Bên Mohacs, đồng không ai cắt cỏ…
Bất cứ ai đã từng đắm chìm vào danh tác "Những ngôi sao Eger" của văn hào Hungary Géza Gárdonyi cũng sẽ khó lòng quên được những ngôn từ u uất được đặt vào bài ca của người nghệ sĩ già: "Tôi hát khúc sầu tang của nước Hung/ Khóc cánh đồng đẫm máu trận Mohacs…". Địa danh ấy, Mohacs, thực sự đã in sâu vào dòng lịch sử Hungary, như một chứng tích vong quốc đau buồn.
Và ngược lại, trận Mohacs (ngày 29-8-1526) cũng là một trong những minh chứng quan trọng nhất thể hiện sức mạnh vượt bậc, đưa đế quốc Ottoman gia nhập nhóm những quyền lực hùng mạnh nhất tại châu Âu, trong suốt thế kỷ XV.
"Khăn liệm đó phủ lên toàn dân tộc…"
Tuy nhiên, "Những ngôi sao Eger" là một tiểu thuyết lịch sử, chứ không phải một tài liệu nghiên cứu khoa học lịch sử. Và bởi vậy, cách mà Geza Gardonyi mô tả vắn tắt về trận Mohacs, qua lời đại úy trấn thủ Eger - Dobo Istvan, cho dù vô cùng hào hùng tráng liệt, cũng không thể khắc họa chính xác bối cảnh rộng lớn cùng những vấn đề cốt lõi của thảm bại Mohacs đối với nước Hung. Mặc dù vậy, đó vẫn là những phác họa khái quát rất đáng chú ý:
"…Tôi đã biết quân đội Thổ. Tôi đã đứng trên cánh đồng Mohacs và đã trông thấy đạo quân của Suleiman. Thế mà ria mép tôi vẫn chẳng hề bị động chạm. Anh em hãy tin tôi, đáng lẽ hai mươi tám nghìn quân Hung đã nghiến nát trăm nghìn quân ô hợp ấy rồi, nếu như có một người biết chỉ huy trận đánh. Hồi đó chẳng có ai chỉ huy, chẳng có ai bày binh bố trận cả. Các đội quân ta không triển khai chống thế trận của địch mà chỉ tiến một cách ngẫu nhiên thôi. Tomori, đáng thương thay, là một trang anh hùng có những kỷ niệm vinh quang thật đấy, nhưng không phải là bậc tướng lĩnh. Ông ta tưởng rằng khoa học làm tướng chỉ gồm trong một tiếng độc nhất: Theo ta! Thế là ông ta cầu nguyện một bài, chửi đổng một tiếng rồi thét lớn: Theo ta! Thế là đạo quân ta tiến lên như đàn chim én mùa thu, xông thẳng vào giữa đội hình quân Thổ. Quân Thổ tản ra trước mặt quân ta như bầy vịt, còn chúng tôi cứ mù quáng xông lên trước hàng đại bác.
Tất nhiên những khẩu đại bác với những viên đạn buộc móc xích đã làm được cái việc mà sức người không làm nổi. Chúng tôi chỉ còn lại bốn nghìn trong số hai mươi tám nghìn. Nhưng nỗi bất hạnh khủng khiếp đó đã cho ta hai bài học lớn. Một là đạo quân Thổ không phải là tập đoàn của những trang dũng sĩ, mà gồm đủ loại dân tứ chiếng. Chúng nhặt nhạnh tất cả mọi loại người và súc vật, chỉ cốt để lấy số đông mà dọa những người yếu bóng vía. Bài học thứ hai là quân Hung dù ít đến đâu vẫn có thể quấy rối và thắng được quân Thổ, nếu bên cạnh lòng dũng cảm họ còn mang theo trí thông minh làm mộc đỡ…".
Thực tế, Dobo (hay đúng hơn là Geza Gardonyi) đã không đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất: Cơ cấu quản trị quốc gia cũng như quốc lực của Vương quốc Hungary đã suy thoái một cách toàn diện, từ khá lâu trước trận Mohacs này. Điều đó khiến Hungary trở thành một "miếng mồi ngon" đối với đế quốc Ottoman đang càng lúc càng trở nên hùng cường, và khiến cho mọi nỗ lực tập hợp sức mạnh của Hungary của triều đình hoàng gia trở nên khó khăn gấp bội.
Sau khi bậc quân vương mang khuynh hướng cai trị chuyên đế là Matthias Corvinus qua đời năm 1490, những vị vua kế nhiệm ông nối nhau phá hủy các thành tựu đã từng duy trì vững chắc nền độc lập của Hungary tại Trung Âu. Với sự thỏa hiệp càng lúc càng nhiều từ chính quyền trung ương, trong khi giới đại quý tộc và lãnh chúa ngày càng giành được nhiều quyền lợi, thì các lãnh thổ trực trị cũng như ngân khố của hoàng gia mỗi lúc một trở nên eo hẹp.
Hệ quả của điều này là có những vị vua Hungary, như Vladislaus II (ở ngôi từ 1490 đến 1516) không thể tự mình đưa ra bất cứ quyết sách lớn nào, nếu không được giới đại công hầu chấp thuận. Hệ lụy to lớn hơn, là chuyện các đội quân đồn trú thường trực không còn được trả lương cũng như trang bị đầy đủ, nó khiến cho hệ thống quốc phòng của Hungary suy yếu rõ rệt. "Đội quân Đen" - một đội thiết kỵ danh tiếng lẫy lừng với vô số chiến công mà vua Matthias từng hết sức tự hào - bị giải tán.
Trong khi đó, sự xuất hiện của phong trào Kháng cách - Tin lành (Protestant) chống lại Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã truyền thống cũng làm nội trạng xã hội Hungary thêm chia rẽ. Và sau cuộc khởi nghĩa nông dân Gyorgergy Dosza (bị dìm trong biển máu), Vương quốc Hungary chỉ còn là một cơ thể ọp ẹp, cho dù vẻ ngoài trông vẫn có vẻ tráng kiện.
Khi chiến tranh trở thành sự lựa chọn bất đắc dĩ...
…Thì Sultan Suleiman I của đế quốc Ottoman không bỏ qua cơ hội.
Vì muốn khuếch trương tầm ảnh hưởng của đế quốc Hồi giáo dưới tay mình vào trung tâm cựu lục địa, Suleiman I nắm rất rõ tình trạng đất nước của Hungary. Ông biết rằng Hungary đã trở nên chia rẽ như thế nào. Ông cũng biết là những yêu cầu giúp đỡ (về mặt quốc phòng) từ Hungary bị Hoàng đế Thánh chế La Mã (Holy Roman Empire) Maximillian đáp lại hờ hững ra sao (khi Thánh chế La Mã quan tâm nhiều hơn đến những cuộc cạnh tranh quyền lực với nước Pháp ở Tây Âu, còn nước Pháp thì khôn khéo kết đồng minh ngay với Ottoman).
Cùng lúc, "quân uy" của Ottoman càng lúc càng cường thịnh, đặc biệt là sau chiến thắng trước đế quốc Ba Tư năm 1514, cũng như hiệp ước hòa bình ký được với Liên bang Ba Lan-Litva năm 1525. Trước đó, năm 1521, quân Ottoman tiến dọc sông Danube từ Hắc Hải, chiếm Belgrade (thủ đô Serbia hiện tại, nhưng lúc đó vẫn còn là đô thị quan trọng trong lãnh thổ Hungary), và triều đình Buda (khi ấy chưa sáp nhập với phần mang tên Pest để trở thành Budapest như bây giờ) không có cách gì tổ chức tái chiếm.
Pal Tomori, chính là "Tomori tội nghiệp" mà Dobo Istvan nhắc tới ở đoạn trên, một Tổng giám mục, cũng là một chỉ huy quân sự, gần như bị bỏ rơi, trong những nỗ lực tuyệt vọng nhằm củng cố biên giới phía Đông và Đông Nam của Hungary.
Ngày 16-4-1526, Suleiman I ngự giá thân chinh, dẫn đại quân Ottoman rời Constantinople, thẳng tiến đến Hungary. Vua Lajos (Louis) II khẩn cấp kêu gọi, nhưng giới quý tộc Hungary động binh không mấy vội vã. Cuối cùng, khi chạm trán địch quân tại Mohacs, quân Hungary (với vua Lajos II đích thân chỉ huy) không thể tập trung được toàn bộ lực lượng. Những cánh quân Transylvania do Janos Zapolya chỉ huy hay quân Croatia do Christophe Frankopan chỉ huy đều không thể đến hội quân kịp (cùng với những khẩu đại bác vô giá của họ).
Ở Mohacs, quân Hung có khoảng 35.000 quân (theo số liệu của Britanica) cùng một số lính đánh thuê Tây Ban Nha, Đức, Serbia và 85 khẩu pháo. Đối diện với họ là 60.000 quân Ottoman, với 300 khẩu thần công.
Theo New World Encyclopedia, thậm chí, Vua Lajos II không chỉ mắc sai lầm khi không chờ đợi đủ viện binh, không chỉ chọn sai cánh đồng Mohacs trống trải làm địa điểm quyết chiến, mà còn thiên về một kế hoạch rút lui hơn là chiến lược ngăn chặn quyết liệt. Nghĩa là, ở rất nhiều khía cạnh, quân Hungary đã thua ngay từ khi trận đánh chính thức bắt đầu.
Về mặt quân sự thuần túy, quân Ottoman đông hơn, được trang bị tốt hơn, có tinh thần chiến đấu cao hơn, và tư duy quân sự cũng hiện đại hơn. Ngược lại, vua Lajos II cùng Tổng giám mục Tomori vẫn gắn chặt với "binh pháp" kiểu cũ.
Họ cho thiết kỵ xung phong trước, và đợt xung phong này cũng tạo nên một số rối loạn trong hàng trận kẻ địch. Song, Suleiman I đã nhanh chóng vãn hồi trật tự, và tái tổ chức đội hình cho đoàn quân của mình một cách nhanh chóng. Lực lượng Janissaries tinh nhuệ của quân Ottoman đẩy lui kỵ binh Hungary, không chỉ bằng lòng dũng cảm mà còn bằng cả sức mạnh của súng hỏa mai. Trong khi đó, kỵ binh nhẹ spahi của quân Ottoman, rất nhanh nhẹn và linh hoạt, cũng góp phần làm trận tuyến của quân Hungary trở nên xộc xệch. Và cuối cùng, những hàng đại bác lên tiếng, để định đoạt trận đánh, bằng cách xé toạc những đoàn chiến binh Hungary hoảng loạn.
Vua Lajos II cố gắng đào tẩu khỏi cuộc tàn sát, nhưng bị giật xuống khỏi lưng ngựa, và giết chết giữa trận tiền. Khoảng 1.000 nhà quý tộc cùng chức sắc tôn giáo nữa cũng bị giết. Suleiman I ra lệnh không bắt tù binh, và thêm hàng nghìn người nữa bị thảm sát. Sau đó, quân Ottoman tiến vào Buda. Khi rời đi, họ mang thêm 100.000 tù nhân.
Và Geza Gardonyi để nhân vật của mình nức nở: "Khăn liệm đó phủ lên toàn dân tộc/ Đất nước này còn sinh phục nữa đâu…"
*"Trận Mohacs đánh dấu một bước ngoặt đau thương, khi chính thức khép lại kỷ nguyên Vương quốc Hungary là một thực thể thống nhất và độc lập. Giới công hầu Hungary bị chia rẽ nặng nề, khi đất nước trở nên kiệt quệ giữa hai gọng kìm Thánh chế La Mã và Ottoman. Sau một cuộc nội chiến tranh giành ngôi vua (từ 1525 đến 1538), miền trung và miền nam Hungary bị sáp nhập vào đế quốc Ottoman, trong khi vùng tây và bắc Hungary bị chuyển giao cho Ferdinand I thuộc Hoàng gia Habsburg. Sự tồn tại leo lét của phần lãnh thổ ít ỏi còn lại cũng chỉ duy trì được đến năm 1596. Còn sau đó, Hungary trở thành một phần của đế quốc Áo-Hung, cho đến tận khi Đệ nhất Thế chiến khép lại.
* "Theo số liệu từ Britanica, ở trận Mohacs, quân Ottoman chỉ thương vong 2.000 trên tổng số 60.000 quân. Con số thiệt hại của quân Hungary là 18.000 trên tổng số 35.000 quân. Trong đó, khoảng 14.000 người được cho là đã ngã xuống ngay sau đợt xung sát đầu tiên của quân Thổ, với hỏa lực áp đảo hoàn toàn.