Đọc vị những nét mặt của cảm xúc

Thứ Tư, 02/03/2022, 13:59

Ben Bradley chăm chú nhìn biểu cảm trên gương mặt con gái mới 6 tháng tuổi. Trong tâm trí anh hiện lên hàng loạt những câu hỏi lạ lùng: liệu sinh linh bé bỏng này có hiểu mình đang nghĩ gì không, và tại sao chúng cứ thay đổi nét mặt liên tục mà không hề biết mệt mỏi. Dường như anh đang ở trên đoạn đường mà Charles Darwin từng miệt mài theo đuổi cách đây gần 2 thế kỷ, khi nhà khoa học thử nghiệm với chính con trai mình, rồi để lại cho hậu thế những phát hiện đáng kinh ngạc.

Thử nghiệm với những đứa con

Trong giới tâm lý học, Ben Bradley nổi tiếng với sự cứng rắn khi ủng hộ giả thuyết mọi sinh vật sống đều sở hữu năng lực “hiệu chỉnh” đầy tinh tế. Nó giống như chiếc chìa khoá vạn năng, xoay chuyển trong mọi ổ khoá và tình thế, tạo nên động lực đối chọi với tự nhiên, xử lý khó khăn hay thậm chí biểu lộ xúc cảm ra bên ngoài. Darwin từng nói, hành động sinh ra phản ứng, mỗi điều chúng ta làm dù nhỏ hay lớn đều “phản” lại bản thân, tạo nên một thứ kết quả nào đó ảnh hưởng đến thế giới xung quanh.

Nghe thấy tiếng nhạc Baby Shark hơn 10 tỷ lượt xem trên Youtube, cô con gái của Ben Bradley cười sảng khoái, khuôn mặt tràn đầy phấn khích. Nhưng chỉ cần chuyển qua một bài khác là bỗng dưng cô bé im lặng, rồi bắt đầu khóc ầm lên, khiến Ben Bradley cực kỳ bối rối. Rõ ràng, “mạch điện” khóc - cười phải được điều khiển bởi một thứ công tắc nào đó, và nếu không phải do gene quy định thì hẳn sẽ là ngoại cảnh. Ben Bradley phỏng đoán, con người, với những nét biểu hiện trên gương mặt, phải thích ứng với các tình huống bên ngoài trước, rồi sau đó “in” dấu ấn thay đổi trên gene, để não bộ ghi nhớ và tiếp nhận những thay đổi kế tiếp.

Có thời điểm anh tự hỏi: một đứa bé mới sinh liệu có thể “đọc” cảm xúc trên gương mặt người khác hay không? Để biết đáp án, Ben Bradley tìm tới thử nghiệm nổi tiếng của Charles Darwin diễn ra với chính con trai đầu William ErasmusDarwin, hay bé Doddy. Một cách tự nhiên, Darwin hàng ngày quan sát mọi cử chỉ của Doddy, đến mức người ta tưởng ông có vấn đề về thần kinh, hay bị ám ảnh bởi con cái quá mức. Thậm chí, Darwin còn tận dụng “âm thanh kỳ quặc”, cùng “cái cau mày nhăn nhó” để thử phản ứng của đứa bé mới chỉ 4 tháng tuổi.

Đọc vị những nét mặt của cảm xúc -0
Ben Bradley tin rằng trẻ con có thể hiểu cảm xúc của người khác từ rất sớm, chúng biết cách “đồng cảm” với gương mặt đối diện, và “giải mã” các nét mặt khác nhau.

Ben Bradley bắt chước Darwin, nghiên cứu con gái anh. Trong tưởng tượng là khung cảnh gào thét dữ dội, kèm những hàng nước mắt dài vì sợ hãi của bọn nhỏ. Thực tế lại trái ngược: cả hai đứa bé, ở hai thời điểm cách nhau gần 200 năm, đều tỏ ra phấn khích, lại có phần vui đùa. Chúng chẳng sợ sệt, mà coi thứ âm thanh và biểu cảm “đáng sợ” hai ông bố tạo ra đơn giản như trò đùa. Điều đáng chú ý mà Ben Bradley phát hiện ra ấy là: trước mỗi lần cau có, anh đều cười với con, và chính nụ cười đã “hằn” vào tư duy non nớt của trẻ để giúp chúng “đọc” các nét biểu cảm trên gương mặt người khác, coi mọi thứ đều hài hước cho đến khi chúng học được những biểu cảm mới trong quá trình phát triển.

Thử nghiệm với cô con gái đã đem Ben Bradley tới lý thuyết James - Lange. Cách đây hơn 140 năm, “cặp bài trùng” tâm lý học William James và Carl Lange đã đề xuất giả thuyết về cảm xúc linh hoạt, nhấn mạnh mọi biểu cảm trên gương mặt xảy ra như kết quả vừa tất yếu vừa ngẫu nhiên của các phản ứng sinh - lý - hoá bên trong cơ thể đối với kích thích bên ngoài. Chưa hết, William James từng đề cập tới dấu hiệu phản hồi gương mặt, ám chỉ cảm xúc có liên hệ mật thiết với sự thay đổi nét mặt người. Theo đó, biểu cảm trên gương mặt tựa chìa khoá cho cảm xúc, và nếu không có chúng, trải nghiệm cuộc sống loài người sẽ không màu, nhợt nhạt, cũng như thiếu đi tình cảm ấm áp.

Quan trọng hơn, William James nhấn mạnh vai trò của đôi mắt - “cửa sổ tâm hồn” ẩn chứa nhiều cảm xúc. Với hai năng lực mở rộng - thu hẹp rất tinh tế, rất có thể đây là nguồn gốc xa xôi nhất cho sự linh hoạt của khuôn mặt chúng ta. Cảm xúc thay đổi, khi mắt điều chỉnh lượng ánh sáng thích hợp cho não bộ nhận diện nguy hiểm, hay niềm vui từ môi trường xung quanh. Tựa những chiếc camera siêu nhỏ, đôi mắt được ví như công cụ sắc bén của tạo hóa để nhận diện ngay cả thay đổi nhỏ nhất, từ đó tăng khả năng “đọc vị” cảm xúc gương mặt.

 Phổ quát hay xã hội

Cho đến nay, ít người biết rằng “ông tổ” thuyết tiến hoá Charles Darwin đã khởi xướng quan niệm tiến hóa cảm xúc từ hơn 150 năm trước. Cuốn sách “Biểu hiện của cảm xúc ở con người và động vật” dường như bị khoa học hiện đại quên lãng, nhưng với Ben Bradley nó lại chứa đựng nhiều ý kiến giá trị để hiểu hơn về thế giới loài người. Không đề cập quá nhiều tới chọn lọc tự nhiên, Darwin mở ra chân trời mới của tiến hóa thích nghi, tiếp nối cho hàng triệu nghiên cứu sinh học thế kỷ 21 về cách sinh vật sống biến đổi theo thời gian.

Quan điểm của Darwin cực kỳ khác biệt: mọi chuyển động mà ngày nay chúng ta gọi là nét mặt đều không xuất phát từ mục đích giao tiếp. Nước mắt, nụ cười không đến vì cảm xúc chất chứa bên trong tâm trí phức tạp của con người. Khi cơ mặt chúng ta biến chuyển, lúc ấy chúng ta đang tiếp nhận phản ứng phụ bất ngờ từ các thói quen hoặc hành vi khác, dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Chúng ta hoàn toàn vô thức về những cảm xúc, nhưng người đối diện đã “đọc vị” chúng để đặt ra những cái tên đầy ý nghĩa. Một cách đơn giản, vui hay buồn, phụ thuộc vào ngoại cảnh và đối phương.

Khoa học hiện đại ngó lơ “Biểu hiện của cảm xúc, chìm trong ánh hào quang quá chói của Nguồn gốc các loài”. Suốt hơn một thế kỷ, chưa một ai nghĩ tới ý nghĩa của việc “đọc vị” cảm xúc. Một nét biểu cảm chỉ có thể tiến hóa hoặc trở thành bản năng của loài người nếu năng lực nhận diện nó cũng tiến hóa. Suy rộng ra, mỗi cá nhân đều được sinh ra với khả năng hiểu cử chỉ và gương mặt người khác, và khả năng này sẽ lớn dần cùng với những nếp nhăn trên não. Có người chỉ trích những thí nghiệm tưởng chừng vô nghĩa của Darwin, nhưng ông chỉ cười và đáp lại: “Tôi yêu những điều ngớ ngẩn tôi đang làm, và hãy cứ đợi chờ kết quả”.

Đọc vị những nét mặt của cảm xúc -0
Darwin hàng ngày quan sát mọi cử chỉ của Doddy, tận dụng “âm thanh kỳ quặc”, cùng “cái cau mày nhăn nhó” để thử phản ứng của đứa bé mới chỉ 4 tháng tuổi..

Ben Bradley tin vào điều này, rằng trẻ con có thể hiểu cảm xúc của người khác từ rất sớm, chúng biết cách “đồng cảm” với gương mặt đối diện, chia sẻ cảm xúc đã được học và dùng kiến thức này để “giải mã” các nét mặt khác nhau. Người thân thiết sẽ có ảnh hưởng lớn nhất tới quá trình tư duy cảm xúc của trẻ, giúp chúng bộc lộ đa dạng biểu cảm cũng như mở rộng “thư viện cảm xúc” trên não. Mãi tới những năm 1990, hai nhà tâm lý học Peter Salovey và John Mayer chính thức sử dụng khái niệm thông minh cảm xúc, khẳng định lý thuyết cảm xúc phản hồi trên gương mặt hướng đến khả năng hiểu biết, giải thích và phản ứng lại với cảm xúc người khác của mỗi cá nhân.

Bất chấp nhiều lý thuyết, giới tâm lý học hiện đại vẫn không ngừng tranh cãi về ranh giới giữa cảm xúc sinh học phổ quát (khi đề cập tới các trạng thái cảm xúc như tức giận có mối liên hệ mật thiết với trạng thái cơ thể một người), và cảm xúc xã hội (bao gồm sự ghen tị, vốn xuất hiện khi ai đó “đọc vị” người khác). Những “ông lớn” như Charles Darwin, William James hay Peter Salovey lại “né” tránh cãi kiểu này, khẳng định chỉ những biểu hiện quan sát được trên gương mặt mới mang tính phổ quát. Thực tế cho thấy, những cảm xúc chính như sợ hãi đóng góp nhiều nhất cho sự tồn tại, thế nên rất phổ biến trong số các loài trên Trái Đất.

Con người đã phát triển đến mức độ cực kỳ tinh vi, cho phép thể hiện một loạt các cảm xúc đa dạng và phức tạp hơn nhờ quá trình nhận thức cao cấp. Có những thay đổi tích cực, khiến sự sống đi lên và dần hoàn thiện hơn. Như cách con người biểu lộ hạnh phúc bằng nụ cười để giải phóng dopamine cùng endorphin khiến chúng ta thấy phấn chấn, tăng cảm hứng sống.

Cũng xuất hiện nhiều mảng màu đen tối, như nỗi đau, buồn chán và lo lắng, giúp điều chỉnh hành vi của chúng ta để đưa cuộc sống quay lại quỹ đạo đúng đắn. Tuy nhiên, cảm xúc của con người, dù ẩn chứa ý nghĩa nào đi nữa, đều gắn liền với biểu cảm gương mặt, trở thành thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển cùng mối quan hệ giữa các cộng đồng người...

Lê Nam
.
.