Chống tham nhũng từ cơ quan chống… tham nhũng

Thứ Năm, 13/04/2023, 14:57

Ngày 30/3, Công an tỉnh Lai Châu cho biết đơn vị đã đồng loạt khởi tố 15 cán bộ, công chức một số sở, ban, ngành và các huyện về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, trong đó có 6 cán bộ là thành viên đoàn thanh tra. Quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đoàn thanh tra gồm 6 cán bộ đã nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng của các trưởng ban quản lý rừng nhằm bỏ qua lỗi vi phạm...

Nhưng, đây không phải lần đầu tiên cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam cán bộ thanh tra vì tham nhũng. Trước đó 1 ngày, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã khởi tố 5 cán bộ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước liên quan đến vụ Ngân hàng SCB. Trước đó ít ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng để điều tra hành vi nhận hối lộ...

Đó là những thông tin buồn không chỉ với ngành thanh tra mà còn cho cả 5 lực lượng chủ lực trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng theo Điều 7, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định: "Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án...”.

Việc các cơ quan điều tra khởi tố nhiều cán bộ thanh tra càng chứng minh một điều là nạn tiêu cực, tham nhũng vẫn đang tồn tại và len lỏi vào hầu như tất cả các các ngành, các cấp và dĩ nhiên, ngành thanh tra là một trong những lực lượng bị các đối tượng tội phạm kinh tế tập trung mua chuộc, khống chế, thao túng... “Vũ khí” của các loại tội phạm kinh tế thì chẳng có gì ngoài... tiền!

Chống tham nhũng từ cơ quan chống… tham nhũng -0
Thành viên đoàn thanh tra bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu khởi tố bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ.

Tham nhũng vẫn là “quốc nạn” thật sự bởi lẽ thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cán bộ là Bộ trưởng, là bí thư, chủ tịch tỉnh, rồi tướng lĩnh; thẩm phán tòa án, kiểm sát viên và tất nhiên là có nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý bằng pháp luật. Thế mới biết trong cơ chế thị trường, đồng tiền có sức mạnh như thế nào.

Bộ nào, ngành nào, tỉnh, thành nào cũng có những quy định về đạo đức người cán bộ thanh tra và quy định khi thi hành công vụ. Như ở Ngân hàng Nhà nước chẳng hạn. Cách đây mấy năm đã có những quy định cực kỳ chặt chẽ và nghiêm khắc về công tác thanh tra, đặc biệt là khi đi công tác ở các đơn vị cơ sở. Cán bộ thanh tra thì được học tập, quán triệt đầy đủ và dĩ nhiên ai cũng “thấu hiểu” và “nhận thức sâu sắc” được trách nhiệm của mình, đồng thời thề thốt, cam kết sẽ thực hiện nghiêm các quy định trong giao tiếp, ứng xử khi thi hành công vụ. Nhưng, “nói một đằng, làm một nẻo” là căn bệnh phổ biến trong không ít công chức hiện nay.

Theo quy định của pháp luật, hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điều 2, Luật Thanh tra).

Điều 2, Luật Thanh tra tuy không trực tiếp quy định mục tiêu phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhưng nội hàm của khái niệm hành vi vi phạm pháp luật đã bao hàm toàn bộ cả nội dung của hành vi tham nhũng, nhất là đối tượng của thanh tra chủ yếu là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu liên quan đến kinh tế (tuyệt đại đa số trường hợp đó là các hành vi tham nhũng). Do vậy, quy định về hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tức là cũng đã khẳng định vai trò, vị trí của các cơ quan thanh tra nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã phát biểu chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng: “Các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Nhất là tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại những cơ quan này, vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất. Thực tế cho thấy, các hành vi như: Dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt vi phạm, làm sai lệch hồ sơ... đã được phát hiện và xử lý”.

Tổng Bí thư yêu cầu: “Do đó, phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Đây là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải tập trung sự chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị; gắn liền với việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống không chỉ trong nội bộ chính các cơ quan này mà cần có cơ chế giám sát chéo, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giám sát từ xã hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng có thể phát sinh trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng tại chính các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng”.

Mới đây nhất, tại hội nghị của khối Nội chính, đề cập đến nhiệm vụ quý II và cả năm 2023, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã thông báo về những kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng.

Đáng chú ý, từ khi thành lập đến nay, các địa phương đã đưa 540 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo như Hà Nội 48 vụ; Thanh Hóa, Ninh Thuận 10 vụ; Bắc Giang, Đồng Nai 9 vụ.

Cùng với đó, rà soát, xử lý các vụ án, vụ việc trên địa bàn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như vụ Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, vụ án liên quan đến hoạt động đăng kiểm...

Trưởng Ban Nội chính yêu cầu: “Mỗi thành viên của Ban phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh phải nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban đã nêu trong quy định của Ban Bí thư.

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Ban Chỉ đạo không làm thay các cơ quan chức năng, cũng không phải chỉ quan tâm và xử lý từng vụ việc cụ thể. Ông nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phải đúng vai và thuộc bài”, tức là phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, không “làm thay”, “lấn sân” sang việc của cơ quan khác; phải nắm vững, nắm chắc nguyên tắc, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy chế, quy định... Từ rất lâu rồi, người ta đã có câu: “Thanh “cha”, thanh mẹ, thanh gì? Hễ có phong bì thì nó... thanh kiu”. Điều đó chứng tỏ, nhiều cán bộ thanh tra khi đi làm nhiệm vụ đã có những hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu và gây khó dễ cho cơ sở bị thanh tra.

Gần đây nhiều cơ quan thanh tra khi làm kết luận thanh tra một vụ việc tiêu cực nào đó thì hay thòng vào một câu: “Đề nghị chuyển cơ quan điều tra...” trong khi vụ việc chẳng đáng gì và chỉ có tính dân sự đơn thuần. Nhiều người nhận xét, đây là cách làm “láu cá” và “đá bóng cho người khác” của cơ quan thanh tra. Làm thế này, họ vừa được tiếng là “nghiêm khắc, cứng rắn, công tâm” và cũng là để “nhẹ gánh” cho mình.

Dư luận mạnh mẽ lên án hành vi tiêu cực của cán bộ thanh tra khi thi hành công vụ và coi việc thanh tra một cách tràn lan theo kiểu “hơi tý là thanh tra”. Nhưng, phê phán, lên án thì dễ, mà cái chính phải truy tìm cho được căn nguyên của những tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Lý do mà không ít người đưa ra là đồng lương của cán bộ, công chức - trong đó có ngành Thanh tra - cơ bản là không cao, không có tích lũy. Trong khi mọi người phải đối mặt với vô vàn khoản chi tiêu theo “cơ chế thị trường” thì đồng lương của công chức vẫn còn rất lạc hậu và không đảm bảo được cuộc sống.

Cho nên, muốn hạn chế tiêu cực từ các cơ quan chống tham nhũng cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc điều chỉnh chế độ tiền lương.

Nguyễn Như Phong
.
.