Lịch sử bị nhầm lẫn về cha đẻ thuốc giảm đau Aspirin

Thứ Bảy, 31/10/2020, 12:32
Là một trong những loại thuốc giảm đau thông dụng nhất thế giới, aspirin được ưa chuộng vì dễ sản xuất, dễ sử dụng và giá thành rẻ. Đó cũng là lý do khiến câu chuyện về người sáng chế ra loại thuốc này bị nhầm lẫn trong thời gian dài. Liệu đây là một sản phẩm của y học hiện đại hay có từ thời của ông tổ nghề y Hippocrates?

Tài liệu sai lệch

Aspirin tương đối lành tính với cơ thể người vì chúng ta có thể hoàn toàn sản xuất loại thuốc này từ những chế phẩm tự nhiên. Một trong những thành phần chính dùng để chế tạo aspirin là chất salicin, vốn có trong nhiều loại thực vật phổ biến ở châu Âu như lá cây liễu và đào kim nương. Bỏ qua các khía cạnh liên quan đến chuyên môn y học, giống như nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí khác, nguồn gốc của aspirin từ lâu đã bị phủ mờ bằng những huyền thoại về y học cổ đại.

Ngay từ những câu chuyện truyền miệng xa xưa đến thời kỳ bùng nổ mạng xã hội và Internet, chúng ta có thể đọc được một vài câu chuyện cho thấy cha đẻ của aspirin là ông tổ ngành y Hippocrates. Vô số câu chuyện được thêu dệt cho chúng ta thấy Hippocrates và các học trò đã dạy người Hy Lạp cổ đại dùng lá liễu để giảm đau trong cuộc sống thường ngày, từ đó truyền cảm hứng cho hậu thế tìm ra aspirin sau đó. Nhưng liệu điều đó có đúng hay không?

Lần lại những tài liệu cổ hiếm hoi của Hippocrates còn giữ lại đến ngày nay, các nhà khảo cổ nhận ra ông gần như chẳng đề cập gì đến tác dụng chữa bệnh của lá liễu và đào kim nương cả. Dù vậy, những huyền thoại về việc Hippocrates là cha đẻ thực sự của aspirin vẫn lưu truyền đến tận ngày nay như một luận điểm chỉ ra y học cổ đại tiến bộ hơn rất nhiều so với những gì chúng ta vẫn biết. Ở đó ta có thể thấy Hippocrates sử dụng lá liễu thay aspirin chữa bệnh thường ngày theo những cách rất đơn giản.

Cụ thể hơn, một vài câu chuyện kể Hippocrates đưa lá liễu vào đơn thuốc cho phụ nữ mắc chứng đau đầu khi làm việc. Số khác nói ông uống trà lá liễu hàng ngày để giảm chứng đau nhức cơ bắp thường gặp phải, ngoài ra còn có vài người nói Hippocrates khuyên mọi người nhai lá liễu để giảm đau. Trên thực tế, những gì Hippocrates viết về công dụng của lá liễu chỉ có đúng một điều, và nó không liên quan gì đến giảm đau cả. Ông khuyên phụ nữ đang mang thai xông khói hun từ lá liễu để tránh nguy cơ sảy thai.

Hippocrates được cho là cha đẻ của Aspirin, dù thực tế không phải vậy.

Ngoài những tài liệu viết tay của Hippocrates còn lưu lại, một vài thầy thuốc cổ đại cũng đưa thân và lá liễu vào làm nguyên liệu chế tạo thuốc. Tuy nhiên không có ai nhắc đến cách dùng lá liễu để giảm đau chỉ bằng cách nhai hay chiết xuất như những câu chuyện truyền miệng thuật lại. Quan trọng hơn, loại thảo dược được Hippocrates đề cập tới là cây liễu trắng, vốn có hàm lượng salicin thấp hơn hẳn những loại thực vật cùng họ.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học hiện đại đã chỉ ra aspirin chỉ thực sự có tác dụng lên người uống khi hàm lượng salicin trong đó đạt khoảng 60-120mg mỗi liều. Việc tiếp nhận lượng lớn salicin như vậy không thể thực hiện chỉ bằng những cách đơn giản như nhai lá liễu trực tiếp hoặc uống trà đun từ lá liễu. Ngoài ra, việc sử dụng thảo dược như những kẻ mạo danh Hippocrates lan truyền có thể lợi bất cập hại vì tác dụng phụ của tannin, một loại chất độc có trong lá liễu.

Cây liễu trắng được đề cập đến trong tài liệu của Hippocrates có vị đắng đặc trưng của chất tannin. Khi cơ thể người hấp thụ chất này vào cơ thể theo đường dạ dày, nó sẽ gây ra cơn đau bụng dữ dội. Điều đó cũng có nghĩa những ai muốn thử giảm đau bằng aspirin theo lời những kẻ mạo danh Hippocrates sẽ quằn quại với cơn đau bụng mà không cảm thấy triệu chứng thuyên giảm chút nào.

Để hạn chế tác dụng phụ do cây liễu trắng gây ra, một học giả La Mã cổ đại có tên Dioscorides đã viết hướng dẫn sử dụng theo hướng do ông tự điều chế và thử nghiệm. Theo lời Dioscorides, người ta có thể hạn chế tác hại gây đau bụng của lá liễu bằng cách đốt thành tro, trộn vào giấm rồi bôi lên các vết chai trên cơ thể. Cách này sẽ giúp vết chai dần mờ đi rồi biến mất theo thời gian mà không để lại vết.

Nhưng đào sâu vào cơ sở khoa học, có thể thấy ngay cả Dioscorides cũng nhầm lẫn về tác dụng của lá liễu với cơ thể người. Vết chai mờ đi hoàn toàn không nhờ chất salicin có trong lá liễu, mà đến từ tính axit của giấm. Nói cách khác, tài liệu y học cổ đại của Hippocrates và những người cùng thời với ông về cách chữa bệnh bằng lá liễu đều có độ chính xác rất thấp. Do đó, rất khó khẳng định Hippocrates là cha đẻ của thuốc giảm đau aspirin như những câu chuyện được lan truyền nhiều năm qua.

Cây liễu trắng được Hippocrates đề cập có rất ít dược tính.

Ai đã mạo danh Hippocrates?

Từ những dẫn chứng chỉ ra ở trên, chúng ta có thể khẳng định Hippocrates hoàn toàn không có phương pháp nào cụ thể nhằm chế tạo ra một loại thuốc tương tự aspirin ngày nay. Vậy ai đã mạo danh Hippocrates để lan truyền câu chuyện về tác dụng kỳ diệu của việc nhai lá liễu, cũng như nhà y học Hy Lạp cổ đại là cha đẻ của thuốc aspirin? Đó là một câu chuyện dài bắt nguồn từ thế kỷ 18 bởi một nhà truyền giáo Anh quốc có tên Reverend Edward Stone.

Khoảng năm 1757, Stone thử nhai lá liễu trắng và phát hiện nó đắng kinh khủng. Với suy nghĩ "thuốc đắng dã tật", Stone nảy ra ý định sử dụng loại thực vật này để làm thuốc. Nghĩ là làm, ông gom một cân lá liễu rồi phơi khô, nghiền ra thành bột, đun cùng nước nóng đem xông hơi 4 giờ một lần trong ngày để giảm cơn sốt mình mắc phải. Việc này vô tình giúp gia tăng và tập trung hàm lượng salicin có trong lá liễu lại, qua đó tác dụng trực tiếp lên cơ thể Stone.

Với thí nghiệm trực tiếp lên bản thân mình, Stone viết lại một bản báo cáo gửi lên Viện Khoa học Hoàng gia Anh về tác dụng giảm đau của lá liễu. Có thể nói ông là người đầu tiên phát hiện ra ứng dụng của chất salicin làm nên thuốc aspirin như ngày nay. Tuy nhiên cũng phải mất gần một thế kỷ sau ngày Stone nghiên cứu, 2 học giả Italia là Brugnatelli và Fontana mới chiết xuất thành công chất salicin có trong lá liễu vào năm 1826.

Kể từ ngày phát kiến của Brugnatelli và Fontana được công bố, nghiên cứu về công dụng của chất salicin được đẩy nhanh với tốc độ chóng mặt. Đến năm 1828, dược sĩ người Đức Johann Andreas Buchner cải thiện sản lượng chiết xuất salicin có trong lá liễu và đặt tên chính thức cho chất này. Tên "salicin" có nguồn gốc là từ "salix" trong tiếng Latin, có nghĩa là cây liễu.

Aspirin là một trong những loại thuốc thông dụng nhất ngày nay.

Đến cuối thế kỷ 19, nhà nghiên cứu người Đức Felix Hoffmann chuyển đổi thành công chất salicin thành axit salicylic, chính là thuốc aspirin ngày nay. Ông cũng là người đi đầu trong việc sản xuất hàng loạt loại thuốc giảm đau này và đưa ra ngoài thị trường với bằng độc quyền sáng chế mang tên mình vào năm 1899. Thú vị hơn, công ty bảo trợ cho nghiên cứu của Hoffmann chính là tập đoàn dược phẩm Bayer, cũng là nhà tài trợ chính cho đội bóng Bayer Leverkusen.

Vậy đâu là lý do khiến những câu chuyện truyền miệng sai lệch về việc Hippocrates là cha đẻ của aspirin vẫn tiếp tục lan truyền đến tận ngày nay? Nguyên nhân một phần bởi chúng ta thường có xu hướng dễ dàng tin vào câu chuyện mình đọc được, nhất là với những nội dung có màu sắc thần bí. "Hippocrates chế tạo ra aspirin trước cả khoa học hiện đại hàng ngàn năm" dĩ nhiên sẽ gây ấn tượng hơn rất nhiều một câu chuyện thông thường. Tuy nhiên đó cũng là nguyên nhân khiến hiểu nhầm tiếp tục lan rộng theo thời gian.

Những cống hiến cho y học của Hippocrates luôn được hậu thế ghi nhận, tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta có thể hiểu nhầm về những công trình ông để lại đến ngày nay. Chúng ta biết chất salicin có trong lá liễu, và chất này là tiền tố để chế tạo nên aspirin giúp giảm đau cho con người. Đó cũng là lý do khiến đôi lúc chúng ta nhầm lẫn Hippocrates sáng chế ra aspirin bằng những phương thức đơn giản ít ai ngờ đến.

Điều may mắn là bên cạnh những câu chuyện sai lệch mang màu sắc thần thoại, những thông tin thực tế nói về nguồn gốc của aspirin vẫn được khoa học ghi nhận. Việc này giúp xác định chính xác cha đẻ của loại thuốc này, qua đó góp phần cải tiến nó trong tương lai thông qua các phương thức sản xuất hàng loạt. Vì thế mỗi khi sử dụng aspirin để giảm đau, chúng ta hãy cảm ơn Hoffmann và các cộng sự thay vì Hippocrates.
Hải Sơn
.
.