Cuộc đời chúng ta như một cái bập bênh

Thứ Hai, 02/01/2023, 07:57

Cô nữ sinh năm nhất Marie Russell bắt đầu bài tiểu luận bằng câu hỏi: Liệu ở thế giới này, vị trí thực sự của loài người nằm ở đâu giữa lằn ranh thiện - ác? Hai phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, xuất hiện ngay khi loài người có mặt trên Trái Đất. Chúng ẩn mình trong từng hành vi, suy nghĩ, trở thành thước đo đời sống đạo đức của mỗi cá thể.

Trường học Thiện và Ác

Ngay từ thời cổ đại, nhiều nhà tư tưởng đã muốn tìm ra một đặc tính cố định của loài người để giải thích nguồn gốc ý thức, hành vi đạo đức của mọi cá nhân đang biểu h

Cuộc đời chúng ta như một cái bập bênh -0
Cuộc chiến thiện - ác trở thành phép thử cho tình bạn vĩnh cửu, tựa liều thuốc giải cho số phận Sophie, hay xóa tan tư tưởng "nhìn mặt mà bắt hình dong" đối với Agatha.

iện ra muôn hình muôn vẻ, và vô cùng phức tạp trong cuộc sống chung của xã hội. Triết học phương Tây thời Socrat hay Platon tin cái thiện là bất biến, do Chúa tạo nên và không bao giờ có thể mất đi. Có một sự tương đồng nhất định khi ở phương Đông, Khổng Tử và Mạnh Tử cho rằng "nhân chi sơ tính bản thiện", tức con người sinh ra đã mang bản chất mầm mống của cái thiện. Người ta không ai là không thiện, cũng như nước không lúc nào là không chảy xuống chỗ trũng.

Tuy nhiên, số khác lại khẳng định tính người vốn ác, như Stuart Mill chẳng hạn, coi bản chất loài người đem theo mầm mống của sự ích kỷ, thậm chí tội lỗi. Thánh Augustine, một trong những triết gia Trung cổ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Giáo hội Kitô giáo, quan niệm thứ chúng ta gọi là ác vốn dĩ chỉ là trục trặc, khiếm khuyết của thiện. Những kẻ mộ đạo, dù mang đức tin mãnh liệt vào Chúa với hy vọng ngài tạo ra mọi thứ trong đời đều đẹp, nhưng vẫn hoài nghi chính ngài vô tình sinh ra kẻ xấu trong thế giới người thiện. Không hoàn hảo tựa bóng tối - sản phẩm "ngoài dự kiến" của sự cố thiếu ánh sáng.

Marie Russell cố gắng tìm kiếm điều gì đó giữa những tranh cãi này, bất chấp tư duy của cô dần hiểu rằng không có quan niệm thiện - ác nào là vĩnh viễn đúng với mọi thời đại hay mọi hoàn cảnh cụ thể. Một người trẻ, không chỉ theo đuổi tri thức trong kho tàng sách in nhuộm màu thời gian, mà Marie Russell còn vô cùng hứng thú với phim ảnh, để khám phá thông điệp đầy tính nhân văn phía sau từng câu thoại. Trường học Thiện và Ác là một ví dụ, ám chỉ thước đo lòng người không nằm ở vẻ bề ngoài, mà "lặn" sâu ở cá tính. Chúng ta có thể ngồi thiền hàng giờ vào cuối ngày, hoặc đi nhà thờ mỗi tuần một lần, nhưng lại thể hiện tính nhỏ mọn, làm tổn thương người khác bằng lời nói cùng hành động, thì rốt cục bản thân là người thiện, hay kẻ ác?

Sophie bị bỏ vào Trường Ác ma còn Agatha nhập học Trường Người tốt. Sophie mang dáng dấp một nàng công chúa trong truyện cổ tích với những đau khổ tựa cuộc đời nàng Lọ Lem, tưởng sẽ làm điều tốt nhưng lại dần thay đổi với những toan tính kì quái. Trong khi đó, Agatha tỏ ra luộm thuộm và luôn mặc đồ đen, vốn thô lỗ và hung dữ tựa mụ phù thủy, nhưng kỳ thực luôn thấu cảm với nỗi khổ của người khác. Sự xấu xí trong trái tim khiến Sophie trở thành một kẻ độc ác, còn Agatha phải tìm cách ngăn chặn kế hoạch xấu xa của Sophie nhằm phá hủy ngôi trường. Cuộc chiến thiện - ác trở thành phép thử cho tình bạn vĩnh cửu, mà cũng giống liều thuốc giải cho số phận Sophie, hay xóa tan tư tưởng "nhìn mặt mà bắt hình dong" đối với Agatha. 

Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche từng nói Trái Đất kì quặc, là cái nôi ru ngủ bất kể loại cá tính nào, nhưng chỉ quy về được hai mối: hoặc thiện, hoặc ác. Từ khi sinh ra với hình hài lành lặn của một đứa bé khỏe mạnh, chúng ta bắt đầu vô thức chạy trong cuộc đua sinh tồn giữa hai thế giới đối lập. Tâm trí ta chia hai nửa, và cho dù được dạy rằng cuộc sống luôn vì điều tốt, hay chí ít ta nghĩ như thế, thực tế có thể lựa chọn điều ngược lại, vô tình hay hữu ý. Cái chúng ta thực sự mong đợi, như Friedrich Nietzsche chia sẻ, có lẽ là sự cân bằng trong tư duy, giữa phần "con" và phần "người", làm sao sống có ý nghĩa ở đời, tránh những sai lầm không đáng có để rồi phải hối tiếc.

Một bộ phim gần 3 tiếng, khiến chúng ta nghĩ về thực tế cuộc sống. Người tốt luôn quan tâm đến nhau, chúng ta chiến đấu vì nhau. Cái ác chỉ chiến đấu cho chính nó, và nếu chúng ta cứ mãi phán xét người khác vì không hoàn toàn tốt, thì chúng ta chỉ càng tăng thêm sức nặng cho khía cạnh ác. Chẳng thế mà Marie Russell cho rằng thiện hướng đến tình yêu dành cho tất cả loài người, còn ác thực chất là sự thiếu thốn tình yêu cùng niềm tin ở người khác. Khi không sống yêu thương, chúng ta trở nên vô dụng, tự cho mình là đúng, chỉ trích hay làm hại đồng loại. Tuy nhiên, hành động mạnh hơn lời nói, vì vậy ngay cả khi tồn tại một số cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực, điều quan trọng là những gì chúng ta làm. Nếu hành động là từ bi, quan tâm và yêu thương, thì chúng ta xuất phát từ tình yêu, bất chấp những nghi ngờ và bóng tối bên trong chúng ta.

Cuộc đời chúng ta như một cái bập bênh -0
Thiện là khi chúng ta tập trung vào việc giúp mang lại ánh sáng, tình yêu, cả trong chính chúng ta và trong những người khác.

Bóng tối và ánh sáng

Nhiều triết lý nói về việc chấp nhận hoặc thừa nhận mặt tối của chúng ta. Không ai hoàn toàn xấu xa, cũng như không ai hoàn toàn tốt đẹp. Tất cả chúng ta đều có một mặt tối và tất cả chúng ta đều có một ánh sáng bên trong. Cả hai phạm trù thiện - ác cùng tồn tại trong con người, tựa biểu tượng âm dương. Bên trong bóng tối là điểm sáng, và bên trong ánh sáng là điểm tối. Hay nói theo triết học kinh dịch, thiện - ác, tuy thấy như mâu thuẫn, mà chẳng bao giờ rời nhau. Thực ra không vật nào trên đời mà thuần dương hay thuần âm, cũng như không có gì thuần ác hay thuần thiện. Không có một đức tốt nào mà không bị đeo theo một tật xấu của nó.

Marie Russell nhớ lại những gì thầy giáo chia sẻ với cô trong buổi học. Một vị giáo sư từng có nhiều buổi hội thảo trong các nhà tù ở Nam Mỹ nhận thấy điều đau đớn nhất đó là bản án lương tâm cho phạm nhân, những người rơi nước mắt vì hối hận muộn màng, thậm chí không còn cơ hội hoàn lương. Kẻ thủ ác phải trả giá bằng mạng sống, nhưng suy cho cùng những giây phút cuối đời có lẽ mới nhận ra tính thiện còn sót lại, để lắng nghe tiếng chim hót tự do bên ngoài cửa sổ phòng giam, rồi tự họa lên bức tranh đẹp đẽ nhất trong tâm trí.

Trên một diễn đàn tâm lý, có người nói rằng, kẻ ác là người đánh mất năng lực thấu cảm. Phần "con" hình thành từ bản năng của một loài sinh vật được tiến hóa từ loài vượn cổ, cho nên dễ bị tham, sân, si chi phối. Phần "người" hình thành từ các mối quan hệ xã hội, là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện và không ngừng hoàn thiện mình. Sống chính là tăng trưởng phần "người" và giảm trừ phần "con". Ngay cả bên trong kẻ ác nhất vẫn còn lại dư vị tính thiện, một khi bóng tối bên trong họ trải qua tình yêu, để nhìn thấy ánh sáng. Thứ ánh sáng cứu rỗi ấy, cùng cảm giác hướng thiện luôn ở đó, chỉ là chúng ẩn sau lớp mặt nạ loài người, bị phần "con" lấn át đến mức chưa thể hé lộ.

Cuộc đời như cái bập bênh, lúc lên lúc xuống, trong khi ta vững vàng thì người khác sẽ phải chông chênh. Lúc nào chúng ta cũng muốn chứng minh mình mạnh hơn người khác, giỏi hơn người khác, tạo nên cảm giác vượt trội của bản thân trên cơ sở đối phương không bằng mình. Phải chăng đó là thời điểm cán cân nghiêng về phía thiếu tình yêu, biểu hiện của sự ác giả tạo với cảm xúc và niềm vui của mình? Thay vì đẩy chân thật mạnh để lên cao, tại sao cả hai người không cùng nhẹ nhàng tạo thế cân bằng. Có thể chẳng ai hơn ai, cũng không thể cao hơn, nhưng ít nhất, con người thành thật và tìm kiếm được niềm vui, hạnh phúc thật sự. Thiện là khi chúng ta tập trung vào việc giúp mang lại ánh sáng, tình yêu, cả trong chính chúng ta và trong những người khác.

Trường học Thiện và Ác kết thúc, với ca từ bài hát “Bạn nghĩ mình là ai?” vang lên đầy ám ảnh. Và có lẽ đó là năm từ quan trọng nhất để tự vấn chính mình, giống như câu hỏi nổi tiếng "Tôi là ai?" được đặt ra bởi các triết gia qua các thời đại. Tuy nhiên, theo quan điểm của Marie Russell, việc chúng là ai không quan trọng bằng suy nghĩ mình là ai. Chương 23, sách Châm Ngôn của Kinh Thánh Cựu ước, dòng thứ 7 có viết: vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy. Bởi vì hành động đến sau suy nghĩ, nên chúng ta phải chọn những suy nghĩ nào chúng ta muốn thúc đẩy bên trong con người mình và những suy nghĩ nào chúng ta muốn hủy bỏ hoặc "quẳng vào bãi rác". Sẽ có đôi lúc yếu lòng, vướng phải ý nghĩ xấu xa, tràn ngập hận thù. Nhưng không phải chúng ta ác, mà đơn giản chỉ là đang tìm cách cân bằng năng lượng bên trong và đưa ra lựa chọn nghiệm thích hợp nhất vào thời điểm đó của một phương trình cuộc đời nhiều nghiệm... 

Lê Nam
.
.