Người xưa truy tìm kho báu

Thứ Ba, 30/04/2024, 10:37

Gần đây, trên mạng xã hội, nhiều người đùa nhau về "trend" (trào lưu) ra biển tìm kho báu, sau lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan trước tòa khi xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát. Trước đó, một người dân ở Bình Thuận đã xin phép chính quyền cho tìm "kho báu 3 tấn vàng" dưới lòng sông Cà Ty nhưng không được chấp thuận.

Nhiều năm trước, cũng đã có những cuộc tìm kiếm bất thành kho báu của Vua Hàm Nghi ở Quảng Bình, với niềm tin sẽ tìm được khối vàng bạc mà Vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng cất giấu khi rời bỏ kinh thành kháng Pháp từ năm 1885. Hay, vào năm 2016, câu chuyện về cuộc truy tìm kho vàng Núi Tàu ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận cũng gây xôn xao dư luận. Vậy, trong lịch sử, đã có những cuộc cất giấu và tìm ra kho báu nào?

Những kho báu không tìm thấy của vua Trần

Sử sách nước ta cho biết, cuối thời Trần, do sợ quân Chiêm Thành đánh vào Thăng Long, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã đem kho tàng quý báu đi giấu vào trong các động, núi, nhưng sau đó muốn lấy lại thì... không tìm ra!

Người xưa truy tìm kho báu -0

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", sự việc diễn ra vào tháng 9 (âm lịch) năm 1379, đời Vua Trần Phế Đế, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai quân dân tải tiền đồng giấu vào núi Thiên Kiện (còn có tên là núi Địa Cận, nơi từng là hành cung của Vua Trần Thái Tông). Đến tháng 10, Thượng hoàng lại sai chôn giấu tiền ở khám Khả Lãng, thuộc Lạng Sơn, vì "sợ người Chiêm Thành đốt cung điện".

Bình luận về chuyện cất giấu kho tàng này, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng: "Làm thiên tử giàu có bốn biển, kho tàng phủ khố đều là của mình cả. Đương khi trong nước nhàn rỗi, làm tỏ chính hình, sửa sang lễ nghĩa, ví như con chim đi lấy rễ đâu ràng buộc của tổ, thì ai khinh nhờn mình được. Thế mà lại sợ nạn Chiêm Thành đốt cướp mà chở tiền bạc giấu vào núi sâu hang cùng, làm kế tránh giặc, tức là làm mồi cho giặc đến, để cho thiên hạ đời sau chê cười".

Đến năm 1390, sau khi tướng Trần Khát Chân cầm quân đánh thắng quân Chiêm Thành, giết được vua Chiêm là Chế Bồng Nga, nỗi sợ giặc trong lòng Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mới nguôi bớt. Tháng 10 năm đó, ngài sai thợ đá ở An Hoạch (làng nghề đục đá ở chân núi Nhồi, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa ngày nay), đào động ở núi Thiên Kiện và động ở núi Khuẩn Mai để lấy tiền của đã chôn khi trước. Nhưng, lúc này hai núi đều bị lở, cửa động lấp kín không thể đào được, lệnh này bèn phải bỏ. Vậy là cả kho tàng to lớn của nhà Trần mãi mãi nằm sâu trong lòng núi. Sau này, sử sách không cho biết các đời sau có bỏ công sức đi tìm kho báu của các vua Trần hay không.

Khi binh lính đào được tiền, vàng

Chuyện tình cờ đào được tiền, vàng cổ được ghi chép nhiều dưới thời nhà Nguyễn. Như vào tháng 5 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), quân lính ở Gia Định đào thành Dương Mã (thành dê ngựa), có người lính Trung vệ dinh Tiền phong đào đất ở trường lũy cũ, được hơn 800 quan tiền, đưa về tỉnh Gia Định. Các tướng đem việc ấy tâu về triều. Vua Minh Mạng đã phê rằng: "Số tiền đào được, tuy chưa biết đích xác là của công hay của tư, nhưng quan quân luôn năm đánh dẹp, mỗi ngày tốn hàng nghìn vàng còn chẳng tiếc, huống chi đó là của do biền binh đào được, há nên lại thu vào kho? Vậy, cho sung ngay làm món tiền thưởng cho quan quân ở tấn sở mặt thành đó".

Hoặc, vào cuối năm này, quân lính trú phòng ở Hà Tiên đào được 140 lạng bạc, tuy nhiên viên Tuần phủ Hà Tiên là Trần Chấn cướp hết làm của riêng. Sự việc bị phát giác, đưa về cho Bộ Hình xử trí. Vua Minh Mạng bèn giáng Trần Chấn 4 cấp, cho về kinh làm Viên ngoại Bộ Binh; còn số bạc tang vật không thèm sung công, ra lệnh thưởng cho binh lính sở tại dùng làm tiền công để sửa chữa khí giới, thuyền bè.

Những báu vật từ lòng đất

Vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), có người dân Thanh Hóa là Trần Hữu Bảo đào được một cái ấn bằng đồng, có chữ "Sắc mệnh chi bảo" (ấn chuyên đóng vào các tờ sắc mệnh phong thưởng của nhà vua). Mặt sau lưng ấn khắc dòng niên đại "Nguyên Hòa ngũ niên tạo". Nguyên Hòa là niên hiệu của Lê Trang Tông (1514-1548), vị vua đầu tiên của thời Lê trung hưng nổi lên chống lại nhà Mạc. Đây là chiếc ấn rất quý, tiêu biểu cho cả một thời kỳ lịch sử của đất nước.

Cùng lúc đó, người dân Quảng Đức (sau là Thừa Thiên) là Hồ Quang đào được một cái ấn ngọc, khắc 4 chứ "Trung hòa vị dục" (chữ sách Trung dung, nghĩa là: đạo được trung hòa thì trời đất yên ngôi (vị), muôn vật sinh nở (dục)). Hai chiếc ấn quý này đều được quan địa phương chuyển về triều dâng lên vua xem. Vua Minh Mạng đã sai thưởng cho Trần Hữu Bảo 20 lạng bạc, Hồ Quang 5 lạng bạc.

Năm 1828, người làng Đăng Xương dinh Quảng Trị là Nguyễn Đăng Khoa dâng lên một chiếc ấn ngọc khắc 4 chữ triện "Vạn thọ vô cương", nói là đào đất bắt được nhờ Văn thư phòng là Tôn Thất Mạch dâng lên nhà vua.

Vua đưa cho bầy tôi xem và bảo rằng: "Trẫm mới lên ngôi, người Long Hồ đã dâng lên ấn ngọc khắc 4 chữ "Trung hòa vị dục", nay lại được ấn này. Xem văn nghĩa thì không phải dân gian có được. Hoặc là ấn báu của tiên triều truyền cho nhau, lấy giấu từ lâu cũng chưa biết chừng. Vả lại xem sắc ngọc, thì ấn ngày này sáng nhuần và cũ kỹ hơn".

Sau đó, vua cho Nguyễn Đăng Khoa làm Chánh bát phẩm thư lại ở Bộ Lễ, thưởng bạc 50 lạng, đoạn ngoài đoạn lót mỗi thứ 3 tấm. Vua thấy ấn ngọc dâng vào ngày lễ thọ, dụ rằng từ nay về sau ân chiếu về tiết Vạn thọ thì dùng ấn ấy để ghi nhớ.

Mùa hạ năm Minh Mạng thứ 15 (1834), có người dân ở Đông Trì thuộc Thừa Thiên là Hoàng Nghĩa Thắng đào được một chiếc ngọc tỷ (ấn khắc bằng ngọc), nhân dịp Khánh tiết, đem dâng nộp lên vua ngự lãm. Theo ghi chép trong bộ sử "Đại Nam thực lục", chiếc ấn này làm bằng ngọc màu xanh cánh chim chả, 4 mặt nguyên lành, đỉnh bằng, dưới nở, trên thót, cao 1 tấc 6 phân 2 ly, bề vuông 1 tấc 5 phân 3 ly, khắc nổi 4 chữ "Phong cương vạn cổ" (nghĩa là “Bờ cõi muôn thuở”).

Vua dụ Nội các rằng: "Ta xem cái ấn này, chữ triện lối rất cổ, hình như là vật về đầu đời Hán, chứ không phải chữ cận đại. Nhưng, nay giặc cướp chưa yên hẳn, chính là lúc cần phải tu tỉnh, há nên khoe khoang điềm lành? Tuy nhiên, gặp được dịp tốt này, cũng là triệu chứng hay. Vậy, thu lấy để làm cái ấn dùng đóng vào các bản thơ văn vua làm, cũng tốt". Sau đó vua sai thưởng Hoàng Nghĩa Thắng 30 lạng bạc.

Tháng 10 năm đó, tỉnh Bình Định có người đào được 3 pho tượng phật Quan Âm và 2 pho tượng Hộ Pháp cổ. Tổng đốc Vũ Xuân Cẩn đem việc tâu lên, nhà vua cũng sai thưởng cho người đó 50 quan tiền; rồi trích lấy một tượng Quan Âm, một tượng Hộ Pháp để lại ở chùa Linh Phong trong tỉnh, lấy ra 100 quan tiền kho làm lễ cúng dâng; còn 3 pho đưa về kinh, chia cho các đền chùa để thờ.

Vua Minh Mạng tỏ ra là người có kiến thức sâu sắc về đồ cổ. Năm 1832, trẻ chăn trâu ở Biên Hòa bắt được cái mũ cổ bằng vàng (nặng hơn 5 lạng, 2 đồng cân), đem đập ra để chia nhau, quan tỉnh biết được thu lại, đem dâng về triều. Nhìn thấy mảnh vàng có khắc những chữ nhỏ của người Chiêm Thành, vua bảo thị thần rằng: "Mũ này là đồ cổ của nước Chiêm Thành, lũ mục đồng không biết, tự tiện đập vỡ khiến đồ vật mấy trăm năm về trước không còn lại làm ghi, thực khá tiếc!". Sau đó vua ra lệnh thưởng cho người bắt được cái mũ ấy 20 lạng bạc.

Đến chiếc nghiên quý Tức Mặc hầu

Vào mùa đông năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) có người đem dâng vua cái nghiên mực cổ được mô tả là "cách pha chế có vẻ cổ kính, mộc mạc, rõ hệt là một tấm ngói âm dương". Đầu nghiên có bài minh bằng chữ Hán, đại ý nói rằng đây là một chiếc nghiên đẹp được chế tạo cổ kính mộc mạc, được trang trọng đặt vào gác Thạch Cừ kín đáo, được phong cho tước Tức Mặc hầu, liệt vào quan tước ở Lan Đài và giữ làm của báu mãi mãi, nhờ đó dòng dõi văn học nối mãi.

Sau bài minh này, nghiên còn khắc 2 chữ "Tô Thức", khắc 2 cái ấn nhỏ có những chữ "Kỳ trân" và "Tàng bảo". Lưng nghiên khắc một ấn to, có chữ "Thạch cừ các ngõa" (Viên ngói ở gác Thạch Cừ). Lạc khoản, đề chữ: "Nguyên Phù tam niên, trọng thu nhật chế" (tức chế tạo vào tháng trọng thu (tháng 8) năm Nguyên Phù thứ ba (năm 1100 - đời Vua Tống Triết Tông bên Trung Quốc).

Vua sai đem trình lên chỗ vua ngự. Sau khi xem xét, nhà vua giảng giải cho Nội các rằng: "Đây là cái nghiên cổ Thạch Cừ, gác Thạch Cừ nguyên từ Tiêu Hà (đời Hán) dựng ra để chứa sử sách và bản đồ. Đến đời Hán Tuyên đế năm Cam Lộ thứ 3 (năm 51 trước Công nguyên), họp các nhà Nho giảng Ngũ kinh, tức là ở chỗ gác ấy. Từ năm Cam Lộ thứ 3 đến năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), đời Tống Triết Tông, Tô Thức được viên ngói ở gác ấy, đem mài thành cái nghiên, tính ra gồm 1.149 năm, trải đến bây giờ lại hơn 740 năm nữa. Vậy thì cái nghiên này xuất hiện từ đời Hán, thành hình ở đời Tống mà trình tiến ở ngày nay. Thật là một vật quý báu của làng văn!".

Vua lại nói thêm rằng: "Trong Ngõa nghiễn phả (Sách chép các điển tích nghiên ngói) có chép rằng: "Chỗ di chỉ đài Đồng Tước nhà Ngụy, người ta chứa được nhiều ngói cổ, đem mài thành nghiên rất khéo, đựng nước đến vài ngày không khô. Đời truyền rằng: Khi xưa, dựng đài này, sai thợ gốm làm bùn thật sạch, lấy vải thưa lọc bùn rồi cho thêm dầu hồ đào vào, trộn để nặn, cho nên khác hẳn với ngói thường". Nay xem cái nghiên này là di tích ở Thạch Cừ thì ngói đài Đồng Tước há có thể sánh kịp cái vẻ cổ kính chất phác của nó được sao?".

Theo sử sách triều Nguyễn, chiếc nghiên Tức Mặc hầu này trở thành vật quý của các vị vua trong suốt triều đại này.

Lê Tiên Long
.
.