Khao khát nổi bật trong thế giới một người

Thứ Bảy, 17/12/2022, 10:16

Chúng ta đang sống ở những xã hội mà sự nổi tiếng, hay chí ít là nổi bật, trở thành khát khao ngày càng lớn với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành một ca sĩ, diễn viên hay hoa hậu. Phần đông chúng ta có một diện mạo bình thường, và sống cuộc đời bình thường. Nhưng rất nhiều người không muốn chấp nhận điều này, luôn tự hỏi làm cách nào để thay đổi thực tại nhàm chán.

Thử làm người lắng nghe

Trên một diễn đàn tâm lý, người ta truyền tai nhau mấy lời bàn tán về người hướng nội, tồn tại song song với kẻ hướng ngoại bên trong một xã hội năng động. Hẳn chúng ta từng nghe thấy ai đó bị gắn mác kì dị, kiểu những phần tử “chống lại xã hội” thật nhạt nhẽo, vô hình trong các cuộc chơi. Ryan Patrick Hanley tự nhận cuộc sống hướng nội của anh “nhạt”, với công việc kiểu 9 giờ sáng đến, 5 giờ chiều về. Đáng ra anh phải vui vì may mắn là một người bình thường, nhưng suy nghĩ lúc nào cũng bị bủa vây bởi ám ảnh về cuộc đời phẳng lặng đến chán ngán, thúc giục trái tim phải đổi thay trước khi không còn cơ hội.

Khao khát nổi bật trong thế giới một người -0
Vẫn luôn có những cái bóng im lặng, ngắm nhìn tài năng và vẻ đẹp riêng của người khác mà loay hoay với khao khát trở nên nổi bật trong đám đông.

Chúng ta sống theo tập thể, với sự đa dạng của mỗi loại cá tính, tạo nên những thế giới riêng với sắc màu khác biệt. Trong một đám đông vô cùng nhộn nhịp, người thì hăng hái khoe giọng hát ngọt ngào, kẻ cầm trên tay máy chụp truy tìm góc ảnh đẹp, số khác chỉ cần đứng cười cũng đủ gây thương nhớ. Vậy mà vẫn luôn có những cái bóng im lặng, ngắm nhìn tài năng và vẻ đẹp riêng của người khác, còn bản thân luôn tự huyễn hoặc mình không có gì để thể hiện. Họ chỉ đơn giản là “người trần mắt thịt”, cần sự thấu hiểu thay vì mất phương hướng giữa nỗi sợ hãi bị bỏ rơi ở thế giới này.

Không có gì phù hợp hơn với những cá tính này bằng Lebensregeln (Những quy tắc cuộc sống) của triết gia Gottfried Wilhelm Leibnizm, cùng niềm tin rằng mỗi người hãy cứ bình thường nhưng đừng tầm thường. Lịch sử triết học miêu tả Leibniz như một nhà tư tưởng vượt thời gian và vượt trên mọi trường phái, người đã xem xét chân lý vĩnh hằng với tính đơn giản cổ điển. Giới tâm lý học phải cảm thấy thật xấu hổ khi bỏ quên Lebensregeln chứa những lời khuyên hữu ích, cho dù chúng mang dấu ấn các quy tắc đạo đức thống trị văn hóa tòa án châu Âu vào cuối thế kỷ 17.

Ryan Patrick Hanley lật trang thứ 7 của Lebensregeln, ngẫm nghĩ hồi lâu trước mấy cụm từ ngắn gọn về “cách mở lời”. Các quy tắc của Leibniz xoay quanh ba chủ đề lớn: giao tiếp, cư xử và nội dung chuyện trò. Cứ thế, hành trình đi tìm chân lý cho riêng anh bắt đầu trong đại dương ngôn từ của Leibniz, hướng đến hình ảnh một người tử tế và chu đáo có thể định hướng tốt nhất trong thế giới mà thành công, danh vọng hay thậm chí hạnh phúc chịu ảnh hưởng từ những người khác.

Trước hết, Leibniz lập luận rằng giao tiếp hiệu quả đòi hỏi thứ sức hút khiến người khác cảm thấy được kết nối. Theo hướng này, những điểm chung “nho nhỏ” có thể được kể lại một cách tinh tế để tạo sự chú ý, trước khi chúng ta mở tung cánh cửa để mọi người tự do kể lại chuyện của họ, rồi có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình. Vị triết gia từng đùa rằng nếu ta đối diện một người hoạt ngôn, lấn át mình trong cuộc hội thoại thì ta cần sắm vai ngược lại, khoanh tay im lặng để tự mở cánh cửa chuyện trò cho chính mình. 

Với Gottfried Wilhelm Leibniz, cứ thử nhập vai một người sẵn lòng lắng nghe, nhiều khi đó là bước khởi đầu hoàn hảo cho hành trình đầy hấp dẫn và lôi cuốn mọi người xung quanh. Tiếp đó, ông miêu tả nghệ thuật sẻ chia, từ thẳm sâu bên trong mỗi người, nêm gia vị trải nghiệm đời thực để giúp chúng ta trở nên cởi mở, lấy được sự chú ý và tán thành của đối phương. Chẳng hạn, chúng ta nên kiệm lời, chỉ nhắc tới những gì độc đáo hay khác lạ với người khác, để nối dài câu chuyện, đồng thời thử mở lời với chính người thân của mình trước như thể ta đang khởi động chuẩn bị cho một quãng chạy marathon.

Ở bất cứ thời đại nào, của chúng ta ở hiện tại, hay của Leibniz thế kỷ 17-18, đời sống thường bị chi phối bởi sự cạnh tranh giành giật “ánh đèn sân khấu”. Chúng ta không còn đến tòa án để cố gắng khiến nhà vua chú ý tới mình, mà ngồi đếm lượt thả tim trên mạng xã hội. Hệ quả tất yếu là chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy mờ nhạt, không biết mình nên làm gì, hoặc đối mặt với những căng thẳng không đáng có, cùng “nhãn tên” đầy miệt thị từ những người vô hình trên mạng ảo. Trở về với tư tưởng của Leibniz là tìm thấy điểm tựa để bản thân trở nên mạnh mẽ, đánh bại sức mạnh của ngành công nghiệp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và chiến lược truyền thông xã hội ngày nay.

Khao khát nổi bật trong thế giới một người -0
Chúng ta học hỏi lẫn nhau, bằng “nghệ thuật đối thoại”, thông qua trình bày, thảo luận và tranh luận.

Hiện hữu và xuất hiện

Ngày nay, khao khát được chú ý khiến nhiều người có xu hướng “tăng âm lượng” kiểu livestream trên các nền tảng mạng xã hội, làm trò lố để câu view dư luận, tạo ra nhiều nội dung kì quặc hoặc đi ngược lại quy tắc đạo đức thông thường. Chưa hết, chúng ta bắt gặp nhiều lời kêu ca tại sao cái đẹp cũng chẳng ban phát được cho đều, cho trọn. Bao nhiêu ưu ái đang sẵn sàng chờ đợi những người ưa nhìn. Thế nhưng, âm lượng lớn hơn thường bị lẫn vào tiếng ồn, điều gì không tốt thường dễ bị đào thải. Còn vẻ đẹp mắt thường nhìn thấy chỉ là lớp vỏ, biến chúng ta chẳng khác nào “bình hoa di động”, mà hoa ngắm lâu cũng nhàm. Gottfried Wilhelm Leibniz cảnh báo ấn tượng ban đầu bởi dung mạo tốt đến mấy cũng dễ bị xóa mờ bởi sự nhạt nhẽo của tâm hồn hay sự vô duyên trong cách nói chuyện. Ám ảnh vẻ ngoài che giấu hoặc bóp méo thực tế, khiến chúng ta có nguy cơ quên (hoặc thậm chí không còn quan tâm) mình thực sự là ai. Đối diện với xã hội quá coi trọng hình thức, ông cổ vũ con người đi tìm hai điều rất đơn giản. Đó là hiện hữu và xuất hiện - hai cốt lõi của “Những quy tắc cuộc sống” để chống lại cám dỗ tiêu cực của đời người, cùng sự giả tạo khiến chúng ta không thể phát triển. Theo đó, chúng ta không chỉ tỏ ra xứng đáng với sự kính trọng của người khác, mà còn phải chứng minh mình thực sự xứng đáng với sự kính trọng đó.

“Thế giới một người” khiến những người hướng nội phải độc lập, tự chủ hơn. Nhưng đây cũng chính là thời cơ vàng để chính họ nạp năng lượng, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn. Lời khuyên của Leibniz hướng đến ba từ: nhún nhường, khiêm tốn và kiên nhẫn. Bất kể ai dù trong hoàn cảnh nào đều cần tự trang bị cho mình những vũ khí bí mật trước khi trở thành tâm điểm của sân khấu. Chúng ta học ngoại ngữ, trau dồi kiến thức về thế giới, về đời sống (kiến trúc, y học, nội thất và nấu ăn) và nghệ thuật (khiêu vũ, âm nhạc và hội họa), chăm chỉ luyện tập thể thao cũng như biết tự vệ để bảo vệ mình trước những lời xúc phạm hay bạo lực từ người khác.

Khao khát nổi bật trong thế giới một người -0
Gottfried Wilhelm Leibniz cảnh báo ấn tượng ban đầu bởi dung mạo tốt đến mấy cũng dễ bị xóa mờ bởi sự nhạt nhẽo của tâm hồn.

Những quy tắc cuộc sống gói gọn bên trong Lebensregeln, dù ra đời từ năm 1679, nhưng phản ánh tư duy tương lai về một thế giới loài người coi trọng khát khao nổi bật, tiến về phía trước. Bất kể chúng ta thuộc tầng lớp nào, kể cả giới thượng lưu, kiến thức cơ bản là nền tảng cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta học hỏi lẫn nhau, bằng “nghệ thuật đối thoại”, thông qua trình bày, thảo luận và tranh luận. Lebensregeln nhấn mạnh việc sử dụng tri thức, coi trách nhiệm của tất cả những người giác ngộ có thiện chí là cố gắng hiểu vũ trụ cùng các quy luật vĩnh cửu của nó, từ đó mở ra kết nối giữa con người, thúc đẩy cuộc sống phát triển.

Gottfried Wilhelm Leibniz xem triết học như sự thông thái tìm kiếm những nguyên lý nền tảng cho mọi thực tại vì chân lý và sự thiện. Ông hiểu rất rõ rằng phấn đấu vì lợi ích cá nhân có thể dễ dàng biến thành ích kỷ nếu không được kiềm chế bởi mối quan tâm đến những thứ vượt ra ngoài bản thân. Nghệ thuật sống thực sự đòi hỏi phải học cách cân bằng giữa mong muốn nội tại với yêu sách mà xã hội đặt ra cho chúng ta. Trong suy nghĩ của Leibniz, đó là “sự hiện diện của tâm trí”, khởi nguồn từ hành trình đi tìm sự yên bình trong khoảnh khắc tức giận. Rõ ràng, giữ bình tĩnh trong một thế giới bận rộn không phải là nhiệm vụ dễ dàng, và càng khó để giữ được chính mình khi ở giữa những người khác. Một thách thức đầy gian nan, và nếu ai đó thực sự làm chủ được mình, ắt hẳn họ đã chạm tới sự nổi bật khao khát bấy lâu nay... 

Việt Dũng
.
.