Vùng xanh tâm trí

Chủ Nhật, 26/09/2021, 11:45

Trong nhóm chat zalo của cư dân nơi tôi sống vừa xảy ra một cuộc tranh cãi nảy lửa. Chuyện bắt đầu từ việc một cư dân tên A thường xuyên để shipper lên tận cửa phòng. Cư dân tên B phản ứng dữ dội trên nhóm chat. Rằng cư dân A vi phạm nội quy phòng chống dịch của tòa nhà khi cho shipper lên tận phòng. Nguy cơ rất cao. Đề nghị ban quản lý nghiêm trị.

Đầu tiên, nhiều cư dân khác cũng lên tiếng phản ứng. Bản thân tôi cũng đã gõ một đoạn ý kiến và định gửi đi nhưng rồi tôi dừng lại khi đọc trả lời của cư dân A. Theo đó, chị đang làm chủ một bếp ăn 0 đồng. Việc cho shipper lên tận cửa phòng vì quá nhiều thực phẩm, mình chị không thể mang lên được. Bếp ăn 0 đồng của chị đang phục vụ cho hàng trăm người nghèo, người yếu thế, lang thang cơ nhỡ. Chị nhấn mạnh rằng mình đang làm từ thiện.

photo-1-16274600117351772351006-1627460083942-16274600847121736478363.jpg -0
Mua hàng trên ứng dụng Zalo.

Tưởng như vậy là xong, mọi người sẽ dừng lại cuộc tranh luận. Nhưng không, cuộc tranh luận càng bùng lên khi mà cư dân tên B cho rằng như vậy thì càng nguy hiểm. Cư dân B đang nuôi con nhỏ. Con của chị phổi rất kém. Chị lo lắng vô cùng nếu như con chị hoặc chị trở thành F0. Mà việc cư dân A thường xuyên ra vào khu cách ly, vùng phong tỏa, nguy cơ nhiễm cũng rất cao. Cho dẫu cư dân A khẳng định mình đã tiêm 2 mũi vaccine và liên tục xét nghiệm 3 ngày một lần. Cuộc tranh luận ngày một gay gắt hơn và chia khu chung cư của chúng tôi thành hai phe.

Câu chuyện những người làm thiện nguyện bị người dân sống gần đó kỳ thị, phản ứng dữ dội không phải chỉ xảy ra trong khu chung cư chúng tôi sống, mà nó xảy ra ở nhiều nơi. Như ca sĩ Thái Thùy Linh, một người bạn của tôi, cũng vừa bức xúc lên tiếng trên trang của cô ấy. Rằng sau chuyến đi vào Sài Gòn của cô, ngày cô trở về Hà Nội, nhiều người đã nói những lời đau lòng về cô. Họ sợ cô mang virus về Quốc Oai nơi cô đang sống. Hay như một tâm sự của nữ sinh viên trường Y sau khi chiến đấu tại Bắc Giang trở về nhà và bị hàng xóm xa lánh, sợ hãi. COVID đã gần 2 tuổi đời nhưng nỗi sợ và kỳ thị vẫn còn ở khắp nơi, như thể nó mới xuất hiện vậy. Nỗi sợ hãi COVID khiến nhiều người bật chế độ phòng vệ cực đoan.

Những ngày này, khi con số ca nhiễm vượt mốc 400.000, con số ca tử vong cũng đã vượt mốc 10.000 ca thì nỗi sợ càng tăng lên. Nỗi sợ khiến nhiều người điên cuồng tích trữ lương thực, vơ vét hết cả những thứ chưa chắc mình đã cần. Dù họ không phải sống ở Sài Gòn hay những địa phương đang giãn cách. Tích cốc phòng cơ cả đến những thứ thuốc điều trị COVID không rõ nguồn gốc. Cứ nghe quảng cáo thuốc nào trị được COVID hoặc giúp người mua tránh được COVID là họ mua ngay. Điều đó khiến cho việc lừa đảo bán thuốc gia tăng mạnh mẽ trong những ngày này. Ngay trên tivi, phỏng vấn người dân, có nhiều người đã trả lời rằng: Không biết công dụng nó có giống như quảng cáo không nhưng tôi vẫn mua cho yên tâm.

covid-19-gay-hoang-so-va-lo-lang-1628440624347130966888.jpg -0
Dịch bệnh COVID-19 khiến tâm lý nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề.

Tôi còn thấy một hiện tượng tâm lý khá phổ biến nữa trong những người mang nỗi sợ hãi này. Đó là việc trên trang cá nhân của họ là dằng dặc những chia sẻ về toàn những điều tiêu cực, gây phẫn nộ. Giống như cái cách tụi trẻ con khi sợ phải la toáng lên vậy. Những người sợ hãi chia sẻ tất cả những gì họ đọc, họ thấy mà giống như họ nghĩ, họ sợ. Biến trang cá nhân của họ thành một tập hợp của những thứ đáng sợ, tiêu cực và dễ gây phẫn nộ. Họ lao vào bình luận dưới mỗi bài báo hay dưới mỗi chia sẻ tích cực những lời phàn nàn, nghi ngờ hoặc thậm chí, phản ứng ngược lại với những điều tích cực họ đọc được. Họ trở nên cáu kỉnh nhiều hơn. Nặng hơn nữa, họ tấn công những tin tích cực bằng suy luận tiêu cực.

Nỗi bất an, lo sợ trong tâm trí của những người này ngày càng nhiều trên mạng xã hội khi thời gian giãn cách bị kéo dài liên tục. Nếu như theo cách chúng ta vẫn chia vùng cam - vùng đỏ - vùng vàng và vùng xanh thì tâm trí của những người này đang ở vùng đỏ. Và họ sẽ có nguy cơ trở thành vùng cam nếu như không được quan tâm. Khi mà rối loạn ám ảnh nỗi sợ có thể khiến họ tự làm tổn thương thể xác người khác hoặc chính bản thân mình. Diễn tiến của sự trầm cảm nặng nề.

Trở lại câu chuyện trong nhóm chat cư dân của tôi. Cuộc tranh luận đã kết thúc khi chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều hơn những thông tin khoa học, có cơ sở khoa học hơn. Cùng với đó, ban quản lý cũng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt hơn trong việc di chuyển của cư dân trong tòa nhà. Như yêu cầu đi thang máy không quá 2 người. Đề nghị cư dân không bám vào tay vịn hoặc khử khuẩn ngay khi trong thang máy luôn có bình xịt khử khuẩn, đội ngũ phục vụ tòa nhà liên tục khử khuẩn các khu vực chung. Không cho người lạ vào tòa nhà bằng việc cắt hỗ trợ mở cửa tự động từ bảng điều khiển camera trong nhà. Không nhận xe của khách vãng lai vào hầm, chỉ khi có thẻ cư dân mới được vào. Tổ chống dịch gia tăng kiểm soát hàng hóa khi mang vào và dành riêng thang hàng cho những trường hợp vận chuyển đặc biệt. Quy định rõ ràng hơn, nghiêm mật hơn với mong muốn bảo vệ vùng xanh của tòa nhà.

Tôi nghĩ đến vùng xanh trong tâm trí qua câu chuyện này. Làm sao để dịch chuyển tâm trí của mình từ vùng đỏ sang vùng xanh? Làm sao để chúng ta tạo ra một vùng xanh trong tâm trí và bảo vệ nó khi mà dịch chưa biết đến khi nào kết thúc? Đặc biệt là với chính những người dân đang sống trong vùng đỏ, vùng vàng, nơi mà F0 là những hàng xóm rất gần mình.

Để chuyển tâm trí từ vùng đỏ sang vùng xanh rất cần một vùng vàng. Nơi chúng ta gọi là Vùng Nhận Thức. Đa phần nỗi sợ bắt nguồn từ việc nhận thức của chúng ta về COVID đang thiếu thốn, sai lệch hoặc bị cuốn vào những thông tin tiêu cực. Nhiều kẻ lợi dụng nỗi sợ hãi, thúc đẩy nỗi sợ hãi của mọi người bằng những tin giả, tin tiêu cực để trục lợi. Họ dùng sự nguy hiểm của biến chủng Delta thành những câu chuyện kinh dị như một người khỏe mạnh tập gym mỗi ngày nhưng vẫn bị hạ gục. Tất nhiên, kèm theo đó là sản phẩm xịt họng này, thuốc bổ phế nọ, thuốc điều trị kia mà thần diệu vô cùng. Hãy bắt đầu bằng việc tránh xa những tin tức dạng đó. Xác nhận tính trung thực, chính danh của mỗi thông tin chúng ta đọc được. Ngưng chia sẻ những thứ tiêu cực vì nó không giúp ích gì cho chúng ta chế ngự nỗi sợ của bản thân. Chấp nhận thực tế về sự nguy hiểm của dịch bệnh để bảo vệ bản thân đúng cách. Từ bỏ việc cố gắng kiểm soát những thứ ta không thể kiểm soát. Từ bỏ việc đổ lỗi cho người khác và cả việc đổ lỗi cho bản thân mình. Từ bỏ than vãn, phàn nàn hay chỉ trích. Hãy nhìn vào sự nỗ lực của mọi người.

Để tạo ra một vùng xanh trong tâm trí của chính mình, tôi chọn cách nói lời cảm ơn nhiều hơn mỗi ngày. Khoa học đã chứng minh khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn nhiều hơn, tâm trí ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn. Nó là sự thay đổi của hoóc môn. Việc chúng ta nói nhiều hơn những lời cảm ơn sẽ giúp tâm trí chúng ta được dẫn dắt đến những thứ tích cực. Chúng ta dành thời gian để làm giàu kiến thức của mình mỗi ngày. Đọc sách - xem phim - “ngâm cứu” một điều gì đó mới mẻ như một món ăn mới, một bài tập thể dục mới, một môn, một món mới. Chúng ta chạm vào thiên nhiên nhiều nhất có thể. Vì không được ra khỏi nhà, hãy mở cửa sổ nhiều hơn, đừng nhốt mình trong phòng điều hòa nữa. Nhìn bầu trời nhiều hơn. Có thêm mảng xanh thiên nhiên nào thì tốt thêm chút đó. Chúng ta xem bản thân mình như một người phục vụ cộng đồng. Tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng. Khi chúng ta giúp đỡ một ai đó, bản thân chúng ta sẽ thấy mình trở nên có ý nghĩa hơn, giá trị hơn. Chấp nhận rằng chúng ta đang phải sống trong một hoàn cảnh bệnh dịch hoành hành nhưng không có nghĩa là chúng ta bị hoàn cảnh đó dẫn dắt, chi phối và điều khiển, kiểm soát tâm trí của chúng ta. Bạn không cần phải chiến thắng nghịch cảnh. Bạn chỉ cần kiểm soát được tâm trí của mình để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Chiến thắng đôi khi không phải là đánh bại một ai đó. Chiến thắng chỉ đơn giản là tốt lên hơn hôm qua.

Một vùng xanh cho tâm trí là thứ chúng ta cần. Khi bạn có một vùng xanh trong tâm trí, bạn cũng có thể cứu giúp được chính những người thân quanh mình - những người tâm trí đang ở vùng đỏ. Bởi sự tích cực của bạn sẽ đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực của những người xung quanh. Và cùng nhau đợi liều vaccine tốt nhất, liều vaccine mà chúng ta sẽ được tiêm.

Hoàng Anh Tú
.
.