Nếu một ngày, Aristotle đặt chân tới xứ Hollywood

Thứ Sáu, 17/06/2022, 11:26

Aristotle sống cách đây 2.000 năm, trong một thế giới của bài giảng về đạo đức cho loài người, và không hề có khái niệm phim ảnh. Thế nhưng, con cháu của ông, hay chính bản thân chúng ta, lại ngỡ ngàng tìm thấy nhiều bài học thú vị trong các tác phẩm đậm chất triết học, để thốt lên rằng nếu ông sống lại thì giải Oscar cho biên kịch xuất sắc nhất chẳng thể nào thoát khỏi tay Aristotle.

Logic và vị thần đến từ cỗ máy

Những ngôi sao đang lên trong thế giới của con chữ, Dewayne Perkins, Anya Reiss, hay Anna-Maria Ssemuyaba, luôn muốn tạo ra kịch bản độc đáo, bứt phá khỏi lối mòn biên kịch truyền thống. Khi mà các tiền bối của họ đều đã truyền lại hết bí kíp, thì họ quay ngược lịch sử tìm về với thế giới của Aristotle - vị triết gia chẳng ai nghĩ lại trở thành nguồn cảm hứng cho giới biên kịch thời nay.

Một trong những tác phẩm còn sót lại của Aristotle là Thi pháp, không đơn thuần hướng đến thơ ca như cái tên gợi nhắc. Thi pháp mang giá trị của những kỹ thuật biên kịch, hướng đến xây dựng bi kịch và chính kịch. Aristotle hứng thú với thể loại kịch dài phảng phất hình bóng tác phẩm “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Trường ca Iliad” hay “Sử thi Odyssey”. Thế nên, nhiều người tin rằng Thi pháp chính là kho báu giúp tạo nên hướng đi cho phim ảnh hiện đại với kịch bản chất lượng, thỏa mãn ngay cả khán giả khó tính nhất.

5.jpg -0
Với nhiều bài học thú vị trong các tác phẩm đậm chất triết học, nếu Aristotle sống lại thì giải Oscar cho biên kịch xuất sắc nhất chẳng thể nào thoát khỏi tay ông.

Aristotle nhắc rằng mọi diễn biến đều cần trải qua năm cung bậc: trình bày, thắt nút, phát triển, điểm đỉnh, kết thúc. Những cốt truyện được xây dựng khéo léo không được tùy tiện bắt đầu và kết thúc ở chỗ nào cũng được. Có nhiều biên kịch quên mất điều đơn giản này, khiến chúng ta, trong vai những người thưởng thức nghệ thuật, cảm thấy bị “tắc” ở đâu đó. Khán giả có thể đợi chờ một khoảnh khắc nào đó trong phim để biết biên kịch sẽ gửi gắm điều gì qua loạt cảnh hồi tưởng. Với Aristotle, cảnh xen kẽ để đưa câu chuyện ngược thời gian kể từ điểm hiện tại trong câu chuyện diễn biến của bộ phim đơn thuần chỉ là cách “chuộc lỗi” vì khiến khán giả hoài nghi, thậm chí không hiểu gì.

Trên một vài diễn đàn phim ảnh, giới biên kịch to nhỏ với nhau về cái sự “nhạt” của ngay cả những bom tấn Hollywood chạy truyền thông hoành tráng. Mở đầu giống một quả bom nguyên tử, tạo ấn tượng cực mạnh, nhưng càng diễn biến đến đoạn thắt nút thì chẳng khác nào xe đạp lao dốc không phanh, dẫn tới cái kết tựa... nước lọc. Nghe lời răn dạy của Aristotle, thất bại của một biên kịch là ôm vào lòng mớ bòng bong rồi chấm dứt chuỗi tưởng tượng của người xem bằng Deus ex Machina (vị thần đến từ cỗ máy). Philip Freeman tin rằng, cái kết kiểu này biểu hiện sự bất lực của biên kịch, khi bỗng dưng để người hùng thần kỳ sống lại, còn kẻ ác đột nhiên biến mất.

Aristotle đùa rằng, Deus ex Machina không có vai trò gì đáng kể, ngoại trừ gây thêm mâu thuẫn trong cốt truyện. Kiểu một vị thần bay ra từ sau cánh gà, với quyền năng siêu phàm đánh bại mọi thế lực hắc ám, để vẽ nên một cái kết có hậu. Vị triết gia tin rằng, biên kịch đã quá dễ dãi, thiếu sáng tạo. Bản chất của Deus ex Machina có thể tạo ra sự vô lí cho các sự kiện khác trong tác phẩm, hay sự ưu ái khiên cưỡng cho các nhân vật chính. Do đó, Deus ex Machina chỉ nên là “quân tốt” cuối cùng khi sáng tạo nghệ thuật.

Nhà phê bình Philip Freeman từng phát biểu thế này: trùng hợp ngẫu nhiên để khiến nhân vật gặp rắc rối thì tốt, còn trùng hợp ngẫu nhiên để gỡ rối thì là lừa gạt. Deus ex Machina là một tác nhân không tự nhiên nên biên kịch thường có xu hướng tổ lái, bóp méo tính “thật” của câu chuyện, khiến ta chưng hửng vì cái kết cụt lủn. Lúc ấy, ta tự hỏi biên kịch đã làm gì kì quặc đến vậy khi đưa ta vào vòng xoáy khóc thương cạn nước mắt cho nhân vật đã chết nhưng cuối cùng lại sống dậy như chưa từng bị làm sao.

Có người nói, chúng ta đam mê cái kết có hậu, nên xu thế của “vị thần đến từ cỗ máy” là hợp lý. Trong “Thuật hùng biện”, Aristotle phản bác quan điểm này bằng n

guyên tắc lý luận và cảm xúc, chỉ trích sự hời hợt, khiến người xem khó lòng mỉm cười mãn nguyện bởi hành trình đến với cái kết quá dễ dàng. Biên kịch đã không kiểm soát được các “âm mưu” của mình, để chúng đi vào bế tắc và buộc phải giải tỏa bằng... thần linh. Một biên kịch tài năng không chuộng sự đơn giản, mà tìm cách khắc hoạ ý nghĩa của sự đấu tranh, muốn thấy nhân vật tự lực cánh sinh, bởi kết quả đạt được bằng sự cố gắng luôn đem lại sự thỏa mãn và có giá trị hơn rất nhiều.

7.jpg -0
Biên kịch giỏi, dẫn dắt khán giả qua hai cửa khác biệt để thanh tẩy cảm xúc, từ mong đợi cho đến giải tỏa những xung đột tồn tại trong vô thức.

Chơi đùa với những con chữ

Không phải lúc nào tư tưởng của Aristotle cũng được chào đón, khi Thi pháp nhấn mạnh nhân vật chỉ là “kẻ bám đuôi” cốt truyện. Vài tên tuổi phê bình nghệ thuật khẳng định ông sai hoàn toàn, số khác hoài nghi hậu thế hiểu sai ý ông. Philip Freeman giả định: với Aristotle, nhân vật, dù chính hay phụ, đều phải “phục tùng” cốt truyện, chứ không có chiều ngược lại. Dẫn chứng thuyết phục về phim “Casablanca” (1942), “Nghi phạm vô hình” (1995), “Thelma và Louise” (1991), hay “Chiến binh báo đen” (2018) với dàn diễn viên ấn tượng, nhưng điều khiến khán giả lưu tâm lại là cốt truyện. Có lẽ Aristotle cũng đã đề cập đến những thời điểm nhân vật vượt lên cốt truyện, nhưng chúng ta không bao giờ biết chắc điều này vì nửa sau của Thi pháp vẫn chưa được tìm thấy.

Giới biên kịch truyền tai nhau tư tưởng trụ cột của Aristotle: kịch bản là sự sáng tạo nên hạn chế kể lể kiểu chuyện đêm muộn. Tự sự là giải pháp cuối cùng nếu chúng ta không thể nghĩ ra hướng nào sáng tạo hơn, như chính kịch “Lời sấm truyền” (1979), hay chút bi kịch đến từ “Vào đời” (2001), tất nhiên vẫn lôi cuốn người xem với nhiều tầng ý nghĩa. Chỉ có điều, thực sự không dễ để “thẩm thấu” ý tưởng phía sau câu chuyện tự sự, trừ phi chúng ta sở hữu đôi tai tinh tế, đôi mắt quan sát tỉ mẩn cùng một trí não nhạy bén để gạt bỏ mấy chi tiết rườm rà mà nhìn thẳng vào bản chất hành động của nhân vật.

Kể chuyện trên phim là nghệ thuật tương tác sử dụng từ ngữ và hành động nhằm biểu lộ các chi tiết, hình ảnh của một câu chuyện. Trí tưởng tượng phát huy tác dụng, thậm chí Aristotle còn khuyến khích đừng ngần ngại cầm viết lên, họa lên tấm giấy cói những gì yêu thích để truyền đến người xem một bộ phim đậm chất cuộc sống nhất, mà ở đó linh hồn của người viết kịch bản được hiện thực hoá ở mỗi tuyến nhân vật. Thành công của biên kịch là thổi hồn tự nhiên vào nhân vật, hiểu thấu mỗi dòng cảm xúc. Như thể, họ thấu cảm với nỗi đau của chàng trai mất đi người yêu trong một cảnh phim, bằng chính trải nghiệm thực tế, hoặc bằng ám ảnh của tưởng tượng.

8.jpg -0
Deus ex Machina chỉ nên là “quân tốt” cuối cùng khi sáng tạo nghệ thuật.

Philip Freeman từng nói, chơi đùa với chữ kỳ thực là kẻ rất tài năng, hoặc vô cùng kì quặc. Nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer xứng đáng được ngợi khen vì những tác phẩm của mình, với cung cách thể hiện tựa xu hướng biên kịch hiện đại: biết mình biết người xem, không tự dưng đưa quan điểm cá nhân khiến mạch truyện bị rối rắm. Biên kịch, hay người dẫn dắt câu chuyện, cần kiệm lời, bởi vì họ giống như những người ở sau sân khấu hỗ trợ cho nhân vật chính bước lên bục và thể hiện ra ngoài những mong muốn ẩn giấu trong câu thoại.

Giới biên kịch thường loay hoay với câu hỏi: phim nên dài bao lâu? Aristotle dạy rằng, xem một thước phim từ từ hé lộ diễn biến tựa cách chúng ta quan sát một loài động vật. Càng chăm chú, càng tập trung thì dễ cảm nhận mọi thay đổi trong hành vi hay cảm xúc. Chúng ta không thể theo mãi một con cá voi khổng lồ ngoài biển sâu, lại càng thấy nản nếu phải căng mắt để nhìn vài chú giáp xác bé nhỏ lẩn mình trong cát. Vừa đủ là điều vị triết gia yêu thích, trong lúc chuyển cảnh, hay biến chuyển cảm xúc, phục vụ mục đích quan trọng nhất là làm nổi bật cốt truyện. Người Hy Lạp cổ đại coi cốt truyện là sân khấu lớn, xung quanh đặt vừa đủ đạo cụ để người xem hiểu mình đang ở tình tiết nào.

Aristotle không kiên nhẫn để đọc những gì phi lý, lại càng phê phán bất cứ tay viết nào sẵn sàng để yếu tố phi lý lấn át cốt truyện, cho dù có thể dẫn dắt tình tiết đi theo hướng khác hợp lý hơn. Tư tưởng “câu view” khiến tác phẩm trở nên mất giá trị, và rằng, như trong Thuật hùng biện đã giải thích, lý trí được xem như một chức năng của nghệ thuật, khơi gợi năng lực suy tưởng bên trong mỗi người để họ bị thuyết phục về toàn bộ câu chuyện đang theo dõi. “Trò chơi vương quyền” chẳng hạn, kết thúc với sự ra đi “ngoài tưởng tượng” của Daenerys Targaryen (do Emilia Clarke thủ vai) khiến người hâm mộ tác phẩm phẫn nộ vì biên kịch đã biến cô thành kẻ phản diện trong phần phimcuối cùng.

Dễ thấy, Aristotle khá chuộng bi kịch. Vì ông muốn nhắn tới hậu thế: người sao, ta vậy để ăn miếng trả miếng, gợi lên những xúc cảm đa dạng từ hoan hỉ đến phẫn nộ nếu cốt truyện thành công. Rồi có khi Aristotle lại muốn chúng ta trở thành tác giả chính kịch nhờ lối khai phá cảm xúc tiếc nuối xen lẫn lo sợ, kiểu đồng cảm với nhân vật anh nhà nghèo ấy, trước khi hoang mang về chính mình rằng chẳng lẽ có ngày mình cũng sẽ nghèo như thế hay sao. Biên kịch giỏi, dẫn dắt khán giả qua hai cửa khác biệt để thanh tẩy cảm xúc: lối vào mong đợi, hào hứng, còn lối ra thỏa mãn, giải tỏa những xung đột tồn tại trong vô thức. Đó mới chính là sức mạnh thực sự trong nghệ thuật kể chuyện mà chúng ta vẫn luôn tìm kiếm bấy lâu nay... 

Việt Dũng
.
.