Đói quá, hoá giận

Thứ Bảy, 01/01/2022, 21:01

Chỉ sau hai tuần theo đuổi chế độ ăn kiêng low-carb, Bonnie Kaplan lâm vào tình trạng mất bình tĩnh khi đói. Chuyên gia miêu tả trải nghiệm với cơn giận dữ khủng khiếp ngoài đường, sẵn sàng cãi nhau tay đôi với mấy gã đàn ông cao to khi bị trêu chọc.

Điều tương tự diễn ra với danh hài Jessica Fostekew, bị ám ảnh bởi cảm giác căng thẳng và dễ kích động khi bỏ bữa ăn liên tục, đến mức khóc nức nở, và thề thốt sẽ phải ăn uống đầy đủ.

Truyền thông hay cơn đói

Căm phẫn và tức giận được nhiều chuyên gia tâm lý như Bonnie Kaplan coi là cảm xúc chủ đạo của nhiều năm trở lại đây. Hàng loạt sự kiện chính trị - xã hội diễn ra, vượt khỏi mọi dự đoán, để rồi hiện giờ thế giới trải qua khủng hoảng COVID-19 với nhiều biến thể tạo ra các làn sóng dịch chưa thể ngăn chặn. Bonnie Kaplan hoài nghi, phải chăng đây là thời điểm con người đang dần lấn sâu vào kỷ nguyên "bùng nổ", nhưng vẫn cố gắng kiếm chế xúc cảm.

Tranh cãi về Brexit chưa hồi kết, lời kêu gào thảm thiết chấm dứt những cuộc chiến đẫm máu vô nghĩa ở Trung Đông, hay dân châu Âu biểu tình phản đối các lệnh hạn chế COVID-19 mới. Giới chính khách hứng chịu vô số lời nguyền rủa vì tầm nhìn, khoa học căng mình trước cả tá dòng tweet chỉ trích chậm trễ ứng phó COVID. Sự tức giận lên tới đỉnh điểm với những bê bối y tế, quyết sách thiếu dứt khoát, nhiều khi đó là cảm giác bất lực không thể làm được gì để cứu người thân.

Nhiều ý kiến coi truyền thông giống như chất xúc tác kích thích lan truyền cảm giác tiêu cực. Mạng xã hội chi phối cuộc sống, cho con người cơ hội để bày tỏ sự khó chịu bằng ngôn từ mạnh mẽ, thậm chí cả bằng mấy đoạn video bạo lực, để chứng minh mình đang cảm thấy bức bối đến dường nào. Các dòng tweet, trạng thái Facebook dày đặc, những lượt chia sẻ chỉ cần một lần bấm nút đã khiến cảm giác tức giận dễ dàng lây lan như một loài virus.

Tuy nhiên, Bonnie Kaplan lại cho rằng tất cả những giận dữ đều xuất phát từ một lý do bản năng nhất: cơn đói. Chuyên gia đề xuất khái niệm "đói não", ám chỉ việc thiếu dinh dưỡng ở một chừng mực nào đó làm trì hoãn hoạt động tư duy và điều chỉnh cảm xúc, khiến bất cứ ai cũng dễ rơi vào trạng thái cáu kỉnh. Thật thú vị, bởi sự kết hợp giữa cơn đói và một chiếc điện thoại thông minh với màn hình Facebook sáng trưng tạo ra công cụ để trút giận lên thế giới ảo.

5.jpg -0
Truyền thông giống như chất xúc tác kích thích lan truyền cảm giác tiêu cực.

"Có thực mới vực được đạo" đã nói lên tầm quan trọng của việc ăn uống, vì no đủ đem lại cảm giác thoải mái, chùng da mắt và dễ điều tiết xúc cảm. Khoa học cho biết, sự nóng tính lúc đói bụng liên quan mật thiết với lượng đường huyết thấp. Não phụ thuộc vào đường đơn như glucose để hoạt động bình thường. Nếu đường giảm đáng kể, con người sẽ không thể thực hiện các công việc cơ bản, thậm chí có thể cảm thấy chóng mặt, hoặc rơi vào trạng thái hỗn độn.

Thực ra, câu chuyện "đói não" vốn không mới, nhưng trước sức mạnh khủng khiếp của mạng xã hội nên có vẻ bị lãng quên. Từ thập niên 1980, một số nghiên cứu đã chứng minh bạo lực có thể xảy ra ở những người có vấn đề về đường huyết. Thí nghiệm nổi tiếng "búp bê nguyền rủa" - tượng trưng cho người yêu của tình nguyện viên, cho kết quả đáng chú ý. Những người có nồng độ đường trong máu thấp hơn đã châm nhiều ghim hơn vào búp bê, đồng thời lớn tiếng la hét với "người yêu" dai dẳng hơn.

Ngôn ngữ biến đổi, tạo nên thuật ngữ "giận vì đói" (hangry). Như một phản xạ tự nhiên, cơn đói buộc não ra những tín hiệu "cầu cứu" để kéo đường huyết lên, gửi tin nhắn đến các cơ quan nhất định như hệ thống thần kinh tự chủ để giúp chúng ta chống chịu, trước khi được bổ sung dinh dưỡng. Tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và cortisol, khiến tâm trạng bỗng thất thường đến khó hiểu. Hormone đặt chúng ta trước câu hỏi "chiến đấu hay bỏ chạy", tác động tới các chất dẫn truyền thần kinh, rồi châm ngòi cho những phản ứng kích thích hành vi bốc đồng.

Cuộc chiến nhanh - chậm

Ý thức về sự cố low-carb (hạn chế tiêu thụ tinh bột) đem lại cho Bonnie Kaplan cơ hội phản bác rất nhiều quan điểm. Loài người vốn bình đẳng, ai cũng đều trải qua những cơn cáu gắt do cơn đói cào xé bên trong. Thế nhưng, truyền thông lại miêu tả hành vi này dễ xảy ra với phụ nữ hơn đàn ông, gắn phái yếu với hình tượng "nổi loạn, gào thét", đòi phải được "ăn cho thật no trước khi làm việc gì đó". Bonnie Kaplan coi cách gán ghép kiểu này thật vô nghĩa, nhấn mạnh rằng về mặt khoa học thần kinh thì "giận vì đói" lại dễ xảy ra với nam giới hơn.

Có thời điểm rộ lên phong trào tăng cường tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến, được xào nấu kiểu công nghiệp, trộn lẫn các chất bảo quản, phụ gia hay phẩm màu. Những người ủng hộ tin rằng đây là phương thuốc cứu họ khỏi cơn đói, và tất nhiên, gián tiếp ngăn cản những phản ứng đáng sợ do cơn đói thúc đẩy. Truyền thông, dưới ma lực của ngành hàng thức ăn nhanh, tạo nên các cơn bão quảng cáo, thu hút sự thảo luận từ mọi đối tượng, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho nhiều thương hiệu phát triển.

Thực ra vẫn luôn tồn tại một cuộc chiến giữa hai trường phái nhanh - chậm: một bên là đồ ăn siêu chế biến, còn đối thủ thuộc nhóm hữu cơ truyền thống. Từ trước đến nay, thực đơn con người thường cấu thành chủ yếu từ chất đạm, tinh bột và chất béo. Bộ ba "ông trùm" quen thuộc tập hợp lại với nhau sẽ cung cấp năng lượng, giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái. Sự xuất hiện của đồ ăn nhanh siêu chế biến khiến não rơi vào cái bẫy dinh dưỡng, vốn được ghi rất chi tiết trên bao bì hay thổi phồng qua vài chục giây quảng cáo.

4.jpg -0
Bonnie Kaplan cho rằng giận dữ xuất phát từ một lý do bản năng nhất: cơn đói.

Suy nghĩ của Bonnie Kaplan thế này: không phải đói thì ăn cái gì cũng tốt, nhiều lúc nạp dư năng lượng sẽ khiến cơ thể cảm thấy... dễ nổi nóng hơn. Khoa học tiến bộ, cho chúng ta nhận thức về một chế độ ăn thiếu khoa học sẽ tạo nền móng cho bệnh tật như tiểu đường, béo phì hay hội chứng tim mạch sinh sôi. Mãi đến gần đây, khi trào lưu "sống xanh, ăn lành" nở rộ trở lại sau khởi điểm từ những năm 1900, khoa học bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về vai trò to lớn của dưỡng chất lên sức khoẻ não bộ. Trong đó, phần lớn nghiêng về quan điểm: vi chất dinh dưỡng tác động đến cảm xúc, đặc biệt là sự nóng giận, khó chịu và hành động bộc phát.

Hàng nghìn thử nghiệm ở Canada, Tây Ban Nha, và Úc cho thấy việc ăn lành mạnh, không đồ siêu chế biến làm giảm nguy cơ giận dữ. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng giới khoa học Nhật Bản đầu tư công trình nghiên cứu tới 15 năm liên tục cho khoảng 90.000 tình nguyện viên, theo cùng một chế độ ăn xanh, ít đạm động vật. Tỉ lệ trầm cảm giảm tới 70%, trong khi đó 90% đều thừa nhận cảm thấy đầu óc dễ chịu, không dễ bị kích động như ăn nhiều thịt hay đồ chế biến sẵn hàng ngày.

Cảm giác khó chịu, tinh thần bất ổn tiềm ẩn nỗi lo trầm cảm, khiến khoa học thử nghiệm liệu pháp "đổi món", kết hợp với thực đơn kiểu Địa Trung Hải để giảm tốc nền ẩm thực "nhanh". Não được cung cấp dưỡng chất từ các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt cùng chất béo không bão hòa trong dầu olive. Không chỉ giúp kiềm chế cơn giận cùng cảm xúc tiêu cực sau khoảng 12 tuần, một chế độ ăn "chậm" giàu vi chất dinh dưỡng thậm chí giúp tiết kiệm tới 20% ngân sách thực phẩm mỗi tuần.

Suốt nhiều thập kỷ qua, chúng ta cứ lầm tưởng chẳng tồn tại mối quan hệ rõ ràng giữa chế độ ăn, cảm xúc, và não bộ. Vậy nhưng, "đói não", cùng cuộc chiến nhanh - chậm khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng của dưỡng chất. Trên thực tế, não cần ít nhất 30 vi chất để sản sinh chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời phân giải hoàn toàn các sản phẩm phụ trao đổi chất. Điều này đặt nền móng cho liệu pháp đa dưỡng chất dành cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn tăng động với biểu hiện hiếu động thái quá, hành vi bốc đồng và mất năng lực điều chỉnh tâm trạng.

Rốt cuộc thì truyền thông chỉ giúp lan truyền cơn giận dữ nhanh hơn, còn căn nguyên sâu xa lại đến từ chính thực đơn chúng ta đưa vào cơ thể để nuôi dưỡng não bộ. Bonnie Kaplan cực kỳ tâm đắc với kết luận của mình: khi loài người ăn đủ chất và lành mạnh thì căng thẳng, bực tức, thậm chí cả làn sóng kích động, sẽ theo đó mà dần biến mất...

Việt Dũng
.
.