Cuộc Thập tự chinh thứ hai: Chia rẽ là tự sát

Thứ Tư, 20/11/2019, 21:34
Năm 1099, cuộc Thập tự chinh đầu tiên kết thúc, khi Thập tự quân tiến vào Jerusalem, tàn sát những cư dân Hồi giáo và Do Thái bản xứ, đồng thời thiết lập các vương quốc Thiên Chúa giáo đầu tiên ở Đất Thánh.

Song, những sắc thái huy hoàng chỉ duy trì được 45 năm. Năm 1144, quân Hồi giáo quật khởi, chiếm lại Edesse - một trong những đô thị lớn nhất. Và Thánh Bernard (Saint Bernard - thủ lĩnh tinh thần quan trọng nhất của cộng đồng Ki-tô hữu châu Âu vào thời điểm đó) đích thân kêu gọi tiến hành Cuộc Thập tự chinh thứ hai.

Bước lùi vĩnh viễn

Vương hầu Tây phương nhiệt thành ủng hộ lời kêu gọi của Saint Bernard. Lần đầu tiên, các bậc quân chủ cao quý nhất ngự giá thân chinh đến tận Trung Đông, như vua Pháp Loius VII hay Hoàng đế Đế chế La Mã thần thánh của người Germany Conrad III. Có lẽ động lực thúc đẩy họ đi xa đến vậy không chỉ là lòng sùng tín tôn giáo đơn thuần, mà còn là tiếng mời gọi đầy quyến rũ của lợi ích. Nhưng dù sao, họ cũng đã đến, cùng binh sĩ.

Có điều, Thập tự quân châu Âu vẫn bị đánh đại bại ở bán đảo Tiểu Á, quanh Constantinople - kinh đô của Byzance. Đến được Đất Thánh, họ cố gắng vây hãm  và tiến chiếm Damascus (thủ đô Syria hiện đại) - kinh thành của Hồi giáo vào lúc đó (năm 1149). Song, nỗ lực ấy không thể kết thúc trọn vẹn. Năm 1154, một viên đại tướng Hồi giáo là Nur-ad-Din (thường được ghi là Noureddin) chiếm lại Damascus, thống nhất toàn cõi Syria, chong mặt đối chiến với quân Thiên Chúa giáo.

Bản đồ cuộc Thập tự chinh thứ hai.

Năm 1169, một vì sao nữa vụt sáng, bên phía bầu trời Hồi giáo. Salah ad-Din - người mà các sử gia phương Tây thường gọi tắt là Saladin - bước lên vũ đài quyền lực. Đó là lãnh tụ Hồi giáo sáng chói nhất trong cả thời kỳ Thập tự chinh, "nổi tiếng thao lược và hào hoa mã thượng" (theo các tác giả cuốn Văn minh phương Tây), cũng là cái tên đến bây giờ vẫn luôn được nhắc tới trong các tác phẩm nghệ thuật về thời kỳ đó (điển hình như trong bộ phim Kingdom of Heaven của Hollywood năm 2005, với Orlando Bloom thủ vai chính Balian cùng Ghassan Massoud vào vai Saladin).

Saladin khôn khéo tận dụng được mọi khía cạnh cần thiết để giành thắng lợi. Ông thâu tóm quyền lực, giao các thành trì Hồi giáo ở các vị trí huyết mạch tại Syria và Lưỡng Hà cho những người thân tín nhất. Ông nắm bắt một lần vi phạm hiệp định đình chiến từ một lãnh chúa Thập tự quân, giành hết chính nghĩa về tay mình (trong mắt các đại gia tộc ở Đất Thánh), rồi xua quân phản kích.

Năm 1187, Jerusalem bị quân Hồi tái chiếm. Sau đó ít lâu, trừ hải cảng Tvre, trong thành phố ấy không còn một di tích Cơ Đốc giáo nào. Và sau cột mốc này, Thập tự quân không bao giờ đặt chân được vào ngôi thành thiêng liêng ấy nữa. Cũng như Edesse.

Một trăm năm sau, trước khi loài người bước vào thế kỷ XIV, tất cả các vương quốc Thiên Chúa giáo mà Thập tự quân dựng lên ở Trung Cận Đông đều đã bị xóa sổ.

Lời hiệu triệu của Thánh Bernard.

Ở hai phía lở - bồi

Kết cục của cuộc Thập tự chinh thứ hai, ở một khía cạnh nào đó, có thể xem là dễ dàng dự đoán với bất cứ ai tìm hiểu dòng chảy lịch sử trong giai đoạn trước đó. Những gợi ý của các dữ kiện đã hé lộ ngay trong biên niên sử - đồ thị biểu đạt thịnh suy từ hai phía.

Ngay sau khi công hạ Jerusalem năm 1099, những mầm mống chia rẽ đã xuất hiện trong nội bộ Thập tự quân và cộng đồng Thiên Chúa giáo. Như đánh giá ngắn gọn của Edward McNall Burns, khi kêu gọi sự giúp đỡ của Giáo hoàng Urban II, Hoàng đế Byzance Alexius Comnenus "chỉ quan tâm đến việc tái chiếm tất cả các tỉnh thuộc đế quốc mình ở châu Á (từ tay người Seljuk gốc Thổ Nhĩ Kỳ). Trái lại, mục tiêu chính của Giáo hoàng Urban II không phải là giải cứu Byzance, mà là củng cố Thiên Chúa giáo ở phương Đông, tôn vinh vị thế của mình, hướng đến sự hợp nhất hai giáo hội dưới quyền chỉ huy của mình. Và có lẽ, cũng không thể không hiện hữu những tham vọng lợi ích thế tục.

Trên thượng tầng đã vậy, ở hạ tầng, các lãnh chúa Thập tự quân tại các tân tiểu vương quốc Thiên Chúa giáo mới thành lập lại nhanh chóng quay ra kình chống nhau. Edesse, Tripoli, Jerusalem và Nicea thường không quan tâm đến việc xây dựng một hệ thống phòng thủ chung, cho dù tất cả những thành bang ấy vẫn luôn bị người Hồi giáo tập kích. Thậm chí, các lãnh chúa Thập tự quân còn sẵn sàng thương lượng và liên kết với quân Hồi giáo, nhằm bảo vệ lợi ích riêng của mình. Và với đống của cải có được dễ dàng từ cướp bóc cũng như tổ chức thương mại, những tiểu quốc Thập tự quân nhanh chóng rơi vào vũng lầy xa hoa. Trong khi đó, bên cạnh sự tranh chấp Chính Thống giáo Đông phương - Thiên Chúa giáo La Mã, ở Trung Cận Đông vẫn luôn tồn tại những giáo hội riêng (với dăm khác biệt nhỏ nhưng không ai muốn san lấp), của Hy Lạp, Armenia và Syria.

Các lực lượng vũ trang Thiên Chúa giáo cũng trở thành những tổ chức quân sự tách biệt. Ngay trong danh tác Ivanhoe của văn hào Anh Walter Scott thôi, ta cũng đã có Hiệp sĩ dòng Đền (Templar Knight) và Cứu tế giáo đoàn, chưa kể đến các lực lượng đánh thuê (thí dụ như quân đội của đế chế - cộng hòa Venezia). Các hiệp sĩ người Đức thì thành lập Đoàn hiệp sĩ Teuton, cũng khét tiếng hung bạo. Tất cả lúc đầu đều thề lời thề thanh bần phụng sự Chúa, nhưng hầu hết đều nhanh chóng thoái hóa, sa ngã và trụy lạc. Họ có sẵn sàng tranh chấp lẫn nhau, tranh chấp với giới quý tộc và giáo sĩ ở Đất Thánh, tranh chấp với những người mới đến… Thậm chí, có những người còn sẵn sàng phá hoại cuộc vây hãm Damascus năm 1149. Và về sau, họ chú tâm thành lập các ngân hàng nhiều hơn là bảo vệ các đoàn người hành hương.

Ngược lại, Hồi giáo chứng kiến bước lùi của mình bắt đầu từ sự chia rẽ giữa hai phái Sunni - Shii'te (sau khi Giáo chủ Mohammed qua đời), rồi mất Jerusalem khi những xung đột nội bộ lên đến đỉnh điểm. Nếu không chia rẽ đến vậy, bằng vào sự vượt trội về các vấn đề kỹ thuật quân sự, chưa chắc họ đã để mất nhiều đất đai đến thế vào tay Thập tự quân. Bắt đầu từ cuối những năm 1120, tổng trấn thành Mosoul trên sông Tigre là Zani - người tái chiếm Edesse - phất cao ngọn cờ tập hợp. Hai năm sau, Zangi bị ám sát, nhưng tư tưởng của ông được thấm nhuần bởi Saladin.

Saladin - một huyền thoại.

Saladin, nói cho cùng, cũng đã phải trải qua những khúc quanh nghiệt ngã để bảo vệ quyền lực của chính mình, và thống lĩnh quân Hồi giành chiến thắng. Zangi chính là cha của Noureddin, còn Saladin xuất thân là tướng của Noureddin. Tính chính thống của nhà Zangi khiến Saladin đã bị công kích rất dữ dội, bị xem là kẻ phản nghịch sau khi Noureddin mất. Nhưng khác với Tào Tháo ở Á Đông thời Tam Quốc, ông không ngần ngại sử dụng vũ lực lập nên triều đại của riêng dòng họ mình, song song với việc khai thác và khuếch đại những điểm yếu bên phía đối thủ.

Cuối cùng, dưới tay Saladin, Hồi giáo gần như đã được hoàn toàn tái thống nhất, khi các vương hầu biên địa cũng chấp nhận thần phục ông. Và khi quân đội của ông kéo vào chiếm lại Jerusalem, kết thúc Cuộc Thập tự chinh thứ hai, một nền tảng cơ bản đã được tạo dựng. Không còn cơ hội nào cho Thập tự quân, ở những lần Thánh chiến tiếp theo nữa…

Có lẽ cũng cần nhắc lại lời kêu gọi của Giáo hoàng Urban II tại Công đồng Clermont dành cho giới quý tộc Pháp, khi phát động Cuộc Thập tự chinh đầu tiên: "Nơi các ngài đang ở bốn phía bị biển và núi cao bao bọc, quá hẹp đối với dân số đông đúc của các ngài, cũng không có đủ của cải dồi dào, và gần như không đủ lương thực cung cấp cho những người canh tác… Hãy bước theo con đường dẫn đến Mộ chúa Jesus, giành lấy vùng đất ấy từ tay những giống người độc ác, và buộc họ phải quy phục các ngài. Vùng đất ấy, theo lời Kinh Thánh, đầy ắp sữa và mật ong, được Chúa trao cho con cháu Israel sở hữu. Jerusalem là cái rốn của thế giới, là vùng đất phì nhiêu hơn mọi vùng đất khác, tựa như thiên đường của sự hân hoan…" - theo cuốn Văn minh phương Tây - Lịch sử và văn hóa của Edward McNall Burns.
Saladin (1137-1193), là Hồi vương (Sultan) đầu tiên của cả Ai Cập lẫn Syria, là người mở đầu triều đại Ayyubid, một tín đồ Hồi giáo thuộc phái Sunni. Là một chính trị gia khéo léo hơn là một vị chỉ huy quân sự kiệt xuất, ông luôn cố gắng mở những cánh cửa ngoại giao cho Thập tự quân. Một năm trước khi mất, ông ký hòa ước với vua Richard Sư tử tâm (Richard the Lionheart) của nước Anh, qua đó đưa Thập tự quân rời Đất Thánh.

Ngay cả các sử gia phương Tây cũng chưa từng bôi xóa hình ảnh của ông thành một dạng ác quỷ. Tương truyền, mặc dù trở thành lãnh tụ tối cao của thế giới Hồi giáo, nhưng lúc chết, của cải của Saladin chỉ có một đồng vàng và 40 đồng bạc, bởi ông đã bố thí toàn bộ tài sản cho người nghèo.
Đông Quân
.
.