Cảnh quan cổ xưa ở Abydos từ các xác ướp

Chủ Nhật, 16/04/2023, 09:29

Trong suốt chiều dài lịch sử rất lâu đời, số phận của Ai Cập cổ đại luôn được quyết định bởi các triều đại thống trị vĩ đại. Và Abydos vẫn được mệnh danh là tâm điểm cho sự thờ phụng tôn giáo của Pharaon và trở thành nơi chôn cất quan trọng nhất ở Ai Cập cổ đại. Còn Ramesses II được coi là Pharaoh vĩ đại nhất với những điều đặc biệt liên quan đến xác ướp.

Sự im lặng của những con cừu đực

Cuối tháng 3/2023, giới khảo cổ học thế giới đã có bước tiến mới khi phát hiện ít nhất 2.000 xác ướp đầu cừu có niên đại từ thời Ptolemaic và cấu trúc nguy nga của Vương quốc cổ tại đền thờ Ramesses II ở thành phố Abydos, Ai Cập.

Bộ sưu tập hộp sọ kỳ lạ này được các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu thế giới cổ đại của Đại học New York (ISAW) tìm thấy bên trong một tòa nhà lưu trữ cổ xưa chưa được khám phá trước đây ở phía Bắc của ngôi đền thờ Ramesses II ở Abydos, một thành phố cổ cách Cairo khoảng 692 km về phía Nam. Ngôi đền này được xây dựng để vinh danh Ramesses II, người trị vì vào khoảng năm 1279 trước Công nguyên.

img_2112.jpg -0
Hơn 2.000 xác ướp đầu cừu được tìm thấy tại ngôi đền ở Abydos.

Trong một bài viết đăng trên trang Facebook, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập còn tiết lộ thêm rằng, các xác ướp này gồm xác ướp của cừu, chó, dê rừng, bò, linh dương và loài cầy Mangut có thể có niên đại khoảng 1.000 năm sau khi Ramsses II cai trị Ai Cập và có khả năng là vật hiến tế ở thế giới bên kia cho vị vua được kính trọng này. “Những phát hiện trên mở rộng kiến thức cho công chúng về địa điểm này trong khoảng thời gian hơn hai thiên niên kỷ, cho đến khi Ai Cập bị người La Mã chinh phục vào năm 30 trước Công nguyên”.

Đáng chú ý là bên cạnh xác ướp động vật, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra một cấu trúc cung điện lớn với những bức tường dày khoảng 5 mét. Theo như ước đoán, công trình có thể được xây dựng từ triều đại thứ Sáu trong thời kỳ Vương quốc cổ, gồm những cột trụ khắc hình Osiris, vị thần nổi tiếng đã chết rồi sống lại và một vòm đá đen hùng vĩ.

Tại địa điểm khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một số bức tượng, dấu vết giấy cói, quần áo và giày da. Hiện, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục công việc khai quật tại chỗ để khám phá thêm về lịch sử của địa điểm này, đồng thời nghiên cứu và ghi lại những gì đã được khám phá trong mùa khai quật hiện tại.

“Đặc sản” ướp xác Ai Cập

Thời cổ đại, các Pharaoh Ai Cập sau khi qua đời đều được ướp xác và chôn cất trong các lăng mộ nhiều cạm bẫy. Và không chỉ ướp xác vua chúa của mình, người Ai Cập còn làm điều tương tự với các loài động vật. Chưa có một tài liệu nào chỉ ra thời điểm chính xác người Ai Cập bắt đầu tục ướp xác động vật nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tục lệ này xuất hiện sau khi hợp nhất Thượng và Hạ Ai Cập, khoảng năm 3.000 trước Công nguyên. Nhiều phát hiện khảo cổ cũng chỉ ra dấu hiệu cổ xưa nhất của xác ướp động vật là khoảng năm 5.500 - 4.000 trước Công nguyên.

Lý giải về nguyên do khiến người Ai Cập tiến hành ướp xác động vật, trưởng nhóm nghiên cứu của ISAW, ông Sameh Iskandar cho hay, với người Ai Cập cổ, xác ướp thường được chôn theo nhiều cách tương xứng với vị thế xã hội của người chết. Những cá nhân thuộc tầng lớp thấp chỉ được ướp xác một cách đơn giản và bỏ vào một hầm mộ sơ sài hay bên rìa của một hầm mộ lớn. Những người ở tầng lớp trên sẽ được chôn cất kỹ lưỡng trong hầm mộ có trang trí, dù không phải là quan tài đá. Những người ở cấp bậc cao nhất, như các Pharaoh, sẽ được chôn trong quan tài nhiều lớp hay quách đá và thường được trau chuốt rất tỉ mỉ.

Động vật như mèo, chó, cầy mangut, khỉ, linh dương… là các loài thú cưng. Do vậy, sau khi Pharaoh hay các hoàng thân, quý tộc qua đời, họ thường ướp xác vật nuôi của mình để đem chúng sang thế giới bên kia. Người Ai Cập xưa còn chôn cùng xác ướp Pharaoh một số thực phẩm như gà, vịt… Những thực phẩm này được gói trong vải lanh, ướp muối cẩn thận để làm đồ ăn dọc đường cho linh hồn Pharaoh…

Trong thời đại Ai Cập cổ, những người ướp xác có trách nhiệm bảo quản xác người chết. Không chỉ làm việc dựa trên sự hiểu biết của họ về giải phẫu người, những người này còn phải thực hiện các nghi lễ theo từng giai đoạn trong quá trình ướp. Cụ thể, ngay sau khi một người chết, thân thể họ nhanh chóng được đưa tới cho những người ướp xác để ngăn chặn sự thối rữa sớm. Một quá trình ướp xác tiêu biểu tốn 70 ngày, trong đó, những người thợ lành nghề phải chạy đua để hoàn thành xây dựng lăng mộ.

Bước đầu tiên trong quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại là bỏ tất cả các cơ quan nội tạng bởi những thứ này có xu hướng thối rữa sớm nhất. Não được lấy ra bằng cách đập vỡ xương ở cuối mũi bằng một cái đục và nhét một cái móc đặc biệt vào lỗ mũi đến tận sọ. Sau đó ngoáy cái móc để làm vỡ não. Não đã lỏng được rót ra ngoài sọ qua đường mũi bằng cách nghiêng sọ sang từng phía một. Những người ướp xác cũng bỏ dạ dày, gan, phổi và ruột thông qua một vết rạch nhỏ bên trái bụng.

Theo sử gia Herodotus, trái tim vẫn được đặt chỗ cũ bởi vì người Ai Cập coi nó là trung tâm của thể xác. Các phần nội tạng bị lấy ra từ bụng được cất vào một trong cái gọi là canopic jar (bình kín), và được đặt trong mộ. Bốn chiếc bình kín tạo hình thành bốn người con của thần Horus là: Thần Imsety đầu người bảo vệ buồng gan, Thần Qebehsenuef đầu chim ưng bảo vệ bộ ruột, Thần Hapy khỉ đầu chó bảo vệ hai lá phổi và Thần Duamutef đầu chó rừng bảo vệ dạ dày. Bốn chiếc bình được đựng trong một chiếc rương đặc biệt gọi là rương canopic. Người Ai Cập cổ đại tin rằng, người chết cũng cần nội tạng để sống ở thế giới bên kia.

Sau đó, xác được tắm bằng rượu cọ để ngăn chặn việc phân hủy do vi khuẩn gây ra. Mọi hơi ẩm phải bị loại trừ khỏi xác chết bằng cách nhét những túi lanh đựng natron (một kiểu muối có ở trên bờ hồ Wadi Natrun) vào trong ổ bụng thông qua đường rạch. Phần còn lại của xác được phủ đầy natron và đặt ở chỗ nóng. Kết quả là xác khô đi, nhưng vẫn giữ được hình hài. Cuối cùng, xác được bọc bằng nhiều tấm vải lanh, một số tấm có gắn bùa chú để giúp người chết trên đường đi sang thế giới bên kia. Sau nhiều công đoạn bọc, xác được phủ bằng nhựa thông nóng, trước khi lại bọc tiếp. Để bảo vệ xác chết tốt hơn nữa, bùa chú được đặt ở những vị trí đặc biệt của xác giữa các lớp bọc.

abydos-egypt.jpg -0
Thành phố cổ Abydos vẫn là điểm hấp dẫn hàng đầu đối với du khách khi tới Ai Cập với nhiều đền đài và thị trấn cổ.

Abydos – nghĩa địa dành cho Hoàng gia

Từ trước tới nay, Abydos vẫn được mệnh danh là tâm điểm cho sự thờ phụng tôn giáo của Pharaon và trở thành nơi chôn cất quan trọng nhất ở Ai Cập cổ đại. Phần lớn các cuốn sách hướng dẫn đều nói rằng, thành phố cổ Abydos được thành lập trong triều đại của Pharaoh thứ nhất, trong khi các nhà sử gia đều tin rằng thành phố này ban đầu được thành lập bởi các nhà cầm quyền vào cuối thời kỳ Predynastic.

Sau đó, Abydos liên tục được mở rộng diện tích bởi các Pharaoh vương triều thứ nhất tới Pharaoh vương triều thứ 13. Thành phố này là nơi chôn cất của tất cả các vị Pharaoh vương triều 1 (Narmer và Hor-Aha) và một vài vị Pharaoh vương triều thứ 2. Pepi I (Vương triều thứ 6) đã đặt nền móng cho việc xây dựng đền thờ lớn dành cho vua cõi âm Osiris. Những tàn tích còn sót lại vẫn tồn tại đến ngày nay.

Vào thời kỳ cuối của Vương quốc cổ, Abydos là trung tâm thờ phụng Osiris và nữ thần Isis, thay thế cho thần Khenti-Amentiu - thần cai quản Abydos. Mentuhotep II đã cho xây một nhà thờ tại đây, được phát hiện vào năm 2014. Senusret III cũng đã cho dựng một đền thờ và đặt một thị trấn tại đây, gọi là Wah-Sut. Kế bên đó là 2 ngôi mộ S9 và S10 dành cho 2 vua Sobekhotep IV và Neferhotep I. Các vua thuộc Vương triều thứ 15 và thứ 16 đã chọn Abydos làm nơi cai trị của họ, sử sách gọi là Vương triều Abydos.

Ahmose I thuộc Vương triều thứ 18 cũng cho xây một kim tự tháp tại đây và cũng là kim tự tháp duy nhất có mặt tại Abydos. Nhưng kim tự tháp này được xây với mục đích thờ phụng chứ không phải làm lăng tẩm, xung quanh là những đền miếu nhỏ của hoàng hậu Tetisheri. Thutmose III cũng cho xây một ngôi đền lớn và làm một con đường nối với khu nghĩa trang bên cạnh, băng qua một cổng lớn bằng đá granite. Ahmose II và Nectanebo I cũng cho xây thêm một vài đền thờ nhưng từ thời Ai Cập thuộc Hy Lạp, không có một công trình nào được xây dựng thêm…

Những bức tranh và cuộn giấy được tìm thấy bên trong các ngôi mộ ở Ai Cập cho thấy rằng các cuộc hành hương tới Abydos là điều vô cùng thiêng liêng và đáng tự hào. Abydos nằm ở tỉnh Sohag, cách Cairo khoảng 692 km về phía Nam, được các nhà khảo cổ học và sử gia nhận định là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất từng được khai quật. Ngày nay, thành phố cổ Abydos vẫn là điểm hấp dẫn hàng đầu đối với du khách khi tới Ai Cập với nhiều đền đài và thị trấn cổ như: Đền thờ Osiris, Đền Seti, Đền thờ Ramesses II, Nghĩa trang Umm El Qa'ab… Các nghi lễ tôn giáo được thực hiện tại đây trong suốt thời kỳ các Pharaoh.

Còn đền thờ Ramesses II ở Abydos được xây dựng nhỏ và không phải là nơi chôn xác vị vua này. Ramesses II được biết đến với tên Ozymandias theo tiếng Hy Lạp, là Pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập. Ông được ghi nhận là một trong những Pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử. Những người thừa kế ông, cũng như những người Ai Cập sau này gọi ông là "Ông tổ vĩ đại" và xem ông như người cha của quốc gia, Pharaoh vĩ đại nhất lịch sử Ai Cập cổ đại. 

Sông Thương
.
.