Những đôi cánh cứu thành Wien

Thứ Tư, 06/07/2022, 12:17

Vô số chiến công gắn liền với danh tiếng lẫy lừng của đội “kỵ binh bay” huyền thoại Ba Lan – Winged Hussar, hay Hussaria.

Nhưng, trong đó, có lẽ không chiến công nào vang dội bằng trận xung sát đánh tan đại quân Ottoman bên ngoài những bức tường phòng thủ thành Wien (thủ đô Áo hiện tại). Nhờ đó, châu Âu Thiên Chúa giáo La Mã đã tránh khỏi một bi kịch: Bị tràn ngập bởi những lá cờ nửa vành trăng Hồi giáo.

Trên đỉnh ngọn triều

Đó là thời cực thịnh của Đế quốc Ottoman. Và dĩ nhiên, lần động binh năm 1683 này mang khí thế “hùng hổ” hơn gấp bội so với những lần tiến đánh Wien hơn 100 năm trước.

Sau đại thắng Mohacs đánh tan nát toàn quân Hungary năm 1526, quân đội Ottoman dưới sự chỉ huy của Sultan Suleiman Đại đế đã mở toang được cánh cửa tiến thẳng vào đồng bằng sông Danube, để rồi chiếm thủ đô Buda của Hungary năm 1541.

Tuy nhiên, việc vua Hungary – Lajos II – chết trên chiến trường Mohacs lại khiến Ottoman phải chạm trán một “đại địch”, khi Hoàng đế Ferdinand I thuộc hoàng gia Habsburg lại đòi quyền thừa kế ngai vàng Hungary. Và dĩ nhiên, các đoàn quân Habsburg được huy động nhằm phục vụ mục tiêu này.

atak_husarii.jpg -0
Hussaria xung trận tại Wien.

Trong khi đó, sau những bước bành trướng quá thần tốc, đột nhiên Suleiman Đại đế thấy cương thổ đế quốc Ottoman của mình mở rộng gấp bội. Điều này dẫn đến những khó khăn khách quan hiển nhiên về các vấn đề cai trị, cũng như duy trì và đảm bảo hậu cần cho một đoàn quân khổng lồ đang hướng đến Wien – “trái tim của châu Âu” vào thời điểm đó. Ước tính, quân đội đa sắc tộc của Ottoman lên đến khoảng từ 120.000 đến 300.000 người, khi Suleiman quyết định xua quân đánh Wien, ngày 10-5-1529.

Do đó, ngay từ đầu, chiến dịch này đã diễn ra với rất nhiều bất lợi đối với những kẻ chinh phạt Hồi giáo. Không nắm vững được địa hình cũng như thời tiết, Suleiman đã buộc phải bỏ lại trên đường hành quân không chỉ lạc đà – phương tiện vận tải quen thuộc khi tác chiến ở Trung Đông và Tiểu Á – mà cả những cỗ đại bác lẫn không ít binh lính kiệt quệ vì dịch bệnh. Dưới chân thành Wien, lực lượng đông đảo và giàu sức chiến đấu nhất dưới tay Suleiman Đại đế là khinh kỵ binh Spahi, binh chủng hoàn toàn không phù hợp với nhiệm vụ công kiên chiến.   

Ngược lại, quân Áo phòng thủ Wien đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Họ gia cố các công sự phòng ngự, và còn được tiếp viện bởi những đội quân đánh thuê thiện chiến mà anh em họ của Ferdinand I – Vua Charles V của Tây Ban Nha – gửi tới. Do đó, đến tháng 10, khi tuyết bắt đầu rơi, sau một tháng vây hãm “không làm nên cơm cháo gì”, quân Ottoman buộc phải triệt thoái trong hỗn loạn.

Ba năm sau, Ottoman lại tiến binh đến sát Wien, nhưng cũng chỉ để rút lui trong bối cảnh tương tự.

Song, đến thế kỷ XVII, bản đồ địa chính trị cũng như tương quan lực lượng giữa Đế quốc Ottoman và Đế chế La Mã thần thánh nhà Habsburg đã thay đổi đáng kể. Thời điểm năm 1683 ấy,  lãnh thổ Ottoman đã trải dài toàn bộ đông-nam châu Âu – duyên hải phía bắc Địa Trung Hải, và cả dải bờ biển Bắc Phi ở phía nam Địa Trung Hải, với diện tích lên đến 11,5 triệu km2.

Sultan của Ottoman khi ấy là Mehmed IV, cũng như Suleiman Đại đế, lại muốn chinh phục “trái tim của châu Âu”. Ngày 14-7-1683, lấy cớ đáp ứng lời cầu cứu của Imre Thoekoely – vua Hungary được Ottoman hậu thuẫn, Mehmed IV hạ lệnh cho đại quân của mình một lần nữa tiến thẳng vào Trung Âu.

Những thiên thần Hussaria

Wien không chỉ là một địa điểm giao tranh mang tính biểu tượng. Nếu chiếm được Wien, Ottoman còn có thể khuếch trương thanh thế, đồng thời kiểm soát những mối “thực lợi” quan trọng, như toàn tuyến thương mại trên hệ thống sông Danube (nối từ Hắc Hải đến Địa Trung Hải), hoàn tất cuộc chinh phạt Hungary, tạo bàn đạp uy hiếp trực tiếp thế giới Thiên Chúa giáo Tây Âu.

Biết rõ điều đó, quân phòng ngự Habsburg tổ chức xây dựng các công sự - pháo đài rất cẩn thận.  Ở tuyến phòng thủ đầu tiên là các con hào. Các tuyến đường chính đều có cọc nhọn. Phía sau là một loạt chiến lũy hình tam giác yểm trợ cho các cánh quân phía trước có thể phòng thủ hoặc rút lui.

Các đồn lũy này được yểm trợ từ các cỗ pháo bắn rất chính xác từ tường thành phía sau. Các tháp canh được bố trí quanh ngoài tường thành thay thế các chòi canh kiểu Trung cổ, binh lính trong tháp canh có thể quan sát quân địch tấn công theo ba hướng: cả trước mặt, bên trái lẫn bên phải. Các tháp canh này có sức mạnh như những pháo đài ngăn quân Ottoman tấn công.

Mặc dù vậy, đối diện với khí thế như sóng trào của đoàn quân chinh phạt Hồi giáo – vốn cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng với rất nhiều bài học kinh nghiệm từ quá khứ, 15.000 quân Áo trú phòng cũng vẫn từng bước bị đẩy lui.

Đến đầu tháng 8-1683, quân Ottoman đã đào được những đường hầm tiến sát các chiến lũy hình tam giác ở bên ngoài và đặt mìn phá chân thành. May mắn cho quân Áo là họ đã kịp phát hiện. Tuy vậy, sau một tháng chống cự với lực lượng mỏng hơn nhiều, quân Áo hao hụt dần và gần như không còn đủ sức cầm cự nữa.

Đúng lúc ấy, viện binh bao gồm liên quân Áo – Đức – Ba Lan đến kịp chiến trường, do vua Ba Lan Jans Sobierski làm tổng chỉ huy. Tràn trề sinh lực, “kỵ binh bay” Hussarian của Ba Lan liên tiếp công kích vào các sườn của thế trận bao vây mà quân Ottoman đang giăng ra trước thành Wien, làm nó trở nên xộc xệch, và hơn cả là tạo nên những nỗi khiếp đảm.

ontzet-van-wenen-2-1-e1572783738413.png -0
Trận Wien 1683 – một bước ngoặt lịch sử.

Ngày 12-9-1683, trận đánh quyết định bùng nổ. Chiếm được địa thế cao, từ đỉnh đồi, Jan Sobierski tập hợp toàn bộ kỵ binh, chia thành 4 cánh (3 trong đó là kỵ binh Hussaria). Ông đích thân chỉ huy một cánh, lao thẳng vào trung tâm quân Ottoman, trong khi quân đồn trú Wien cũng mở cửa thành đánh ra.

Kỵ binh Hussaria, đeo trên vai những đôi cánh uốn cong làm bằng giá sắt gắn lông đại bàng, luôn cho ngựa đi bước thường trước khi đột ngột tăng tốc. Điều này khiến cho bộ binh địch thường tính sai thời gian giao chiến, đồng thời tạo ra một sự trì hoãn khiến tuyến đầu căng thẳng và các tuyến sau sẽ mất đi sự tập trung vốn có của mình. Trong tiếng gió rít ghê rợn khi va đập vào các đôi cánh, những ngọn thương kopica của họ xé tan đội hình quân Ottoman, hất tung những thân người, mở đường xung sát thẳng đến trận địa pháo bố trí ở phía sau. 

Không gì cản nổi những đợt cuồng phong ấy, nhất là khi tinh thần chiến đấu của quân Ottoman cũng đã trở nên rệu rã, kể cả lực lượng Janissary khét tiếng thiện chiến.  Sau hơn ba tiếng giao tranh, liên quân Thiên Chúa giáo – mà nòng cốt là Hussaria Ba Lan – đã hoàn toàn làm chủ chiến trường. Quân Ottoman, dưới sự chỉ huy của Pasha (Thống chế Hồi giáo) Mustafa, phải lui về tận Belgrad (thủ đô Serbia hiện tại).

Từ chiến công oanh liệt này, một bước ngoặt được tạo nên, khi Ottoman đi qua đỉnh dốc hưng thịnh, còn đế chế Áo – Hung bắt đầu thực sự “xưng hùng xưng bá”. Và cũng nhờ đó, Wien tiếp tục trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới – “cái nôi” của các thiên tài âm nhạc thuộc “trường phái Wien” như Mozart, Schubert, nhà Strauss và Beethoven.

Và như vậy, kể cả khi quân Áo trú phòng đã chiến đấu vô cùng quả cảm, nếu không có sức mạnh phi thường của những đoàn kỵ binh bay Ba Lan, Wien đã hoàn toàn có thể phải chấp nhận thảm cảnh tương tự như Constantinople – kinh đô của Byzance, bị tàn phá và bị buộc phải trở thành kinh đô của đế quốc Hồi giáo Ottoman… 

* Năm 1526, sau trận Mohacs, Hungary bị chia làm đôi. Phần phía tây bị sáp nhập vào lãnh thổ của họ Habsburg, còn phần phía đông trở thành chư hầu của Ottoman, dưới quyền một quý tộc Hungary quy phục là Szapolyai János – được Suleiman phong làm vua Hungary. Tình trạng này vẫn được duy trì sau khi quân Ottoman phải triệt thoái khỏi ngoại vi thành Wien năm 1529. Tuy nhiên, nhờ ra sức chống đỡ ở Wien, Charles V của nhà Habsburg được Giáo hoàng Clemant VII thừa nhận là Hoàng đế của Thánh chế La Mã.

* Trong trận vây hãm Wien năm 1683, theo các nguồn sử liệu khác nhau, lực lượng của Ottoman và chư hầu vào khoảng 150.000 quân với khoảng 300 khẩu thần công, bao gồm cả bích kích pháo. Đối diện với họ, Thánh chế La Mã và liên minh có khoảng 40.000 quân của nhà Habsburg, và hơn 30.000 viện binh từ Liên bang Ba Lan – Litva. Kết thúc chiến dịch, quân Ottoman phải chấp nhận những thiệt hại nặng nề: Ít nhất 10.000 lính tử vong, 5.000 bị thương, 5.000 bị bắt, và toàn bộ đại bác bị phá hủy hoặc tịch thu.

Thiên Thư
.
.