Bí ẩn xác ướp “người muối” ở Iran
Nằm gần làng Hamzelou, phía Tây Bắc Iran, mỏ muối Chehrabad nổi tiếng với nhiều loại đá mặn, thạch cao, đất sét và muối đá được hình thành từ thời kỳ Miocen (5 - 23 triệu năm trước). Nhưng từ năm 1993, khi người ta phát hiện nhiều xác ướp lẫn với các tinh thể muối thông thường, nơi đây không được phép khai thác. Từ năm 2009, địa điểm này được bảo vệ theo Luật Di sản của Iran.
Mỏ muối Chehrabad nằm cách thành phố Zanjan 75km về phía Tây Bắc và là một phần của mái vòm muối lớn với độ cao 1.350m so với mực nước biển. Nơi đây bao gồm các trầm tích đất sét cùng với các mảnh thạch cao và muối. Mỏ muối này đặc biệt quan trọng với người dân địa phương với bằng chứng về việc khai thác muối được kéo dài trong 4 thời kỳ, từ thời kỳ Achaemenid (thế kỷ thứ 6 - 4 trước Công nguyên) và Sassanid (thế kỷ thứ 3 - 7 sau Công nguyên) cũng như thời kỳ giữa và cuối Hồi giáo (thế kỷ 11/12 sau Công Nguyên và thế kỷ 18 - 20 sau Công Nguyên).
Năm 1993, những người thợ mỏ ở mỏ muối Douzlakh, gần làng Hamzehli và Chehrabad ở tỉnh Zanjan, đã vô tình bắt gặp một cái đầu xác ướp có niên đại năm 300 sau Công nguyên. Cái đầu này được bảo quản tốt đến mức khuyên tai vàng cũng giữ nguyên màu sắc vốn có. Ngoài ra, phần tóc và ria mép của đầu xác ướp cũng không bị phân hóa. Ngay lập tức, chính quyền Tehran cho ngưng các hoạt động khai thác mỏ muối và cử một đoàn nhà khoa học tới đây. Sau khi tiến hành khai quật khu vực này sâu hơn với hy vọng tìm kiếm đủ thân xác, các nhà khảo cổ phát hiện thêm một chân đi giày da còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, còn có 3 dao sắt, một bộ quần áo len, một cây kim bạc, một sợi dây, một phần dây da, đá mài, quả óc chó, một số mảnh gốm, vải dệt và vài khúc xương gãy.
Năm 2004, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện thêm một thi thể khác và suốt 6 năm sau đó, tổng cộng có 4 “người muối” khác được tìm thấy cùng với một số lượng lớn hiện vật làm từ gỗ, dụng cụ kim loại, quần áo và đồ gốm. Tất cả những “người muối” đều có niên đại khoảng 2.200 năm trước, thời điểm trị vì của đế quốc Ba Tư đầu tiên, Achaemenids. Các nhà khảo cổ học nghi ngờ, tất cả những xác ướp đều là thợ mỏ và là nạn nhân của một vụ sập mỏ.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG), các cuộc khai quật có hệ thống đã được tiến hành từ năm 2010 - 2017 bởi một nhóm nghiên cứu đa ngành do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn di tích văn hóa Iran dẫn đầu với sự tham gia của Đại học Ruhr, Viện Nghiên cứu khảo cổ học và Deutsches Bergbau-Museum Bochum. Các cuộc khai quật khảo cổ đã mang lại những kết quả thú vị về công nghệ và hậu cần của các quy trình khai thác mỏ muối cũng như bằng chứng về ít nhất 3 vụ tai nạn khai thác mỏ.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ít nhất 8 xác ướp khác nhau ở khu vực này và hài cốt của ít nhất 8 cá thể khác nhau đã được tìm thấy tại địa điểm này và mỗi “người muối” đều có một vài bí mật của riêng họ. Chẳng hạn như “người muối” đầu tiên được phát hiện có nhóm máu B+ và hình ảnh 3D về hộp sọ của ông ta cho thấy những vết nứt quanh mắt và những tổn thương khác xảy ra trước khi chết. Có thể ông đã bị một người khác đánh và chết bởi cú đánh mạnh vào đầu. Quần áo của ông ta (đôi bốt da ấn tượng) và chiếc khuyên tai bằng vàng cho thấy đây là một người giàu và có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên, lý do cho sự hiện diện của ông ta trong mỏ vẫn còn là một bí ẩn.
Trong khi đó, “người muối” thứ 4 lại là một thiếu niên 16 tuổi, bị đè bẹp trong một hang nhỏ của mỏ muối và đây là thi thể được bảo quản tốt nhất. “Người muối” thứ 5 thì được phát hiện mang bệnh sán và nó cho thấy ông là người thích ăn thịt sống hoặc hay ăn đồ nấu chưa kỹ. Đáng chú ý là xác ướp này đã là trường hợp đầu tiên ở Iran cổ đại được phát hiện có loại ký sinh trùng này…
5 trong 6 xác ướp hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học ở Zanjan và Bảo tàng Quốc gia Iran ở Tehran. “Người muối” thứ sáu hiện vẫn còn ở trong mỏ vì nó quá mỏng manh để có thể mang ra ngoài. Các nhà khảo cổ học cũng cho rằng, tất cả những “người muối” này không chết cùng nhau và thi thể lâu đời nhất được tìm thấy có niên đại từ năm 9550 trước Công nguyên. Họ cũng tin rằng có thể còn có nhiều xác ướp hơn trong mỏ bởi cho đến nay, người ta cũng đã tìm thấy nhiều bộ phận cơ thể rời rạc đến từ các cơ thể khác nhau chưa được xác định.
“Người muối” được tìm thấy tại Chehrabad đã thu hút sự chú ý của giới khoa học trên toàn thế giới và chứng minh rằng, muối cũng bảo quản thi thể tốt không kém sa mạc. Sức nặng của muối đã đè lên các thợ mỏ xấu số và đá muối hút kiệt nước khỏi thi thể rồi ướp xác họ.
Từ năm 2021, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn di tích văn hóa Iran đã cho thực hiện một dự án là khôi phục và sắp xếp lại các di tích được tìm thấy ở mỏ muối Chehrabad. Người đứng đầu dự án Narges Afzalipur cho biết, điều quan trọng là phải xác định và biến đổi các đồ vật được sử dụng chủ yếu cho mục đích nghiên cứu và học tập thành đồ vật bảo tàng. Dự án cũng bao gồm các xét nghiệm hóa học ướt và khô, sử dụng kính hiển vi kỹ thuật số, làm sạch cơ học, dán nhãn, làm mềm và hút ẩm các bộ phận, lắp ráp và dán các bộ phận, gia cố, đóng gói và chụp ảnh. Cho đến nay, các “người muối” và đồ đạc của họ đã được thanh lọc, làm sạch và phục hồi cơ bản.
Trong khi đó, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Zurich ở Thụy Sĩ cũng đã công bố một phân tích chi tiết về “người muối”. Tiến sĩ Lena Ohrstrom, thành viên Nhóm nghiên cứu xác ướp và cổ bệnh học tại Đại học Zurich, cho biết: “Người muối là những ví dụ hiếm hoi về các cá thể có niên đại từ thời Ba Tư cổ đại và cho đến nay, là những xác ướp muối được bảo tồn duy nhất được biết đến trên toàn thế giới”.
Các phân tích X quang sử dụng tia X và được lặp lại bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) còn giúp các nhà khoa học tái tạo được phần nào gương mặt của những “người muối”. Các phân tích mô học được thực hiện tại Viện Bệnh lý và bệnh lý phân tử của Bệnh viện Đại học Zurich, Thụy Sĩ cũng đã tính được tuổi của “người muối” bằng cách phân tích tình trạng tuổi xương của bàn tay, bàn chân và đầu gối, tình trạng răng miệng cũng như các đặc điểm thể chất và ước tính giới tính tiêu chuẩn trong vật liệu xương dựa trên các phân tích về xương chậu…