghe lời ngon ngọt của mày mà đổi tiết tháo đi chăng?", rồi đuổi người ấy ra. Việc đến tai vua, vua khen là người "có tiết tháo đêm hôm không nhận vàng", đặc biệt ban cho hai chữ "Liêm tiết", mỗi khi vào chầu thì được phép dán chữ đó vào cổ áo để nêu điểm khác người".
Sách này cho biết, ông làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Hình mà trong nhà gạo không có trữ một gánh, một hộc nào mà vẫn luôn vui vẻ tự nhiên. Nếp nhà ông thanh bạch, người đương thời rất kính mộ ông.
Thời Lê trung hưng, cũng có viên Tả thị lang Bộ Hộ kiêm Bồi tụng (chức vụ như phó thủ tướng) trong phủ chúa là Đặng Thế Khoa, làm quan thời Vua Lê Thần Tông (khi nhà vua làm vua lần thứ hai, với niên hiệu Thịnh Đức) và chúa Trịnh Tráng. Sách "Nhân vật chí" viết: "Đầu đời Thịnh Đức, các viên chức ở phủ liêu (phủ chúa) đều bị kiện về việc ăn hối lộ và bị đình nghị giáng chức cả, chỉ có ông không dính dáng gì, được chúa Trịnh rất khen ngợi, thăng lên Thượng thư Bộ Binh, vào làm Tham tụng phủ chúa". Phan Huy Chú viết thêm: "Ông cầm chính được 4 năm, giữ phép công bình, không a dua, tư vị. Ông là con nhà huân phiệt mà học thức rộng rãi, giữ mình trong sạch và kiệm ước. Những bọn đút lót thì thọt không một ai dám bén mảng đến nhà ông. Bấy giờ ai cũng khen".
Cũng là quan họ Vũ, quê ở làng Mộ Trạch, Hải Dương như Hoàng giáp Vũ Tụ, có vị ngự sử là Vũ Công Đạo, được đánh giá là một vị ngự sử chân chính và liêm khiết. Ông thi đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), niên hiệu Vĩnh Thọ đời Vua Lê Thần Tông. Có lần ông kháng nghị một việc mà chúa không nghe, ông đập đầu vào cột, khiến triều thần kinh ngạc. Sách "Nhân vật chí" có chép câu chuyện ông tránh được việc hối lộ như sau: "Khi ông làm chức Đốc đồng Sơn Nam, có kẻ mang gái đẹp đến để lấy lòng, ông cự lại rất nghiêm. Ông thường nói: "Tuy ta chưa kịp được tiền bối, nhưng chưa phạm vào điều răn về hiếu sắc". Người đời cũng khó được như ông vậy!".
Thời Nguyễn, sử sách để lại ngày nay rất nhiều, cho thấy triều đình liên tiếp xử nặng những viên quan tham ô, nhận hối lộ, nhưng cũng không hiếm những tấm gương liêm khiết. Tướng Nguyễn Văn Hiếu là người như vậy. Ông từ võ tướng có công, được cử cai quản nhiều trọng trấn, từ Bình Định, Thanh Hóa, Sơn Nam Hạ, Nghệ An, Tổng đốc Hà - Ninh (Hà Nội và Ninh Bình). Tuy làm quan to nhưng gia cảnh ông rất nghèo và theo bộ sử triều Nguyễn là "Đại Nam liệt truyện chính biên" thì dù lương bổng ông nhận không đủ dùng nhưng luôn nghiêm cấm người nhà không được tự ý giao thiệp với người ngoài, các dịp lễ tết, ai biếu gì cũng chối từ.
Có lần vợ ông nói về cảnh nghèo khó, ông nói: "Bà không nhớ lúc cắt cỏ thuê sao? Lúc ấy, mỗi khi đi đâu, vợ chồng phải đổi áo mà mặc, chỉ lo đủ cái ăn cho mỗi ngày; nay sánh với xưa, đã hơn gấp mấy lần, thế mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu sao?". Từ đó, vợ ông không dám đem chuyện tiền tài thưa với ông nữa. Cách từ chối của bất nghĩa của ông rất đáng để đời sau học tập.
Một viên quan dòng dõi hoàng thất được sử sách ca ngợi về sự liêm khiết, là Tôn Thất Lương. Lúc làm Tham hiệp trấn Thanh Hóa, ông từng không nhận hối lộ 20 lạng bạc, trong khi các viên quan đầu tỉnh khác đều nhận cả. Việc bị phát giác, hai vị quan Trấn thủ và Hiệp trấn đều bị cách chức, phái đi làm hiệu lực (phục dịch trong quân đội), riêng ông vì giữ liêm khiết nên được vua khen ngợi, thưởng cho sa và đoạn mỗi thứ 3 cuốn, lụa 10 tấm để "khuyến khích người làm quan thanh bạch".
Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), khi Tôn Thất Lương đang giữ chức Án sát Thanh Hóa, mắc lỗi, bị cách chức, phải phát phối đi làm việc công để chuộc lỗi. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834), ông có công lao nên lại được thăng lên Viên ngoại lang, rồi thăng Án sát tỉnh Quảng Trị. Khi ông vào yết kiến, vua bảo rằng: "Tội người đáng phải truất bãi nhưng vì trước ở Thanh Hóa, tự giữ được liêm khiết, hơi có đáng khen nên trẫm không bỏ mà thôi. Phải nên rất tự xấu hổ mà hăng hái lên, để cho sau này nên người tốt, ngươi phải nghĩ đấy". Bộ sử "Đại Nam liệt truyện" khen ông rằng: "Tới khi mấy lần nhận giữ nơi trọng khổn, mà trong sạch, siêng năng giữ tiết tháo, vỗ yên, đánh bắt có phương pháp, có công lao rõ rệt thực không hổ là người ở khánh phả (tức người trong tôn thất)".
Để cấp dưới sợ hãi bỏ thói ăn hối lộ, viên Phó Kinh lược sứ Bắc thành thời Vua Minh Mạng là Hoàng Kim Sán đã thi hành những biện pháp rất cứng rắn. Bộ "Đại Nam liệt truyện" chép rằng: "Kim Sán lúc vâng mệnh vua đi kinh lược, biết Bắc Thành vẫn có tệ xin xỏ, tức thì làm sớ tâu xin trừ bỏ đi. Nhân viên đi sai phái, có ai dám nhận của đút lót, xin đem ra chém ngay, rồi sau mới tâu vua biết. Tờ sớ dâng lên, được vua khuyên son 8 khuyên vào 4 chữ "tiên hành hậu tấu", sau đó lại châu phê (phê bằng mực son) vào là: "Phải, phải!". Những người ở địa phương trông thấy sợ lắm. Người trấn khác nghe thấy phong thanh kẻ tham nhũng điêu ngông, cũng nơm nớp không dám thi thố ngón gì. Vì thế, việc kinh lược dẫu phiền phức mà không đầy trong khoảng vài tháng, công việc đều đâu vào đấy cả".
Do làm quan thanh liêm, diệt trừ tệ nạn tham nhũng, hối lộ, nên khi Hoàng Kim Sán mất lúc giữ chức Tổng đốc hạt Nam Định, Hưng Yên, đã khiến "quan viên thân sĩ không ai là không rỏ nước mắt khóc", nhiều vị danh sĩ xứ Sơn Nam đã làm văn tế khóc thương ông.