Người khôn cũng có lúc hóa khờ

Thứ Năm, 21/10/2021, 10:11

Mạng xã hội chia sẻ rầm rộ câu đố toán học về cây gậy và trái bóng tưởng chừng ai cũng giải được, chỉ cần biết phép toán cơ bản: Hai thứ có giá 1.1 USD, gậy hơn bóng 1 USD, vậy bóng có giá bao nhiêu? Đa phần người chơi đều trả lời rất nhanh theo phản xạ, rằng giá trị trái bóng tương đương 0,1 USD. Hiển nhiên họ đã nhầm, mà theo cách nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Kahneman gọi là “sự khờ khạo” của trí thông minh.

Ngu ngốc và thông minh

Trong suốt 5 thập kỷ, Daniel Kahneman luôn đưa chúng ta vào những cuộc chơi đấu trí đơn giản kiểu gậy-bóng, cứ hỏi và đợi phản xạ trả lời từ bất cứ ai tình nguyện tham gia thử nghiệm tâm lý của ông. Thế giới chia làm hai phe: loài người vốn dĩ luôn lý trí từ lúc khai thiên lập địa - đó là bản năng tự nhiên, theo quan điểm của triết gia, và các nhà kinh tế học từ hàng trăm năm qua. Ngược lại, Daniel Kahneman tin con người không phải lúc nào cũng duy lý, và rằng trí thông minh sẽ có lúc hóa khờ.

Albert Einstein thừa nhận thứ vô hạn là vũ trụ bao la và sự ngu ngốc của loài người. Có lẽ, ông đang ám chỉ rằng, đời người, giỏi đến mấy, sẽ có lúc phải dốt. Nhà khoa học Andre Spicer tự ngẫm câu nói của Einstein, buồn cười trước nhiều sự ngu ngốc trong cuộc sống của chính mình. Andre Spicer tự hỏi tại sao liên tục tham gia những buổi họp vô nghĩa hay tiêu tiền không suy nghĩ trước, rồi dành vài năm để viết một báo cáo khoa học chỉ có vài chục người đọc.

Có lần, ông đọc bài nghiên cứu về chốn công sở, và chợt nhận ra họ cũng làm những điều ngốc nghếch giống mình. Đơn giản kiểu người trưởng thành lại thích tham gia hội thảo kỹ năng dành cho mẫu giáo, hay sếp tập trung đọc màn hình toàn chữ được chuẩn bị sẵn thay vì phân tích dữ liệu cho nhân viên cùng nghe. Có vẻ họ không muốn suy nghĩ, hay hỏi mấy câu cần chất xám, chẳng cần đụng tới não, để rồi sau cùng lại miêu tả công việc là thứ thật ngớ ngẩn.

Người khôn cũng có lúc hóa khờ -0
Thiên tài Albert Einstein từng nói thứ vô hạn là vũ trụ bao la và sự ngu ngốc của loài người.

Nhiều tranh luận thú vị diễn ra trên không gian mạng. Chỉ số IQ, thang đo truyền thống về trí tuệ như một số người nhấn mạnh, thực tế không phản ánh chính xác sự thông minh của một người. Andre Spicer cho rằng IQ chỉ tập trung miêu tả năng lực logic, nhưng lại thiếu mất hai khía cạnh khác của trí tuệ: sáng tạo và thực tiễn. Chúng ta tự hào vì những con số, tin rằng mình thuộc top những bộ não thông thái ở địa cầu. Thế nhưng, sự yếu kém khi đối mặt với các tình huống thay đổi trong cuộc sống, hay cách chúng ta hoàn thành công việc trơn tru lại nằm ngoài sự thông minh đo bằng số ấy.

Câu chuyện về những thiên tài có chỉ số IQ cao hơn cả Albert Einstein như Chris Langan hay Oppenheimer cho thấy, thông minh bằng số thôi chưa đủ. Chris Langan để mình trôi theo số phận, cảm giác từ bỏ bản thân mà không kiếm tìm giải pháp kháng cự, còn Oppenheimer lại tận dụng thời cơ, không chấp nhận định mệnh dù lý lịch có vết đơn, để rồi trở thành cha đẻ của bom nguyên tử. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai người đó là trí tuệ thực tiễn, bắt nguồn từ việc lĩnh hội thái độ và kỹ năng ứng xử với xã hội. 

Andre Spicer nhận định: 20 năm đầu đời con người khám phá trí tuệ phân tích, để rồi quãng đời còn lại thì loay hoay tìm cách lý giải vì sao chúng ta thiếu năng lực sáng tạo cùng trí tuệ thực tiễn. Những người thông minh thường có cách đi tắt trong suy nghĩ, mà nổi bật nhất là tự khen bản thân theo kiểu: tôi sáng dạ hơn mọi người đấy nhé! Một viễn cảnh tự vẽ ra trên não để an ủi bản thân, khiến chúng ta bỏ quên lời khuyên hoặc những lỗi sai có thể dạy bảo nhiều điều mới mẻ. Về lâu dài, những người thông minh sẽ gặp khó khăn khi phải chọn lựa, và đó chính là nguồn gốc của những hành động ngu ngốc.

Người khôn cũng có lúc hóa khờ -0
Những người có chỉ số IQ cực cao cũng sẽ có nhiều lúc làm điều buồn cười, ngốc nghếch.

Câu hỏi đặt ra là ngu ngốc, phải chăng đồng nghĩa với kém thông minh, hay làm điều ngớ ngẩn? Không hẳn, hai thứ chẳng liên hệ gì tới nhau, tức là những người có chỉ số IQ cực cao cũng sẽ có nhiều lúc làm những điều buồn cười. Ngoài ra, một số nghiên cứu tiết lộ việc một hành vi là ngu ngốc còn phụ thuộc vào sự mong đợi của người khác. Thật vậy, một hành động được coi là khờ khạo thường đến từ hiệu ứng đám đông, kiểu phản ứng dây chuyền được sự ủng hộ của nhiều người, chứ không xuất phát từ riêng một cá nhân nào.

Khoa học hướng đến ba lý do chính để đánh giá sự ngu ngốc của con người, bao gồm: tự mãn (thiếu kỹ năng xử lý tình huống), kém kiềm chế (yếu đuối, không kiểm soát nổi mình), và mất trí (cố chấp mà đâm đầu vào rắc rối). Tiếp đó, ngu ngốc tiếp diễn bởi bản chất mơ hồ của chính nó, phụ thuộc vào môi trường diễn ra hành vi để đám đông tự quyết định. Giống như thể chiếc búa hữu ích cho việc đóng đinh, nhưng nếu ai đó cầm búa để thái thịt thì thật vô dụng, trở thành kẻ bị ngơ.

Lối mòn tư duy

Dù ảnh hưởng của Daniel Kahneman cực kỳ lớn trong giới tâm lý học thế kỷ 20, mọi quan điểm về sự ngu ngốc của ông đều bị bác bỏ. Bất đồng lên tới đỉnh điểm khi một học giả Mỹ thẳng thừng từ chối nghe Daniel Kahneman trình bày, coi đó là một “sự phỉ báng” trí khôn của con người. Tư duy của một bộ phận học giả lúc bấy giờ khá cứng nhắc, rằng đã là người thông minh thì quyết định đưa ra luôn có độ chính xác rất cao, vì nó phản ánh bản chất não bộ rất nhiều... chất xám.

Người khôn cũng có lúc hóa khờ -0
IQ chỉ tập trung miêu tả năng lực logic, nhưng bỏ quên sự sáng tạo cùng thực tiễn của trí tuệ.

Lập luận đưa ra thế này: người thông minh luôn biết cách bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm, hoặc chí ít đưa ra quyết định nhanh hơn người khác. Nhiều cá nhân lấy minh chứng về điểm số học tập rất cao, cùng kết quả cực kỳ ấn tượng ở những bài thi kiểu SAT chẳng hạn, thế nên họ không thể thiếu hiểu biết về những điều thuộc trí tuệ phổ quát. Tất nhiên không phải ai cũng tin vào quan điểm kiểu này, bởi như Albert Einstein từng nói mọi thứ đều chỉ là tương đối. Andre Spicer giả định, người thông minh trong nhiều tình huống có vẻ lại dễ mắc sai lầm hơn người khác.

Trên thực tế, trí tuệ phổ quát bao trùm tất cả mọi sinh vật sống, nhưng đôi khi nó không phải là thứ quyết định chúng ta đưa ra được nhận định đúng hay sai, và như cách Andre Spicer khẳng định: biết nhiều chưa hẳn đã thành công. Trên bảng, ông viết một câu đố về loài tảo: cứ mỗi ngày lại tăng gấp đôi so với hôm trước thì mất bao lâu chiếm nửa cái hồ nếu cần 48 ngày để lấp đầy hồ. “Tôi từng thử những người có IQ rất tốt câu hỏi kiểu này, đến 98% đều đưa ra con số 24 ngày gần như ngay lập tức, trước khi họ giật mình nhận ra đã sai hoàn toàn”.

Chúng ta không đúng vì tư duy thông thường “ép” não đi theo lối mòn trong câu hỏi: gấp đôi. Daniel Kahneman nhắc đến ảo giác tập trung - một loại thiên kiến nhận thức nhấn mạnh con người dễ bị ảnh hưởng bởi phần thông tin sẵn có ban đầu. Điều này tạo ra cái mỏ neo, trao cho não một dấu hiệu trước khi nó “chốt” các phán đoán tiếp theo trong quá trình đưa ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, nhiều nhà tâm lý học còn gọi hiện tượng này bằng cái tên hiệu ứng mỏ neo, nhận xét năng lực tự nhận thức không thực sự hữu ích như chúng ta nghĩ.

Người khôn cũng có lúc hóa khờ -0
Ảo giác tập trung, hay hiệu ứng mỏ neo cho thấy con người dễ bị ảnh hưởng bởi phần thông tin sẵn có ban đầu trước khi đưa ra quyết định.

Trong “Tư duy nhanh và chậm”, Daniel Kahneman thừa nhận bản thân ông, và chính chúng ta nữa, vốn có nhiều điểm yếu trong tư duy nhưng khó có thể nhận ra hoàn toàn. Sự tự mãn, thiếu linh hoạt, rồi thậm chí đánh giá quá thấp bối cảnh trở thành những vật cản lớn trong chu trình tư duy của não. Ẩn sâu bên trong bản chất thông thái là thứ đáng sợ nhất: điểm mù định kiến, khi chúng ta tự tin tuyên bố tất cả đều có thể mắc lỗi ngoại trừ bản thân. Cũng dễ hiểu bởi chúng ta thường rất giỏi chú ý tới khuyết điểm của người khác, chỉ trích họ nhưng lại chẳng mấy khi để tâm về lỗi của mình, dù chúng thực sự tồn tại.

Hiệu ứng đóng khung tâm lý xuất hiện, để não tự đánh giá dựa trên chính cảm xúc và tư duy của mình. Suy xét nội tâm kiểu này vô hình với mắt thường, trí thông minh khó xuyên qua để phân tích, từ đó gia tăng khả năng mắc lỗi. Hiệu ứng đóng khung tâm lý trở thành nền tảng để khoa học tin rằng: dường như sự thông minh sẽ khiến mọi thứ dễ lạc hướng, khi con người tạo nên các điểm mù định kiến trong tranh luận, từ đó mắc sai lầm về tư duy. Giáo dục không hẳn là vị cứu tinh, khi Daniel Kahneman cho biết tới gần 60% sinh viên Harvard, Princeton, hay MIT đã lời sai câu đố về gậy-bóng.

Trả lời câu hỏi của sinh viên vì sao thông minh đi kèm với khờ khạo, Andre Spicer chỉ cười và nói: rất đơn giản, không phải lúc nào họ cũng... động não. Càng thông minh, chúng ta càng dễ bỏ qua việc đánh giá thông tin ban đầu, mà lợi dụng các đường tắt trên não xuất hiện nhờ kinh nghiệm để đưa ra phản ứng nhanh nhất. Vì vậy, điều quan trọng là phải thận trọng với mọi tình huống, và cũng đừng tự trách mình sao nhiều lúc lại khờ khạo đến vậy. Đôi khi, sự ngu ngốc đem lại thành công bất ngờ, thay vì trí thông minh...

Việt Dũng
.
.