Đệ nhị Thế chiến mùa Xuân 1942: Thế cờ sau trung cục

Chủ Nhật, 20/02/2022, 13:36

Đã tròn 80 năm. Đến ngày 20/2/1942, những đợt phản công mãnh liệt của Hồng quân Liên Xô về phía quân Đức Quốc Xã, từ ngoại vi Moskva, đã đến lúc phải lắng dịu. Cả hai bên đều đã không thể che giấu những dấu hiệu kiệt sức, và việc tái tổ chức các chiến tuyến cũng như hoạch định lại những chiến lược trở thành tất yếu.

Song song với các diễn biến ở Mặt trận phía Đông, Mặt trận Thái Bình Dương đã chính thức mở màn, sau trận Trân Châu Cảng (ngày 8/12/1941). Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã chính thức bước vào cuộc chiến. Trong lúc đó, Adolf Hitler toan tính những gì?

Bài học từ Moskva

Một cách ngắn gọn, khi bị đẩy lùi khỏi Moskva, nhà độc tài Đức Quốc xã tự đúc rút được một kinh nghiệm xương máu: Quân đội của ông ta (và bất cứ quân đội nào khác) không thể tiêu diệt toàn bộ sinh lực của Liên Xô, đánh gục sức phản kháng cũng như áp đặt ách chiếm đóng lên khối lãnh thổ và nhân khẩu khổng lồ ấy, chỉ qua một chiến dịch.

Đi kèm với bài học này là thực địa chiến trường: Sau khi buộc phải chấp nhận nhìn không ít cánh quân của mình bị đánh bại và phải triệt thoái khốn khổ trong băng tuyết, Adolf Hitler biết: Thế tiến công sấm vang chớp giật của quân đội Đức Quốc xã đã hoàn toàn biến mất. Đội quân ấy đã phải nhận thất bại đau đớn đầu tiên kể từ khi Đại chiến Thế giới lần thứ hai bắt đầu – điều này mang tới hệ lụy là sự suy giảm khó có thể cứu vãn về mặt “nhuệ khí”. Do đó, mọi kế hoạch tác chiến cũng đều cần phải được sắp xếp lại.

Bởi, dù thế nào, theo các tuyên bố cũng như chỉ thị của Hitler kể từ tháng 6/1941, Đức Quốc xã và Liên Xô (hay nói đúng hơn, chủng tộc German/Aryen với chủng tộc Slave) là những kẻ thù không đội trời chung. Liên Xô sẽ buộc phải bị tiêu diệt, vì “không gian sinh tồn” của người Đức. Mục tiêu ấy sẽ không bao giờ thay đổi, và để phục vụ cho nó, quân Đức cần những cách tiếp cận khác, nghiêm túc cũng như nhẫn nại hơn cho cuộc chiến.

Đệ nhị Thế chiến mùa Xuân 1942: Thế cờ sau trung cục -0
Mussolini tiếp đón Hitler, ngày 27/2/1942.

Nhẫn nại, vốn là điều tương đối xa lạ, so với phong cách quen thuộc của Hitler. Ông ta luôn hướng tới những cuộc tấn công chớp nhoáng và chuẩn bị những kế hoạch chiến thắng chớp nhoáng. Thậm chí, khi xua quân vượt qua biên giới vào lãnh thổ Liên Xô trong chiến dịch Barbarosa ấy, ông ta còn không buồn quan tâm đến hậu cần  - yếu tố “căn bản binh gia”.

Song, Moskva cùng mùa đông kinh khủng của nước Nga đã lên tiếng. Một cách ngắn gọn, thất bại  “mở mắt” cho Hitler rằng lính Đức cần không chỉ đạn dược, mà cả áo ấm lẫn bánh mỳ, cũng như các đoàn xe tăng Đức cần xăng dầu, để trở lại và tiến từng bước mới, nhằm đánh quỵ một đối thủ “khó nhằn” như Hồng quân Liên Xô.

Và như thế, ngay từ khi những ánh nắng mùa xuân bắt đầu lan tỏa ở Mặt trận phía Đông, trọng tâm chiến lược của quân Đức đã thay đổi.

Điểm hẹn Stalingrad

Stalingrad, quả vậy, không giống như những ý niệm đơn giản được đề cập trong bộ phim Hollywood nổi tiếng “Enemy at the Gates” (Kẻ thù trước cổng, do cặp tài tử điện ảnh lừng danh Jude Law và Rachel Weisz thủ các vai chính) – nghĩa là chỉ là một địa danh mang tính biểu tượng. Trên thực tế, Stalingrad chính là một “trọng địa” tầm chiến lược của chiến cục từ năm 1942 trở đi.

Vào mùa xuân năm 1943, Adolf Hitler dự tính rằng đến mùa hè, ông ta sẽ cho quân đội Đức Quốc xã tập trung binh lực lớn ở hướng Nam, nhằm tiến chiếm những nguồn cung cấp mang tính sinh tử: Các mỏ dầu quanh rặng Kavkaz, vùng công nghiệp quanh lưu vực sông Donetsk, những đồng bằng trồng lúa mỳ ở Kuban… Đó là những mục tiêu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, vừa cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho quân Đức, vừa cắt đứt những luồng hậu cần huyết mạch tiếp sinh lực cho Hồng quân Liên Xô.

 Chính là bởi vậy, quân Đức nhất thiết phải làm chủ Stalingrad, để khống chế toàn bộ điểm nút giao thông - vận tải quan trọng nhất từ sông Volga tới biển Caspi, đồng thời củng cố sườn của hướng tấn công đó, nhằm tránh bị tập kích hay chia cắt. Và chính là bởi vậy, như các thư tịch ghi lại (và được công bố sau chiến tranh), Hitler nói với Von Paulus – Tư lệnh tập đoàn quân số 6 đánh Stalingrad: “Nếu tôi không lấy được các mỏ dầu ở Maikov và Grozny (nghĩa là không chiếm được Stalingrad), tôi sẽ buộc phải chấm dứt cuộc chiến này”.

Đệ nhị Thế chiến mùa Xuân 1942: Thế cờ sau trung cục -0
Những quân đoàn Đức suy kiệt và bị tổn thất nặng nề sau khi bị đánh bật khỏi ngoại vi Moskva.

Ở chiều ngược lại, không có lý do gì để Josef Stalin và các tướng lĩnh Hồng quân Liên Xô không nhìn thấu được ý đồ của Hitler. Hồng quân, do đó, cũng phải giữ được Stalingrad bằng mọi giá, đặc biệt là khi vòng vây siết chặt Moskva đã bị phá, còn Leningrad vẫn đứng vững. Tuy vậy, cũng có một thực tế không thể phủ nhận: Khả năng tác chiến cơ động của Hồng quân vẫn còn thua kém quá nhiều so với kẻ địch mà họ phải đối diện.

Song, không tính đến lòng ái quốc cũng như ý chí chiến đấu, bỏ qua cả các yếu tố như thời tiết (bởi thất bại Thu – Đông 1941 đã giúp quân Đức trở nên khôn ngoan và thực tế hơn), vẫn còn một ưu thế mang tính quyết định dành cho Hồng quân: sự vượt trội về lực lượng. Chiến đấu trên “đất nhà” nhằm bảo vệ quê hương, Hồng quân luôn có khả năng huy động những đạo quân hậu bị khổng lồ, trong khi sự thiếu hụt nhân lực ở phía Đức Quốc xã lại là điều rất khó bù đắp.

Vì lý do này, cuối tháng 2/1942, Thống chế Đế chế Goering – nhân vật số 2 trong cơ cấu quyền lực Đức Quốc xã – đến Roma, để thuyết phục nhà độc tài nước Ý – Benito Mussolini “chia lửa”. Bằng mọi sự khoa trương mà Ngoại trưởng Ý Ciano “làm chứng”, Goering “trấn an” Mussolini rằng Liên Xô sẽ bị đánh bại trong năm 1942, rồi đến lượt nước Anh sẽ phải hạ vũ khí vào năm 1943. Đồng thời, thống chế Keitel – sĩ quan tùy viên của Hitler cũng đến Hungary và Romania, để huy động thêm từng sư đoàn tiếp viện cho quân Đức, trong trận đại chiến chắc chắn sẽ khai màn vào mùa hè tới.

Sau Goering, đích thân Hitler hội kiến với Mussolini, nhằm tăng cường sức nặng cho các quan điểm, và nhằm xóa tan những nỗi lo lắng của người đồng cấp. Kết cục, có lẽ nhờ vậy – “nhờ nói quá nhiều”, như cách mô tả của sử gia Willam L.Shirer – Hitler được Mussolini hứa hẹn sẽ gửi lính Ý tham chiến tại Mặt trận phía Đông. Như vậy, quân  Đức sẽ được tiếp sức với 52 sư đoàn đồng minh cho mùa hè: 27 sư đoàn Romania, 13 sư đoàn Hungary, 9 sư đoàn Ý, 2 sư đoàn Slovakia và 1 sư đoàn Tây Ban Nha.

Điều éo le là không ít tướng lĩnh Đức tiền phương không hề “sốt sắng” với những cánh viện binh đó, thí dụ như tướng Halder. Với họ, năng lực tác chiến của “các sư đoàn ngoại quốc” ấy, nói một cách nhẹ nhàng, là “đáng nghi ngờ”. Tuy nhiên, do thiếu quân số trầm trọng, giới tướng lĩnh Đức vẫn phải chấp nhận.

Cũng giống như họ chấp nhận việc lại phải dấn thân vào thế cờ mới mà Hitler đang bày lại, sau khi bắt đầu thất thế ở trung cục. Họ vẫn phải cố gắng đánh bại Hồng quân, và tiêu diệt Liên Xô – điều mà với cả ưu thế quân sự, sức thăng hoa tinh thần lẫn yếu tố bất ngờ, quân Đức cũng vẫn không thực hiện nổi sau chiến dịch Barbarosa.

* Theo báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu lục quân Đức Quốc xã, đến ngày 30/3/1942, trong tổng số 162 sư đoàn tham gia chiến sự Mặt trận phía Đông, quân Đức chỉ còn…8 sư đoàn đủ sức tấn công. Trong 16 sư đoàn thiết giáp, chỉ còn 140 xe tăng còn có thể sử dụng, nghĩa là ít hơn cơ số của 1 sư đoàn thiết giáp tiêu chuẩn.

* Ngoại trưởng Ý Galeazzo Ciano thuật lại: “Hitler nói, nói, nói. Mussolini chịu đựng khổ sở - người thích nói như ông cũng phải im lặng. Hitler nói trong 1 giờ 45 phút. Người Đức - những người Đức đáng thương - phải chịu đựng điều này mỗi ngày, và tôi chắc chắn họ thuộc lòng mọi câu từ, cử chỉ hay đoạn ngừng của Hitler. Cuối cùng, tướng Jodl (một sĩ quan tùy viên khác của Hitler) ngủ gục trên đi-văng, chỉ còn Keitel buộc phải cố giữ tính táo”.

Đông Thiên
.
.