Thực phẩm biến đổi gen lợi bất cập hại

Thứ Bảy, 29/04/2017, 17:08
Ngày nay, khi nhu cầu về thực phẩm của con người ngày một lớn, khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực lương thực thực phẩm ngày càng được đầu tư và chú trọng.

Nhiều năm trở lại đây, một trong những vấn đề nóng gây tranh cãi là thực phẩm biến đổi gen - lần đầu được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng là cây thuốc lá.

Các nhà khoa học gây biến đổi gen ở cây thuốc lá để chúng kháng thuốc diệt cỏ, rồi trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986. Một thập niên sau đó, cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà với mục đích thương mại, và mở đầu kỷ nguyên của thực phẩm biến đổi gen.

Tuy chưa được khẳng định là an toàn cho sức khỏe của con người nhưng thực phẩm biến đổi gen ngày một lan rộng. Hiếm người biết rằng phần lớn lượng thực phẩm biến đổi gen trên thế giới đến từ Monsanto (Mỹ), công ty đã tạo ra chất diệt cỏ chứa dioxin (hay còn gọi là chất độc màu da cam).

Đến nay, các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen đang tạo nên những cuộc tranh luận toàn cầu về nguy hiểm tiềm tàng của chúng đối với đời sống con người; đồng thời, đặt ra vô số câu hỏi về các giải pháp kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm biến đổi gen.

Để tạo ra GMO, người ta có thể cấy thêm hoặc bỏ bớt gen trong hệ thống gen của sinh vật.

Lợi ích mong manh

GMO là thuật ngữ được dùng để chỉ sinh vật biến đổi gen, từ đó tạo nên thực phẩm biến đổi gen. Để tạo ra GMO, người ta có thể cấy thêm hoặc bỏ bớt gen trong hệ thống gen của sinh vật. Mục đích là để biến đổi mã di truyền trong thực vật và động vật, làm cho chúng có khả năng sản xuất cao và khả năng chống lại sâu bọ hay kỹ thuật canh tác cũng như loại bỏ các hóa chất mà bình thường làm chúng chết.

Điều này được thực hiện với mong muốn rằng những sinh vật có bộ gen mới sẽ mang ưu điểm của cả hai loài. Đây là quá trình tạo ra các cá thể hoàn toàn dị biệt với sự phát triển tự nhiên.

Các công ty công nghệ sinh học như Monsanto cho rằng những cây trồng biến đổi gen mang lại năng suất cao hơn vì chúng có thể chịu được thuốc diệt cỏ hoặc chống chọi với sâu bệnh và côn trùng. Monsanto và nhiều công ty đã sử dụng cái gọi là "phương pháp tương đồng cơ bản" để đánh giá mức độ an toàn của GMO.

Phương pháp này được sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của chuỗi sản xuất, từ thu hoạch thô cho đến nguyên liệu hoặc sản phẩm cuối cùng, tùy thuộc vào nguồn gốc và mục đích sử dụng của sản phẩm.

Đã từng có một cuộc biểu tình quy mô quốc tế diễn ra đồng thời ở 436 thành phố thuộc 52 quốc gia khác nhau nhằm phản đối sự phổ biến của GMO.

Năm 1992, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng không có sự khác biệt giữa GMO và các thực phẩm thông thường, vì vậy các cuộc nghiên cứu về mức độ an toàn của GMO là không cần thiết.

Với sự cho phép của FDA, GMO được chính thức đưa vào sử dụng ở Mỹ mà không cần dán nhãn từ năm 1996. Sau đó chính phủ các nước khác cũng xác nhận rằng GMO là an toàn. Mỹ trở thành nước sản xuất 2/3 lượng GMO trên thế giới, và xuất khẩu GMO ra thị trường quốc tế (trong đó 90% GMO đến từ Monsanto).

Những cá nhân ủng hộ cho rằng GMO có những đóng góp tích cực cho quá trình đảm bảo an ninh lương thực, làm tăng nguồn cung lương thực, đồng thời giảm chi phí sản xuất, từ đó cắt giảm lượng nhiên liệu đốt cần sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp. Nhiều nhà kinh tế học lạc quan nhận định, GMO góp phần xoá đói giảm nghèo.

Khảo sát gần đây nhất về tác động của GMO trên toàn cầu cho thấy lợi nhuận mà GMO mang lại cho riêng những người nông dân đạt 10 tỷ USD/năm, và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng lên nhanh chóng nhờ những tiến bộ của khoa học kĩ thuật.

Thảm họa khôn lường

Trên thực tế, sinh vật biến đổi gen có thể đe dọa đa dạng sinh học. Các loại giống biến đổi gen có thể cạnh tranh với các giống cây cổ truyền, với rủi ro chính là làm xáo động các thành phần môi trường với đất, côn trùng thụ phấn hay khí hậu.

Ngoài ra, những sinh vật biến đổi gen có thể "lây lan" qua thiên nhiên thông qua thụ phấn chéo từ môi trường này sang môi trường khác, và giao phối với các sinh vật tự nhiên, do đó làm sinh vật sẽ không thể thực sự kiểm soát các mầm dịch bệnh, dẫn đến sự phát triển của quần thể kháng thuốc.

Đến nay, các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen đang tạo nên những cuộc tranh luận toàn cầu.

Theo nhiều nhà khoa học, GMO tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng, như khả năng gây dị ứng, kháng kháng sinh, hay gây độc lâu dài cho cơ thể. Đây là một trong những tranh luận chủ yếu và vấn đề chỉ được tháo gỡ khi chứng tỏ được rằng sản phẩm protein có được từ sự chuyển đổi gen không phải là chất gây dị ứng.

Vì điều này mà một liên minh chưa từng có của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các chuyên gia y tế, người tiêu dùng và các đầu bếp đã đệ đơn lên tòa án Liên bang Mỹ, chống lại FDA để có được các thử nghiệm an toàn bắt buộc và yêu cầu phải dán nhãn thực phẩm biến đổi gen.

Vụ kiện đã khiến 44.000 báo cáo bí mật nội bộ của FDA bị tiết lộ, trong đó nêu rõ GMO không thực sự an toàn. GMO không chỉ khác biệt so với tự nhiên mà còn rất nguy hiểm, dẫn tới các vấn đề dị ứng, gây độc tố, những căn bệnh mới và các vấn đề dinh dưỡng.

Nhiều hết căn bệnh con người đang đối mặt ngày nay có nguyên nhân gốc rễ là do viêm nhiễm. Rất nhiều trong số đó liên quan đến viêm nhiễm đường ruột, cơ quan nội tạng đầu tiên phải đối mặt với thức ăn được đưa vào cơ thể, trong đó có cả GMO.

Các báo cáo tại Mỹ chỉ ra rằng, kể từ khi ngô và đậu nành biến đổi gen được bắt đầu đưa vào nguồn thực phẩm của Mỹ, vô số các căn bệnh đường tiêu hóa liên quan đến viêm nhiễm đường ruột đã xuất hiện.

Những báo cáo trên đều cho thấy GMO thực sự không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn, mà đã trở thành nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bệnh tật đối với con người. Khó có thể chối cãi rằng Mỹ là nước chịu hậu quả đầu tiên của GMO. Tuy nhiên, điều đáng ngại là GMO vẫn ngày càng trở nên phổ biến, và len lỏi vào bàn ăn của mọi gia đình, trong đó có Việt Nam.

EU đã yêu cầu các thực phẩm GMO phải được dán nhãn mang mã số riêng.

Chính vì những tác hại khôn lường của thực phẩm biến đổi gen mà trên thế giới đã từng có một cuộc biểu tình quy mô quốc tế diễn ra đồng thời ở 436 thành phố thuộc 52 quốc gia khác nhau nhằm phản đối sự phổ biến của GMO. Trong khi Mỹ và các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Mỹ hay châu Á ủng hộ GMO thì châu Âu lại rất dè dặt cấp phép cho việc lưu hành GMO trên thị trường.

Ở Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành viên đều không nhập thực phẩm biến đổi gen. Chính phủ các nước EU cho rằng, trong khi chưa có các bằng chứng xác định về tính an toàn của các GMO thì cần phải thận trọng với các loại cây trồng và gia súc biến đổi gen trên lãnh thổ châu Âu.

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, 97% người tiêu dùng châu Âu mong muốn các sản phẩm biến đổi gen được dán nhãn rõ ràng, 80% hoàn toàn không thích sản phẩm biến đổi gen. Thế nên, các nước thành viên EU đã đưa ra quy định mới về thực phẩm biến đổi gen, yêu cầu các thực phẩm GMO phải được dán nhãn mang mã số riêng để có thể truy ra nguồn gốc và loại bỏ khỏi các cửa hàng trong trường hợp có vấn đề.

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn quá nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gen. Trước những cảnh báo của các nhà khoa học về GMO, người tiêu dùng thế giới vẫn sẽ hoang mang trước ma trận thực phẩm biến đổi gen…

Anh Doãn
.
.