Những thây ma bước vào triết học: Một ý tưởng khác thường

Thứ Năm, 28/04/2022, 11:10

400 năm qua, từ thời của “cha đẻ khoa học hiện đại” Galileo Galilei, chúng ta đã tiến những bước rất dài khai phá bản chất của vũ trụ. Từng mớ hỗn độn được chia nhỏ để vật lý giải thích cặn kẽ mỗi hiện tượng theo tư duy logic nhất có thể. Thế nhưng, sẽ luôn còn một điểm kì dị mà vật lý chưa thể mở khoá: ý thức loài người.

Vật lý thôi là chưa đủ

Trong cuốn “Cho đến tận cùng của thời gian”, nhà vật lý học Brian Greene tin vào thuyết thực hữu, cho rằng vạn vật tồn tại không vượt ra ngoài các tính chất vật lý của nó. Khoa học thần kinh cũng đi theo lối truyền thống như thế, tìm kiếm mọi bằng chứng hữu hình để khẳng định tất cả đều chịu sự chi phối của một số quy luật tự nhiên. Francis Crick và Christof Koch nổi tiếng với phát hiện về liên kết neuron quyết định hoạt động của não bộ, cùng ý thức ở động vật bậc cao như con người. Chúng ta nhờ vậy mà tin rằng ý thức chính là sản phẩm có một không hai của não.

Vậy nhưng, chúng ta vẫn loay hoay đi tìm một định nghĩa chung cho ý thức. Phải chăng đó là nhận thức, hay đơn giản hơn là trải nghiệm quyết định ý thức? Ta ngắm trái táo đỏ rực trên bàn, xung điện bùng cháy trên hàng triệu neuron ra tín hiệu cho não để thu hình ảnh lại ở võng mạc. Đó là vật lý hữu hình, còn “cảm giác” vô hình về màu đỏ, kèm theo cả tá hình dung liên quan đến màu đỏ từ đâu mà tới? Cũng giống như khi ta phóng trí tưởng tượng đến một viễn cảnh mà tâm trí không ảnh hưởng chút nào đến thể xác, rồi tự hỏi làm sao tâm trí có thể kiểm soát xác thịt khi nó không có cơ bắp, hay thậm chí còn không cầm nắm được?

Những nỗ lực của con người dành cho việc khám phá bí mật của tâm trí gần như là vô giới hạn, bởi lẽ tưởng chừng một tranh luận kết thúc thì mỗi thập kỷ mới lại mang đến một lý thuyết khác. Lần này là ý niệm về zombie - hình ảnh thây ma rên rỉ chỉ có trên những bộ phim kinh dị. Vật lý coi zombie đơn thuần là xác chết, còn triết gia David Chalmers lại nghĩ đến triết học zombie thông qua những thí nghiệm tưởng tưởng, hướng một từ đáng sợ theo nghĩa bóng để chỉ người mất hết cả nhận thức nhưng vẫn có thể đi lại hay phản ứng với kích thích xung quanh.

Những thây ma bước vào triết học: Một ý tưởng khác thường -0
Tư duy zombie (xác sống) cho phép chúng ta nghĩ về khả năng ý thức đến từ một thứ phi vật chất đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên.

Tư duy thây ma chính là cách ông đang cố gắng cho thấy vì sao cơ chế vật lý là chưa đủ, đồng thời vì sao bí ẩn về ý thức lại cần đào sâu hơn những gì khoa học vật chất có thể lý giải. Trong “Tâm trí và ý thức”, David Chalmers khơi dậy ý niệm về một bản sao zombie, giống chúng ta ở mọi khía cạnh, cũng chuyện trò, ăn ngủ hay biểu lộ cảm xúc hệt chúng ta. Chỉ có một điểm khác biệt là bản sao này không có ý thức. Đương nhiên một thứ giống hệt con người như thế đến giờ vẫn chưa được phát hiện. Đại ý ở đây là, theo lý thuyết, có thể thây ma zombie đó tồn tại thực sự đâu đó quanh đây. Tiến hóa có thể sản sinh ra những sinh vật giống con người đến từng phân tử, làm mọi điều như con người, trừ việc không có ý thức bên trong.

Giới khoa học thực hữu biện luận tất cả vật chất đều chuyển động tạo nên sự sống theo các quy luật vật lý, từ đó cấu thành thế giới bao gồm bộ não, trái tim và tâm trí. Trái lại, nhiều người ủng hộ triết học zombie kiểu David Chalmers nhấn mạnh ý thức chỉ có thể cảm nhận được ở ngôi thứ nhất, trong khi khoa học thần kinh chủ yếu tiếp cận theo ngôi thứ ba. Xem ra lượng người phản đối thuyết thực hữu, hay học thuyết quy giản, có lý của họ. Những cách tiếp cận theo ngôi thứ ba là không triệt để và làm sao nhìn nhận từ ngôi thứ ba có thể xác tín cho những thông tin mà vốn chỉ có thể nhận biết được ở vị trí ngôi thứ nhất.

Với “Sai lầm của Galileo”, triết gia Philp Goff nhấn mạnh vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta tưởng tượng cái gì, bởi lẽ chúng ta có thể hình dung về mọi thứ, ngay cả điều không thể. Triết học zombie hướng đến lời giải cho câu hỏi, mà vật lý hiện đại vẫn im lặng, rằng ý thức từ đâu ra, và tại làm sao chúng ta nhìn được, suy nghĩ, cảm nhận, tương tác và theo đuổi các khuynh hướng cao hơn như nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Ý thức, Philp Goff kết luận, không thể chỉ được tạo ra bởi những phân tử vật lý bình thường mà chắc chắn đến từ một thứ phi vật chất đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên.

Không phải ai cũng đón nhận

Những tranh luận về triết học zombie ngày càng gay gắt, làm mồi cho nhiều lời phỉ báng và giận dữ hơn phần lớn các chủ đề khác trong triết học hiện đại. Có lẽ bởi vì tính chất khó hiểu của vấn đề: người của cả hai phe không chỉ đơn giản là ủng hộ hay phản đối, mà còn thấy luận điểm của phía kia thực sự ngớ ngẩn. Khi David Chalmers cố phát triển ý tưởng, ông thừa nhận “không phải ai cũng đón nhận nó”. Thậm chí, giọng điệu đầy mỉa mai của hàng nghìn người công kích tư duy zombie theo kiểu: “hãy để dành những thây ma đó cho phim hạng B và cố gắng nghiêm túc hơn với những triết lý của chúng ta”.

Những thây ma bước vào triết học: Một ý tưởng khác thường -0
Triết học zombie đi tìm lời giải cho câu hỏi mà vật lý vẫn im lặng, rằng tại sao chúng ta có thể suy nghĩ và theo đuổi các khuynh hướng cao hơn như nghệ thuật hay tôn giáo.

Thí nghiệm tưởng tượng   zombie đem mọi phẩm chất của con người gắn lên một sự vật không tồn tại, hoặc chí ít chưa được chứng minh là có thực, rồi loại bỏ cái “cần” là ý thức để tìm nguồn gốc của chính cái “cần” ấy. Nghe có phần phi lý. Thực tế, vật lý đã giúp loài người rất nhiều trong hành trình khám phá 80 tỷ neuron thần kinh, chằng chịt kết nối để chi phối mọi hoạt động, phản ứng cùng độ nhạy bén của cơ thể. Chúng ta cần biết ơn khoa học vì điều này, thay vì tạo ra một thí nghiệm kì quặc chỉ nhằm giải thích một thứ mơ hồ nào đó ngoài kia.

Vấn đề nảy sinh từ ý niệm của sự thông hiểu. Tưởng tượng khác xa với thực tế. Giới toán học từng giả định có thể cầu phương hình tròn, dùng thước và compa dựng một hình vuông có diện tích bằng diện tích một hình tròn đã cho. Cho đến năm 1882, người ta thừa nhận biến tròn thành vuông không thể thực hiện được, khi ấy khoa học thắng thế triết học và sự tưởng tượng. Massimo Pigliucci, phản đối sự tồn tại của zombie, kết luận sự thông hiểu vốn dĩ đã bị hiểu nhầm, và đặt sai trong bối cảnh của những thây ma, tạo nên thứ logic mơ hồ khiến chúng ta lấn sâu vào ngõ cụt.

Việc chấp nhận một khái niệm “ảo” cũng không phải dễ dàng. Thực tế cho thấy, đứng trước một thứ gì đó, cư xử hệt loài người, tư duy thông thường của ta đi theo hướng “đã giống thì sẽ giống hết”, coi thứ đó chính là ta. Còn David Chalmers “ép” não bộ phải chấp nhận đó là một zombie - một tiền đề để phát triển tư duy thây ma giải thích sự tồn tại của ý thức. Thật vô nghĩa, như cách chúng ta được yêu cầu tự vẽ một con chim với dáng đi hay tiếng kêu giống con vịt, rồi tự huyễn hoặc bản thân đó là con vịt, nhưng kì thực lại không phải.

Triết học zombie có vẻ liên quan đến Xung lực trực giác - “thuốc giải độc” tốt nhất cho khuynh hướng châm biếm của đối thủ, đưa chúng ta đến những kết luận rất ấn tượng nhưng không nhất thiết là cuối cùng. Theo miêu tả của David Chalmers, zombie cư xử hệt người, ngoại trừ điểm khác nhau lớn nhất là chúng ta có kinh nghiệm từ ý thức còn lũ thây ma thì không. Suy ra, kinh nghiệm và ý thức chẳng có hệ quả nào đối với đời sống cả. Điều này trở thành điểm yếu để nhà nghiên cứu Dan Falk khai thác, với luận điểm: ý tưởng zombie vô nghĩa bởi tất cả kinh nghiệm có ý thức của loài người đều tác động lên hành vi. Dan Falk minh họa bằng cốc nước, khi ta với tay lấy nước tức là ý thức đã quyết định hành vi sau nhiều nếp nhăn trên não ra dấu “khát”. 

Dù còn không ít bất đồng, nhiều ý kiến tin triết học kiểu zombie là một hướng đi mới mẻ, hỗ trợ cho nghiên cứu vật lý về nguồn gốc thực sự của ý thức. Tư duy thây ma xác sống cho phép chúng ta nghĩ về thế giới động vật, những loài mà khái niệm ý thức còn rất mơ hồ, thậm chí mở ra triển vọng “cấy” suy nghĩ cùng cảm xúc cho máy móc trí tuệ nhân tạo của tương lai. Khi ấy, ý thức không đơn thuần là vật chất, mà là một hiện tượng dị thường, phức tạp. Để ý lúc còn là phôi thai, ý thức chưa tồn tại, nhưng khi thành người và ra đời, chúng ta lại biết suy nghĩ. Rõ ràng, ở đâu đó giữa hai trạng thái này, ý thức hình thành rồi được “bật lên”. Câu hỏi sau cùng là: Điều gì thực sự đã diễn ra?

Việt Dũng
.
.