Hãy cho tâm trí một cơ hội
Lần gần nhất bạn cho tâm trí mình một cơ hội là khi nào? Cơ hội để nó được nói tiếng của nó, với bạn. Cơ hội để trình diễn gương mặt của nó, trước bạn. Cơ hội để được bước trên một hành trình không vướng bận.
Tôi vẫn cho tâm trí cơ hội đấy chứ, luôn luôn thế - hẳn đấy là điều bạn nghĩ. Tâm trí của tôi được vui. Tâm trí của tôi được buồn. Tâm trí của tôi được mơ tưởng. Tâm trí của tôi được lang thang khắp nơi mọi chốn mà nó muốn. Bạn đang nghĩ đến những điều như vậy, phải không? Nhưng, sòng phẳng nghĩ lại xem, đấy đâu phải là tâm trí, đấy là bạn. Là chính bạn trong vỏ bọc của tâm trí. Bạn vui, bạn buồn, bạn mơ tưởng, đấy hoàn toàn là bạn. Bạn đồng nhất bạn với niềm vui. Bạn đồng nhất bạn với nỗi buồn. Bạn đồng nhất bạn với những mơ tưởng. Bạn chính là tâm trí. Và, tâm trí chính là bạn. Vậy thì bạn đang triệt tiêu cơ hội, chứ đâu phải là đang cho tâm trí một cơ hội sống đời sống của nó. Bạn đâu có ý thức rằng tâm trí phát sinh từ não bạn nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn thuộc về bạn. Bạn đâu có ý thức rằng, ở bên trong bạn luôn có một đối tượng khác, ngoài bạn. Bạn đâu có ý thức rằng, nếu được quan sát/lắng nghe/chia sẻ..., tâm trí có thể làm bạn bất ngờ.
Nhà huyền môn Osho nổi tiếng người Ấn Độ, trong một bài diễn thuyết từng kể một câu chuyện rất lạ về một vị vua có một không ai. Cũng chỉ là câu chuyện mà Osho “nghe thế, biết thế...”, chứ không “thấy thế”, nhưng lại gợi ra những suy ngẫm cực kỳ sâu sắc về chủ đề chúng ta đang bàn. Chuyện rằng, vị vua cho xây một tòa tháp kín mít, không cửa sổ, không lỗ hở và chỉ có một chiếc chìa khóa duy nhất mở cánh cửa vào tòa tháp đó, được ông giữ 24/24 giờ. Ngày nào cũng thế, sau khi xử lý những công việc triều chính căng thẳng, ông ta luồn vào tòa tháp đó vài giờ rồi mới thanh thản bước ra. Cả hoàng cung tò mò không hiểu ông ta đã làm gì trong đó. Khi sự tò mò bị đẩy tới mức “không thể nào chịu nổi” thì người ta đã âm thầm đục một lỗ nhỏ để có thể nhìn từ ngoài vào trong tòa tháp. Một lỗ rất nhỏ, vừa đủ nhìn, nhưng không đủ để phát giác. Khi nhà vua bước vào trong đó, từng người một thay nhau nhìn vào trong. Ai cũng thất thần kinh ngạc khi nhận ra ở trong ấy không còn là vị hoàng đế quyền uy, nghiêm cẩn bấy lâu của mình. Ở trong đấy là một gã đàn ông trần truồng, la hét điên loạn. “Bộ quần áo kia không phải là ta. Đây mới là ta. Ngôi vị kia không phải là ta. Đây mới là ta. Những sự tung hô chán ngắt kia cũng không thuộc về ta. Đây mới là ta. Đây là ta đích thực”.
Một bộ quần áo có làm nên chúng ta không? Có chứ! Ít nhất thì nó cũng phân biệt một người biết ăn mặc và một người không biết ăn mặc.
Một địa vị/một chức tước có làm nên chúng ta không? Có chứ! Ít nhất thì nó cũng khiến xã hội phân biệt được nhóm người quyền thế và nhóm người vô quyền thế.
Một sự ghi nhận/ngưỡng mộ/tung hô của dư luận có làm nên chúng ta không? Có chứ! Ít nhất thì nó cũng phân biệt được những người có tầm ảnh hưởng và những người không có tầm ảnh hưởng.
Muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận tất cả những điều đó có làm nên chúng ta, trong cái nhìn của người đời và trong cái nhìn của chính ta. Tất cả những điều đó, nếu được tạo dựng một cách chính đạo đều đáng quý. Nhưng, tất cả những thứ đó rồi sẽ dẫn ta đi tới đâu? Có thực sự giúp ta kiến tạo một nguồn hạnh phúc bền bỉ, như mạch nước ngầm bền bỉ chảy trong lòng đất hay không? Người bảo có, người bảo không, ai cũng đều có lý. Nhưng, suy cho cùng, muốn biết một cách chính xác nhất, chẳng có cách nào khác là phải lắng nghe tâm trí của chính mình. Như cái cách ông vua kia đã cởi bỏ tất cả để lắng nghe con người trần trụi của ông. Ngày nào ông cũng phải chui vào tòa bảo tháp, cởi bỏ tất cả lớp áo hình thức mà vương triều và chính tay ông đã khoác lên ông, để lắng nghe tâm trí ở bên trong. Mỗi ngày, ông đều cho tâm trí của mình một cơ hội được lên tiếng. Lắng nghe nó, hiểu tất cả những gì đang diễn ra bên trong nó là phương thức quan trọng giúp ông duy trì trạng thái cân bằng khi trở về cuộc sống thế tục quyền uy.
Chúng ta không phải ông vua ấy. Nhưng, chúng ta cũng có đầy đủ những va đập thế tục/những ham muốn thế tục/những giá trị thế tục quanh mình. Ai cũng thế, không sao tránh nổi. Nhưng, khác với ông vua, chúng ta cứ triền miên đi trên con đường thế tục, mà không chịu quay vào bên trong để cho tâm trí mình một cơ hội cất lên tiếng nói. Khi ai đó cho ta một món quà giá trị, lòng ta mênh mang vui sướng. Ta đồng nhất ta với niềm vui sướng. Lúc đó, nếu phân tách mình khỏi niềm vui, để quan sát, lắng nghe niềm vui, cho niềm vui một cơ hội được nói, được cười, được trình diễn trên sân khấu của tim và não, có thể ta sẽ nghe thấy những điều rất khác. Có thể, ta sẽ nghe thấy một tiếng nói bên trong rằng: Niềm vui có đáng được đẩy cao tới mức mênh mang như vậy hay không? Niềm vui có thật sự ở lại mãi mãi với ta không? Ẩn sau gương mặt niềm vui liệu có một hạt mầm đau khổ được giấu kín nào không? Tâm trí luôn có nhiều giọng điệu hơn ta tưởng. Vậy mà, mới chỉ “bắt” được một tông nào đó là ta đã vội phóng to nó lên, đồng nhất nó với mình và tưởng nó là mình. Ta có chịu quan sát/lắng nghe nó đâu mà thấy được những tông giọng khác.
Không những không cho nó cơ hội được lên tiếng, ta thường có xu thế phán xét nó. Thật đấy, ta phán xét tâm chí của chính ta. Thấy một mảnh tâm trí cáu giận, ta phán xét ngay: Cáu giận là không tốt. Thấy một mảnh tâm trí đố kị, ta phán xét ngay: Đố kị là nguy hiểm. Thấy một mảnh tâm trí đau khổ, ta cũng bảo: Đau khổ sẽ hủy hoại đời ta. Có những lúc ta phán xét nhẹ nhàng, có những lúc ta phán xén đến chua cay/nghiệt ngã. Và, ta gọi đấy là một sự nghiêm khắc với bản thân. Thật ra, tất cả những trạng thái ý thức mà ta gán cho tâm trí như vậy đều không sai. Nhưng, hãy tự hỏi, đẩy nó tới mức độ phán xét, rồi ta sẽ giải quyết được gì? Phán xét có khiến cơn giận tan biến đi, nỗi buồn tan biến đi và cả sự đố kỵ cũng tan biến đi không? Thông thường, sau thái độ phán xét sẽ là một nỗ lực trấn áp. Ta nghĩ rằng mình có thể trấn áp được cơn giận, đè nén được nỗi buồn, chặt đứt được lòng đố kỵ. Nhưng, trong rất nhiều trường hợp ta dẹp được nó ở vùng ý thức thì nó lại chui vào vô thức. Nó cứ lởn vởn ở trong vô thức như những vị khách không mời mà đến. Mà bản thân cõi vô thức đã là kẻ cắp giấu mặt trong ngôi nhà tâm trí của ta.
Khi kẻ giấu mặt bất ngờ lộ mặt, vị khách không mời bất ngờ hiện ra thì ta bỗng thấy trong ta vẫn còn nguyên những điều mà ta tưởng là mình đã triệt tiêu. Vẫn còn nguyên cơn giận. Vẫn còn nguyên nỗi buồn. Vẫn còn nguyên lòng đố kị. Do vậy, sau khi cho tâm trí một cơ hội để lên tiếng, công việc tiếp theo không phải là phán xét và trấn áp tâm trí, mà là hãy nuôi dưỡng và xâm lấn những vùng tâm trí tiêu cực bằng những vùng tâm trí tích cực. Khi ta không ngừng nuôi dưỡng một lòng từ bi/một tình yêu thương thì chúng ta sẽ dần lớn lên, từng chút một và chính những vùng năng lượng ấy, tự nó sẽ xâm lấn những vùng năng lượng được tạo ra bởi giận dữ và lòng đố kỵ. Khi chúng ta không ngừng hướng thiện và tin rằng năng lượng thiện lành của mình có thể lan tỏa, giúp đỡ nhiều người khác thì vũ trụ cũng đáp trả ta những năng lượng thiện lành. Cứ như thế, chà đi xát lại, những vùng năng lượng sáng sẽ không ngừng được mở rộng trong ta, những vùng năng lượng tối sẽ không ngừng thu lại.
“Hãy cho tôi một cơ hội” - có thể tâm trí bạn đang nói câu nói ấy. Nhưng, bạn ồn ĩ quá, bạn hướng lòng ra bên ngoài nhiều quá, nên bạn không nghe thấy. Hãy lắng lòng lại để nghe và hãy thử một lần cho tâm trí cơ hội được nói chuyện/được chia sẻ/được cầu cứu mình. Bịt kín những cơ hội giãi bày của tâm trí cũng chính là bịt kín một năng lực tỉnh thức tối cần thiết luôn ẩn nấp ở trong ta. Không cần một căn phòng bí mật như vị hoàng đế trong câu chuyện Osho từng kể, cứ dịu lòng lắng nghe thôi.
Muốn nghe là sẽ thấy!