Dưỡng liêm chống tham trong lịch sử

Thứ Sáu, 26/05/2023, 14:31

Ở nước nào cũng vậy, tham nhũng xảy ra khi các quan chức vừa tham lam, vừa lợi dụng được kẽ hở pháp luật để tư lợi. Cho nên, bên cạnh việc xây dựng và thực thi pháp luật chặt chẽ, thì việc đảm bảo thu nhập cho quan chức cũng là biện pháp thường được áp dụng để phòng, chống tham nhũng.

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, chính sách cấp “bổng dưỡng liêm” được ban hành nhằm mục đích này. Theo nghiên cứu của nhà bác học Phan Huy Chú, viết trong tập “Quan chức chí” thuộc bộ bách khoa thư “Lịch triều hiến chương loại chí”, thì thời Lý về trước, các quan trong triều đình không được cấp lương bổng. Tuy nhiên, họ sống nhờ “ơn vua”, khi quan trong triều thì “bất thần” được vua ban thưởng cho, còn quan ở ngoài (trị nhậm các phủ, lộ, huyện) thì được giao cho một khu vực hành chính (xã, làng hay thôn) để đặt người thuộc viên thu thuế, từ thuế ruộng đất, hồ ao đến thuế dân cày, dân đánh cá, trồng dâu... mà làm của riêng của mình.

vua minh mang.jpeg -0
Chân dung Vua Minh Mạng qua một bức họa.

Chỉ từ năm Long Chương Thiên Tự thứ 2 (1067), đời Lý Thánh Tông, triều đình mới bắt đầu đặt ra “bổng dưỡng liêm” để cấp cho các quan chức trông coi việc hình pháp, xét xử, giam giữ... nhằm nuôi dưỡng đức tính liêm khiết, trong sạch của quan lại trong bộ máy tư pháp, ngăn chặn nạn hối lộ trong hoạt động chấp pháp. 

Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng vào năm đó, Vua Lý Thánh Tông “Cho viên ngoại lang là Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thế Tư làm Đô hộ phủ sĩ sư (chức quan coi việc hình pháp ở đô hộ phủ, tức đơn vị hành chính cấp châu, tương đương với cấp tỉnh ngày nay), đổi 10 người thư gia (thư lại) làm án ngục lại (viên chức giúp xét hỏi về công việc hình án). Cho Trọng Hòa và Thế Tư mỗi người bổng hằng năm là 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá muối; ngục lại mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa để nuôi đức liêm khiết của họ”.

Phan Huy Chú nhấn mạnh vào hai ý mà chính sử ghi lại, thứ nhất là chế độ này chỉ dành riêng cho quan lại coi việc hình ngục và thứ hai, ý nghĩa của chính sách là “để nuôi đức liêm của họ”. Tuy nhiên, ông thắc mắc: “Nhưng người coi hình ngục nên nuôi đức liêm, mà người trị dân (chỉ các quan cai trị các địa phương) lại không nên nuôi đức liêm hay sao? “Kinh Thư” có câu “Người làm quan có đầy đủ thì mới bắt làm điều thiện được”, bởi triều đình có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân được. Phàm người thấy vật đáng thích mà lòng không thích, như Dương Chấn (quan đời Hán ở Trung Quốc) từ chối vàng, như Ôn Tẩu (quan đời Tống) từ chối tiền, thì có được mấy người?”. Cuối cùng, học giả họ Phan nhận xét: “Nếu không định bổng lộc thì tệ sinh ra không thể nói xiết được. Lời xưa nói: “Bớt quan thì dân yên”. Việc trị nước thì nuôi dân là trước hết. Bớt quan lại, định bổng lộc, đó chính là việc đầu tiên để nuôi dân”.

Khoản tiền “dưỡng liêm” Vua Lý Thánh Tông cấp có lớn không? Tác giả Lê Văn Siêu, trong cuốn "Việt Nam văn minh sử", dẫn căn cứ từ sách “Lĩnh ngoại đại đáp” đã so sánh rằng, những viên quan của nhà Lý đi sứ nhà Tống năm 1156 được hưởng 10 đồng/ngày để tiêu ở nước ngoài (ngoài ra còn được cấp gạo); trong khi quan Đô hộ phủ sĩ sư được hưởng 50 quan/năm, tức là được hơn 80 đồng/ngày, còn quan ngục lại tính ra cũng được trên 30 đồng/ngày. Mức này là khá cao, đủ để các quan lại trong mảng hình luật không còn phải tìm cách bóp nặn các tội nhân để làm tiền.

quan lai trieu nguyen.jpeg -0
Quan lại triều Nguyễn.

Đầu triều Trần, đời Vua Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 (1236), triều đình cũng bắt đầu định lệ cấp bổng lộc cho các quan văn võ trong ngoài, chia tiền thuế ra, theo thứ lớp ban cấp. Bàn về điều này, tác giả Ngô Thì Sĩ ở cuối triều Lê mạt viết: “Đặt quan để làm việc, tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được”. Sau đó, ông khen ngợi: “Bàn về bổng lộc, thật là rõ ràng. Chính sự nhà Trần làm việc này là rất phải, thực rất đáng khen!”.

Tuy vậy, thời Trần, thu nhập của các quan cũng chỉ đủ sống. Như trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, dù được vua yêu quý cho làm Nội thư gia, sau giữ chức vụ Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung, rồi thăng Tả ty lang trung nhưng vốn là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua Trần Minh Tông biết vậy, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Ngay sáng hôm sau, khi Mạc Đĩnh Chi vào chầu, đã tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: "Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu", để khuyến khích sự liêm khiết và trung thực của ông.

Thời Lê, từ Vua Lê Thái Tổ, triều đình đã ban hành chế độ cấp ruộng cho các quan và từ thời Lê Nhân Tông có chế độ cấp bổng hằng năm cho quan văn võ theo thứ bậc khác nhau. Đến thời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 4 (1473), chế độ bổng lộc cho các quan trong ngoài được ban hành và đến năm thứ 8 (1477) được định lại.

Vua Lê Thánh Tông còn cấp thêm cho các quan "liêm lộc điền" (ruộng dưỡng liêm cho các quan), tức là cấp ruộng đất để tự làm cho đủ ăn, khỏi lấy tiền của dân, đồng thời bộ hình luật triều Lê là “Quốc triều hình luật” (còn được gọi là Luật Hồng Đức) quy định hình phạt rất nghiêm khắc với hành vi tham nhũng, hối lộ. Năm 1498, Vua Lê Hiến Tông đã ban lệnh "cấp tiền quý bổng liêm khiết" cho quan lại liêm chính như tiền thưởng thêm.

Vấn đề lương bổng và sự liêm khiết của quan lại cũng đã được triều Nguyễn nghiên cứu từ thời kỳ đầu tiên. Như năm Gia Long thứ 7 (1808), các quan Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành, Trương Tấn Bửu, Phạm Như Đằng, Đặng Trần Thường đã dâng sớ trình bày 5 điều, trong đó có điều là tăng lương cho quan lại để dưỡng liêm. Đọc sớ này, Vua Gia Long nói rằng: “Một khoản tăng lương, có chỗ bất tiện, vì lộc là máu của dân, triều đình dùng để đãi kẻ có tài năng, há nên khinh thường quá lạm. Trẫm thường xem các đời toàn thịnh trước kia đều định lộc có phép, đến sau suy kém mới bóc lột dân để cung cấp cho quan, bọn nhũng lạm rất nhiều, cuối cùng sinh ra biến loạn, lẽ nào lại lấy đó làm khuôn phép mà không phòng tệ lớn dần”. Sau đó, Vua Gia Long quyết định bỏ khoản tăng lương, còn các điều khác đều cho châm chước thi hành.

Tuy nhiên, sau đó, triều Nguyễn cũng quy định một khoản cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại, còn gọi là tiền dưỡng liêm. Lúc đầu khoản tiền này chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như tri phủ, tri huyện. Quy định này được ban hành vào năm Gia Long thứ 17 (1818). Sử nhà Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục” chép rằng mùa xuân năm đó, nhà vua sai định bổng hằng năm và áo mùa xuân cho các quan văn võ và lệ dưỡng liêm cho tri phủ, tri huyện.

Tờ chiếu của nhà vua viết: “Cho bổng lộc hậu là để khuyên kẻ sĩ. Lúc mới yên định, lệ lương bổng và lệ áo mùa xuân của quan viên thì tùy tiện chuẩn cấp, chưa kịp châm chước bàn định. Nay thiên hạ đã yên, phải nên chế định bổng lộc cho có định tắc. Đến như phủ huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm, để tỏ đặc cách”. 

Theo quy định này thì mức tiền dưỡng liêm cho từng hạng quan như sau: Quan chánh nhất phẩm, hằng năm tiền 600 quan, gạo 600 phương, đồ mặc mùa xuân 70 quan; tòng nhất phẩm, tiền gạo đều 360, đồ mặc mùa xuân 60 quan; chánh nhị phẩm, tiền gạo đều 300, đồ mặc mùa xuân 50 quan; tòng nhị phẩm, tiền gạo đều 150, đồ mặc mùa xuân 30 quan... cho đến hàng cửu phẩm.

Các quan được bổ từ năm Gia Long thứ 16 (1817) về trước, ai dự lệ có bổng và đồ mặc mùa xuân, theo lệ cũ được nhiều mà theo lệ mới được ít thì chi theo lệ cũ; theo lệ mới được nhiều mà theo lệ cũ được ít thì chi theo lệ mới; từ tháng Giêng năm đó trở về sau đều theo lệ mới. Ai có lỗi bị phạt thì chỉ phạt vào lương chính, tiền đồ mặc mùa xuân thì tha. Lệ dưỡng liêm của các phủ huyện thì chiểu theo bổng chính.

Sau này, dưới thời Vua Minh Mạng, đối tượng được hưởng khoản tiền dưỡng liêm này được mở rộng hơn, ngoài tri phủ, tri huyện thì các quan giữ chức tri châu, đồng tri phủ cũng được cấp loại tiền này, vì theo Vua Minh Mạng thì “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), triều Nguyễn lại thông qua quy định rằng: Từ năm đó, hễ vị quan nào được thăng thự (tức là quyền, chờ bổ nhiệm chính thức) phủ đồng tri, huyện thừa thì số tiền và gạo dưỡng liêm đều được chi cấp theo như lệ đối với người thực thụ. 

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Trương Minh Giảng làm trấn thủ ở thành Trấn Tây, xin bổ thêm quan lại sang để giúp việc. Vua Minh Mạng cho rằng ở thành ấy đương cần dùng văn thân, nên hãy y theo lời xin và còn gia ơn cấp cho các viên quan tạm quyền ấy mỗi tháng 10 quan tiền làm tiền dưỡng liêm.

Đến thời Vua Tự Đức, tiền dưỡng liêm còn được cấp cho các phái viên thu thuế quan. Chế độ tiền dưỡng liêm chỉ được áp dụng cho các quan lại các cấp ở địa phương, quan chức thuộc bộ máy trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này.

Tuy nhiên, từ thời Vua Minh Mạng thì tiền dưỡng liêm đã bắt đầu không còn phát huy tác dụng, khi sử sách ghi lại nhiều vụ tham nhũng bị phát giác và trừng trị thích đáng. 

Lê Tiên Long
.
.