Ký ức nhấp nháy như chiếc bóng đèn

Thứ Bảy, 02/10/2021, 11:49

Hàng tỷ neuron thần kinh cho phép con người lưu trữ vô số khoảnh khắc, thế nhưng ký ức đèn nháy luôn đem lại cảm giác khác biệt nhất. So với mấy cuốn hồi ký, loại ký ức này giống như một bức tranh đa sắc màu, có cả âm thanh và cảm xúc ở từng chi tiết nhỏ nhất. Chỉ có điều, bóng đèn không ai giống ai, nên ký ức mang cá tính riêng biệt, có thể không hoàn toàn chính xác như thực tế đã diễn ra.

Trí nhớ kì lạ

Jennifer Talarico ngồi im lặng trong thí nghiệm về tâm lý của mình. Cô chậm rãi lắng nghe, rồi ghi chép lại ký ức của mỗi người. Hình ảnh vụ đánh bom khủng bố marathon kinh hoàng ở Boston năm 2013 chợt loé lên trong đầu, trở thành nỗi ám ảnh khiến chính cô cảm thấy nghẹt thở. Rồi xen lẫn sự bàng hoàng khi ai đó nhắc tới con số 119 - ngày đau thương trong lịch sử nước Mỹ sau vụ tấn công khủng bố khiến hai toà nhà chọc trời sụp đổ giữa New York tráng lệ. Dư âm là thứ ký ức lúc hiện lúc ẩn trong suy nghĩ của từng tình nguyện viên ngồi đối diện Jennifer Talarico, rất sống động, nhưng vô cùng đau đớn.

Chúng ta không thể hiểu tại sao thứ ký ức kinh hoàng dường như cứ ở mãi trong não bộ người, trong khi nhiều thứ khác lại dễ dàng chìm vào quên lãng. Jennifer Talarico tin rằng chỉ những dư chấn rất mạnh còn lưu lại sau một biến cố khiến bản thân chúng ta cảm thấy lưu luyến quá khứ. Để rồi, đến một thời điểm sau này, hình ảnh về chuyện cũ đột ngột hiện lên khi ta bất chợt trông thấy điều gì đó tương tự. Khi ấy, trí nhớ sẽ... nhấp nháy, tựa chiếc bóng đèn vụt sáng trong bóng tối.

Ký ức nhấp nháy như chiếc bóng đèn -0
Chiếc bóng đèn chớp nổ bốc khói khi chụp ảnh đã giúp thế giới ghi lại vô vàn ký ức quan trọng sau mỗi lần... nhấp nháy.

Trên một diễn đàn khoa học, cậu sinh viên năm nhất đặt câu hỏi: vài người chưa từng trải qua thảm kịch, hay sự kiện hoành tráng nào, thế nhưng tại sao họ vẫn có ký ức về chúng? Số ít thậm chí có thể kể chi tiết tường tận về vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy hoặc mục sư Martin Luther King, hay thuyết giảng về sự sụp đổ của bức tường Berlin như thể họ chứng kiến tận mắt. Đây là những sự kiện lớn, nên có lẽ những người này dở mánh khóe nghiên cứu trên Google và... học thuộc để nhớ. Roger Brown phản bác quan điểm này, khi nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ khẳng định não bộ có thể ghi nhớ ký ức sống động như những thước phim quay chậm, càng quan trọng càng lưu trữ lâu.

Năm 1977, Roger Brown nêu ra khái niệm ký ức đèn nháy, mà chính ông cũng trải qua vô số lần trong đời. Ký ức được lưu giữ trong tâm trí giống như một bức ảnh tại thời điểm một bóng đèn chớp tắt, đầy sống động về các tình huống nhất định trong cuộc sống. Cảm giác cá nhân về một sự kiện khiến não bộ “ghi nhớ” rất rõ ràng tất cả những điều xảy ra vào lúc đó, tương tự như khi chúng ta bị ấn tượng mạnh về một đoạn phim. Với Roger Brown, ký ức đèn nháy không có khả năng bị lỗi, luôn xuất hiện bất ngờ trong đời người như những đợt sóng biển cuồn cuộn nước.

Cách đây vài thập kỷ trước thời Roger Brown, giới học giả mơ hồ nghiên cứu một loại trí nhớ... vô danh. Khoa học tâm lý vẫn truyền tai nhau câu chuyện học giả F.W. Colgrove miêu tả khả năng “vẽ lại quá khứ” cực kỳ chi tiết của những người tham gia trải nghiệm ký ức vụ ám sát Tổng thống Lincoln năm 1865. Hồi ức sống động đến mức mọi người đều nhớ rõ họ đang làm gì, chuyện trò với ai, cảm xúc khó tả đến mức nào và dư âm đọng lại nhiều năm sau đó ra sao. Trong khi Colgrove cười chính mình vì còn chẳng nhớ nổi hay để chìa khoá xe ở đâu, ông vô cùng ngạc nhiên trước một dạng trí nhớ khoa học chưa khám phá, chứa đựng khả năng tiềm tàng của não bộ ghi lại nhiều khoảnh khắc với độ chính xác tuyệt vời.

Ký ức nhấp nháy như chiếc bóng đèn -0
Ký ức đèn nháy là sự tái tạo thông tin dựa trên quá khứ, có thể không hoàn toàn phản ánh đúng thực tế.

Nhấp nháy nhầm lẫn

Có gì đó chưa đúng. Nhiều lần, Jennifer Talarico tranh cãi với chồng về những sự kiện thực sự đã diễn ra trong một bữa tiệc hai người từng tham gia. Báo cáo về hồi ức trận bóng chày sai lệch liên quan tới trận chiến Trân Châu Cảng của nhà khoa học Ulric Neisser khiến Jennifer Talarico cho rằng các bậc tiền bối như Roger Brown hay Colgrove đã nhầm lẫn ở đâu đó. Sau này, thử nghiệm “Câu chuyện hậu 119” liên quan đến trí nhớ của các nhân chứng về vụ khủng bố tại Mỹ đã làm sáng tỏ hoài nghi của cô. Tức là, ký ức đèn nháy có thể không chính xác như nhiều người đã tin tưởng.

Nên nhớ ký ức chưa bao giờ là sự tái tạo hoàn hảo của quá khứ, chúng ta thường bị ấn tượng bởi sự sống động, cùng với độ bền của một sự kiện, để ghi nhớ. Năng lực chọn lọc của não bộ cho phép chúng ta tập trung nắm bắt thông tin thích hợp nhất và mỗi khi nhớ điều gì đó, tâm trí sẽ tiến hành tái cấu trúc sự thật. Như Ulric Neisser chẳng hạn, chính ông nhận ra không hề có trận bóng chày nào vào ngày 7-12--1941 khi Nhật Bản tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng. Thời điểm này, ông đang nghe tường thuật bóng đá trên đài, nhưng ấn tượng về môn bóng chày vốn rất được ưa chuộng tại Mỹ bấy giờ khiến não “ghi đè” thông tin, tạo nên một ký ức khác biệt.

Jennifer Talarico chú ý tới bốn từ khoá trong thử nghiệm của mình: truyền hình, báo đài, tin tức, mạng xã hội. Cô nghĩ đến khả năng não bộ con người dễ bị thao túng bởi truyền thông, rằng thị giác chứng kiến các cảnh quay lại một sự kiện nhiều lần có thể ra tín hiệu sai lệch, khiến não “nhớ nhầm” rằng đã chứng kiến hình ảnh đó tại sự kiện. Vô số luồng tin trên báo đài, hay Facebook, mở ra cơ hội để não làm giàu hiểu biết về một chủ đề. Từ đây, Jennifer Talarico cho rằng bản chất thực sự của ký ức đèn nháy liên quan đến trải nghiệm tìm hiểu về một sự kiện, chứ không hoàn toàn phản ánh chi tiết thực tế của chính sự kiện đó. Tức là, ký ức đèn nháy tái tạo thông tin dựa trên quá khứ.

Ký ức nhấp nháy như chiếc bóng đèn -0
Ký ức nhấp nháy như chiếc bóng đèn -0
Ký ức dễ dàng bị chi phối bởi suy nghĩ, cảm xúc hay những câu chuyện của truyền thông.

Một phép ẩn dụ

Ở một loài động vật bậc cao như con người, ký ức dễ dàng bị chi phối bởi suy nghĩ hay cảm xúc. Nhiều khi, chúng ta nhầm lẫn các mảng ký ức khác nhau, tự thêm thông tin cho ký ức nếu nghe thấy câu chuyện của người khác. Theo thời gian, số lượng chi tiết giảm dần, độ sắc sảo cũng mờ đi, buộc não bộ phải chọn lọc những thứ còn lại để lưu trữ. Nếu tâm trí không tìm thấy thông tin liên quan, não bộ có xu hướng điền vào khoảng trống bằng cách kết hợp thông tin, tạo ra “nguyên liệu tổng hợp” cho trí nhớ vô tình làm sai lệch ký ức.

Ký ức đèn nháy là một phép ẩn dụ, chụp toàn bộ hình ảnh trong một khoảnh khắc, từ thứ đơn giản cho đến đáng sợ nhất. Không giống như ký ức tự truyện thông thường, “cái bóng đèn” mà Roger Brown đặt tên không phải là bản ghi hoàn hảo. Vì sự đột ngột cùng kịch tính, thật khó để nói rằng ký ức sẽ bất biến, hay luôn chính xác cho đến khi chúng ta qua đời. Chính nhận thức của chúng ta về những ký ức nhấp nháy và lòng tin về độ chính xác của chúng khiến “cái bóng đèn” khác với cuốn hồi ký dày đặc chữ viết.

Mối liên hệ giữa ký ức đèn nháy và cảm xúc rất chặt chẽ, như việc chúng ta nhớ rất rõ về nụ hôn đầu tiên hay khoảnh khắc đón chào một đứa trẻ ra đời. Ngoài ra, sự xuất hiện của ký ức đèn nháy cũng phản ánh tâm lý xã hội và tư duy cộng đồng của loài người. Ví dụ, ký ức về những gì diễn ra vào thời điểm mục sư Martin Luther King bị ám sát thường khủng khiếp hơn đối với người Mỹ gốc Phi - nhóm đối tượng từng trải qua nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc ở Mỹ, so với dân số da trắng.

Cho đến nay, chưa có một lời giải thích rõ ràng nào về cơ chế thần kinh tạo nên “cái bóng đèn” trên não. Giới nghiên cứu quét não tình nguyện viên trong khi họ cố gắng nhớ lại mọi chi tiết, phát hiện hạch hạnh nhân (cụm tế bào thần kinh chi phối cảm xúc và trí nhớ) được kích hoạt mạnh mẽ. Kết nối thần kinh tăng cường, khơi lại liên kết với một cảm xúc mãnh liệt trước đây, cùng với nhận dạng quen thuộc liên quan tới quá khứ trong không gian, rồi truyền qua thị giác, để cuối cùng bật lên bóng đèn ký ức.

Gần một thế kỷ trước, người Đức tạo nên cuộc cách mạng với chiếc bóng đèn chớp nổ bốc khói khi chụp ảnh. Chính cái đèn này đã giúp thế giới ghi lại vô vàn ký ức quan trọng, cực kỳ sống động, sau mỗi lần... nhấp nháy. Chắc vì thế mà Roger Brown đã chọn hình ảnh bóng đèn để miêu tả một loại ký ức của chúng ta, như được chụp lại bằng đôi mắt, rồi đóng khung trong tâm trí nhờ ánh sáng tưởng tượng loé lên trên não bộ. Đau thương hay đẹp đẽ, ký ức đèn nháy luôn ở đâu đó trong chúng ta, giống chiếc boomerang được ném đi nhưng sẽ quay trở lại, khiến hình ảnh trong quá khứ thức dậy, vẫn luôn sống động và tràn đầy cảm xúc dù có trải qua bao năm tháng...

Việt Dũng
.
.