Dĩ bất biến, trong thế giới vạn biến

Thứ Tư, 28/12/2022, 08:47

Hãy quay trở lại với mùa xuân 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng nổ. Chỉ trong vài tuần, tất cả chúng ta đều rơi vào trạng thái hoang mang. Một cơn hoảng sợ lan ra toàn cầu và làm mọi thứ tê liệt.

Nỗi sợ sự không chắc chắn

Lý do? Chúng ta không biết chắc điều gì đang chờ đợi phía trước và mọi thứ đều trong trạng thái bấp bênh. Virus nguy hiểm ra sao? Chúng ta không biết. Chuyện này rồi sẽ kéo dài bao lâu? Không ai biết. Chúng ta phải hạn chế nó như thế nào? Cũng mù mờ. Có phương pháp nào điều trị hiệu quả không? Chưa ai nghĩ ra. Virus có thể lây lan ra đến đâu và tạo ra hệ lụy gì? Không ai hay. Rồi chúng ta có thể kiếm sống được không, khi mà mọi thứ đều bị tắc nghẽn vì dịch bệnh?

Quá nhiều câu hỏi làm chúng ta bối rối và một số nhanh chóng rơi vào các trạng thái tâm lý tiêu cực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần và trầm cảm đã tăng 25% so với thời điểm trước khi có đại dịch. Một thống kê tại Anh cho thấy tỉ lệ ly hôn tăng vọt lên 95% sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

Dĩ bất biến, trong thế giới vạn biến -0
VUCA (viết tắt của Volatility - biến động, Uncertainty - không chắc chắn, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ) mô tả về tính không ổn định, biến động liên tục của ngoại cảnh và tình huống chung. Nguồn ảnh: TalentQuest

Có vẻ như việc sống trong sự thiếu chắc chắn khiến chúng ta hoảng loạn. Dan Grupe, một nghiên cứu sinh của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe tâm trí của Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: "Ở các loài động vật khác, tính không đoán trước hoặc không chắc chắn mang đến cảnh giác cao độ, nhưng chỉ có con người mới phản ứng thực sự trước tính không thể đoán trước của các sự kiện trong tương lai. Bản thân sự không chắc chắn có thể mang lại rất nhiều đau khổ cho con người".

Trong 2 năm qua, chúng ta thấm thía sự thật ấy. Một khái niệm đã có từ rất lâu, nay trở thành chủ đề trung tâm sau đại dịch: Trạng thái VUCA (viết tắt của Volatility - biến động, Uncertainty - không chắc chắn, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ). Thuật ngữ này được công bố lần đầu vào năm 1987, dựa trên lý thuyết lãnh đạo của Warren Bennis và Burt Nanus, mô tả về tính không ổn định, biến độngliên tục của ngoại cảnh và tình huống chung.

Đại học Chiến tranh Hoa Kỳđã đưa VUCA vào giáo trình giảng dạy, phản ánh thế giới đa phương không ổn định, thiếu chắc chắn,phức tạp và mơ hồ hơn sau Chiếntranh Lạnh. Ngày nay, nó được sử dụng với nghĩa rộng, mô tả trạng thái biến động không ngừng mà các cá nhân hay tổ chức buộc phải thích ứng.

Các nghiên cứu khoa học xã hội cho thấy, chúng ta đang sống trong một xã hội phức tạp với nhiều lớp lang chưa từng có trong lịch sử loài Homo sapiens kéo dài đã 200 ngàn năm. Từ năm 1934,nhà nhân chủng học Ruth Benedict đã chỉ ra trong cuốn "Các khuôn mẫu văn hóa" rằng mỗi bộ phận của xã hội hiện đại đều phụ thuộc vào các thành phần khác trong mối quan hệ qua lại. Những hệ thống như vậy không chỉ phi tuyến tính, mà còn phức tạp hơn bất kỳ điều gì con người từng biết.

Và, chúng ta được nhìn thấy những điều chưa bao giờ xảy ra, ngày một nhanh và nhiều hơn.

Đại dịch khởi động một loạt những hệ lụy sau đó, bao gồm các dấu hiệu suy thoái kinh tế, sự sụp đổ của nhiều thị trường đầu tư và đầu cơ (chứng khoán, nhà đất, tiền mã hóa...) và điều tệ hại nhất: Chiến tranh Nga - Ukraine, cùng khủng hoảng nhân đạo đi kèm nó. Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể là nạn nhân của các biến động khó lường này, tổn thất từ tài sản, sức khỏe, thậm chí cả mạng sống.

Thích ứng trong thế giới đổi thay

Nhà toán học John Allen Paulos nhận xét chung về thế giới trong trạng thái VUCA: "Điều chắc chắn duy nhất tồn tại là sự không chắc chắn". Các cách tiếp cận truyền thống, bị chi phối với các dự báo, cố gắng kiểm soát hành vi và thiết kế cho những mục tiêu cụ thể, không còn hợp lý trong bối cảnh ấy. Nói cách khác, chúng nhìn nhận cuộc sống nói chung và xã hội nói riêng như một bản kế hoạch, có quy trình, logic và những thước đo làm chuẩn mực cơ bản.

Dĩ bất biến, trong thế giới vạn biến -0
Thích ứng với những biến động ngặt nghèo của thế giới luôn đổi thay đòi hỏi chúng ta luôn phải nhìn nhận mọi sự như một tiến trình liên tục thay đổi, chứ không phải một kế hoạch đã được lên sẵn kịch  bản. Nguồn ảnh: Getty

Các lý thuyết quản trị xã hội mới coi sự không chắc chắn là một thực tế của cuộc sống và nhìn mọi thứ như một tiến trình bất định, mang lại một kiểu giải quyết vấn đề khác. Ví dụ, khi các chính sách được xây dựng, chúng hướng đến việc ưu tiên đảm bảo chất lượng cuộc sống, nhưng không thể đảm bảo các cấu trúc xã hội được nguyên vẹn. Thay vào đó, các hệ thống kinh tế, xã hội sẽ được thiết kế sao cho chúng có thể chuyển đổi trạng thái một cách trôi chảy, tùy theo nhu cầu của bối cảnh.

Trong thế giới VUCA, mọi thứ biến đổi rất nhanh. Vào tháng 11, Sam Bankman-Fried, ông chủ của một trong những sàn tiền mã hóa lớn nhất thế giới, tuyên bố phá sản và hàng chục tỷ USD đã bốc hơi. 1 tháng sau, anh ta bị bắt và dẫn độ về Mỹ, đối diện mức án hơn 100 năm tù. Tất cả những điều này xảy ra trong 2 tuần. Trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự biến mất của những gã khổng lồ như Yahoo, Nokia và thay vào đó là sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp như Google, Facebook và hiện tại có thể là TikTok. Năm 2008, cùng với khủng hoảng kinh tế, chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của Lehmann Brothers, ngân hàng đầu tư có tuổi thọ 200 năm. Bất kỳ con khủng long nào cũng khó có thể sống sót nếu không thể thích ứng với thời đại VUCA.

Và những cơn khủng hoảng của một thế giới vạn biến ấy đã ám ảnh bất kỳ một cá nhân nào trên 30 tuổi ở Việt Nam trong năm qua. Khi đại dịch đến, công việc trở nên khó khăn, trong khi các tài sản đầu tư lần lượt bốc hơi hoặc mất thanh khoản, phản ứng đầu tiên của tôi và nhiều người bạn của mình là tuyệt vọng: Chúng tôi động viên nhau, nhưng ai cũng lo lắng vì không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Nhưng, một năm qua là một bài học lớn với tất cả. Sau nhiều năm chỉ làm báo truyền thống, lần đầu tôi biết đến các công việc khác xoay quanh viết lách, như là lên kế hoạch truyền thông hoặc truyền đạt kinh nghiệm về báo chí và marketing.

Là một người không giỏi về các thao tác máy tính, tôi buộc phải tự học và "nghiên cứu" thêm về lập trình, cũng như tài chính, để mở ra các hướng đi mới cho công việc của mình. Khi mọi việc đi vào một trật tự mới, tôi chợt nhận ra 2 điều: 1- Nỗi sợ vì sự thiếu chắc chắn không khủng khiếp như chúng ta thường phóng đại; 2- Bạn có thể tự tạo ra sự chắc chắn cho bản thân mình, bằng những thói quen ổn định.

Khi khủng hoảng xảy ra, một trong những thói quen tốt tôi xác lập được là lập tức bắt tay vào nghiên cứu cái mới, không kể ngày đêm. Tôi có thể ngồi hàng giờ để thử nghiệm một thứ gì đó có ích cho công việc. Tôi nhận bất kỳ công việc nào mà quỹ thời gian cho phép mình có thể tìm hiểu đến nơi đến chốn. Tôi từ chối các kiểu công việc mà mình không cảm thấy hứng thú tìm hiểu.

Hầu hết các nghiên cứu về thói quen đều cho thấy rằng sức mạnh ý chí của bạn không quan trọng bằng việc bạn tự tạo ra môi trường và duy trì các thói quen. Ví dụ như việc giảm cân: Bạn không thể kiểm soát được thời điểm mình thèm ăn chất béo và đồ ngọt, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được danh sách mua hàng ở siêu thị, cũng như duy trì thói quen tập thể dục vào một giờ cố định trong ngày.

Việc ứng phó với VUCA cũng thế: Ý chí riêng lẻ của bạn sẽ kiệt quệ, nếu không có các thói quen. Chính việc tập trung vào chúng có thể giúp bạn chấp nhận được sự biến đổi chóng mặt của thế giới xung quanh mình. Những gì chúng ta biết rõ nhất, rốt cục, chỉ có bản thân mình mà thôi.

Ban Cầm
.
.