Bốn lá bài của niềm vui

Thứ Sáu, 30/12/2022, 10:51

Ở vào thời điểm vô cùng buồn đau vì dịch bệnh, ô nhiễm hay xung đột, chàng thanh niên Andrew Harvey, trong một giấc mơ, đã nhận được một thông điệp làm thay đổi cuộc đời anh. Trên bầu trời xanh đầy nắng ấm, một biểu ngữ được giương lên cao, với dòng chữ đầy nổi bật: niềm vui là sức mạnh.

Hạnh phúc hay niềm vui

Ở hiện tại, chúng ta đang sống trong một nền văn minh bị "bào mòn" bởi chính chúng ta. Con người theo thời gian dần đánh mất ý niệm về thực tại - thứ vốn được biết đến trong các nền văn hóa truyền thống bản địa thần bí. Nhiều thế kỷ trôi qua, con người điên cuồng đua nhau trong hành trình gọi là mưu cầu hạnh phúc, nhưng hầu hết lại chẳng có mấy trải nghiệm về niềm vui hay sự mãn nguyện trong tâm hồn. Dường như, họ chưa cảm nhận trọn vẹn bản chất sâu xa của thực tại. 

4.jpg -0
Niềm vui dường như vượt xa hạnh phúc, có sự kết nối nhiều hơn đến nội tâm, là ánh sáng lấp đầy chúng ta với niềm tin và tình yêu.

Trong tâm trí của Andrew Harvey, hạnh phúc và niềm vui là hai trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Thật kỳ quặc khi anh coi hạnh phúc giống như một chất rắn, phản ánh hoàn cảnh, hay một trạng thái như mọi người đều biết, xuất hiện rồi sẽ biến mất. Hạnh phúc có thể là nhất thời, được tạo ra bởi những lý do không ảnh hưởng đến sự mãn nguyện lâu dài. Chúng ta chìm đắm trong hạnh phúc, nhưng đó chỉ giống một loại bầu không khí mà đôi khi ta vô tình tận hưởng nếu gặp may.

Còn niềm vui thì tựa chất lỏng, không được xác định bởi sự thay đổi của số phận hay trò chơi của cảm xúc. Tác giả Adela Rogers, với “Sinh ra là một vĩ nhân”, từng viết rằng niềm vui dường như vượt xa hạnh phúc, có sự kết nối nhiều hơn đến nội tâm, là ánh sáng lấp đầy chúng ta với niềm tin và tình yêu. Cũng giống người mẹ của Andrew Harvey, trìu mến dạy cậu con trai mới 5 tuổi bằng hình ảnh ẩn dụ "chiếc chìa khoá" niềm vui, mở cánh cửa hy vọng cho cuộc sống sau này.

Chúng ta bắt gặp từ "happy" trong tiếng Anh, khi cười với ai đó, rồi lúc muốn biểu đạt sự vui vẻ. Mang nghĩa hạnh phúc trong tiếng Việt, nhưng trạng thái "happy" không kéo dài, thường phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Một người hạnh phúc, theo quan điểm của số ít triết gia, thường chỉ biểu lộ cảm xúc phấn khởi do trải nghiệm hoặc vật chất mang lại. Thế nhưng, điều chúng ta thực sự kiếm tìm vượt ra khỏi hạnh phúc ngắn ngủi kiểu này. Chúng ta mong muốn cuộc đời tràn ngập "joy", những niềm vui kéo dài bất tận cho cảm giác bình yên trong tâm hồn.

Andrew Harvey nhớ lại bộ phim "Joy - Người phụ nữ mang tên niềm vui" anh từng xem, tận hưởng từng lớp nghĩa của câu chuyện lấy cảm hứng về một con người kiên cường. Bao nhiêu bão tố cuộc đời không nhấn chìm được Joy, chính cô đã mang lại niềm vui cho gia đình, bạn bè và những người thân thiết nhất. Joy thực sự truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta trong cuộc chiến tìm niềm vui, lẽ sống cho bản thân, trước khi nhận ra thế giới này vốn dĩ là một mớ lộn xộn, biến đổi liên tục.

Bốn lá bài của niềm vui -0
Sống chậm như một liều thuốc xúc tác khiến con người nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua.

Chậm lại để yêu thương

Triết gia vĩ đại Plato kết luận, dù theo đuổi hạnh phúc hay cố gắng kiếm tìm niềm vui, con người vẫn mãi là một thực thể đi tìm ý nghĩa để sống trong cuộc đời. Lá bài đầu tiên trong hành trình giải bài toán "vì sao ta tồn tại" không ở đâu xa, xoay quanh động lực khám phá niềm vui nguyên thủy cất giấu trong chính mình, và sau đó sống từ sự bình yên, năng lượng tích cực, cùng niềm đam mê vô hạn dành cho thế giới. Niềm vui bùng nổ khi ta đang hòa vào bất cứ cuộc vui nào với đám đông, nhưng cũng lặng lẽ "đâm chồi" khi ta trở về với sự an yên nội tại mà không bị cuốn theo nhịp điệu của ai khác.

Tất nhiên, điều này đòi hỏi một cam kết suốt đời để khai phá tiềm năng bên trong bản thân, đồng thời duy trì tâm trí cứng rắn để vượt qua mọi rào cản lạc hậu, tư duy bảo thủ tồn tại bấy lâu trong cả một nền văn hóa rằng không có niềm vui nào thực sự tồn tại. Từ đây, Andrew Harvey bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của sống chậm, chậm lại để không hời hợt, để nuôi dưỡng cảm xúc của mình. Lá bài thứ hai lộ diện, nhắc chúng ta nhìn lại chính mình, để giác ngộ mình chỉ là tập hợp của những thiếu sót và con số 0 tròn trĩnh, rồi cố gắng thay đổi để không phải oán trách về bản thân.

Kỳ thực, cái gì đáng nhanh thì nhanh, cái gì đáng chậm thì nên chậm. Sống chậm dường như đưa con người trở về với bề sâu, những góc khuất trong tâm hồn, từ tốn lắng nghe và suy ngẫm. Như triết gia Ralph Waldo Emerson từng nói, con người cần nắm bắt nhịp bước của tự nhiên, để khám phá bí mật của nàng chính là sự kiên nhẫn. Sống chậm, trong thế giới loài người, chẳng khác nào con rùa trong truyện ngụ ngôn của nhà văn Hi Lạp cổ đại Aesop, cứ chậm mà chắc, bền bỉ để chiến thắng. Nếu ta cứ dục tốc bất đạt thì công việc có thể thành xôi hỏng bỏng không.

Với Sức mạnh của hiện tại, tác giả Eckhart Tolle tin rằng ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, thế nên đừng vội mải miết đi hết mức chiều dài của cuộc đời mà hãy bình tĩnh để tận hưởng những năm tháng thật sâu và thật rộng. Eckhart Tolle giúp thế hệ người trẻ như Andrew Harvey vượt qua khó khăn trong đời sống cá nhân, tái tạo các mối quan hệ ngày một tốt đẹp hơn, đồng thời giúp tư duy cởi mở để tiếp tục nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên. Sống chậm, theo cách nào đó, hoạt động như một liều thuốc xúc tác khiến con người lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp đập của con tim, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua.

Giác ngộ sự đổi thay

Sống trong niềm vui không những khởi nguồn cho thành công, mà còn phản ánh dấu hiệu cho thấy chúng ta đã thức tỉnh bản chất thiêng liêng cũng như trách nhiệm trên thế giới. Khi ấy, chúng ta đủ thông tuệ để nhìn thấu lỗi lầm, những cái bóng trong quá khứ, để rồi xóa tan bóng mây che mờ tầm nhìn, trước khi cảm nhận hy vọng đến từ ánh nắng chiếu rọi. Lá bài thức tỉnh đưa tâm trí vào con đường kỷ luật nghiêm ngặt về việc nhìn xuyên qua những ảo tưởng chi phối và bóp méo hành vi của con người. Cho đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra bản ngã bên trong - thứ sức mạnh mà thất bại, thử thách hay thậm chí ảo giác về cái chết không thể đánh bại.

Khi được hỏi dấu hiệu thực sự của một người giác ngộ đích thực, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Người đó tỏa ra niềm vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Vài ý kiến phỏng đoán thực tế của sự thức tỉnh bắt nguồn từ sự hiện diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay tỏa sáng trên khuôn mặt cao quý của Nelson Mandela. Số khác tìm kiếm giác ngộ tựa ngọn lửa cứ âm ỉ sưởi ấm cho sự kiên nhẫn cùng lòng trắc ẩn của hàng trăm ngàn y tá, bác sĩ, nhân viên cứu trợ hay nhà hoạt động môi trường. Họ là người thường, nhưng rất phi thường, dám dấn thân vào hoàn cảnh khó khăn vì công lý, vì tình yêu đồng loại.

Rõ ràng, nếu niềm vui là bản chất sâu xa của thực tại, hành trình hướng tới niềm vui có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai, bất kể họ đã làm gì và bất kể cuộc sống của họ có trở nên tăm tối, tuyệt vọng đến đâu. Tất nhiên giác ngộ chẳng thể nào suôn sẻ nếu chúng ta không dám thay đổi. Triết gia Hi Lạp Heraclitus miêu tả cuộc sống là dòng chảy không ngừng, luôn tịnh tiến về phía trước. Mỗi lần bước từ trên bờ xuống sông, đôi chân ta sẽ cảm nhận một dòng nước mới, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Việc chống lại dòng chảy tự nhiên này là chống lại chính bản chất của sự tồn tại.

Trích lời nhà văn Elana Ferrante, chúng ta không có lý do gì phải dè chừng trước thay đổi, và càng không nên hoảng sợ trước điều khác biệt. Kiên cường trước dòng chảy vô tận của cuộc sống, chúng ta sẽ dần định hình hướng đi cho chính bản thân, khiến mọi điều diễn ra suôn sẻ hơn. Elana Ferrante tin tưởng thay đổi không bao giờ chấm dứt, chúng mở ra cơ hội để đón nhận niềm vui mới, đến từ bất cứ điều gì được cuộc sống "ném" vào chúng ta. Như thế, lá bài thay đổi đem tới một bài học vô giá cho con người: một bản ngã luôn thay đổi tạo nên một bản ngã tiếp tục sống.

Một khung trời rạng sáng, ánh lên nhiều vì sao lấp lánh khi và chỉ khi những tường lũy bảo vệ cho tư tưởng và thói quen tưởng chừng vững chắc như bàn thạch hóa ra lại đổ sụp tan tành khi bị tư tưởng khác chạm vào. Ngay cả trải nghiệm khủng khiếp không nhất thiết hủy hoại cơ hội sống trong niềm vui, mà trở thành lò luyện kim giúp chúng ta trở nên cứng cỏi và bền bỉ, tiếp tục hành trình hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Suy cho cùng, tận hưởng niềm vui thực sự giống những cơn sóng vỗ bờ từ khơi xa, chứ không phải giữ cảm xúc mãi phẳng lặng như mặt hồ không chút xao động... 

Việt Dũng
.
.